VinFast:
văn hoá doanh nghiệp và vấn đề thể chế
Dư
Lan
2025.01.03
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vinfast-corporate-culture-and-institutional-issues-01032025124311.html
Hãng
xe hơi VinFast của tỉ phú bất động sản Phạm Nhật Vượng tiếp tục gặp rắc rối do
cách ứng xử với sản phẩm và với khách hàng.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vinfast-corporate-culture-and-institutional-issues-01032025124311.html/@@images/907a0d03-e90a-411b-ba41-fdd6f4cb0c13.jpeg
Xe
điện VinFast VF7 trong ngày họp báo tại Triển lãm ô tô Los Angeles, California,
Hoa Kỳ ngày 17 tháng 11 năm 2022. (Ảnh minh họa) - (REUTERS/Mike Blake)
Kỹ
sư Hazar Denli, người nói bị trả thù vì đã công bố các lỗi thiết
kế gây mất an toàn của xe VinFast, mới đây đã nộp đơn khiếu nại tố giác lên Cục Quản lý
An toàn Giao thông Đường bộ Quốc gia (NHTSA) của Hoa Kỳ về các lỗi
gây mất an toàn xe của xe điện Vinfast.
Đây
không phải là lần đầu tiên VinFast bj vướng vào thị phi vì liên quan
đến cách ứng xử thiếu văn minh với khách hàng và sản phẩm do mình cung cấp.
Hai
cách ứng xử khác nhau ở Hoa Kỳ và Việt Nam
VinFast
đã ứng xử theo hai cách khác nhau, khi đối diện với cùng một sự chỉ trích, phê
phán ở Việt Nam và Hoa Kỳ.
Ở Hoa
Kỳ, sau khi chào bán những mẫu xe điện đầu tiên, VinFast đã thu hút giới
đánh giá xe địa phương, tuy nhiên kết quả lại không được mấy tích cực. Hôm 12
tháng 7 năm 2023, trang Donut Media, chuyên đánh giá xe hơi, đã công bố kết
quả lái thử xe VinFast và đưa ra những nhận xét
tiêu cực, gọi xe điện VinFast là chiếc xe “tệ nhất thế giới”.
Đáp lại, VinFast đã bỏ công ra khắc phục các lỗi bị Donut Media chỉ ra và mời
nhóm này tới thẩm định lại.
Kết
quả là họ đã nhận được những lời nhận xét
tích cực hơn từ nhóm YouTubers người Mỹ trong một video đăng
ngày 29 tháng Hai năm 2024.
Trước
đó, đối với những lời phê phán tương tự ở Việt Nam, VinFast lại không
thực hiện cách làm cầu thị tương tự. Họ chọn cách báo công an. Khi
được Reuters phỏng vấn năm 2021, VinFast cho rằng
mình tố cáo khách hàng với công an vì đó không phải là một “khiếu nại thông thường”
và cần “bảo vệ uy tín”.
Nhận
xét về hai cách ứng xử khác nhau của VinFast đối với hai nhóm công chúng khác
nhau ở Việt Nam và Hoa Kỳ, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Tấn Trung ở ĐH Victoria,
Canada, cho rằng thái độ khác biệt một trời một vực giữa VinFast đối với các
YouTubers người Mỹ và với một vài nhà quan sát nhỏ ở Việt Nam đặt ra nhiều vấn
đề.
Thứ
nhất, các YouTubers ở Mỹ có sức ảnh hưởng lớn, mỗi video của họ có hàng triệu
views và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chén cơm manh áo của VinFast tại
một thị trường khốc liệt như ở Hoa Kỳ. Trong khi, một số nhà quan sát ở Việt
Nam có tham gia đánh giá về VinFast chỉ có lượng công chúng theo dõi chỉ ở mức
vài trăm, vài ngàn…
Ảnh
hưởng tiêu cực của các YouTuber Mỹ lớn hơn các nhà quan sát Việt Nam nhiều lần.
Vậy tại sao VinFast phải dùng đến lực lượng chấp pháp để ngăn chặn họ?
Vấn
đề thứ hai, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Tấn Trung, cách hành xử này đặt ra
câu hỏi liệu “thói quen giao tiếp của VinFast tại Việt Nam có phải là một sản
phẩm có tính cơ chế và các đặc quyền lịch sử hay không?”
Tiến
sĩ Nguyễn Lê Tiến
có cùng một nhận xét với TS. Nguyễn Quốc Tấn Trung. TS Nguyễn Lê Tiến nhận
bằng tiến sĩ tại Đại học Kỹ thuật Munich (TUM, Cộng hòa Liên bang Đức)
ngành Quang bán dẫn. Trước khi nghỉ hưu ở California, ông là đồng sáng lập các
công ty như Spea ở Đức trong lĩnh vực Computer Graphics, Vormetric ở Mỹ trong
lĩnh vực an toàn và bảo vệ dữ liệu, Mobivi ở Việt Nam trong lĩnh vực ví điện tử.
Ông cho rằng cách ứng xử của VinFast ở Việt Nam phản ánh mối quan hệ “đặc thù”
giữa doanh nghiệp và nhà nước ở đất nước này. Doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam
thường phải phát triển dựa trên quan hệ với quan chức nhà nước. Trong khi đó, ở
các nước tư bản phát triển, doanh nghiệp tư nhân thường độc lập với nhà nước và
là nền tảng kinh tế của tầng lớp trung lưu.
Do
đó, theo TS Tiến, ở Việt Nam, “cái tầm” của một doanh nghiệp tư nhân nằm ở “cái
tầm” của quan chức chính quyền mà họ thiết lập được mối quan hệ. Ở các nước
phát triển, cái tầm của doanh nghiệp tư nhân nằm ở khả năng sáng tạo của họ.
Theo TS Nguyễn Lê Tiến, đó là lý do khiến chúng ta thấy những doanh nghiệp như
VinFast ứng xử với khách hàng và công chúng ở Việt Nam theo kiểu cách ứng xử của
quan chức nhà nước với dân.
Ứng
xử với “những tiếng ồn” của báo chí
Cách
ứng xử với báo chí của VinFast cũng phản ánh “văn hoá” của doanh nghiệp này.
Theo TS. Nguyễn Lê Tiến, văn hóa doanh nghiệp có thể quyết định vận mệnh của một
công ty. Đó là những quan niệm và niềm tin định hướng cách quản trị của doanh
nghiệp. Do đó, nó cũng quyết định cách doanh nghiệp tương tác với báo chí, công
chúng, khách hàng và chính quyền.
Theo
ghi nhận của RFA, từ khi VinFast được thành lập năm 2017 đến nay, báo chí chính
thống ở Việt Nam vắng bóng những bài viết “review” (thẩm định) về những lỗi của
xe hơi VinFast, mà hầu hết chỉ ca ngợi hãng xe này.
Nhiều
nhà quan sát cho rằng sự thống nhất của báo chí Việt Nam trong việc ca ngợi
VinFast tạo cảm giác họ được điều hành bởi một tổng biên tập duy nhất. Theo TS.
Nguyễn Lê Tiến, điều đó sẽ gây hại cho doanh nghiệp hơn là có lợi, xét về chiến
lược dài hạn. Là một doanh nhân lâu năm từng kinh doanh trong lĩnh vực
công nghệ tại Đức và Hoa Kỳ, TS Nguyễn Lê Tiến cho rằng thực tế thì sản phẩm
nào cũng có lỗi cả, nhất là sản phẩm mới. Vấn đề quan trọng nhất không phải là
sản phẩm của bạn có lỗi hay không. Khi bị công chúng vạch lỗi, một doanh nghiệp
không nên đáp trả bằng cách nói “công ty khác cũng vậy”. Ông nói:
“Ai
cũng có tính chủ quan, cho nên không ai vạch ra cho doanh nghiệp thấy lỗi sản
phẩm của mình giỏi hơn là báo chí chuyên ngành. Họ chính là "ngọn
roi" quất cho các doanh nghiệp hoạt động và phục vụ khách hàng tốt hơn.”
Theo
TS Tiến, những doanh nghiệp đã trưởng thành ở các nước phát triển luôn coi tiếng
nói phê phán của báo chí là “kẻ đồng hành” chứ không phải “đối tượng xử lý.”
Như
trên đã nói, hồi giữa tháng 5 năm 2023, một số tờ báo ở Mỹ ghi nhận bình luận của
nhóm Donut, một nhóm bình luận “có ảnh hưởng” trong lĩnh vực xe hơi ở Mỹ. Một đại
diện của VinFast đã trả lời rằng đó chỉ là “những tiếng ồn” (noise).
TS
Nguyễn Lê Tiến cho biết khi còn làm doanh nghiệp tại Đức và Hoa Kỳ, mỗi khi
bị báo chí phê phán, doanh nghiệp của ông rất lo lắng và phải huy động
toàn thể nhân viên, làm việc bất kể ngày đêm, cuối tuần để khắc phục. Sau khi
khắc phục được lỗi thì liên lạc với báo chí để thông báo là “chúng tôi đã sửa lỗi
rồi”, chứ còn đáp trả báo chí là “noise” thì “chưa từng dám nghĩ đến.”
Sang
năm 2024, Vinfast gặp phải một “nạn” khác, nghiêm trọng hơn, và cách ứng xử
cũng không khác. Như RFA đã đưa tin, kỹ sư Hazar Denli của hãng Tata Group, một
công ty được VinFast thuê thiết kế xe, đã phát hiện các lỗi thiết kế và lắp ráp
nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm khi lái xe. Các lỗi thiết kế này có thể gây
ra những nguy cơ về an toàn, ví dụ bánh xe không cân, khiến xe bị đảo hướng khi
chạy tốc độ cao. Ông Denli đã báo cáo các lỗi này cho hãng Tata và cho chính
VinFast. VinFast bỏ qua các lời cảnh báo. Theo ông Denli, lý do là khi đó
VinFast chuẩn bị lên sàn chứng khoán Mỹ nên không muốn trì hoãn để sửa chữa các
lỗi này.
Vì
lý do đó, ông Denli đã nghỉ việc tại Tata Group và chuyển sang công ty
JLR. BBC Tiếng Anh cho biết sau vụ tai nạn xe VinFast ở Mỹ đâm vào gốc cây rồi bốc
cháy làm bốn người chết hồi tháng Tư năm 2024, ông quyết định công bố thông tin
các lỗi thiết kế nói trên. Theo ông Hazar Denli và BBC Tiếng Anh, VinFast đã điều
tra xem ai là tác giả của bài đăng trên Reddit và thông báo cho Tata Group.
Tata Group đã tác động để JLR sa thải ông Hazar Denli.
Theo
TS Nguyễn Lê Tiến, văn hoá doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ tiến hoá cao hơn khi họ
hoàn toàn độc lập với chính quyền và sống được hoàn toàn dựa vào khách hàng họ
phục vụ.
Vấn
đề của VinFast nhìn từ thể chế
Từng
là kỹ sư trưởng của nhóm thiết kế khung xe của Tata Group trong dự án thiết kế
xe cho VinFast, kỹ sư Hazar Denli cũng từng phát biểu trên mạng Reddit rằng VinFast chủ yếu nhập khẩu phụ tùng từ
Trung Quốc và Ấn Độ để lắp ráp xe.
Thực
tế, rất nhiều hãng xe lớn cũng sử dụng phụ tùng được sản xuất tại Trung Quốc. Về
chất lượng phụ tùng mà VinFast sử dụng, ông Denli so sánh việc mua phụ tùng ở Trung Quốc và Ấn Độ với
việc vào siêu thị mua thực phẩm. Thực phẩm trong siêu thị có nhiều thứ bậc khác
nhau. Theo ông, bản thân việc VinFast mua phụ tùng ở nước nào không nói lên điều
gì.
Thế
nhưng chất lượng của phụ tùng mà VinFast mua về chưa phải là câu chuyện cuối
cùng. Trao đổi với RFA, TS Nguyễn Lê Tiến cho biết các hãng xe lớn như Toyota
hay Tesla đều sử dụng mạng lưới các nhà cung cấp linh kiện ở khắp thế giới.
VinFast cũng làm như vậy. Nhưng theo TS Tiến, chỉ giống các “ông lớn” về hình
thức, còn bản chất thì khác hoàn toàn.
TS
Tiến giải thích rằng các ông lớn như Tesla đã đầu tư vào nghiên cứu và phát triển
hàng chục năm, nắm vững tri thức của ngành sản xuất xe. Khi họ đặt hàng các nhà
thầu cung cấp linh kiện, họ là người nắm vững nền tảng của sản phẩm và bên cung
cấp phải phục vụ theo yêu cầu kỹ thuật họ đặt ra. VinFast với đầu tư cho nghiên
cứu trong thời gian ngắn, số lượng chuyên gia ít ỏi, không đủ nền tảng tri thức
để làm chủ hệ thống mà phụ thuộc vào các nhà cung cấp.
TS
Nguyễn Lê Tiến nhận xét rằng đó là sự “khác biệt” theo phong cách “ăn xổi ở
thì” kiểu Việt Nam. Kiểu sản xuất xe hơi bằng cách mua phụ tùng về lắp ráp
trong khi chưa đầu tư cho nghiên cứu để nắm vững tri thức và kinh nghiệm này
cũng nằm trong cùng một “văn hoá” với cách ứng xử với khách hàng. Đó là văn hoá
“ăn xổi ở thì” theo cách gọi của TS. Nguyễn Lê Tiến. Theo TS Tiến, đây không chỉ
là bệnh riêng của VinFast. Muốn sửa chữa nó thì phải sửa chữa ở quy mô hệ thống.
Trao
đổi với RFA, Kỹ sư Khiêm Nguyễn, một chuyên gia cấp cao về công nghệ và kinh
doanh của công ty Voyager Space, một công ty đa quốc gia tại Hoa Kỳ, cho rằng
Việt Nam cần phải tránh sự lệ thuộc về kỹ thuật và tri thức trong sản xuất công
nghiệp bằng cách xây dựng nền tảng cho mình. Trước hết, điều nước này cần làm
là phải tạo dựng cho mình một chuỗi cung ứng kỹ thuật, công nghiệp, sản xuất để
tích hợp thành một mắt xích với kinh tế giá trị cao của Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tuy
nhiên, nói đến đây, theo kỹ sư Khiêm Nguyễn, doanh nghiệp Việt Nam gặp phải vấn
đề về thể chế. Theo ông, nhà nước Việt Nam phải thể chế hóa bằng hiến định để định
nghĩa rõ ràng về quyền tư hữu. Không có những định nghĩa rõ ràng này, người dân
trong nước có vốn đi nữa cũng không dám đầu tư mà phải phòng thủ cho
mình.
Ông
Hồ Như Ý, nhà nghiên cứu độc lập về Trung Quốc ở Ba Lan, cho rằng sửa chữa pháp
luật chưa đủ. Hầu hết các quốc gia dân chủ hầu hết đều sao chép Hoa Kỳ nhưng
nhiều nước vẫn trượt vào độc tài và không phát triển được. Là một người từng dịch
sáu cuốn sách về Trung Quốc, ông Hồ Như Ý so sánh Việt Nam với người láng giềng
phía bắc. Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu lớn, nhưng theo ông, các thành tựu
này không bền vững. Nếu quốc gia không có được hệ thống tư pháp độc lập dù chỉ
một phần, không có các cuộc bầu cử địa phương một cách tử tế, hệ thống luật
pháp không tôn trọng quyền tư hữu, người dân không tin tưởng vào hệ thống tòa
án, báo chí không minh bạch, hệ thống công đoàn không vững mạnh, không có nền tảng
xã hội dân sự... thì sẽ không thực sự làm được gì trong dài hạn.
Theo
ông Hồ Như Ý, điều đó không chỉ đúng ở quy mô quốc gia mà còn đúng ở quy mô
doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn nhất, đóng vai trò là "đầu
tàu" cho mỗi nền kinh tế.