Sunday, 25 August 2024

VIỆT NAM CẦN CÓ MỘT PUTIN HAY MỘT ĐINH BỘ LĨNH (Trương Nhân Tuấn / Báo Tiếng Dân)

 



Việt Nam cần có một Putin hay một Đinh Bộ Lĩnh

Trương Nhân Tuấn

24/08/2024

https://baotiengdan.com/2024/08/24/viet-nam-can-co-mot-putin-hay-mot-dinh-bo-linh/

 

Cuộc họp “bất thường” của Quốc hội vào thứ hai 26-8 sắp tới được biết mục đích nhằm “kiện toàn nhân sự” trong chính phủ. Nhiều người tiên đoán rằng ông Tô Lâm sẽ phải buông ghế Chủ tịch nước và Lương Cường sẽ lên thay.

 

Mô hình phân bổ quyền lực gọi là “tứ trụ” trong bàn cờ chính trị Việt Nam chỉ mới xuất hiện từ khi thế hệ “khai quốc công thần” đã thoái trào do tuổi tác. Thế hệ thứ hai “cá đối bằng đầu”, đảng viên không ai có công lao trong công cuộc “đánh Pháp, đuổi Mỹ”. Nguy cơ tranh chấp quyền lực trong nội bộ khiến đảng có thể bị phân liệt. Các tranh chấp, lớn nhứt là tranh chấp vùng miền. Sau đó là tranh chấp giữa quân đội và công an. Biện pháp phân bổ quyền lực, mỗi phe một ghế, các mâu thuẫn nội bộ nhờ vậy cũng tạm yên.

 

Trong chiến tranh nhiều sử gia đinh ninh rằng dân miền Bắc chịu nhiều hy sinh. Đặc biệt ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, và Hà Tĩnh. Vì vậy phần nhiều cái bánh quyền lực (lợi) được trao cho miền Bắc, sau đó khu vực Thanh-Nghệ-Tĩnh. Cuối cùng miếng bánh nhỏ nhứt giao cho miền Nam (dưới vĩ tuyến 17).

 

Cách phân bổ quyền lực (theo vùng miền) này bất công. Vì chưa có thống kê nào chính xác để “đo đếm” công lao của từng tỉnh, từng khu vực cho công cuộc “đánh Pháp, đuổi Mỹ giành độc lập và thống nhứt đất nước”. Nếu ở Nghệ an có những làng, xã vắng bóng thanh niên, vì tất cả đã đi phục vụ cho chiến trường “sinh Bắc tử Nam”, nhưng lại có tỉnh, như Bắc Kạn (quê hương TBT Nông Đức Mạnh) cả hai cuộc chiến gộp lại, con số đóng góp chỉ vài trăm liệt sĩ.

 

Các cuộc kiểm tra trên thực tế sau này cho thấy, con số liệt sĩ hy sinh cho cuộc chiến lại nghiêng về các tỉnh dưới vĩ tuyến 17. Dân tỉnh Quảng Nam đã hy sinh cho cuộc chiến đứng hàng thứ hai, chỉ sau Hà Nội. Tỉnh Quảng ngãi cũng đứng trên con số liệt sĩ thuộc các tỉnh Thanh-Nghệ-Tĩnh. Các tỉnh Bến tre, An giang v.v… cũng đóng góp xương máu không hề kém. Ta không thể không nhắc công lao của Lê Duẩn, xuất xứ Quảng trị, người đã dẫn dắt đảng CSVN đạt đến chiến thắng cuối cùng.

 

Phân bổ quyền lực theo vùng miền, vì vậy là bất công, ngay từ câu nói của ông Trọng: “Tổng bí thư phải là người có lý luận và phải là người miền bắc“. Đứng đầu một đảng cầm quyền mà chỉ biết lý luận suông thì rõ là không phù hợp, cho thời chiến lẫn thời bình.

 

Còn tranh chấp giữa hai phe quân đội và công an, bên thì cho rằng chúng tôi bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ; bên thì cho rằng chúng tôi bảo vệ an ninh xã hội. Số ghế ủy viên Trung ương và Bộ Chính trị của hai phe luôn tương đương với nhau.

 

Cuối cùng phe miền Nam, phe đóng góp xương máu nhiều hơn hết trong cuộc chiến, thì chỉ được “khúc đuôi xương xẩu” của con cá.

 

Nhưng đó không phải là vấn đề. Nguy cơ lớn nhứt của Việt Nam hiện thời là nạn tham nhũng.

 

Ở các xứ độc tài phi dân chủ như Trung Quốc, Việt Nam… quyền lực cũng có nghĩa là quyền lợi. Việt Nam rập khuôn mô hình chính trị của TQ. Nguyên nhân của tham nhũng ở TQ đến từ sự bất minh trong việc phân chia quyền lực. Phe thì cậy tài quản trị, như thống đốc các tỉnh phát triển. Trọng lượng chính trị của các tỉnh phát triển ven biển luôn lớn hơn các tỉnh nghèo trong lục địa (phe Thượng hải). Phe thì cậy vào tổ chức đảng (phe đoàn). Phe thì nhờ vào uy danh của cha ông (phe thái tử đảng). Từ đó đưa đến vấn nạn tranh giành quyền lực và tham nhũng hết thuốc chữa.

