Vũ Khí Thuế Quan và Ảo
Tưởng Vĩ Đại
Nguyên Việt - Diễn
Đàn Thế Kỷ
https://diendantheky.net/nguyen-viet-vu-khi-thue-quan-va-ao-tuong-vi-dai/
Tổng
thống Donald Trump ký Sắc lệnh Hành pháp về các kế hoạch thuế quan của Chính
quyền tại sự kiện “Làm cho nước Mỹ giàu có trở lại” (“Make America Wealthy
Again”) ngày 2/4/2025, tại Vườn Hồng Nhà Trắng. (Ảnh chính thức của Nhà Trắng
do Daniel Torok chụp)
Lịch
sử không nói bằng lời, nhưng nó trả giá bằng hậu quả. Và mỗi lần một chính quyền
tự tin bước vào trò chơi của áp thuế – không phải như một biện pháp kỹ thuật mà
như một lời tuyên chiến – thì lịch sử lại âm thầm chuẩn bị bản kê tổn thất, gửi
về tương lai.
Donald
Trump không phát minh ra thuế quan. Nhưng ông phục chế nó thành một vũ khí
chính trị với vẻ ngoài yêu nước và vỏ bọc của “công bằng thương mại”. Với hàng
trăm tỷ đô-la giá trị hàng hóa bị đánh thuế, và các đối thủ thương mại lớn bị
chĩa mũi dùi, chính quyền Trump đã tạo ra một cuộc chiến không có tiếng súng,
nhưng âm vang của nó làm chấn động mọi dây thần kinh của nền kinh tế toàn cầu.
Nhưng
thuế quan không phải là biểu tượng của sức mạnh. Nó là biểu hiện của lo sợ. Lo
sợ rằng năng lực nội tại không còn đủ để cạnh tranh, rằng niềm tin vào thị trường
đã cạn kiệt, và rằng tiếng nói dân túy đang lấn át lý trí kỹ trị. Một chính quyền
chọn áp thuế không khác gì một vị hoàng đế cảm thấy ngai vàng lung lay nên hạ lệnh
dựng thành, đào hào, giương cờ… nhưng quên rằng kẻ thù không ở ngoài cổng, mà
là sự mục ruỗng trong nội thất.
Chính
quyền Hoover từng phạm phải sai lầm như thế với Đạo luật Smoot-Hawley năm 1930*
Với niềm tin rằng hàng rào thuế quan sẽ bảo vệ nền công nghiệp và nông nghiệp
đang khốn đốn, nước Mỹ tự nhốt mình trong pháo đài cô lập. Các quốc gia khác trả
đũa, thương mại toàn cầu sụp đổ, và Đại Khủng Hoảng lún sâu hơn. Nhưng dù bài học
đó khắc ghi trong sử sách, vẫn có những người mù chữ trong chính trị – không phải
vì họ không đọc được chữ, mà vì họ không còn tin vào lịch sử như một tiếng nói
cảnh tỉnh.
Trump
và những cố vấn của ông không nghe thấy âm vang đó. Thay vì chữa gốc – là đầu
tư vào giáo dục, sáng tạo, hạ tầng và tinh thần hợp tác – họ chọn con đường dễ
hơn: đánh thuế và thuyết phục công chúng rằng đây là cách “làm nước Mỹ vĩ đại
trở lại”. Nhưng lòng yêu nước không sinh ra từ thuế quan. Nó sinh ra từ năng lực
vươn ra thế giới mà không sợ mất mình. Từ sức mạnh cạnh tranh, chứ không từ sự
trừng phạt bạn hàng.
Thế
giới hôm nay không còn là bản đồ ranh giới đơn tuyến của thế kỷ XIX. Nó là một
mạng lưới đan xen bằng dữ liệu, vốn, công nghệ, và sự lệ thuộc lẫn nhau. Trong
thế giới đó, mỗi sắc thuế đánh vào một mặt hàng cũng như cắt đứt một sợi dây
liên kết – mà khi dây đứt, không chỉ hàng hóa mắc kẹt, mà cả niềm tin cũng
không tìm được đường trở lại. Từ Trung Quốc đến châu Âu, từ Đông Nam Á đến Mỹ
Latinh, làn sóng trả đũa lan rộng. Và giữa vùng nhiễu loạn ấy, chính những người
dân Mỹ – nông dân, công nhân, người tiêu dùng – trở thành con tốt bị hi sinh.
Kinh
tế không phải là một cuộc chiến giành phần thắng tuyệt đối. Nó như một cuộc múa
dao cần cân bằng và tỉnh táo. Áp thuế thì dễ, như vung dao vào không khí. Nhưng
không khí không chảy máu – người dân thì có. Và mỗi lần một chính quyền tưởng rằng
mình có thể chiến thắng thế giới bằng cách dựng lên bức tường thuế quan, thì thế
giới lại chứng minh rằng: mọi bức tường dựng lên rồi cũng phải trả bằng một sự
sụp đổ – nếu không là của bức tường, thì là của lòng tin.
Donald
Trump không thất bại vì đánh thuế. Ông thất bại vì ông đánh mất tinh thần của một
quốc gia từng tin vào mở cửa, vào cạnh tranh sòng phẳng, vào vai trò lãnh đạo
không đến từ nắm đấm, mà từ bàn tay chìa ra. Ông biến nước Mỹ từ người viết luật
chơi thành người phá luật. Từ trung tâm hội nhập thành trung tâm xung đột.
Và
như mọi nhà cầm quyền từng say sưa với tiếng vỗ tay của dân túy, ông bỏ qua sự
im lặng của lịch sử. Mà lịch sử – như một nghệ nhân kiên nhẫn – vẫn chờ đó, để
chứng minh rằng: quyền lực thiếu trí nhớ luôn dẫn đến những kết thúc không có
vinh quang.
Nguyên
Việt
Yuma, tháng Tư, 2025
—————-
*Đạo
luật Smoot-Hawley năm 1930 (Smoot-Hawley Tariff Act), do hai nghị sĩ Reed
Smoot và Willis C. Hawley đề xuất, được ký thành luật bởi Tổng thống Herbert
Hoover vào ngày 17 tháng 6 năm 1930. Luật này tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với
hơn 20.000 mặt hàng nhằm bảo hộ nông dân và ngành công nghiệp trong nước giữa bối
cảnh khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, thay vì bảo vệ nền kinh tế Mỹ, đạo luật đã
gây ra làn sóng trả đũa thương mại từ các quốc gia khác, làm suy giảm nghiêm trọng
lưu lượng thương mại toàn cầu và được các nhà kinh tế học hiện đại xem là yếu tố
góp phần làm trầm trọng thêm cuộc Đại Khủng Hoảng (Great Depression).
No comments:
Post a Comment