Sunday, 18 August 2024

VIỆT NAM ĐANG CÓ TIỀN ĐỀ TỐT ĐỂ THỰC HIỆN CUỘC LỘT XÁC (Trần Văn Chánh / Báo Tiếng Dân)

 



Việt Nam đang có tiền đề tốt để thực hiện cuộc lột xác (Bài 1)

Trần Văn Chánh

18/08/2024

https://baotiengdan.com/2024/08/18/viet-nam-dang-co-tien-de-tot-de-thuc-hien-cuoc-lot-xac-bai-1/ 

 

Bài 1: Thời thế tạo anh hùng?

 

Cách nay hơn hai năm, trong một bài viết mang tên “Người tốt không còn nên chẳng cần, chỉ cần chọn hướng đúng!” đăng trên trang Viet-Studies ngày 8-1-2022, tôi có viết:

 

Đề cập việc trị nước an dân xây dựng xã hội tốt lành mà nói không cần người tốt hay nhà lãnh đạo có đạo đức thì quả là một nghịch lý, một lối nói thậm chí có thể gọi ngụy biện, rất dễ bị mọi người nhao nhao lên đả kích không thương tiếc.

 

Bởi một chân lý chung cổ kim đều thừa nhận: Người lãnh đạo chính trị-xã hội phải có cả tài năng lẫn đức độ, mà bây giờ quen nói theo giọng thời thượng, phải vừa có tâm vừa có tầm.

“Nhưng khổ nỗi, một sự thật rất phũ phàng không thể phủ nhận cần phải trung thực nói lên, dù rất đau lòng, đó là nhân dân Việt Nam trong nhiều chục năm nay đã phải sống trong tình trạng xã hội hủ nát mà đại đa số quan lại tức giới lãnh đạo đều trở nên gian tà ở những mức độ khác nhau do cái thể chế độc tài toàn trị phi dân chủ gây nên.

 

“Nói cách khác, tình trạng rất đáng bi quan như hiện nay trong một xã hội xuống cấp toàn diện không phải do từng cá thể xấu riêng lẻ cộng lại, mà do nó được sinh ra một cách tất yếu từ thể chế độc tài toàn trị hiện hữu. Trong hệ thống chính trị này, những người được cất nhắc lên chức vụ cao lãnh đạo đại đa số đều không có tâm lẫn không có tầm, bởi nếu có tâm mà sống trung thực lành mạnh dám ăn ngay xổ thẳng không a dua cấp trên thì dù muốn lên tới chức cỡ chủ tịch phường xã quèn cũng đã thiên nan vạn nan, do phương thức bổ nhiệm con người không căn cứ vào đức độ tài năng mà theo “quy hoạch-cơ cấu”, chủ yếu dựa trên lý lịch (con ông cháu cha…) và bè đảng. Nên có thể nói, hầu hết quan to hiện nay đều là những kẻ ít nhiều tệ hại, và mức độ tệ hại này của quan chức thường tỉ lệ thuận với các chức quyền mà họ được nắm giữ…. Bên cạnh hạng người này là số ít người cũng có chức quyền kha khá và tương đối trong sạch, đôi khi có cả tâm cả tầm lẫn lý tưởng phục vụ, nhưng lực bất tòng tâm, họ đành phải sống cầu an, ngậm miệng ăn tiền, vô tình đồng lõa với cái xấu…”.

 

Trong một hoàn cảnh như vậy, ai muốn giữ được khí tiết thanh cao kiểu người xưa, thì phải “độc hành kỳ đạo, độc thiện kỳ thân”, theo cách dám can đảm xả bỏ cáo quan trước tuổi về hưu, chứ không chờ bị đuổi hoặc bị buộc phải “xin thôi” một cách nhục nhã, rồi thong dong về quê cắm câu, đuổi gà cho vợ, làm người tử tế trong xóm ngõ, cơm ngày hai bữa, chấp nhận sống cuộc đời có thể lu mờ, cho qua ngày đoạn tháng trong thời buổi “nước vô đạo”.

 

Nói về tình trạng tham nhũng tiêu cực và thoái hóa biến chất của giới quan lại chức quyền, như trên đã nói và vì nhiều nguyên nhân khác nữa, thì không bút mực nào tả xiết, “trúc Nam Sơn không ghi hết tội”, nên chỉ cần tóm gọn trong mấy chữ “quốc nạn tham nhũng” hay “thối nát toàn tập” là đủ. Hiện trạng đã xuất hiện từ rất nhiều năm này, dẫn tới nguy cơ quan trường suy bại, quốc lực ngày một suy mòn, đời sống nhân dân lao động ngày càng điêu đứng, khiến họ mất lòng tin vào thể chế chính trị hiện hữu, vốn bị coi là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, gây nên tình trạng tham nhũng sâu rộng đến mất kiểm soát và hầu như vô phương cứu chữa.

 

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/08/1-47.jpeg

Các “khúc củi” bị ném vào lò trong thời gian gần đây. Nguồn: Báo VNN

 

 

Cho nên có thể nói, đặc điểm nổi bật của xã hội Việt Nam sau nhiều năm đi theo con đường XHCN đã bị biến tướng (thành CNXH thân hữu và CNTB cuồng nhiệt), là một xã hội tham nhũng, đi cùng với các tệ nạn xã hội ngày một gia tăng và tình trạng suy thoái về văn hóa-đạo đức nghiêm trọng chưa từng được chứng kiến trong lịch sử.

 

Để khắc phục hiểm nguy, bởi “dân vô tín bất lập” (dân không tin thì phải sụp đổ), người ta đã đưa ra chủ trương tận diệt tham nhũng dưới hình thức “đả hổ diệt ruồi”, còn quen gọi là “đốt lò”, tạm coi như khởi động mạnh từ năm 2016, nhưng chiến dịch hoàn toàn không mang lại kết quả như mong muốn. Bằng cớ là sau đó vài năm, còn có những vụ đại án tham nhũng lớn hơn, với tội ác tày đình hơn, diễn ra giữa lúc nhân dân toàn quốc đang bị khốn đốn vì đại dịch Covid-19, dính tới hàng trăm, hàng ngàn quan chức các cấp câu kết từ trung ương tới địa phương, như có thể dẫn chứng tiêu biểu từ các vụ Việt Á, “chuyến bay giải cứu”…

 

Chưa kể chiến dịch đốt lò còn làm phát sinh một số hiệu ứng phụ, khó lòng tránh khỏi, như tệ đấu đá tranh giành quyền lực, gây mất đoàn kết nội bộ; tình trạng co cụm vì sợ trách nhiệm của các quan chức đầu ngành làm tê liệt một phần quan trọng hiệu quả của bộ máy hành chính; việc đầu tư công xây dựng cơ sở hạ tầng, cùng các hoạt động kinh tế khác… bị ngưng trệ, mà cụ thể rõ ràng nhất là tình trạng thiếu thiết bị, dụng cụ, thuốc men chữa bệnh cho dân, đã và đang xảy ra hai năm nay tại tất cả các bệnh viện trên toàn quốc.

Còn như những vụ đại án kinh tế khác, như Vạn Thịnh Phát, AIC, Quyết còi, Công ty Cây xanh Công Minh, Tập đoàn Thuận An, Tập đoàn Phúc Sơn, các công ty đăng kiểm… đều do có sự câu kết, bao che của những quan chức cấp cao tham nhũng, liên quan đến các tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đưa và nhận hối lộ…

 

Do vậy, dân chúng và các giới quan sát vẫn còn rất nghi ngờ về khả năng chống tham nhũng, tiêu cực của biện pháp “đốt lò”, vì gốc của tham nhũng, tiêu cực chính là do từ thể chế độc tài toàn trị mà ra, trong đó các nhánh quyền lực chẳng những không chế ước được lẫn nhau, mà còn kết nối thành một hệ thống chặt chẽ, thực chất chỉ là để “chia quyền tham nhũng” một cách hợp pháp, dưới hình thức sân sau của các quan chức cấp cao hoặc tối cao, đang ngày càng lộ rõ cho mọi người dân đều thấy.

 

Đến đây, có thể nói, công cuộc đốt lò đã tỏ ra thất bại, mất kiểm soát, cho dù khởi đầu nó có thể xuất phát từ một thứ thiện ý phi thực tế của số ít nhân vật ảo tưởng, chân đi không chấm đất, hoặc có tâm mà không có tầm, chỉ biết dựa vào những tín điều cổ hủ chẳng còn ai tin, bởi vì tham nhũng thực tế đã phát triển thành một “bầy sâu” đông đảo bò lổn nhổn khắp nơi trên những mảnh ruộng đã bị nhiễm độc vì các loại nông dược, nên sờ vào đâu cũng thấy sâu.

 

Trong tình trạng ai cũng dính chàm như ai, thì lấy ai trị ai, ngoài cách dung túng bao che lẫn nhau để cộng đồng tồn tại, bởi tất cả cùng là một giuộc như nhau, trong cái hệ thống chính trị độc tài toàn trị không có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực (lập pháp, hành pháp và tư pháp).

 

Quốc hội, và hội đồng nhân dân các cấp nói là có trách nhiệm giám sát nhưng thực tế chỉ ăn theo nhà cầm quyền, được cấu tạo bằng những cuộc bầu cử phi dân chủ một cách cực kỳ lố bịch.  Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể khác thì người dân cũng chẳng thể đặt hy vọng gì cao hơn. Báo chí – thay vì là “đệ tứ quyền” góp phần kiểm soát, phát hiện hiệu quả các hành vi tiêu cực – trái lại đã luôn biến thành cái loa của Ban Tuyên giáo Trung ương, như trong vụ test kit Việt Á, khi nói vầy lúc nói khác, tráo trở khôn lường.

 

Dân gian nói “Nhà dột từ nóc”, “Thượng bất chính hạ tắc loạn”… Lại  còn nói  “Dòi từ trong xương dòi ra”…, nếu chỉ bôi thuốc ngoài mặt vết lở loét thì chẳng ăn thua, một lũ dòi phục sẵn trong ổ mủ sẽ tiếp tục bò ra ngày một thêm đông đảo, phá hoại toàn cơ thể…

 

Suy ra trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao và tối cao trong bộ máy cầm quyền hầu như không thể còn người tốt, hoặc chỉ còn một số ít người tương đối trong sạch nhưng cũng đều trở thành lực lượng đồng lõa, thường giữ các chức vụ trung gian từ cấp tỉnh, thành trở xuống.

 

Tuy nhiên, bên cạnh tình thế có vẻ bi quan như mô tả ở trên, chúng ta vẫn còn được khá nhiều hy vọng, cũng chính từ “công cuộc đốt lò” mà ra: Nương theo tính chính danh của chiến dịch bài trừ tham nhũng “không có vùng cấm, không có vùng tránh, không có ngoại lệ”.

 

Và thuận theo tính phát triển logic trong một chuỗi nhân quả liên tục của nó, một cuộc lật đổ cung đình hay còn gọi cuộc đảo chính không tiếng súng/ không chết người đã diễn ra một cách thông minh, vô cùng ngoạn mục, chưa từng có trong lịch sử, trong cũng như ngoài nước, qua việc đốn ngã thành công chớp nhoáng vừa qua đối với một vài nhân vật cấp cao trong hàng ngũ tứ/ ngũ trụ, những người đường đường là phương diện quốc gia trông bề ngoài có vẻ bệ vệ đạo đức, phát lời tuyên thệ trước quốc dân khi giơ tay nhận chức vụ cao với những lời tuyên bố hùng hồn có canh, nhưng thực chất đều là những con sâu bự, tay đã dính chàm, dựa vào danh nghĩa bảo vệ Đảng lãnh đạo, bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin và nêu gương đạo đức Hồ Chí Minh để lén lút làm bậy.

 

Một trong những thủ thuật trọng yếu của người CS là điều khiển con người bằng sự sợ hãi. Cuộc đảo chính đã được thực hiện trên nền tảng “ai ai cũng dính chàm” nên ai ai cũng sợ hãi. Kế đến là thuật “giết gà dọa khỉ” (sát kê hách hầu), một trong 36 kế kinh điển của người xưa đã dạy, để bịt miệng những người có tịch, bị ngành công an nắm rõ hồ sơ tội lỗi, khiến ai ai cũng riu ríu tuân theo, không dám chống.

 

Có thể nói chính trường Việt Nam chưa bao giờ sôi động và gây kinh ngạc như trong khoảng thời gian từ đầu năm 2024 đến nay. Người nắm đại quyền xuất phát từ ngành công an, sau khi nắm rõ điểm mấu chốt trong hiện tình thối nát của đất nước, dường như muốn gì được nấy, cũng là nhờ nắm được lý lịch phạm tội tham nhũng cũng như tâm lý sợ hãi của tất cả những nhân vật cấp cao.

 

Một cuộc đảo chính độc đáo đã thật sự diễn ra như vậy hoàn toàn không dựa trên một lý thuyết chính trị viển vông nào, mà chỉ dựa trên thực tế của tình trạng “thối nát toàn tập” của hệ thống chính trị biểu hiện qua quốc nạn tham nhũng, nên coi như đã đạt được tính chính danh nhờ được nhân dân ủng hộ…

 

Đây là lý do khiến kẻ viết bài này hôm nay vẫn tiếp tục tái khẳng định: Người tốt không còn nên chẳng cần, chỉ cần chọn hướng đúng!

 

Điều này có nghĩa, trước mắt chúng ta chỉ cần những nhà lãnh đạo thông minh, có tài năng, bản lĩnh và tư tưởng cải cách mạnh mẽ hợp thời vụ và hợp với nền văn minh chung của nhân loại theo đường hướng dân chủ hóa đời sống xã hội một cách thực chất, nhằm đưa cả dân tộc Việt Nam đi về phía ánh sáng.

 

Điều này cũng có nghĩa chúng ta tạm thời chấp nhận sự lãnh đạo của một số người tên X, tên Y nào đó, dù tay họ cũng đã lỡ dính chàm giống như mọi đồng chí khác (nếu không muốn nói dĩ độc trị độc, dính chàm mới trị được dính chàm), trên cơ sở chấp nhận một sự thật phũ phàng là không thể còn tìm ra được ai khác vừa trong sạch, vừa tài năng và đủ bản lĩnh để thực hiện cải cách chính trị, trên cái nền thể chế từ lâu đã suy bại mà chính họ cũng là sản phẩm.

 

Trong chiều hướng suy nghĩ này, tôi cho rằng ý tưởng chỉ chấp nhận người đạo đức trong sạch, không tham nhũng và không có tham vọng chính trị, được vào “trung ương”, chỉ là một loại ảo tưởng, hoàn toàn xa rời thực tế nếu không muốn nói điên rồ.

 

Cứ như vậy, chúng ta cũng không được quên một chân lý cực kỳ đơn giản, mà lịch sử loài người đã chứng minh rất rõ rệt, đó là một người đạo đức trong sạch trong thời tranh tối tranh sáng sẽ không bao giờ làm chính trị thành công, nhất là theo vương đạo kiểu đức trị, nếu không muốn nói anh ta sẽ bị đồng đội gồm toàn những kẻ tham lam lật đổ rất nhanh trong một sớm một chiều!

 

Nghĩ được một cách đau đớn như vậy rồi, kẻ ưu tư thời cuộc sẽ không còn thắc mắc hoặc hy vọng chờ có được một bậc minh vương lý tưởng nào trong thời buổi “nước vô đạo” này.

 

 

                                                           ***

 

Việt Nam đang có tiền đề tốt để thực hiện cuộc lột xác (Bài 2)

Trần Văn Chánh

19/08/2024

https://baotiengdan.com/2024/08/19/viet-nam-dang-co-tien-de-tot-de-thuc-hien-cuoc-lot-xac-bai-2/

 

 

Bài 2: Xuất hiện tiền đề cho một cuộc lột xác ở Việt Nam và những nỗi trăn trở

 

Một vấn đề rất quan trọng được những kẻ ưu tư thời cuộc đặt ra là, người nắm đại quyền hiện nay với tư cách tổng bí thư xuất thân từ một đại tướng công an. Câu hỏi được đặt ra là: Giai đoạn sắp tới nền chính trị Việt Nam sẽ đi theo hướng nào? Tiếp tục thực hiện chính sách công an trị với một cường độ mạnh hơn, hay tiến hành cải cách chính trị-kinh tế-xã hội theo đường hướng dân chủ hóa?

 

Mấy câu hỏi như vừa nêu trên, nếu thận trọng thì nên tạm thời bỏ ngỏ, khoan vội xác định, phải đợi số xổ ra rồi mới biết.

 

Tuy nhiên, đã có một tiền đề khách quan cho các điều kiện cải cách chính trị, để Việt Nam có cơ hội lột xác. Đó là qua cuộc thanh trừng nhân sự khốc liệt của thời gian qua, điều mà các đảng CS trên toàn thế giới luôn coi là bí mật cần phải che giấu thì đến nay mọi sự thật đều đã được phơi bày một cách công khai cho mọi người cùng biết (cả đối với nhân dân lẫn cán bộ công nhân viên chức; cả trong lẫn ngoài nước), về bộ mặt thối nát của phần tử lãnh đạo chóp bu.

 

Mặc dù họ vẫn còn giữ cách nói khéo theo kiểu úp mở, rằng thì là có những nhân vật phải “xin thôi chức” chỉ vì đã vi phạm những điều không được làm, thiếu trách nhiệm nêu gương, thiếu trách nhiệm của người đứng đầu… này khác, nhưng họ không thể thuyết phục được người dân tin theo. Tuy nhiên, nếu nghĩ theo hướng lạc quan thì có thể coi các cuộc thanh trừng vừa qua là điều kiện tiền đề khởi đầu cho một cuộc cách mạng lần thứ hai.

 

Xét về mặt nào đó, một số đại gia mắc tội hối lộ, thông thầu được biết khá nhiều, đang bị xét xử hiện nay cũng có phần đóng góp tích cực vào công cuộc cải cách đất nước trong tương lai, trong việc họ vô tình làm sáng rõ/ phơi bày sự thật về một hệ thống chính trị đang cần có sự thay đổi một cách căn bản.

 

Như cố nhà báo cách mạng lão thành Bến Nghé trước đây đã từng viết cho Lời Bạt của một cuốn sách xuất bản tại Việt Nam về nghề báo: “Sự thật là hạt nhân làm nổ những trái bom thông tin nhằm giải phóng các xã hội ra khỏi sự kiềm tỏa hữu hình và vô hình, đưa con người và đời sống xã hội tiếp cận với chân lý, thức tỉnh thường trực trách nhiệm của giới hữu trách, của mỗi công dân và cộng đồng, vun đắp nhân bản, nuôi dưỡng cái thiện, chống cái ác, cái xấu, cái gian dối”. (Theo ‘Bước vào nghề báo’, NXB Trẻ, ấn bản lần thứ hai, 2003, tr. 372-373).

 

Từ cuộc đảo chính, một loạt những vụ “cho thôi chức” và tái phối trí kiện toàn các chức danh lãnh đạo đã được tiến hành chớp nhoáng, thần tốc trong những ngày gần đây nhất, đã được chính thức công bố trên các phương tiện truyền thông. Lẽ dĩ nhiên, cuộc đảo lộn lịch sử này cũng làm cho một số người vui và một số người buồn, tùy theo quan điểm đánh giá, bên cạnh không ít quan chức tham nhũng lớn nhỏ các cấp phập phồng lo sợ do “lò lửa” còn có khả năng cao sẽ tiếp tục cháy bùng.

 

Vấn đề đặt ra là, hiện tượng phái mới thay cho phái cũ thực chất chỉ là một cuộc thanh trừng nội bộ để tranh giành quyền lực hay còn vì những lý do tốt đẹp nào khác? Nếu thuộc vế thứ hai (vì lý do tốt đẹp) thì một cuộc thanh trừng như vậy cũng đáng được mọi người hoan nghênh ủng hộ.

 

Điều chắc chắn là, phái mới đang lên thay cho nhóm cũ đương nhiên cần phải giương ngọn cờ mới để thu phục công chúng, nếu ngọn cờ là chính nghĩa, nó sẽ như ngọn cuồng phong làm đổ rạp cây cỏ. Bấy giờ, ngay cả những phần tử đối lập dù muốn dù không cũng phải vâng theo, trên cơ sở họ cũng đã dính chấm; vừa sợ vừa sẵn biết những việc cần làm nhưng không dám phát động trước trên cái nền của loại tổ chức chính trị CS khắc nghiệt, làm cho ai cũng phải phát rét bị mất hoàn toàn mọi sáng kiến, thế chủ động và tinh thần trách nhiệm.

 

Một lý do sâu xa nữa biện minh cho thuyết vừa nêu, đó là giữa những người cho dù có thể đối lập nhau về phương diện lợi quyền, với kinh nghiệm thực tế và lương tri, họ đều có chung một nhận thức giống nhau (gọi là “công thức”), rằng CNXH như những gì trông thấy trên thực tế chẳng qua chỉ là một loại lý tưởng phi hiện thực, nếu không muốn gọi ảo tưởng.

 

Bằng như ngược lại, nếu phái mới đi theo con đường bất chính, chống lại nhân dân, thì câu trả lời coi như đã có sẵn…

 

Nhiều người nhận thấy, nhân vật tân tổng bí thư vừa lên ngôi là một người thực dụng chứ không lý thuyết suông như vị tiền nhiệm của ông, nên có tinh thần quyết đoán cao, hễ nói là làm. Có người còn chê ông “võ biền” không thông thạo chính trị-ngoại giao, nhưng đây không phải là điều đáng ngại, vì chắc chắn ông không hành động một mình và cũng không thể hành động một mình, mà phía sau ông còn có những vị “tả phù hữu bật” chưa công khai ra mặt.

 

Có người còn đặt câu hỏi, nhân vật tân tổng bí thư có khuynh hướng thân Tàu hay thân Mỹ, thì đây cũng là loại câu hỏi hóc búa chờ giải đáp. Nhưng nói chung, có lẽ ông vẫn phải tiếp tục “cây tre” nữa mà thôi, vì ngoại giao uyển chuyển có những khía cạnh rất khôn ngoan của nó, vấn đề là “cây tre” sẽ phải uốn éo theo kiểu mới nào cho thích hợp nhất với thời đại và với quyền lợi của nhân dân. Chính trị là những cái bắt tay bí mật, chứ không phải những lời tuyên bố công khai, nên người ngoài cuộc thường chưa thể đoán định trúng hết mọi điều được.

 

Ngoài ra, cũng có người trách nhân vật tân tổng bí thư là có óc địa phương, tìm cách đưa những người thuộc cùng phe cánh lên nắm những vai trò chủ chốt, nhưng sự chê trách này xét cho cùng cũng không hoàn toàn chính đáng, bởi một lẽ đơn giản, dễ hiểu là bất kỳ ai chấp chính cũng cần kết tập xung quanh mình những người chịu ủng hộ mình. Còn một số người khác đã bị khai trừ, thời gian qua thì đều có lý do chính đáng, bởi tất cả họ đều đã dính chàm trong cái mẫu số chung tham nhũng của hệ thống chính trị Việt Nam.

 

Hơn nữa, kết bè kết đảng là một trong những quy luật chính yếu của hoạt động chính trị, cổ kim Đông Tây đều như thế cả.

 

Nhà văn-quan lại cấp cao Âu Dương Tu (1007-1072) nổi tiếng thời Tống, từng viết bài “Bằng đảng luận” (Luận về bè đảng), đoạn đầu nói thẳng: “Tôi nghe thuyết bè đảng đã có từ xưa, chỉ nhờ ông vua biết phân biệt quân tử hay tiểu nhân mà thôi. Đại phàm quân tử với quân tử thì vì cùng theo đạo nghĩa mà kết bạn với nhau; tiểu nhân với tiểu nhân thì vì cùng mưu lợi mà kết bạn với nhau, lẽ đó tự nhiên”.

 

Tôi không dám chắc các nhân vật đang lên trong bộ máy cầm quyền Việt Nam hiện tại là thuộc quân tử hay tiểu nhân, chỉ dám hy vọng họ được vừa này vừa kia là cũng tốt lắm rồi. Nhưng có điều, tất cả trong số họ đều đã “thoát nghèo” bằng con đường quan lại, đã được no đủ hơn phần nhiều đám dân dã. Do vậy, làm chính trị bây giờ đối với họ có lẽ không phải chủ yếu để thu vén thêm tài sản (vì như ông “chủ lò” đã từng nhắc nhở các đồng chí, “tiền bạc nhiều để làm gì, chết có mang theo được đâu, danh dự mới là điều quan trọng”), mà vì những lý do danh dự khác, như để thực hiện một cuộc chơi lớn nào đó.

 

Ngay sau khi nhận chức trách mới, tân tổng bí thư liên tục có những lời phát biểu nơi này nơi khác, đại khái nói, vẫn tiếp tục quyết tâm nối chí người tiền nhiệm, làm trong trạch bộ máy, xây dựng nhà nước pháp quyền… Rồi nào là tiếp tục kiên định con đường đi lên CNXH, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh… y như những câu chữ mà vị tiền nhiệm vừa được làm quốc tang nói mãi khi còn sống, nghe riết chán phèo!

 

Tuy nhiên, đối với người CS, nói một lẽ, còn thực tế họ làm như thế nào lại là lẽ khác. Người đương nhiệm trọng trách năm nay đã khá tuổi, từng lăn lộn trường đời, thâm nhập thực tế cuộc sống, với kinh nghiệm và lương tri, ông thừa biết, nói như nhà văn Lâm Ngữ Đường, “một chính trị bất cận nhân tình là một chính trị điên khùng!”

 

Tạm bỏ qua mọi sự ngờ vực, qua cuộc đảo chính cung đình đã thực hiện bước đầu thành công, nếu nhóm chấp chính đương cuộc hiện nay muốn làm nên đại cuộc lịch sử, hướng về phía quyền lợi của nhân dân, chứ không chỉ vì để bảo vệ đảng phải, thì tự nhiên họ sẽ có những lựa chọn và kế sách hành động thích hợp.

 

Nghĩ theo hướng tốt trước, một khi thể chế chính trị đã được cải cách, đi vào thực chất chiều sâu, nền dân chủ pháp trị được xây dựng, phát triển vững chắc trên cơ sở thực thi đúng và đủ hiến pháp, với các quyền tự do dân chủ (như tự do bầu cử ứng cử, tự do ngôn luận, lập hội, biểu tình…) đã quy định, thì một khoảng dư địa rộng rãi sẽ được tạo ra cho xã hội dân sự dần dần thâm nhập một cách tự nhiên. Đây chính là điều kiện căn bản để phát triển con người và giải phóng mọi công dân, gồm cả cán bộ nhà nước, thoát khỏi sự tha hóa do sự kiềm kẹp khắc nghiệt của thế chế độc tài toàn trị, mà người CS đã tạo ra nó với tư cách vừa là tội đồ vừa là nạn nhân của chính nó: Họ mất hết mọi quyền tự do sáng tạo, quyết định, và cũng không thể trở thành người trung thực, được sống theo ý mình.

 

Theo thông báo chính thức thì ngày 18-8-2024, tân tổng bí thư-chủ tịch nước Việt Nam cùng phu nhân sẽ đi thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc. Đây là chuyện bình thường theo quán lệ truyền thống trong bang giao Trung-Việt, nhưng trong điều kiện ngoại giao phức tạp có sự căng kéo giữa mấy cường quốc, cũng có một số người tỏ ra lo ngại cho ông. Họ ví ông như Kinh Kha ngày xưa, qua sông Dịch làm người thích khách (ám sát) Tần vương hung bạo. Nhưng lần này vị nguyên thủ quốc gia Việt Nam sang nước bạn láng giềng lớn không phải làm thích khách, mà để đóng vai trò làm kẻ thuyết khách (du thuyết, dùng lời lẽ thuyết phục đối phương nghe theo mình), một nhiệm vụ nặng nề, không hề đơn giản.

 

Trên phương diện đối ngoại, chọn hướng đúng cũng có nghĩa là chọn hợp tác nhiều hơn với các quốc gia dân chủ tiến bộ mà Việt Nam cũng đã và đang có chủ trương ngày càng rõ nét. Còn đối với một vài nước bạn, đã lỡ cùng mình đi theo chế độ độc tài vì những lý do ngoắt ngoéo của lịch sử, thì vẫn phải tiếp tục hợp tác về kinh tế, văn hóa, khoa học- công nghệ… để cùng nhau phát triển. Nhưng có lẽ chúng ta nên đi trước một bước để dần dần tách ra khỏi những ảnh hưởng không tốt về mặt chính trị, thay vì tiếp tục câu kết nhau với tư cách đồng chế độ chính trị, để cùng áp bức người dân trong mỗi nước.

 

Riêng đối với nước láng giềng lớn Trung Quốc, người Việt Nam luôn tin tưởng rằng chúng ta có thừa khả năng và kinh nghiệm để đối phó thành công trong mọi tình huống, cũng bằng đường lối “hòa bình, hữu nghị, hợp tác, trên cơ sở bình đẳng, các bên cùng có lợi”. Tuyệt đối tránh xung đột bằng bạo lực để sinh linh của cả hai bên không bị tàn sát.

 

“Ngoại giao cây tre” thật ra không phải là sáng kiến riêng của một ai đó như một số người lầm tưởng. Chính sách ngoại giao kiểu này đã có từ lâu, mà trong thời hiện đại đã được đánh dấu bằng việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ hồi năm 1995.

 

Đối với Hoa Kỳ, nhiều người cho rằng người Mỹ “thực dụng” mà tỏ ra quá e dè, ngán ngại. Nhưng thực tế lịch sử đã có những diễn biến mới và thời đại đã khác, sự phân cực và các mối tương quan quốc tế cũng khác so với trước đây, nên vấn đề cốt lõi hiện nay là biết khai thác những khía cạnh tương quan quyền lợi giữa các bên để mang lại lợi ích cho người dân trong nước, đồng thời cũng là chiến lược để tạo nên thế trận cân bằng trong trường ngoại giao quốc tế, vốn đang còn tồn tại những mối xung đột giữa đôi ba cường quốc tiêu biểu.

 

Cũng cần lưu ý thêm rằng, chơi thân với những nước giỏi hơn bao giờ cũng có lợi, đây cũng là tấm gương của Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… mà Việt Nam nên lấy làm bài học tham khảo.

 

Chúng ta không từ bỏ CNXH nhưng cần một thứ CNXH cải cách, biết tôn trọng nhân quyền và dân chủ, có thể noi gương mô hình CNXH cải lương (socialisme réformiste) hoặc CNXH lý tưởng (socialisme idéal) kiểu một số nước ở Bắc Âu, nơi có thu nhập đầu người rất cao và hầu như không có tham nhũng, không có nhà tù.

 

Nên phóng thích ngay tất cả các tù nhân chính trị (còn được gọi là “tù nhân lương tâm”), những người bất đồng chính kiến đang bị giam giữ, nhằm tạo ra một bầu không khí mới, tạo lòng tin đối ngoại với một số nước văn minh phương Tây, thu hút mạnh đầu tư,  đồng thời kích thích tinh thần hòa giải, hòa hợp, đoàn kết dân tộc.

 

Với tầm của Hiến pháp, có thể vẫn tạm duy trì Điều 4 (về quyền lãnh đạo của đảng CS), nhưng cần có quyết sách đúng và rõ ràng về chủ quyền và quyền sở hữu đất đai; thu gọn vai trò kinh tế quốc doanh, song song với tập trung phát triển kinh tế tư nhân; nâng cao vai trò của Quốc hội bằng việc tổ chức bầu cử, ứng cử thật sự tự do, để Quốc hội thật sự trở thành cơ quan quyền lực cao nhất; cải cách mạnh mẽ hệ thống tư pháp theo hướng tư pháp độc lập với hành pháp, tránh những vụ xét xử “bỏ túi” mà vai trò của luật sư thực tế chỉ là số không; cải tạo cơ bản hệ thống tiền lương công chức, coi như biện pháp chính bài trừ quốc nạn tham nhũng (lương chủ tịch nước tối thiểu phải khoảng 150 triệu/ tháng, từ đó tính xuống…).

 

Giải quyết rốt ráo một số vấn đề khó khăn của đất nước, trong đó có quốc nạn tham nhũng, chủ yếu bằng con đường cải cách chính trị, chứ không phải chỉ bằng giải pháp trừng phạt theo kiểu “đốt lò”, vì đốt lò tuy bất đắc dĩ phải làm, nhưng rất dễ làm phát sinh một số hiệu ứng phụ, gây mất đoàn kết nội bộ, như đã thấy.

 

Những ai trong số các nhà lãnh đạo cấp cao, dù tay đã lỡ dính chàm mà chưa bị phát hiện, nhưng họ có mong muốn cải cách chính trị bằng giải pháp hòa bình và chọn đường hướng tiến bộ, hòa nhập với thế giới văn minh, thì những người đó chắc chắn sẽ được đa số dân chúng ủng hộ và họ đích thực trở thành vĩ nhân của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới hôm nay.






No comments:

Post a Comment

View My Stats