Monday, 12 August 2024

SERBIA : HƠN 20.000 NGƯỜI BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI DỰ ÁN MỎ LITHIUM LỚN NHẤT CHÂU ÂU (Trọng Thành / RFI)

 



Serbia : Hơn 20.000 người biểu tình phản đối dự án mỏ lithium lớn nhất châu Âu

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 11/08/2024 - 12:21Sửa đổi ngày: 11/08/2024 - 15:38

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240811-serbia-h%C6%A1n-20-000-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-ph%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BB%91i-d%E1%BB%B1-%C3%A1n-m%E1%BB%8F-lithium-l%E1%BB%9Bn-nh%E1%BA%A5t-ch%C3%A2u-%C3%A2u

 

Dự án khai thác mỏ lithium lớn nhất châu Âu tại Serbia, được Liên Hiệp Châu Âu hậu thuẫn, đang vấp phải sự phản kháng quyết liệt của người dân quốc gia này. Hôm qua, 10/08/2024, từ 24.000 đến 27.000 người tham gia cuộc tuần hành tại thủ đô Belgrade yêu cầu chính quyền đình chỉ dự án.

 

HÌNH :

Hàng ngàn người biểu tình phản đối dự án mỏ lithuum tại Belgrade, Serbia, ngày 10/08/2024. REUTERS - Zorana Jevtic

 

Lithium, kim loại hiếm cần thiết cho việc chế tạo ắc-quy xe ô tô điện, được coi là khoáng sản có ý nghĩa chiến lược đối với mục tiêu chuyển sang nền kinh tế không phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch của Liên Âu, và giảm bớt sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, dự án khai mỏ do tập đoàn Anh – Úc Rio Tinto chủ trì bị lên án mạnh mẽ tại Serbia do các lo ngại về tác động môi trường. 

 

Thông tín viên Laurent Rouy tường trình từ Belgrade:

 

‘‘Trên đại lộ nối quảng trường Cộng hòa với trụ sở cũ của các nghiệp đoàn tràn ngập người biểu tình. Mỏ lithium dự kiến được khai thác, nằm tại một vùng đất trù phú, là tâm điểm của cuộc phản kháng. Trước hết đây là cuộc phản kháng một dự án gây thảm họa sinh thái và cùng lúc chính quyền Serbia, đã ủng hộ dự án này. Đối với dân biểu đảng Xanh, Aleksandar Jovanovic Cuta, nguy cơ là rất lớn.

 

Ông nói : ‘‘Đây là vấn đề giá trị và phẩm giá. Liệu chúng ta có đủ dũng cảm để sống ngửng cao đầu trên đất nước mình hay không ? Chúng ta phải siết chặt đoàn kết, và đi đến cùng. Chúng ta phải đuổi cổ Rio Tinto, kẻ ăn bám này!’’.

 

Tổng thống Serbia, có mặt khắp nơi trên truyền hình, tỏ ra khinh thường những người phản đối dự án này. Trong khi đó, Ivana, một người tham gia biểu tình, kể lại một câu chuyện, mà theo bà, cho thấy quan điểm của chính quyền về vấn đề này đã không còn chinh phục được dân chúng.

 

Bà nói : ‘‘Khi tôi lên xe buýt, một phụ nữ nhìn thấy chiếc áo thun mang biểu tượng chống mỏ lithium, đã hỏi tôi : ai trả tiền cho tôi đi biểu tình. Hơn một nửa hành khách trên xe đã phản ứng dữ dội, bà ta buộc phải nhanh chóng rời xe.’’

 

Những người biểu tình giận dữ. Họ phong tỏa xa lộ và đường sắt. Tại nhà ga trung tâm thủ đô, một thủ lĩnh biểu tình hiệu triệu đám đông: ‘‘Nhà ga Belgrade Mới cũng đã bị phong tỏa rồi ! Nếu cảnh sát dùng vũ lực, chúng ta sẽ tuần hành trên đường sắt cho đến ga Belgrade Mới !’’

 

Những người phản kháng kêu gọi tiếp tục các hoạt động phong tỏa khắp cả nước từ ngày mai.’’

 

Mỏ lithium lớn nhất châu Âu, được phát hiện vào năm 2004, nhưng dự án khai mỏ bị đình chỉ vào năm 2022, do bị phản đối mạnh mẽ. Tháng 7/2024 vừa qua, chính quyền Belgrade đã khởi sự trở lại dự án này sau khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết bác bỏ quyết định đình chỉ trước đó. Ngày 19/07, Serbia và Liên Âu ký biên bản ghi nhớ về lithium.

 

Nếu được khai thác, mỏ lithium ở thung lũng Jaidar, miền tây Serbia, dự kiến cho phép sản xuất hàng năm khoảng 11.000 tấn lithium tinh khiết, đưa Serbia trở thành một trong các nước sản xuất lithium hàng đầu thế giới. Lượng lithium nói trên đủ dùng để sản xuất hơn 1 triệu xe ô tô điện/năm, chiếm 17% sản lượng thế giới. Theo một dự báo hồi 2021, nhu cầu lithium của Liên Âu sẽ tăng gấp 18 lần vào năm 2030, và 60 lần vào năm 2050, chủ yếu để phục vụ nhu cầu chế tạo ắc-quy cho xe điện.

 

 

Tác động nguy hiểm đến sức khỏe

 

Lithium là kim loại hiếm ngày càng được sử dụng rộng rãi trên thế giới, nhưng dường như còn rất ít nghiên cứu về tác động đến sức khỏe con người. Hồi 2021, các bác sĩ thuộc Trung tâm Bệnh viện - Đại học (CHU) Grenoble-Alpes cảnh báo về nguy cơ ‘‘chết người’’ đối với trẻ em khi không may nuốt phải các pin lithium siêu nhỏ trong đồ chơi. Quá trình điều trị có thể kéo dài nhiều tháng.

 

Trả lời France 3, bác sĩ Anne Coffre, Bệnh viện - Đại học Grenoble-Alpes cho biết ‘‘việc chất lithium tiếp xúc với các mô cơ trong cơ thể sẽ tạo ra phản ứng điện phân, phá hủy liên kết giữa các tế bào, với hệ quả giống như bỏng’’ bên trong cơ thể, phản ứng đầu tiên xuất hiện chỉ 2 giờ sau khi nuốt pin.

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

TRUNG QUỐC - SERBIA

Chủ tịch Trung Quốc đến Serbia thắt chặt "tình hữu nghị bền vững"

 

TRUNG QUỐC - BÁN ĐẢO BALKAN

Vì sao Serbia là quốc gia châu Âu đặc biệt quan trọng với Trung Quốc?

 

UKRAINA - SERBIA

Ngoại trưởng Ukraina « lặng lẽ » đến Serbia, Nga phản ứng mạnh mẽ

 

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats