Thụy My - RFI
Thứ tư 18 Tháng Tư 2012
Theo hãng tin Pháp AFP hôm nay, Bắc cực và trữ lượng dầu khí to lớn tại đây chính là mục tiêu chủ yếu trong chuyến công du châu Âu của thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từ ngày 20 đến 27/04/2012. Ông Ôn Gia Bảo sẽ viếng thăm Iceland, Thụy Điển, Ba Lan, và cuối cùng tại Đức ông sẽ đến tham quan hội chợ công nghiệp Hannover.
Nằm trên tuyến đường từ châu Âu đến Bắc cực, Iceland được xem là đất nước có vị trí chiến lược, và hiện tượng băng tan khiến nguồn khoáng sản của vùng này càng dễ khai thác. Những ưu thế này khiến Iceland được Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới, dòm ngó.
Thêm vào đó, do việc chỏm băng Bắc cực bị thụt lùi, đã xuất hiện một tuyến đường vận chuyển hàng hóa mới ngắn hơn giữa châu Á và châu Âu. Vào mùa hè, tàu biển từ Thượng Hải đi châu Âu có thể rút ngắn được một đoạn đường đến 6.400 km.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tống Đào tuần này đã nhấn mạnh : « Có khả năng hợp tác rất lớn về thương mại song phương, địa nhiệt và Bắc cực ». Còn Thôi Hồng Tiệm, Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc cho biết : « Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu về Bắc cực từ rất lâu, với mục đích chuẩn bị cho việc khai thác. Các nước nằm gần Bắc cực như Iceland, Nga, Canada và vài nước châu Âu khác có thể có xu hướng tư nhân hóa Bắc cực và cho rằng mình được ưu tiên. Nhưng Trung Quốc muốn nhấn mạnh: Bắc cực là của chung ».
Sự quan tâm của Bắc Kinh đối với Iceland được biểu lộ một cách gián tiếp vào năm ngoái, khi một đại gia Trung Quốc muốn mua một vùng đất rộng mênh mông ở phía Bắc đảo quốc này, để sử dụng cho một dự án du lịch và bất động sản. Các nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh tìm cách cắm rễ tại đây, nhưng cuối cùng dự định này bất thành, vì Bộ Nội vụ Iceland không đồng ý. Được đặt câu hỏi về thất bại trên, ông Tống Đào khẳng định Bắc Kinh « tôn trọng chủ quyền » của các nước nằm gần Bắc cực, nhưng Trung Quốc cũng muốn tham gia vào việc khai thác « một cách hòa bình và bền vững ».
Chủ tịch ủy ban ngoại giao Quốc hội Iceland, Arni Thor Sigurdsson đã nhìn nhận, Trung Quốc muốn sử dụng Iceland làm cửa ngõ cho việc vận chuyển hàng hóa xuyên Bắc cực. Bắc Kinh thèm muốn một chiếc ghế quan sát viên thường trực trong Hội đồng Bắc cực, một diễn đàn hợp tác liên chính phủ gồm có tám nước, trong đó có Iceland và Thụy Điển.
Ông Tống Đào cho biết, Thụy Điển ủng hộ ứng viên Trung Quốc. Nhưng trong số bảy nước còn lại, Nga và Canada tỏ ra chần chừ, và trước sự cạnh tranh của các quốc gia ứng viên quan trọng khác như Liên hiệp châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Kinh đã phải vận dụng mọi phương cách.
Trong bối cảnh đó, Na Uy có vai trò hết sức quan trọng. Tuy vậy, quan hệ ngoại giao giữa Oslo và Bắc Kinh đang đóng băng từ khi giải Nobel hòa bình được trao cho ông Lưu Hiểu Ba vào năm 2010. Cho dù Ngoại trưởng Na Uy mới đây khẳng định ủng hộ Trung Quốc, nhưng một số nguồn tin cho rằng xu hướng chống đối là rất đáng kể.
Ông Jonathan Holslag, thuộc Brussels Institude of Contemporary China Studies (BICCS), nhận định: “Na Uy đã ngán ngẩm trước việc các container cá hồi bị bỏ mặc đến hư thối tại các cảng Trung Quốc, và trước việc Bắc Kinh tiếp tục đòi phải chính thức xin lỗi về vụ giải Nobel hòa bình, vốn không phải do chính phủ Na Uy quyết định ». Theo ông, thì « Trung Quốc cần Na Uy hơn là Na Uy cần Trung Quốc », và các nước Bắc Âu nằm trong số hiếm hoi những nước châu Âu có thể tỏ thái độ cứng rắn trước Bắc Kinh.
.
.
.
No comments:
Post a Comment