 

Nạn tham nhũng Việt Nam còn tệ hại hơn Trung Quốc. Bộ Chính trị bên Trung Quốc có 9 ông mà đã bị phê bình “chín con rồng làm mưa làm gió”. Việt Nam có lúc lên tới 17, 19 con rồng. Ngoài ra còn có 200 “sứ quân”, tương ứng với con số ủy viên trung ương. Nạn thập nhị sứ quân thời xưa không nhằm nhò gì với nạn 200 con sâu chúa “ăn của dân không từ một thứ gì” thời nay.

 

Ta thấy công cuộc “đốt lò” thời ông Trọng có nghĩa là “ta đánh ta”, là “ném chuột sợ vỡ bình”.Không ai tự đánh đau mình hết cả. Không ai muốn phá của quý trong nhà hết cả. Đốt lò trở thành công cụ răn đe và củng cố quyền lực.

 

Nếu Tô Lâm phải nhường ghế Chủ tịch nước cho Lương Cường, tức là phe cầm dùi cui nhượng bộ phe cầm súng, thì Việt Nam “vũ như cẩn”. Chế độ “tứ trụ” tiếp tục và mọi việc như cũ, như không có chuyện gì xảy ra. “Le roi est mort, vive le roi”.

 

Thực tế lịch sử cho thấy Việt Nam cần một Đinh Bộ Lĩnh hơn bao giờ hết. Quyền lực quốc gia phải được thống nhứt lại.

 

Gần đây tôi có viết rằng, tôi hy vọng nhân vật Tô Lâm trở thành một Putin của Việt Nam. Bởi vì tôi thấy xã hội Việt Nam thời “hậu Trọng vương” không khác nhiều xã hội Nga thời hậu Yeltsin. Toàn bộ tài sản quốc gia nằm trong tay một số “tài phiệt – oligarque”, thân cận với kẻ nắm quyền lực. Xã hội đầy dẫy bất công vì các chính sách phân biệt lý lịch, phân biệt vùng miền, đặc biệt do chính sách “đấu tranh giai cấp” dùng khối dân chúng này chống lại khối dân chúng kia…

 

Việt Nam cần một Đinh Bộ Lĩnh để thống nhứt quyền lực nhưng cũng cần một Putin để dẹp bỏ hệ thống oligarchie đầy tính bất công.

 

Tô Lâm khá tương đồng với Putin vì cả hai đều chủ trương thực dụng và cùng xuất thân từ công an. Đảng Cộng sản Nga thực tế không chết dưới thời Yeltsin, mà chết dưới thời Putin.

Nhắc lại là ông X cũng xuất thân từ công an và cũng thực dụng như Putin. Lần duy nhứt, dưới thời ông X làm thủ tướng, lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam cho phép các ứng cử viên “ngoài đảng” ra tranh cử. Đến thời ông Trọng, mọi cánh cửa về dân chủ, tự do đều đóng lại.

 

Dầu vậy, theo nhận xét của cá nhân, mô hình “tứ trụ” sẽ làm hài lòng nhiều người thuộc “phe dân chủ”. Theo ý kiến của ông Quang A (trong một cuộc hội luận trên VOA) thì mô hình này đem lại cho Việt Nam sự “ổn định”. Còn nhà văn Võ Thị Hảo cùng nhiều nhà dân chủ khác thì chống Tô Lâm tới cùng. Theo nhà văn, thì ông Tô Lâm phạm nhiều tội ác, như Đồng Tâm và vụ bắt Trịnh Xuân Thanh. Những người này có lẽ khóc ông Trọng nhiều hơn ai hết.

 

Tôi luôn hy vọng rằng Việt Nam có một Putin, hay một Đinh Bộ Lĩnh. Tôi không ảo tưởng như những nhà dân chủ rằng Việt Nam sẽ được “dân chủ hóa”.

 

Vì sao tôi nói là “ảo tưởng”? Là vì thực tế “tương quan quyền lực”, phe dân chủ là con số không to tướng.

 

Việt Nam xưa nay đã rập khuôn mô hình Trung Quốc. Sắp tới 95% Việt Nam sẽ tiếp tục theo mô hình này. Tô Lâm sẽ là một Tập Cận Bình của Việt Nam.

 

Việt Nam không bao giờ theo phe Mỹ. Nếu có một cuộc “cách mạng hoa hòe” nào đó xảy ra, đảng CSVN sụp đổ, Việt Nam theo Mỹ, thì Trung Quốc sẽ can thiệp trực tiếp vào nội bộ Việt Nam. Dân chủ sẽ không bao giờ “trụ” lại được, nếu không có một nền pháp trị vững mạnh để bảo vệ.

 

Các quốc gia Tunisia, Ai cập v.v… cách mạng màu xảy ra nhưng thành quả sau đó cuốn theo chiều gió. Vì sao? Vì các quốc gia này không có nền pháp trị để bảo vệ thành quả dân chủ.

Dĩ nhiên, dân chủ là “mỗi người mỗi ý”. Giá trị cốt lõi của dân chủ là tôn trọng ý kiến khác biệt.

 

Có lần tôi nói rằng, nếu một ngày đẹp trời nào đó “cách mạng dân chủ thành công”, người Việt Nam ở Bolsa, ở Đức… về Việt Nam lãnh đạo. Tôi có nói là tôi sẽ tiếp tục đời sống lưu vong. Bởi vì nhìn thái độ của người thuộc phe dân chủ hiện nay, ai nói khác họ, ai có ý kiến khác họ, thằng đó là Việt Cộng. Thì họ có khác gì Việt Cộng đâu?

 

.

14 BÌNH LUẬN   

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats