Trọng Nghĩa - RFI
Thứ năm 26 Tháng Tư 2012
Vào lúc tranh chấp chủ quyền trên bãi Scaborough ngoài Biển Đông với Trung
Quốc đang trong hồi căng thẳng, chính quyền
Philippines vào hôm nay, 26/04/2012, một lần nữa đã cho biết là sẽ yêu cầu đồng minh Mỹ gia tăng giúp đỡ về quân sự.
Manila sẽ chính thức đề nghi Washington trợ giúp nhân một cuộc gặp gỡ cấp cao vào tuần tới tại Hoa Kỳ, qua đó phớt lờ cảnh cáo từ phía Bắc Kinh
cho rằng
Philipines không nên « quốc tế hóa » một cuộc tranh chấp lãnh thổ.
Phát biểu với báo chí, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario xác định là nước ông cần đến Hoa Kỳ để giúp mình có được một hệ thống phòng thủ "đáng
tin cậy". Mong muốn của Manila là làm sao tranh thủ được lợi ích tối đa từ Hiệp ước Phòng thủ Chung đã ký với đồng
minh.
Ngoại trưởng Philippines không cho biết là nước ông sẽ yêu cầu Mỹ giúp đỡ cụ thể những gì nhân cuộc đàm phán tại Hoa Kỳ, nhưng
trong thời gian
qua, các quan chức quốc phòng cho biết là Manila muốn có thêm tàu tuần duyên và chiến đấu cơ F-16.
Ký kết vào năm 1951, hiệp ước này kêu gọi cả hai bên trợ giúp cho nhau khi bị tấn công từ bên ngoài, và Philippines đã nhấn mạnh đến văn kiện này vào lúc họ vùng lên đối phó với các hành động lấn lướt của Trung Quốc, đang có động thái quyết đoán nhằm áp đặt yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên toàn bộ Biển Đông, xâm phạm vào các khu vực mà Manila cho là thuộc lãnh thổ của mình.
Theo chương trình dự kiến, Ngoại trưởng
Philippines Del Rosario và Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire
Gazmin, sẽ hội đàm với đồng nhiệm Mỹ Hillary Clinton và Leon Panetta tại Washington
vào ngày 30 tháng 4. Cuộc họp mở ra vào lúc quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc càng lúc càng căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền bãi Scarborough, nơi mà tàu của cả hai bên đang đối đầu nhau từ ngày 08/04 đến nay.
Vào hôm qua, Trung Quốc một lần nữa đã cảnh cáo Philippines là không được "quốc tế hóa" vấn đề và buộc các nước khác tỏ rõ lập trường. Tuy nhiên, vào hôm nay, ông del Rosario đã xác định lại lập trường theo đó dù muốn dù không, cuộc tranh chấp đã trở thành quốc tế vì cũng tác động đến các quốc gia
khác muốn duy trì quyền tự do sử dụng tuyến đường biển quan trọng đi qua khu vực.
Ông nói : « Theo tôi, tất cả các quốc gia có lợi ích trong việc duy trì quyền tự do hàng hải..., cần nên theo dõi cẩn thận như những gì đang xảy ra ở đó. Chúng tôi mong muốn rằng mọi nước, trong đó có Hoa Kỳ, xem xét đánh giá những gì đang xảy ra ở đó và những tác động đến chính nước họ ».
Trung Quốc đã viện các lý do lịch sử để đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông, kể cả các vùng biển sát gần bờ biển của các láng giềng như Philippines và một vài nước nước Đông Nam Á khác. Đòi hỏi của Trung Quốc do đó đã đối nghịch với tuyên bố chủ quyền của Việt Nam, Philippines Malaysia,
Brunei và Đài Loan.
Trường hợp bãi Scarborough là một ví dụ điển hình, vì nằm ngay trong vùng đặc quyền 200 hải lý mà Philippines trên nguyên tắc được hưởng căn cứ theo
Công ước Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên Trung Quốc đã không chấp nhận điều này, khẳng định đó là ngư trường truyền thống của người Trung Quốc từ trước đến nay, do đó, về phương diện lịch sử, bãi đá ngầm đó thuộc chủ quyền Trung Quốc cho dù rất xa lục địa Trung Hoa.
Philippines đã đề nghị đưa tranh chấp ra một định chế trong tài quốc tế để phân xử, nhưng bị phía Trung Quốc bác bỏ. Giới quan sát cho rằng, sở dĩ Bắc Kinh
từ chối đó là vì các lý lê lịch sử mơ hồ của họ không thể đứng vững trước quốc tế. Và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho
Trung Quốc luôn lớn tiếng bác bỏ các việc quốc tế hóa hồ sơ Biển Đông.
Theo các chuyên gia, tuyên bố chủ quyền chồng chéo tại vùng Biển Đông là ngòi nổ tiềm tàng khiến xung đột bùng lên là cho toàn vùng mất ổn định. Trong thời gian qua, Philippines đã nhiều lần cáo buộc Trung
Quốc là ngày càng hung hăng trong việc áp đặt các đòi hỏi chủ quyền của họ.
--------------------------------
Bãi
cạn Scarborough: Mỹ kêu gọi giải quyết tranh chấp qua đối thoại (PLTP).
Hoàng Nham tức là Scarborough Shoal
.
.
.
No comments:
Post a Comment