Friday 9 August 2024

VIỆT NAM & PHILIPPINES LẦN ĐẦU HUẤN LUYỆN CHUNG TRÊN BIỂN, TRUNG QUỐC PHẢN ỨNG NHƯ THẾ NÀO? (BBC News Tiếng Việt)

 



 

 

Việt Nam và Philippines lần đầu huấn luyện chung trên biển, Trung Quốc phản ứng thế nào?

BBC News Tiếng Việt

7 tháng 8 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cq8223x90geo

 

Lực lượng cảnh sát biển Philippines và Việt Nam sẽ lần đầu tiên thực hiện huấn luyện chung trên biển vào cuối tuần này tại Vịnh Manila (Philippines). Trong khi đó, Trung Quốc cho máy bay do thám bay gần bờ biển Việt Nam, Reuters đưa tin.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/3bba/live/d997beb0-53a3-11ef-b2d2-cdb23d5d7c5b.png.webp

Lễ đón tàu CSB 8002 của Cảnh sát biển Việt Nam cập cảng Manila, Philippines vào sáng 5/8

 

Cuộc huấn luyện dự kiến diễn ra vào ngày 9/8.

 

Biển Đông là nơi Việt Nam và Philippines có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn, trong khi Trung Quốc có yêu sách đối với gần như toàn bộ vùng biển này đồng thời liên tục gia tăng áp lực lên các nước trong khu vực.

 

Theo Reuters, cuộc diễn tập này phù hợp với cam kết giữa hai nước trước đó.

 

Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Hà Nội của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr vào tháng 1/2024, Manila và Hà Nội đã ký kết hai thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển của hai nước và ngăn ngừa các sự cố không mong muốn ở Biển Đông.

 

Tổng thống Philippines cũng nhấn mạnh hợp tác hàng hải là trọng tâm của chuyến thăm.

 

Theo thông tin được đăng tải trên trang web chính thức của Bộ Quốc phòng Việt Nam, tàu CSB 8002 cùng Đoàn công tác Cảnh sát biển Việt Nam do Thượng tá Hoàng Quốc Đạt, Phó Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 làm Trưởng đoàn đã cập cảng Manila (Philippines) để "bắt đầu chuyến thăm, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm" với Cảnh sát biển Philippines".

 

 

Cuộc tập trận có ý nghĩa gì?

 

Phó Đề đốc Arnaldo M Lim, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến thuật và Hợp tác quốc tế, Cảnh sát biển Philippines (PCG), cho rằng chuyến thăm của tàu CSB 8002 là một dấu mốc quan trọng trong việc tăng cường hợp tác giữa hai lực lượng bảo vệ bờ biển, hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường biển an toàn, ổn định và hợp tác ở khu vực, theo Bộ Quốc phòng Việt Nam.

 

Về phía Việt Nam, theo Thượng tá Hoàng Quốc Đạt, chuyến thăm này là dịp để lực lượng hai nước "giao lưu, học hỏi về các mặt công tác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là trong lĩnh vực thực thi pháp luật trên biển".

 

Theo Reuters, con tàu này sẽ lưu lại cảng Manila trong năm ngày.

 

Tại đây, tàu CSB 8002 sẽ tiến hành các bài tập huấn luyện với tàu tuần tra BRP Gabriela Silang dài 83m của Philippines trong ngày 9/8, tập trung vào tìm kiếm và cứu hộ cũng như phòng chống cháy nổ.

 

“Mặc dù có sự cạnh tranh, Philippines và Việt Nam cũng là những nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Tây Philippines (cụm từ mà Manila gọi vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình tại Biển Đông), do đó hai nước có thể hợp tác với nhau,” Reuters dẫn lời người phát ngôn của PCG, Chuẩn đô đốc Armando Balilo.

 

“Hy vọng điều này sẽ tạo ra một khuôn mẫu có thể được sử dụng ngay cả với Trung Quốc để giảm leo thang căng thẳng,” ông Balilo nói tiếp.

 

Philippines và Việt Nam đã lần lượt đệ trình riêng lên Liên Hợp Quốc về thềm lục địa mở rộng để công nhận quyền lợi ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ ở Biển Đông lần lượt vào tháng 6 và tháng 7 năm 2024.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/7143/live/e995c2b0-53a5-11ef-aebc-6de4d31bf5cd.jpg.webp

Cảnh sát biển Philippines thăm tàu CSB 8002

 

"Cuộc tập huấn chung giữa cảnh sát biển Philippines và Việt Nam cho thấy một bước phát triển quan trọng trong hợp tác giữa các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Kể từ khi Hà Nội bày tỏ mong muốn đàm phán với Manila về các tuyên bố chồng chéo, động lực đằng sau quan hệ song phương tiếp tục phát triển," nhà phân tích địa chính trị Don McLain Gill từ trường Đại học De La Salle ở Manila nhận định với BBC Tiếng Việt vào hôm 6/8.

"Cả hai nước đã chứng minh rằng mặc dù có các tuyên bố mâu thuẫn nhau, họ vẫn có thể tạo ra một môi trường thuận lợi cho hợp tác an ninh hàng hải nhằm đóng góp vào hòa bình và ổn định của vùng biển khu vực trước mối quan ngại chung về sự bành trướng của Trung Quốc," ông Gill nói tiếp.

 

Chuẩn đô đốc Armand Balilo cho biết trong một cuộc phỏng vấn với các phóng viên sau khi tàu CSB 8002 cập cảng rằng các cuộc tập huấn lịch sử giữa hai lực lượng cảnh sát biển không nhằm vào Trung Quốc, theo Straits Times.

 

Nhưng ông cũng khẳng định các cuộc tập huấn như vậy tạo ra hình mẫu tốt cho các đội bảo vệ bờ biển của các nước tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông khác có thể tìm kiếm cách thức hợp tác bất chấp các tuyên bố chủ quyền chồng chéo.

 

Bài viết trên Nikkei Asia vào tối ngày 5/8 cho rằng chuyến thăm của tàu CSB 8002 là "đỉnh cao" tính tới nay của thỏa thuận hợp tác hàng hải mà hai nước đã ký hồi đầu năm 2024.

 

Đề đốc Algier Ricafrente, Phó tham mưu trưởng PCG phụ trách các vấn đề quốc tế, cũng nói với các phóng viên rằng các cuộc huấn luyện chung "là điều cần thiết vì hai quốc gia cần phải hợp lực và giải quyết các sự cố trong tương lai".

 

Tổng giám đốc điều hành của công ty tư vấn Amador Research Services tại Manila, Julio Amador, cho rằng cuộc diễn tập giữa hai quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng chéo xảy ra nhờ hai bên "có thiện chí" khi họ không từ bỏ yêu sách của mình nhưng lại tìm cách hợp tác.

"Tôi muốn thấy điều này mở rộng, bao gồm các quốc gia thành viên ASEAN khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Bắc Kinh sẽ kiếm cớ để cảm thấy 'bị xúc phạm' vì điều này," ông Amador trả lời Nikkei.

 

Nhà phân tích địa chính trị Don McLain Gill nhận xét:

 

"Mặc dù Hà Nội và Manila có những phương pháp khác nhau trong việc đối phó Trung Quốc, nhưng mức độ tin cậy ngày càng tăng giữa hai nước đã giúp thúc đẩy mức độ hợp tác của họ. Cuộc tập trận này là một sự thể hiện chưa từng có về hợp tác và tin cậy giữa hai nước có tuyên bố chủ quyền chồng chéo ở Biển Đông.

"Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng khiêu khích Việt Nam bằng cách mở rộng tầm ảnh hưởng vào Vịnh Bắc Bộ và thông qua dự án kênh đào của họ. Vì vậy, Việt Nam cũng nhận ra cần hợp tác với các nước láng giềng để giải quyết thách thức từ Trung Quốc.

 

Trước đó vào đầu tháng 5/2024, các chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (DKI APCSS, Mỹ) nói rằng sự hợp tác giữa Philippines và Việt Nam cần được đẩy mạnh hơn nữa.

 

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh Việt Nam và Philippines là hai nước dễ bị tổn thương bởi chính sách "chia để trị" của Trung Quốc.

 

Ông Chester Cabalza, Chủ tịch tổ chức Hợp tác Phát triển và An ninh quốc tế (IDSC) từ Manila, chia sẻ với Straits Times rằng cuộc tập trận chung có thể xóa bỏ niềm tin rằng có sự mất đoàn kết giữa các nước láng giềng trong khu vực trong bối cảnh tồn tại các yêu sách lãnh thổ và hàng hải chồng chéo ở Biển Đông.

 

Ông Don McLain Gill cho rằng sự kiện này có thể khuyến khích các nước khác có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông hành động tương tự, chẳng hạn như Malaysia hoặc Indonesia.

"Hà Nội và Jakarta đã dứt điểm thành công tranh chấp biên giới biển vào năm 2022 sau nhiều năm đàm phán. Do đó, nếu Philippines và Việt Nam có thể duy trì và tăng cường đà này, đồng thời lưu ý đến các vấn đề quốc gia nhạy cảm, một thỏa thuận như vậy giữa các nước tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông có thể trở thành hiện thực trong dài hạn," ông Gill nói.

 

 

Trung Quốc phản ứng thế nào?

 

Nhận định với BBC Tiếng Việt về ý nghĩa của cuộc huấn luyện chung này đối với Trung Quốc, nhà phân tích Don McLain Gill nói:

 

"Trung Quốc sẽ không nhìn nhận điều này một cách tích cực vì lợi ích của họ là có một Đông Nam Á bị chia rẽ khi họ tìm cách tối đa hóa quyền lực của mình trong khu vực."

 

Sau khi thông tin về cuộc tập huấn chung được công bố, Trung Quốc đã có một số phản ứng liên quan về vấn đề Biển Đông.

 

Dự án Đại sự ký Biển Đông thông tin với Reuters hôm 5/8 rằng một máy bay quân sự không người lái của Trung Quốc với thiết bị theo dõi được bật đã bay gần bờ biển Việt Nam vào ngày 2/8.

 

Máy bay WZ-10 xuất phát từ đảo Hải Nam và quay trở lại đó sau khi bay cách bờ biển Việt Nam khoảng 100 km đến thành phố Nha Trang ở phía nam, theo bản đồ lộ trình đường bay được Dự án Đại sự ký Biển Đông chia sẻ với Reuters.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/bdeb/live/356680e0-53b9-11ef-b2d2-cdb23d5d7c5b.jpg.webp

Một máy bay không người lái WZ-10 được trưng bày ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc vào tháng 7/2023

 

Phía Đại sự ký Biển Đông cho biết các nhà nghiên cứu khác, những người đã theo dõi Biển Đông trong thời gian dài, đã xác nhận rằng đây là lần đầu tiên một chuyến bay như vậy được Trung Quốc công khai.

 

Tuy nhiên, Reuters vào hôm 5/8 chưa thể xác minh độc lập các hồ sơ trước đây về các chuyến bay như vậy.

 

Chuyến bay diễn ra chỉ vài ngày sau khi có thông tin về cuộc tập trận chung trên biển lần đầu tiên giữa Việt Nam và Philippines cũng như trong thời điểm Việt Nam trải qua các diễn biến chính trị chấn động.

 

Báo South China Morning Post ở Hong Kong hôm 26/7 có bài có bài phân tích những tác động tiềm tàng từ việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời đối với tình hình Biển Đông.

 

Trong đó, ông Trương Minh Lượng, Phó Giáo sư chuyên về Đông Nam Á và Biển Đông tại Đại học Kỵ Nam (Quảng Châu), nhận định sự kiện Việt Nam nộp hồ sơ đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở khu vực giữa Biển Đông lên Liên Hợp Quốc có thể được thực hiện dưới sự giám sát của ông Tô Lâm.

 

"Thời điểm này thật thú vị - có lẽ nhằm mục đích... thể hiện lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc cho công chúng trong nước xem, đồng thời cố gắng gia tăng lợi thế thương lượng của ông Lâm đối với Trung Quốc.

 

"Điều đó cho thấy ông Tô Lâm một mặt sẽ làm theo cách tiếp cận của ông Trọng trong việc đối phó với các cường quốc... nhưng mặt khác sẽ có những khác biệt, biến thể và các nước đi sáng tạo," ông Trương nói.

 

Và vào hôm 3/8, ông Tô Lâm đã được bầu làm tổng bí thư nhiệm kỳ Đại hội Đảng 13, thay cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 

Tối 5/8, trang China Daily cho biết Hải cảnh Trung Quốc đã giám sát và đưa ra cảnh báo đối với các tàu Philippines ở Bãi Sa Bin trên Biển Đông - một khu vực cũng tồn tại những tuyên bố chủ quyền chồng chéo.

 

"Hải cảnh Trung Quốc sẽ, như mọi khi, tiến hành các hoạt động bảo vệ quyền và thực thi pháp luật tại vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và lợi ích hàng hải," China Daily dẫn lời của người phát ngôn Hải cảnh Trung Quốc.

 

Cũng trong tối 5/8, tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc có bài viết cho rằng Đức đã không khôn ngoan khi can thiệp vào vấn đề Biển Đông và "khuyên" Đức nên kiềm chế hành động khiêu khích.

 

Bài viết được đăng tải sau khi Philippines và Đức đã cam kết ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng trong năm 2024 vào hôm 3/8.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius và người đồng cấp Philippines Gilberto Teodoro cũng cam kết duy trì trật tự trong khu vực dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông ngày càng gay gắt, theo Reuters.

 

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông bất chấp Tòa án Trọng tài Thường trực năm 2016 đã khẳng định rõ ràng rằng yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.

 

Nhà nghiên cứu Don McLain Gill nói với BBC Tiếng Việt:

 

"Điều quan trọng đối với Manila và Hà Nội là tăng cường phối hợp, đồng thời tôn trọng các vấn đề quốc gia nhạy cảm của nhau để tối đa hóa lợi ích mà không gây ra xung đột trong tương lai."

 

"Một khi các nước này phát triển mối quan hệ và lòng tin mạnh mẽ hơn với nhau, sẽ khó khăn hơn cho Trung Quốc theo đuổi chiến lược chia để trị," ông Gill bình luận.

 

-----------------

Tin liên quan

·         

Máy bay quân sự không người lái của Trung Quốc 'bay gần bờ biển Việt Nam'

5 tháng 8 năm 2024

·         

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời ảnh hưởng thế cục Biển Đông thế nào?

1 tháng 8 năm 2024

·         

Việt Nam nộp đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ở khu vực giữa Biển Đông

18 tháng 7 năm 2024

·         

Căn cứ Ream của Campuchia thay đổi như thế nào từ năm 2019 đến nay? (bài 1)

3 tháng 7 năm 2024

·         

Trung Quốc đang làm gì tại căn cứ quân sự Ream của Campuchia? (bài 2)

4 tháng 7 năm 2024

·         

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats