Tòa
án Việt Nam tuyên án 5 năm tù đối với nhà hoạt động chính trị nổi tiếng
Sebastian Strangio
| Diplomat
Trúc
Lam chuyển ngữ
17/08/2024
HÌNH : https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/08/1-18.jpg
Ảnh: Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến, tức Anh Chí, được
thấy trong bức ảnh đăng trên Facebook ngày 2-12-2022. Nguồn: FB Nguyễn Chí Tuyến
Ông
Nguyễn Chí Tuyến, tức Anh Chí, là nhà bất đồng chính kiến mới nhất bị đàn áp vì
chỉ trích Đảng Cộng sản trên mạng.
Tòa
án Việt Nam hôm qua đã kết án nhà hoạt động chính trị Nguyễn Chí Tuyến 5 năm tù
về tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Ông Tuyến – được bạn bè và những người
theo dõi trên mạng xã hội biết đến với biệt danh Anh Chí – bị bắt vào ngày 29
tháng 2 vì chỉ trích chính phủ trên mạng xã hội. Ông bị truy tố theo Điều 117 Bộ
luật Hình sự, trong đó hình sự hóa việc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên
truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước”.
Theo
tin từ Đài Á Châu Tự do (RFA), phiên tòa xét xử ông Tuyến
chỉ kéo dài hơn năm tiếng đồng hồ và chỉ có vợ ông Tuyến là bà Nguyễn Thị Ánh
Tuyết và ba luật sư của ông tham dự. Trong khi ông Tuyến không nhận mức án tối
đa là 12 năm, một thành viên trong nhóm bào chữa của ông nói với RFA, rằng họ
đã “đưa ra bằng chứng chứng minh rằng Nguyễn Chí Tuyến hoàn toàn vô tội và mức
án dành cho ông là không phù hợp”.
Ông
Tuyến là người sử dụng mạng xã hội thành thạo và có lượng người theo dõi lớn
trên Facebook. Project88, tổ chức ủng hộ tự do ngôn luận ở Việt Nam, mô tả ông
“được cho là một trong những blogger Việt Nam nổi tiếng nhất từ đầu và giữa
thập niên 2010”, thời kỳ mà mạng xã hội nổi lên như một yếu tố quan trọng của
không gian công cộng. Kênh YouTube chính của ông là Anh Chí Rau Den (rau den có
nghĩa là “râu đen” trong tiếng Việt) có gần 100.000 người theo dõi, trong khi
tài khoản Facebook Nguyễn Chí Tuyến (Anh Chí) có hơn 53.000 người theo dõi.
Trong
một cuộc phỏng vấn ở Hà Nội năm 2018, ông Tuyến nói với tôi rằng Facebook là “công
cụ chính để bày tỏ quan điểm của chúng tôi hoặc thảo luận về một số vấn đề xã hội,
chính trị hoặc vấn đề nhân quyền”. Ông nói thêm rằng, Đảng Cộng sản Việt
Nam (ĐCSVN) “phải coi trọng tiếng nói của nhân dân, phải trao quyền cho nhân
dân để dân chọn được những người xứng đáng làm lãnh đạo đất nước”.
Điều
này khiến ông Tuyến tham gia vào các hoạt động tự do ngôn luận, ủng hộ dân chủ
và bảo vệ môi trường, đồng thời lên tiếng bảo vệ nhiều nhà bất đồng chính kiến và
những người ủng hộ chính trị khác, những người đi trước ông và ở trong lòng nhà
nước công an trị Việt Nam. Ông thường cùng gia đình các tù nhân chính trị đi
thăm họ.
“Anh
Tuyến là một người bộc trực, một con người ngay thẳng. Tình yêu đất nước của
anh ấy rất sâu sắc và mãnh liệt”, một người bạn và là nhà hoạt động lâu năm
nói với Project88.
Giống
như nhiều nhà hoạt động dân chủ Việt Nam, ông Tuyến cũng đã tham gia các cuộc
biểu tình chống Trung Quốc và kỷ niệm các cuộc xung đột trong quá khứ giữa Bắc
Kinh và Hà Nội. Ông là một trong những người thành lập Câu lạc bộ bóng đá No-U,
một đội bóng đá có các thành viên cương trực, phản đối yêu sách “đường chín đoạn”
của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông cũng tham gia các hoạt động không được [chính
quyền] cho phép, như tưởng niệm các cuộc xung đột trong quá khứ ở Biển Đông, gồm
trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và vụ chạm trán bạo lực ở quần đảo Trường Sa
năm 1988, cũng như các sự kiện tưởng nhớ các binh sĩ Việt Nam thiệt mạng trong
cuộc chiến tranh biên giới khốc liệt giữa Trung Quốc và Việt Nam hồi đầu năm
1979. Tất cả những sự kiện này đều là những vấn đề hết sức nhạy cảm đối với Đảng
Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) cầm quyền, vốn giám sát chặt chẽ ý kiến của công chúng về mối
quan hệ của nước này với Trung Quốc.
Bennett
Murray, cựu chánh văn phòng Hà Nội của cơ quan báo chí Đức DPA, là người đã làm
việc với ông Tuyến về nhiều vấn đề từ năm 2016 đến năm 2019, mô tả ông Tuyến là
một “anh hùng” trong một bài đăng trên Facebook hôm qua.
Murray
viết: “Anh ấy yêu đất nước của mình và luôn làm việc không mệt mỏi hướng tới
mục tiêu một đất nước Việt Nam tự do, nơi Đảng Cộng sản cạnh tranh trong các cuộc
bầu cử công bằng. Anh ấy sẽ không bao giờ làm hại một con ruồi, nhưng chính phủ
lại quyết định tống anh ấy vào tù vì những kẻ hèn nhát đã đánh giá rất thấp khả
năng của người dân trong việc tạo ra một chính phủ Việt Nam dân chủ”.
Việc
kết án ông Tuyến được đưa ra ngay sau khi Chủ tịch nước Tô Lâm đảm nhận vai trò
lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam hồi tháng trước, sau cái chết của Tổng Bí thư
lâu năm Nguyễn Phú Trọng vào ngày 19/7. Hồi tháng 5, ông Lâm được bổ nhiệm làm
chủ tịch nước sau 8 năm giữ chức bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, trong thời gian
đó Đảng CSVN phát động một cuộc đàn áp nhắm vào những người chống đối và những
người bất đồng chính kiến. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ước tính rằng, trong thời
gian ông Lâm làm Bộ trưởng, công an Việt Nam đã bắt giữ “ít nhất 269 người thực
hiện các quyền dân sự và chính trị cơ bản của họ một cách ôn hòa”.
Do
không gian phát biểu chính trị bị thu hẹp, việc ông Tuyến vẫn được tự do trong
thời gian đó, chỉ là một điều kỳ diệu nho nhỏ. Trong suốt thập niên 2010, ông
đã phải đối mặt với nhiều hình thức đe dọa, gồm cả vụ ông bị tấn công thể xác từ
năm người đàn ông không rõ danh tính ở Hà Nội hồi năm 2015, nhưng ông chưa bao
giờ đưa ra sự lựa chọn có thể hiểu được là giữ im lặng. Chắc chắn là việc ông
phải trả giá đắt cho chuyện tiếp tục hoạt động của mình, khiến điều đó càng trở
nên đáng chú ý hơn.
Ông
Tuyến nói với tôi hồi năm 2018: “Họ có thể bắt tôi bất cứ lúc nào mà họ muốn.
Nếu họ bắt tôi, tôi nói với họ rằng, được rồi, quý vị có thể bắt tôi, chắc chắn
rồi – quý vị có mọi thứ, còn tôi chẳng có gì, nhưng tôi có một thứ tốt hơn quý
vị nhiều. Tôi được sự ủng hộ của mọi người. Tôi có một trái tim và khối óc mạnh
mẽ. Tôi sẵn sàng hy sinh thể xác hay mạng sống của mình”.
No comments:
Post a Comment