Monday, 7 April 2025

VTV3 VỪA BỊ SAI VỀ ĐỊA LÝ (Nguyễn Thành Phong | Báo Tiếng Dân)

 



VTV3 vừa bị sai về địa lý

Nguyễn Thành Phong

07/04/2025

https://baotiengdan.com/2025/04/07/vtv3-vua-bi-sai-ve-dia-ly/

 

Chương trình “Thời gian ơi, kể chuyện” trên VTV3 tối hôm qua 6/4/2025 nói về những dòng sông, nhiều xúc cảm và… khá lý thú, nhưng đã có một sai sót khá… to, cần phải nói lại.

 

Khi tấm ảnh “Bến lở” được đưa lên màn hình, MC đề nghị khách mời cho biết đấy là ảnh từ con sông nào. Không ai đưa ra ý kiến. Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất hiện và kể về việc chụp bức ảnh ấy. Ông bấm máy từ trên một mố cầu đang xây của cầu Triều Dương. Sau đó, cả MC và nghệ sỹ cùng nói, ở cầu Triều Dương tức là sông Thái Bình, rồi bảng chữ cũng hiện lên… là sông Thái Bình. Haha… Đây là một thông tin rất… sai.

 

Cầu Triều Dương bắc qua sông Luộc (tên chữ xưa gọi là sông Hải Triều, Lục Đức, Phổ Đà). Máy ảnh chụp từ trên cầu Triều Dương xuống thì chỉ có thể chụp được bến lở của sông Luộc, chứ không thể chụp được bến lở của sông Thái Bình, cách xa cầu Triều Dương tới sáu, bảy mươi cây số…

 

Sông Luộc là ranh giới tự nhiên giữa huyện Tiên Lữ của Hưng Yên với huyện Hưng Hà của Thái Bình. Sông Thái Bình (không chảy qua Thái Bình) chỉ đi qua giáp ranh Thái Bình, làm ranh giới phân cách giữa huyện Thái Thụy (Thái Bình) và huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Và sông Thái Bình không dính dáng gì đến Hưng Yên.

 

Tuy nhiên, sông Luộc thì lại có liên quan với sông Thái Bình. Sông Luộc dài 72 cây số, là con sông nối giữa sông Hồng và sông Thái Bình. Điểm đầu sông Luộc là ngã ba giao với sông Hồng tại Phương Trà thuộc xã Tân Hưng, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên. Chính đoạn đầu này là ranh giới giữa Hưng Yên và Thái Bình, có cầu Triều Dương bắc qua. Điểm cuối của sông Luộc giao với sông Thái Bình ở Quý Cao, thuộc xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Nếu tính quãng đường, thì từ cầu Triều Dương đến sông Thái Bình chừng khoảng năm, sáu chục cây số, là như vậy.

 

Thôi thì, có làm thì có sai, sai thì phải sửa. Mình viết lên đây, là để đính chính với những người đã xem chương trình. Nếu VTV3 đọc được, khi phát lại hay lưu trữ băng hình, thì sửa nhé.

 

Nhân đây, nói lại một chuyện liên quan:

 

Lâu nay, chúng ta đi xe qua nhiều cây cầu, thường chỉ biết tên cây cầu ấy chứ ít khi biết tên con sông mà cầu ấy bắc qua, nhiều khi hỏi mãi mà không ra, hoặc có thể còn nhận được thông tin sai bét nhè, như kiểu cầu Triều Dương bắc qua sông Thái Bình vừa phát trên VTV ấy vậy.

 

Mình có người bạn đồng môn Đại học Bách Khoa Hà Nội, là anh Ngô Văn Tuyển. Anh là kỹ sư nhưng hay viết lách, dịch thuật, từng đi với mình nhiều chặng du hí. Có lần bức xúc về chuyện này, đã viết bài “Những cây cầu có tên mà không có họ”, gửi đăng trên mục Reablog của tờ điện tử Reatimes. Trong bài ấy có đoạn:

 

Những cây cầu, thường là đều bắc qua những dòng sông. Vì có sông nên mới sinh ra cầu để đi qua. Cầu thường được đặt tên. Sông thường có tên gọi. Nếu coi cây cầu do dòng sông sinh ra, dòng sông là gốc của cây cầu thì tên sông như là cái họ của cây cầu. Và cây cầu hiện diện trước mọi người nên mang theo đủ đầy cả tên và họ của mình. Có những dòng sông là có những cây cầu. Nếu sông là mẹ, thì cầu là con. Những người mẹ sông cứ mải miết sinh thêm những nhịp cầu. Đi trên những cây cầu mà không biết dòng sông chảy qua dưới đó thì cũng như thấy ai đó có tên mà không có họ. Tiếc rằng có nhiều lúc tự hỏi mà không có câu trả lời. Chẳng phải lúc nào cũng có thể dừng lại để hỏi, để tìm hiểu. Và lại tiếp tục đi qua những cây cầu khác, những dòng sông khác. Cứ thế mà qua, mà lùi dần kí ức…

 

Nhà văn Tạ Duy Anh đã nêu ý kiến trên báo mấy lần về việc nên viết thêm tên sông gắn với tên cầu trên các biển đề ở các cây cầu. Vậy mà hiện nay, vẫn rất ít thấy cái đề nghị đơn giản ấy, là thêm một dòng chữ ghi tên sông ở biển tên cầu đặt ở hai đầu cầu.

 

Dưới dòng tên cây cầu là tên dòng sông. Chỉ cần thêm tên dòng sông thôi, còn tốt hơn nữa, thì thêm vài thông tin về dòng sông. Thế là những cây cầu như người được mang đầy đủ tên họ, gốc tích… Đây là một cơ hội phổ cập về địa lý đất nước, làm cho con người hiểu thêm tên sông, tên đất, hiểu thêm về những vùng quê xứ sở, để thêm yêu thương, gắn bó với đất nước của mình“.

 

Vậy thì nhân đây, mình thêm một lần nữa nhắc lại đề nghị này gửi tới những người làm cầu, những người quản lý giao thông, những cán bộ lãnh đạo địa phương, các nhà văn hoá, giáo dục… Hy vọng là sẽ được chú ý và thực hiện.

__________

 

Tạ Duy Anh: Chỉ xin một cái ngoặc đơn

 

(Nhân đọc bài của nhà thơ Nguyễn Thành Phong về một sai sót địa lý, xin đưa lại bài viết đã đăng báo)

 

Mỗi lần đi qua một cây cầu, hầu như tất cả chúng ta đều tò mò muốn biết cây cầu đó bắc qua con sông nào?

 

Không giấu gì, tôi cũng thuộc số những người đó. Là bởi vì, môn địa lý, cả xưa và nay vốn chưa bao giờ được coi trọng (không hiểu vì sao?), khiến từ đứa trẻ mới rời ghế nhà trường, đến những người đầu hai thứ tóc, đều cảm thấy nhiều kiến thức về sông ngòi luôn cứ còn là một khoảng rỗng.

 

Của đáng tội, do nằm trong vùng nhiệt đới, địa hình phức tạp, mạng lưới sông ngòi nước ta (đây đang chỉ nói đến những con sông lớn có tên trên bản đồ), thuộc loại dày đặc, muốn nhớ hết tên cũng khó. Chưa kể, cùng một con sông, qua mỗi địa phương, mỗi vùng lại mang một cái tên khác. Hoặc đôi khi nghĩ, việc nhớ tên từng con sông có lẽ cũng chẳng quá cần thiết với những người không làm nghề gắn với thổ nhưỡng, thủy văn…

 

Thế nhưng, tên mỗi con sông cũng là một thứ tài sản văn hóa. Vì thế, nhu cầu biết tên của chúng khi tận mắt thấy, khi băng qua cây cầu bắc ngang nó, là một nhu cầu chính đáng. Tò mò chỉ là một chuyện. Thực chất khi chúng ta hỏi thế, là chúng ta vẫn tiếp tục học. Việc học đâu chỉ lúc ngồi trên ghế nhà trường và mong đừng ai hỏi học thế để làm gì.

 

Nhưng tôi đang định nói về chuyện gì, sẽ có người sốt ruột hỏi như vậy? Vâng, tôi đang lần thứ hai, có thể là thứ ba, đề nghị những người có trách nhiệm (tôi không biết việc đó của cơ quan nào, phân cấp giữa địa phương và trung ương ra sao?) khi ghi tên một cây cầu nào đó, xin mở một cái ngoặc đơn ghi kèm tên con sông mà cây cầu bắc qua. Việc đó chỉ thêm thao tác, không hề tốn kém là bao, nhưng tôi cam đoan nó mang lại lợi ích không nhỏ.

 

Thứ nhất, nó cung cấp kiến thức về địa lý một cách trực quan. Đọc sách có thể quên ngay. Xem bản đồ cũng không dễ nhớ lâu. Nhưng tận mắt nhìn, thì sẽ nhớ, vì nó kèm theo cả dữ liệu về vùng đất mà mình đi qua. Chẳng hạn, rất nhiều người cứ đinh ninh cầu Đông Trù nằm trên quốc lộ 5 kéo dài, nối xã Đông Hội, huyện Đông Anh ở phía bắc Hà Nội và phường Ngọc Thụy, quận Long Biên được bắc qua sông Hồng!

 

Vì cái đoạn sông mà cầu bắc qua, nếu có thời gian men theo con đường bên dưới về phía Hà Nội, sẽ khó mà thấy nó không phải là sông Hồng? Nhưng thực tế nó vẫn là bắc qua sông Đuống, cụ thể cây cầu nằm về phía tây của cầu Đuống. Nếu một lần đi qua cầu Đông Trù mà thấy thông tin bắc qua sông Đuống ghi trong ngoặc đơn như đề xuất của tôi, thì tôi tin rằng anh bạn làm nghề tư vấn tài chính sẽ không cãi nhau với tôi đến “nổ cả con ngươi”, để rồi sau đó về nhà, tra thông tin, anh phải gọi điện xin lỗi.

 

Sở dĩ tôi quyết nói lại thêm một lần nữa, là bởi vì, nhân có cuộc tọa đàm về xây dựng thương hiệu do Báo điện tử đầu tư tổ chức, trong bữa ăn trưa, khi tôi nêu lại ý kiến trên thì không ngờ được nhiều người hưởng ứng đến thế. Nhà thơ Nguyễn Thành Phong và ông Phó chủ tịch hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn sốt ruột hơn cả tôi. Bởi hai ông cùng cho rằng, đó là loại việc vừa đẹp đẽ về văn hóa, vừa khoa học, lại rất thiết thực cho cộng đồng.

 

Điều quan trọng -như hai ông cùng khẳng định- là chỉ một cái ngoặc đơn và vài chữ thôi, nhưng hàng vạn người (trong đó có các ông) được nạp thêm kiến thức về đất nước, để thêm một lần có cơ hội suy tư về vùng đất mình đi qua, thêm một lần gợi nhớ những kiến thức khác gắn với lịch sử oai hùng…

________

 

Chú thích ảnh:

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2025/04/1-10-1920x1078.jpg

Cầu Triều Dương bắc qua sông Luộc, nối Hưng Yên và Thái Bình.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats