Thursday, 26 April 2012

CƠN SAY SÓNG BIỂN (Trefor Moss, The Diplomat)




Trefor Moss
The Diplomat   24-4-2012

Người dịch: Thủy Trúc
Posted by basamnews on 27/04/2012

Trong khi Trung Quốc, Philippines và Việt Nam cãi nhau về Biển Đông, thì vùng biển này đang bị khai thác cá thái quá và ô nhiễm. Và xung đột có thể xảy ra đến nơi.

Nhiều công dân Trung Hoa, Philippines và Việt Nam sẽ không còn được nghe về mấy mẩu đất tí xíu trên Biển Đông (nguyên văn: biển Hoa Nam) mà chính quyền của họ tranh nhau đòi chủ quyền. Chắc chắn là, hầu như sẽ không ai để mắt tới chúng.

Vậy những nơi như bãi cạn Scarborough – hiện trường của vụ đụng độ trên biển mới đây nhất giữa Bắc Kinh và Manila tháng này – có đáng để bị quan trọng hóa không? Và ai có lỗi khi những vụ đụng độ đó – vốn dĩ có đầy đủ khả năng để khơi mào chiến tranh và ít nhất thì cũng có thể làm chết ngư dân, thủy thủ – tiếp tục xảy ra?

Những hòn đảo nhỏ xíu, không người ở như bãi Scarborough, tự nó có rất ít giá trị. Nhưng các nguồn tài nguyên bao quanh đó thì lại phong phú. Các đảo giống như những cái kim trên bản đồ, mà các chính phủ có thể vẽ vào xung quanh chúng những đường đứt đoạn và tuyên bố chủ quyền đối với mọi thứ nằm trong đường đứt đoạn đó.
Chính là những nguồn tài nguyên ấy – có lẽ cái ăn còn quan trọng hơn dầu hay khí đốt – khiến cho sự ổn định trên Biển Đông trở thành vấn đề.

“Điều khẩn thiết là những khu vực này đang bị đánh bắt cá nhiều quá mức và bị ô nhiễm, và chuyện đó đe dọa nguồn cung thực phẩm của hàng triệu người” – ông Carl Thayer, Giáo sư Danh dự Học viện Quốc phòng Australia, người theo dõi rất sát sao tình hình tranh chấp trên Biển Đông, nói. “Đây là điều mà các nước trong khu vực bắt đầu phải coi là nghiêm trọng”.

Tất nhiên, ngư trường có thể được chia sẻ, cũng như các nguồn năng lượng ngầm dưới biển có thể được khai thác chung. Nhưng như ông Thayer chỉ ra, môi trường biển phải được quản lý cũng như chia sẻ. Nếu có quan niệm rằng ngư dân từ các nước khác đang tận khai thác tài nguyên trong vùng biển tranh chấp, đe dọa sinh kế và nguồn cung cấp thực phẩm (của dân nước mình – ND) thì quan niệm ấy tất yếu sẽ đưa đến phản ứng giận dữ từ các quốc gia cũng có yêu sách chủ quyền khác.

Do đó, chấm dứt tranh chấp Biển Đông là rất quan trọng, nhìn từ khía cạnh an ninh. Mà nhìn từ khía cạnh an toàn thực phẩm thì cũng quan trọng không kém. Như tình hình hiện nay cho thấy, khu vực Đông Nam Á có nguy cơ gặp phải “bi kịch của mảnh đất công”, tức là sự phá hoại các tài nguyên chung mà không một chính quyền riêng lẻ nào kiểm soát (“tragedy of the commons”, thuật ngữ kinh tế học chỉ hiện tượng các tài sản chung được sử dụng tự do dẫn tới hậu quả là bị khai thác cạn kiệt – ND).

Thêm vào đó, ông Thayer chỉ ra rằng trong tương lai gần, sẽ có chuyện cấp giấy phép khai thác dầu, và điều này tiềm ẩn nguy cơ gây xáo trộn nhiều hơn. Tất cả đều xuất hiện vào thời điểm phần lớn các bên liên quan đều đang đầu tư vào hải quân, và trong trường hợp Trung Quốc thì còn là đầu tư vào các lực lượng bán quân sự trên biển. “Cái bồn tắm Biển Đông ngày càng đông nghẹt tàu kiểm soát của Trung Quốc, và tàu tuần tra, tàu ngầm của các nước khác” – Thayer nói.

Cách tiếp cận gay gắt trong tranh luận như thế này khiến cho việc phải có một giải pháp lúc này càng quan trọng hơn, và hoạt động ngoại giao trong năm qua cho thấy rằng có thể đạt được một giải pháp như vậy. ASEAN đã và đang là bên đối thoại chính với Trung Quốc về các vấn đề Biển Đông, và Bắc Kinh cũng đã có một cử chỉ thiện chí quan trọng vào tháng 11 năm ngoái khi họ bỏ ra 475 triệu USD để xây dựng một Quỹ Hợp tác Hàng hải Trung Quốc-ASEAN. Vài nhóm làm việc cấp chuyên gia ASEAN-Trung Quốc cũng đang bắt đầu hoạt động.

Công việc chính của năm 2012 là soạn thảo Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) điều chỉnh hành vi ứng xử trên Biển Đông – được dự kiến là có thể áp dụng sâu rộng hơn bản Tuyên bố về Cách ứng xử (DOC) hiện nay. Quan trọng nhất là, ASEAN đang viết bộ quy tắc mới đó. Hiệp hội này sẽ trình các đề xuất của mình cho Trung Quốc vào tháng 7 tới, và Bắc Kinh sẽ chịu áp lực chính trị là phải chấp nhận công thức ASEAN đưa ra, thay vì tỏ ra độc đoán, bác bỏ kế hoạch. Tiến trình hiện tại cũng gạt bỏ sự hiện diện của Mỹ, điều này làm Trung Quốc hài lòng. Hơn thế nữa, “Trung Quốc đã có lợi thế Campuchia [làm chủ tịch ASEAN] vào thời điểm này” – ông Thayer nói thêm.

Giả sử ý tưởng trao cho ASEAN quyền kiểm soát quá trình soạn thảo bộ quy tắc là nhằm mục đích tạo ra được một thỏa thuận thẳng thắn, thì có vẻ như điều đó đang không diễn ra. Cho dù Trung Quốc đang cố ý phá hoại tiến trình soạn thảo, hay là các thành viên ASEAN chỉ đơn giản là nhát quá, không dám liều qua mặt Trung Quốc bằng việc viết ra các quy tắc ứng xử quá nghiêm khắc, thì COC cũng đang có nguy cơ sẽ thiếu sót nhiều.

“Vấn đề là [các nước có liên quan] đã nói, ‘Chúng ta hãy nhất trí sẽ không can thiệp nếu đây là vùng biển của nước khác, nhưng chúng ta không biết ai sở hữu cái gì’” – ông Thayer quan sát. “Cần phải có hoặc là EEZ, hoặc là vùng khai thác chung, nhưng chúng ta lại không nhìn thấy hợp tác ở những khu vực này”.

Philippines đã cố gắng giải quyết điểm này, với việc Tổng thống Benigno Aquino thúc đẩy khái niệm Biển Đông là một “Khu vực Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác”.

“Cái gì của chúng ta là của chúng ta, còn với cái gì đang tranh chấp, chúng ta có thể hành động để đưa đến khai thác chung” – Aquino đề nghị. Do đó, trong quan niệm của Philippines về COC, vấn đề chủ quyền cần được đặt sang một bên, còn các quy tắc về lộ trình thì cần được đưa ra để thiết lập một tạm ước cho các vùng xám (tức vùng tranh chấp – ND) của Biển Đông.

Liệu Trung Quốc có đồng ý đi theo một thỏa thuận như thế không?

Có lẽ ý định của Trung Quốc thậm chí còn không được kiểm chứng, còn các nước ASEAN thì rất lập lờ nước đôi về việc tạo ra một tiền lệ có thể đưa đến quy chế đặc biệt cho các vùng biển bị tranh chấp chủ quyền. Nói cách khác, họ không thể đặt sang một bên vấn đề chủ quyền ở số ít ỏi vùng tranh chấp này, thậm chí, kể cả khi điều đó là để gìn giữ ổn định khu vực.

Trung Quốc có những vấn đề riêng để phải chú tâm, trong đó căng nhất là cái khối hỗn loạn các lực lượng bán quân sự. Trung Quốc có ít nhất 5 lực lượng bán quân sự hải quân hiện đang giám sát Biển Đông. “Vụ việc [ở bãi cạn Scarborough] đặt ra vấn đề liệu Trung Quốc có phải một khối nhất thể hay không” – ông Thayer nói và đề cập tới phản ứng chưa từng có tiền lệ của cơ quan Hải giám Trung Hoa. Cơ quan này đã điều hai tàu đến bãi cạn Scarborough, và thế là bắt đầu đụng độ với tàu hải quân mang cờ Philippines. “Rõ ràng, có những lực lượng độc lập đang tìm cách tự làm việc của họ” – ông nói. Những nhân vật cao cấp trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã vừa công khai thảo luận về sự cần thiết phải có một cơ quan quốc gia bảo vệ bờ biển, để đưa tất cả các cơ quan khác nhau về hàng hải về một mối. Bắc Kinh nên thúc đẩy việc tái cơ cấu này, nếu họ muốn kiểm soát chặt chẽ chính sách Biển Đông của mình

Không cho ngư dân đi vào các vùng biển nhạy cảm cũng là một việc quan trọng, mặc dù khó thực thi cả trên thực tiễn lẫn về mặt chính trị. “Cá ở đâu là ngư dân theo đó” – ông Thayer nói. “Và đứng ở giác độ chính trị mà nói, liệu Trung Quốc có thể kiềm chân ngư dân, không cho họ đi vào những vùng biển mà sách giáo khoa bảo là đảo của Trung Quốc, hay không?”.

Động lực tốt nhất mà Trung Quốc có thể có dành cho các cơ quan hàng hải và đội tàu cá của họ là phải bắt đầu có được một Bộ Quy tắc Ứng xử có hiệu lực. Nhiệm vụ này rơi vào ASEAN. Cần nhớ rằng trên lý thuyết, ASEAN đang đi tới việc xây dựng một Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN mới vào năm 2015. Từ nay cho tới lúc đó, ASEAN phải có tiếng nói thống nhất về các vấn đề an ninh. Nếu các thành viên ASEAN có thể quyết tâm chỉ phát biểu một quan điểm thống nhất về chuyện Biển Đông, thì khi đó, đối đầu Trung Quốc-ASEAN sẽ không còn thường xuyên và nguy hiểm nữa, mà sẽ ít xảy ra hơn và dễ giải quyết hơn.

Nếu ASEAN không hoàn thành được nhiệm vụ soạn thảo một bộ quy tắc ứng xử có ý nghĩa, thì sẽ là ngây thơ nếu tưởng rằng tàu Trung Quốc, tàu Việt Nam và tàu Philippines sẽ tiếp tục đối đầu với nhau một cách ôn hòa trên những vùng biển vô chính phủ của Biển Đông. “Họ sẽ không đến đó chỉ để nhìn vào mắt nhau và bỏ đi” – ông Thayer kết luận. “Cuối cùng thì sẽ có sự sợ hãi hoặc bạo lực xảy ra”.

Nguồn: The Diplomat
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats