Wednesday, 25 December 2024

NGHỊ ĐỊNH 147 CÓ HIỆU LỰC : LO NGẠI GIA TĂNG ĐÀN ÁP, TỰ KIỂM DUYỆT TRÊN MẠNG XÃ HỘI VIỆT NAM (Trọng Thành | RFI)

 



Nghị định 147 có hiệu lực: Lo ngại gia tăng đàn áp, tự kiểm duyệt trên mạng xã hội Việt Nam

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 25/12/2024 - 12:55  -  Sửa đổi ngày: 25/12/2024 - 13:49

 https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20241225-ngh%E1%BB%8B-%C4%91%E1%BB%8Bnh-147-c%C3%B3-hi%E1%BB%87u-l%E1%BB%B1c-lo-ng%E1%BA%A1i-gia-t%C4%83ng-%C4%91%C3%A0n-%C3%A1p-t%E1%BB%B1-ki%E1%BB%83m-duy%E1%BB%87t-tr%C3%AAn-m%E1%BA%A1ng-x%C3%A3-h%E1%BB%99i-vi%E1%BB%87t-nam

 

Kể từ hôm nay, 25/12/2024, một nghị định của chính phủ Việt Nam siết chặt quản lý các mạng xã hội chính thức có hiệu lực. Theo AFP, Nghị định 147 buộc các nền tảng mạng xã hội phải tăng cường kiểm soát danh tính của người sử dụng và có thể bị buộc phải cung cấp cho chính quyền các dữ liệu liên quan đến người sử dụng. Giới nhân quyền lo ngại nghị định này có thể làm gia tăng đàn áp và tình trạng tự kiểm duyệt trên các mạng xã hội Việt Nam. 

 

HÌNH :

Ảnh lưu trữ : Blogger Đoàn Khánh Vinh Quang bị đưa đến tòa án tại tỉnh Cần Thơ, Việt Nam ngày 24/09/2018 và bị kết án 27 tháng tù vì đăng lên Facebook nhiều bài viết bị thẩm phán cho là xúc phạm đảng Cộng Sản, chính phủ và kêu gọi biểu tình chống chính phủ. AP - Thanh Sang

 

Nghị định 147, có tên gọi chính thức là « Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng », dự kiến sẽ có nhiều ảnh hưởng đến Việt Nam, nơi có khoảng 65 triệu người dùng Facebook, 60 triệu người dùng YouTube và 20 triệu người dùng TikTok, theo số liệu của bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, được AFP dẫn lại.

 

Nghị định 147 nêu rõ : Chỉ những người dùng mạng xã hội đã xác thực tài khoản bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân mới được đăng tải và chia sẻ thông tin (viết bài, bình luận, livestream) trên các mạng xã hội. Về mặt chính thức, Nghị định 147 được cho là  sẽ giúp ngăn chặn và xử lý các hành vi "lừa đảo, phát tán tin tức giả mạo, vi phạm pháp luật…", cũng như tình trạng « nghiện » trò chơi điện tử trên các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam. Báo chí trong nước dẫn lời ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử của bộ Thông tin và Truyền thông, khẳng định là các quy định mới sẽ giúp giải quyết được tình trạng « vô danh nên vô trách nhiệm ».

 

Các mạng xã hội có trách nhiệm tạm khóa, gỡ bỏ thông tin « vi phạm » trong vòng 24 giờ khi có yêu cầu từ phía cơ quan quản lý nhà nước, và trong vòng 48 giờ, « kể từ khi nhận được khiếu nại của người sử dụng », liên quan đến những nội dung vi phạm Điều 8 Luật An ninh mạng. 

 

Theo AFP, Nghị định 147, được xây dựng dựa trên luật An ninh mạng năm 2018, đã bị Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và giới bảo vệ quyền tự do internet lên án, cho rằng Việt Nam « bắt chước lối kiểm duyệt hà khắc của Trung Quốc đối với internet ».

 

Trả lời AFP, blogger và nhà hoạt động nhân quyền tại thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Vi cho biết : « Nhiều người hiện tại đang làm việc lặng lẽ, nhưng hiệu quả trong việc thúc đẩy các giá trị phổ quát về nhân quyền ». Bà cảnh báo nghị định mới « có thể khuyến khích thái độ tự kiểm duyệt, với việc mọi người sẽ tránh bày tỏ quan điểm bất đồng về chính kiến, để bảo vệ an toàn cho bản thân. Thái độ này sẽ gây tổn hại đến sự phát triển chung của các giá trị dân chủ » ở Việt Nam.

 

Hồi tháng 10/2024, blogger Đường Văn Thái, người có gần 120.000 người theo dõi trên mạng YouTube, nơi ông thường xuyên đưa lên các nội dung chỉ trích chính quyền, đã bị kết án 12 năm tù vì tội « tuyên truyền chống Nhà nước ». Nhà báo độc lập Osin Huy Đức (tên thật Trương Huy San), một tác giả có tài khoản trên mạng Facebook thu hút nhiều chú ý tại Việt Nam với các bài viết chỉ trích tình trạng kiểm duyệt thông tin, nạn tham nhũng, vừa bị bắt ít tháng trước.

 

Bà Patricia Gossman, phó giám đốc ban châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nhận định với AFP : « Nghị định 147 và các điều luật an ninh mạng khác của Việt Nam không những không bảo vệ được người dân trước những mối lo về an ninh mạng, mà còn không tôn trọng các quyền cơ bản của con người ».

 

Trong bảng xếp hạng tự do báo chí của tổ chức Phóng viên Không Biên giới RSF, Việt Nam đứng thứ 174/180.

  

 







No comments:

Post a Comment

View My Stats