Sunday, 18 August 2024

NHỮNG ĐIỀU BẠN CÓ THỂ CHƯA BIẾT VỀ HAMAS (Kali Robinson   -   Council on Foreign Relations)

 



Những điều bạn có thể chưa biết về Hamas

Kali Robinson   -   Council on Foreign Relations

Tạ Kiều Trang, biên dịch

8/08/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/08/18/nhung-dieu-ban-co-the-chua-biet-ve-hamas/

 

Giới thiệu

 

Hamas là một phong trào vũ trang Hồi giáo đã kiểm soát Dải Gaza gần hai thập niên. Tổ chức này  bác bỏ sự tồn tại của Israel bằng bạo lực, cho rằng Israel đang chiếm đóng Palestine. Vào tháng 10 năm 2023, Hamas đã tấn công miền Nam Israel, khiến gần 1.200 người thiệt mạng và bắt giữ hơn 200 con tin. Đáp lại, Israel đã tuyên bố một cuộc chiến với mục tiêu xoá sổ nhóm này. Theo các quan chức Palestine tại Gaza, cuộc xung đột đã cướp đi gần bốn mươi nghìn sinh mạng tính đến tháng 7 năm 2024.

 

Hàng chục nước, bao gồm cả Mỹ, đã liệt Hamas vào danh sách các tổ chức khủng bố qua nhiều năm, dù một số nước chỉ áp dụng nhãn này đối với nhánh quân sự của Hamas. Mỹ đã cam kết cung cấp hàng tỷ đô la viện trợ quân sự mới kể từ khi chiến tranh Israel-Hamas bùng nổ và vẫn là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Israel.

 

Hamas có đồng minh quan trọng nhất trong khu vực là Iran, nhưng cũng nhận được sự hỗ trợ tài chính và ủng hộ chính trị đáng kể từ Thổ Nhĩ Kỳ. Qatar là nơi đặt cơ quan chính trị của Hamas và cũng là nơi cung cấp tiền bạc cho tổ chức này, mặc dù sự hỗ trợ này diễn ra dưới sự thừa nhận và hợp tác của chính phủ Israel. Đồng thời, Hamas là một phần của cái gọi là “trục kháng chiến” của Iran, một mạng lưới khu vực gồm các đối tác chống Israel như nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine, Hezbollah ở Lebanon, Houthis ở Yemen và các nhóm vũ trang khác ở Iraq và Syria. Với những mối liên hệ này, nhiều chuyên gia an ninh lo ngại rằng cuộc chiến Israel-Hamas có thể kéo theo một cuộc xung đột rộng lớn hơn trong khu vực.

 

Đảng đối thủ của Hamas là Fatah đang chiếm ưu thế trong chính quyền Palestine và cai trị Bờ Tây, đã chính thức từ bỏ bạo lực, mặc dù không phải lúc nào Fatah cũng giữ lời hứa này trong những thời điểm căng thẳng cao độ giữa Israel và Palestine. Sự chia rẽ trong lãnh đạo Palestine và thái độ thù địch không lay chuyển của Hamas đối với Israel đã làm giảm triển vọng về sự ổn định ở Gaza trước cuộc chiến hiện tại, khiến vùng này rơi vào một tình trạng tuyệt vọng hơn.

 

 

Hamas bắt nguồn từ đâu?

 

Hamas, viết tắt của Harakat al-Muqawama al-Islamiya (“Phong trào Kháng chiến Hồi giáo”), được thành lập bởi Sheikh Ahmed Yassin, một giáo sĩ Palestine, người đã trở thành một nhà hoạt động chính trị trong các chi nhánh địa phương của Tổ chức Anh em Hồi giáo sau khi dành những năm đầu đời để nghiên cứu học thuật Hồi giáo tại Cairo. Từ cuối những năm 1960, Yassin đã thuyết pháp và thực hiện công tác từ thiện ở Bờ Tây và Dải Gaza, cả hai khu vực này đều bị Israel chiếm đóng sau cuộc Chiến tranh Sáu Ngày năm 1967.

 

https://www.cfr.org/sites/default/files/image/2024/04/israel_map-2024-04-18.png

Các vùng lãnh thỏ Palestine

 

Yassin đã thành lập Hamas như một nhánh chính trị của Tổ chức Anh em Hồi giáo tại Gaza vào tháng 12 năm 1987, sau sự bùng nổ của cuộc nổi dậy đầu tiên (intifada), một phong trào nổi dậy của người Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel ở Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem. Vào thời điểm đó, mục đích của Hamas là tiến hành bạo lực chống lại người Israel nhằm khôi phục sự ủng hộ của người Palestine đối với Tổ chức Anh em Hồi giáo, vốn đang dần mất sự ủng hộ chính trị vào tay nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ), một tổ chức tại Gaza được Iran tài trợ và đã bắt đầu theo đuổi các hoạt động khủng bố chống lại Israel.

 

Hamas công bố bản hiến chương của mình vào năm 1988, kêu gọi việc tiêu diệt người Do Thái, phá hủy Israel và cũng chính tại nơi đó, thiết lập một xã hội Hồi giáo trên vùng đất Palestine lịch sử. Trong một động thái được nhiều nhà quan sát xem là nhằm làm dịu hình ảnh của tổ chức, Hamas đã công bố một tài liệu mới vào năm 2017, trong đó loại bỏ các đề cập rõ ràng đến việc giết người Do Thái nhưng vẫn giữ lập trường từ chối công nhận Israel. Bản hiến chương sửa đổi cũng ngầm cho thấy Hamas có thể chấp nhận một nhà nước Palestine trong tương lai dọc theo các biên giới được thiết lập trước cuộc Chiến tranh Sáu Ngày, mà quốc tế công nhận là biên giới của Bờ Tây và Dải Gaza. Tài liệu mới chỉ nêu rằng vấn đề này nên tuỳ thuộc vào “sự đồng thuận quốc gia.”

 

Hamas lần đầu tiên thực hiện vụ đánh bom liều chết vào tháng 4 năm 1993, năm tháng trước khi lãnh đạo Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Yasser Arafat và Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin ký Hiệp định Oslo. Hiệp định lịch sử này đã thiết lập cơ chế tự trị hạn chế cho một số khu vực ở Bờ Tây và Dải Gaza dưới sự quản lý của một thực thể mới được gọi là Chính quyền Palestine. Hamas đã chỉ trích hiệp định này, cũng như việc PLO và Israel công nhận lẫn nhau, điều mà Arafat và Rabin đã chính thức thỏa thuận trong các thư gửi vài ngày trước khi Hiệp định Oslo được ký kết.

 

Năm 1997, Mỹ đã phân loại Hamas là một tổ chức khủng bố nước ngoài. Tổ chức này tiếp tục đảm nhận vai trò dẫn đầu trong cuộc kháng chiến bạo lực trong phong trào Intifada thứ hai của người Palestine vào đầu những năm 2000, mặc dù nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine và lực lượng quân sự Tanzim của Fatah cũng chịu trách nhiệm về các hành động bạo lực chống lại người Israel.

 

 

Ai lãnh đạo Hamas?

 

Hamas có nhiều cơ quan lãnh đạo đảm nhận các chức năng chính trị, quân sự và xã hội khác nhau. Chính sách chung được định hình bởi một cơ quan tư vấn cấp cao, thường được gọi là Bộ chính trị (Politburo), hoạt động ở nước ngoài. Các ủy ban địa phương quản lý các vấn đề cơ sở ở Gaza và Bờ Tây.

 

https://cdn.cfr.org/sites/default/files/image/2024/08/hamas_org_chart_2024-08-01-2.png?_gl=1*8zwzrn*_gcl_au*NjcwODA3MzQxLjE3MTUwODk2OTI.*_ga*MTUyNzgyMjg5OC4xNzA3MjU1MDQ5*_ga_24W5E70YKH*MTcyMjUzMDM5Ni40MTMuMS4xNzIyNTMwODA3LjU1LjAuMA..

Cơ cấu lãnh đạo Hamas

 

Israel đã nhắm mục tiêu vào các quan chức cấp cao của Hamas kể từ khi phong trào này được thành lập vào cuối những năm 1980. Quân đội Israel đã tiêu diệt Sheikh Ahmad Yassin, người sáng lập Hamas, vào năm 2004. Trong những tháng gần đây, cuộc chiến ở Gaza một lần nữa đã làm rối loạn bộ máy lãnh đạo của nhóm này, khi nhiều thành viên cấp cao của Hamas đã bị giết. Ismail Haniyeh, thủ lĩnh chính trị của Hamas từ năm 2017, đã bị giết trong một vụ đặt bom nghi ngờ do Israel tiến hành ở Tehran vào tháng 7 năm 2024. Israel cũng đã tiêu diệt lãnh đạo quân sự của Hamas, Mohammed Deif, trong một cuộc không kích vào thành phố Khan Younis ở phía nam Gaza trong vài tuần trước. Một cuộc không kích của Israel đã giết Marwan Issa, cấp phó của Deif, ở trung tâm Gaza vào tháng 3.

 

Yahya Sinwar hiện là lãnh đạo cấp cao của Hamas tại Gaza. Ông được cho là một trong những “kiến trúc sư” hoạch định kế hoạch cuộc tấn công ngày 7 tháng 10, cùng với Deif và Issa, và hiện được cho là nằm ở vị trí hàng đầu trong danh sách mục tiêu của Israel trong cuộc chiến. Sinwar trước đây đã đứng đầu nhánh quân sự của Hamas và trải qua 22 năm trong một nhà tù Israel vì chủ mưu vụ sát hại hai binh sĩ Israel vào năm 1988. Ông là một trong hơn một nghìn tù nhân Palestine được thả vào năm 2011 để đổi lấy một binh sĩ Israel bị Hamas giam giữ.

 

Issam al-Da’alis đã là Thủ tướng trên thực tế của Gaza kể từ năm 2021 và trước đó là cố vấn cho Haniyeh. Khaled Meshaal, một nhân vật cấp cao khác của Hamas, được cho là ứng cử viên hàng đầu để thay thế Haniyeh. Meshaal đã lãnh đạo nhánh chính trị của Hamas hoạt động tại nước ngoài từ năm 2004 đến 2017, rồi chuyển giao vai trò này cho Haniyeh. Khalil al-Hayya, người đã dẫn dắt các cuộc đàm phán hòa bình của Hamas với Israel tại Qatar, cũng được xem là một ứng viên tiềm năng cho vị trí lãnh đạo. Các lãnh đạo Hamas đã chuyển đến Qatar sau khi mối quan hệ với Syria, nơi họ đóng trụ sở trước đó, bị rạn nứt khi người tị nạn Palestine tham gia vào cuộc nổi dậy năm 2011 dẫn đến Nội chiến Syria. Một số nhân vật cấp cao của Hamas được cho là đang hoạt động từ các trụ sở của Hamas tại Thổ Nhĩ Kỳ.

 

 

Hamas kiếm tiền bằng cách nào?

 

Lịch sử cho thấy, các kiều bào Palestine và các nhà tài trợ cá nhân ở Vùng Vịnh đã cung cấp phần lớn tài chính cho Hamas. Ngày nay, Iran là một trong những nhà tài trợ lớn nhất của Hamas, cung cấp tiền, vũ khí và đào tạo. Mặc dù Iran và Hamas đã từng bất đồng khi ủng hộ các phe đối lập trong cuộc nội chiến Syria, Iran hiện cấp khoảng 100 triệu đô la mỗi năm cho Hamas, Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine và các nhóm Palestine khác mà Mỹ liệt vào danh sách khủng bố, theo ước tính của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2021. Iran nhanh chóng ca ngợi cuộc tấn công của Hamas vào Israel cuối năm 2023 và cam kết tiếp tục hỗ trợ nhóm Palestine này.

 

Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một trong những hậu thuẫn vững chắc của Hamas và chỉ trích Israel kể từ khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan lên nắm quyền vào năm 2002. Mặc dù khẳng định chỉ hỗ trợ Hamas về mặt chính trị, Ankara đã bị cáo buộc tài trợ cho hoạt động khủng bố của Hamas, bao gồm cả việc chuyển hướng các khoản viện trợ từ Cơ quan Hợp tác và Điều phối Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Ai Cập và Israel đã đóng cửa biên giới với Gaza trong giai đoạn 2006 – 2007, hạn chế di chuyển hàng hóa và người ra vào lãnh thổ này. Trong nhiều năm sau khi bắt đầu phong tỏa, Hamas có được doanh thu bằng cách đánh thuế hàng hóa qua một mạng lưới đường hầm tinh vi nhằm vượt qua cửa khẩu Ai Cập vào Gaza. Những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc men và gas giá rẻ dùng cho việc sản xuất điện đã được đưa vào lãnh thổ, cùng với vật liệu xây dựng, tiền mặt và vũ khí. Ai Cập đã đóng cửa hầu hết các đường hầm xâm nhập lãnh thổ của mình, nhưng đã bắt đầu cho phép một số hàng hóa thương mại vào Gaza qua cửa khẩu Salah al-Din vào năm 2018. Tính đến năm 2021, Hamas được cho là đã thu về hơn 12 triệu đô la mỗi tháng từ thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Ai Cập vào Gaza.

 

 

Viện trợ nước ngoài cho Gaza có qua tay Hamas không?

 

Trước cuộc chiến hiện tại, Israel đã cho phép Qatar cung cấp cho Gaza hàng trăm triệu đô la viện trợ hàng năm thông qua Hamas. Tuy nhiên, viện trợ nước ngoài thường đến Gaza qua Chính quyền Palestine và các cơ quan của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là Cơ quan Liên Hợp Quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA), mặc dù Hamas được cho là đã phân bổ một phần viện trợ này vào mục đích khác. Bị xếp vào nhóm các tổ chức khủng bố, Hamas và chính quyền của Hamas bị cắt đứt khỏi sự hỗ trợ chính thức mà Mỹ và Liên minh châu Âu cung cấp cho Bờ Tây. Một số tổ chức từ thiện Hồi giáo ở các nước phương Tây đã chuyển tiền cho các nhóm dịch vụ xã hội do Hamas hậu thuẫn, khiến Bộ Tài chính Mỹ phải đóng băng tài sản của họ.

 

Cuộc chiến Israel-Hamas gần đây đã tàn phá Dải Gaza, làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói cực kỳ nghiêm trọng vốn đã tồn tại trước ngày 7 tháng 10. Trước khi cuộc xung đột bùng nổ, hơn một triệu người đã cần viện trợ; do cuộc chiến, khoảng 75% trong số hơn hai triệu cư dân Gaza đã bị di dời, và tình trạng đói kém đang bắt đầu hình thành. Sự phong tỏa của Ai Cập và Israel khiến Gaza phần lớn bị cô lập khỏi thế giới, phụ thuộc vào phần viện trợ quốc tế ít ỏi được phép qua các kiểm tra của Israel. UNRWA vẫn là đơn vị phân phối viện trợ chính, nhưng đã bị cắt giảm tài trợ lớn sau khi bị cáo buộc tuyển dụng các thành viên của Hamas liên quan đến vụ thảm sát ngày 7 tháng 10. Nhà tài trợ lớn nhất của UNRWA, Hoa Kỳ, đã tạm dừng tài trợ trong vòng một năm từ tháng 3 năm 2024, trong khi khoảng hơn một chục quốc gia khác đã đưa ra các lệnh tạm dừng tài trợ không có thời hạn hoặc thông báo rằng tài trợ tương lai cho UNRWA sẽ phụ thuộc vào kết quả của các cuộc điều tra về những cáo buộc liên quan đến Hamas.

 

 

Hamas đã cai trị Gaza như thế nào?

 

Hamas đã nắm quyền thực tế ở Gaza ngay sau khi Israel rút khỏi khu vực này vào năm 2005. Năm 2006, Hamas giành được đa số ghế trong quốc hội của Chính quyền Palestine và thành lập một chính phủ. Hamas giành được phiếu bầu nhờ vào các dịch vụ xã hội mà họ cung cấp và do nhiều cử tri không còn tín nhiệm đảng Fatah đương nhiệm, cho rằng đảng này đã trở nên tham nhũng trong thời gian lãnh đạo Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và không mang lại nhiều lợi ích cho người Palestine qua các cuộc đàm phán với Israel. Kết quả này không được đảng Fatah và các đồng minh phương Tây chấp nhận, và đảng này đã lật đổ Hamas khỏi quyền lực ở Bờ Tây. Tại Gaza, Hamas đã đánh bại các lực lượng vũ trang của Fatah trong một tuần giao tranh, dẫn đến tình trạng chia rẽ chính trị giữa hai vùng lãnh thổ Palestine. Người Palestine chưa bầu cử quốc hội từ năm 2006, cũng như chưa bầu tổng thống từ năm 2008.

 

https://www.cfr.org/sites/default/files/image/2024/04/gaza_map-2024-04-18.png

Gaza : diện tích và dân số

 

Khi Hamas tiếp quản các cơ quan còn lại của Chính quyền Palestine tại Dải Gaza, họ đã thiết lập một hệ thống tư pháp và xây dựng các cơ quan chuyên quyền. Về lý thuyết, Hamas cai trị theo Luật Cơ bản Palestine dựa trên luật Sharia của Chính quyền Palestine; tuy nhiên, Hamas thường áp đặt các quy định nghiêm ngặt hơn so với những yêu cầu của luật, bao gồm việc kiểm soát cách ăn mặc của phụ nữ và thực thi phân biệt giới tính ở nơi công cộng. Tổ chức giám sát Freedom House đã phát hiện vào năm 2020 rằng “chính phủ do Hamas điều hành không có các cơ chế hiệu quả hoặc mang tính độc lập để đảm bảo sự minh bạch trong việc quản lý chính, mua sắm, hoặc vận hành chính phủ.” Hamas cũng đàn áp truyền thông Gaza, các hoạt động dân sự trên mạng xã hội, đối lập chính trị, và các tổ chức phi chính phủ, dẫn đến việc chính phủ thiếu cơ chế để chịu trách nhiệm.

 

 

Hamas đã thách thức Israel ra sao?

 

Trong nhiều thập niên, các cuộc tấn công của Hamas vào Israel chủ yếu bao gồm các cuộc tấn công bằng tên lửa và súng cối, các vụ xả súng hàng loạt, và các vụ đánh bom liều chết. Các quan chức an ninh Iran cho biết Tehran đã cung cấp cho Hamas một số vũ khí, nhưng Hamas đã có khả năng tự chế tạo tên lửa của riêng mình sau khi được đào tạo cùng với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và các lực lượng ủy nhiệm. Các quan chức an ninh Israel ước tính rằng Hamas có khoảng hai mươi nghìn tên lửa và súng cối trong kho vũ khí của mình khi bắt đầu cuộc chiến hiện tại với Israel. Nhóm này cũng đã thực hiện các cuộc tấn công vào lãnh thổ Israel, giết chết và bắt cóc binh lính và dân thường.

 

Trước cuộc xung đột năm 2023, Hamas và Israel đã trải qua cuộc giao tranh đẫm máu nhất trong nhiều năm vào năm 2021, khi Hamas phóng tên lửa vào Israel sau nhiều tuần căng thẳng giữa người Palestine và người Israel ở Jerusalem. Một số nhà phân tích cho rằng Hamas muốn củng cố danh tiếng của mình như là người bảo vệ cho sự nghiệp của người Palestine sau khi Chính quyền Palestine hoãn cuộc bầu cử năm 2021. Trong cuộc xung đột kéo dài mười một ngày, Hamas và nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine đã phóng hơn bốn nghìn tên lửa từ Gaza, khiến mười thường dân Israel thiệt mạng và hơn ba trăm người khác bị thương. Mỹ và Ai Cập đã làm trung gian để đạt được lệnh ngừng bắn cho cuộc xung đột này.

 

 

Cuộc tấn công của Hamas vào Israel năm 2023 khác biệt như thế nào?

 

Cuộc tấn công của Hamas vào miền Nam Israel năm 2023, mang tên “Chiến dịch Bão al-Aqsa,” được các nhà phân tích nhận định là khác thường về chiến lược, quy mô và mức độ bí mật. Cuộc tấn công bắt đầu vào sáng sớm ngày 7 tháng 10, đúng vào ngày lễ Sabbath của người Do Thái, Hamas phóng hàng nghìn tên lửa vào miền Nam và miền Trung Israel, tấn công các thành phố xa tận phía Bắc như Tel Aviv. Các tay súng Hamas cũng vượt qua biên giới Gaza vốn được bảo vệ chặt chẽ và xâm nhập vào nhiều thị trấn và làng mạc ở miền Nam Israel, giết chết gần 1.200 người, làm bị thương và bắt cóc nhiều người khác. Các chiến binh đã phát trực tiếp video hành động của mình, cho thấy cuộc tấn công đặc biệt tàn bạo, với một số tay súng bị cho là đã thực hiện những hành động mà các chuyên gia cho rằng có thể bị coi là tội ác chiến tranh; vào tháng 3 năm 2024, các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc cho biết có “căn cứ hợp lý để tin rằng” một số thành viên Hamas đã phạm tội bạo lực tình dục đối với con tin và những người bị giết vào ngày 7 tháng 10. Lãnh đạo quân sự Mohammed Deif tuyên bố rằng Hamas thực hiện cuộc tấn công này để đáp trả việc Israel chiếm đóng các vùng đất của Palestine và những “tội ác” khác của Israel đối với người dân Palestine.

 

Cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 là vụ tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử 75 năm của Israel và đã gây ra chấn thương tâm lý sâu sắc cho người dân Israel, với một số nhà phân tích so sánh nó với các cuộc tấn công bất ngờ như ở Trân Châu Cảng và ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại Mỹ. “Việc một tổ chức khủng bố có khả năng và phương tiện để tiến hành các cuộc tấn công đồng thời và phối hợp từ trên không, trên biển, và trên bộ là điều hoàn toàn chưa từng có tiền lệ,” Cố vấn cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Bruce Hoffman viết.

 

Chiến dịch và cuộc chiến sau đó cũng đã thu hút sự giám sát chặt chẽ hơn từ phương Tây và quốc tế đối với các mối quan hệ quân sự và tình báo giữa Hamas và Iran, cũng như giữa Iran và các đồng minh khác trong “trục kháng chiến” của mình ở khu vực, bao gồm Hezbollah ở Lebanon và Houthis ở Yemen. Mặc dù mức độ phối hợp giữa các bên này vẫn chưa rõ ràng, nhưng tất cả đều đã tiến hành các cuộc tấn công vào Israel hoặc các mục tiêu liên quan đến Israel trong cuộc chiến đang diễn ra, bao gồm cả cuộc tấn công đầu tiên của Iran trên lãnh thổ Israel vào tháng 4 năm 2024. Trong khi đó, lực lượng Houthis đã phóng tên lửa và tiến hành các cuộc tấn công bằng drone vào Israel cũng như các cuộc tấn công thường xuyên vào tàu thuyền trên Biển Đỏ và vùng biển xung quanh, những tuyến đường thương mại mà Hải quân Mỹ được giao nhiệm vụ bảo vệ. Những cuộc tấn công bất thường này đã làm dấy lên lo ngại rằng chiến tranh ở Gaza có thể bùng phát thành một cuộc xung đột khu vực rộng lớn.

 

 

Hamas trong mắt người Palestine

 

Quan điểm của người Palestine về Hamas khá trái chiều. Trước ngày 7 tháng 10, nhóm này không được lòng dân ở cả Dải Gaza và Bờ Tây, mặc dù người Palestine ở cả hai khu vực này đều cho rằng Hamas vẫn hơn các phe phái chính trị khác. Nhiều chuyên gia cho rằng Tổng thống thuộc Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas đã hủy cuộc bầu cử quốc gia Palestine năm 2021 để ngăn chặn khả năng Hamas giành chiến thắng.

 

Sau ngày 7 tháng 10, sự ủng hộ dành cho Hamas ở Gaza tăng thêm bốn điểm phần trăm và gần như tăng gấp bốn lần ở Bờ Tây, theo một cuộc khảo sát vào tháng 12 năm 2023, mặc dù điều này vẫn chưa đủ để Hamas đạt được sự ủng hộ đa số ở bất kỳ khu vực nào. “Người Palestine tin rằng ngoại giao và đàm phán không phải là lựa chọn khả thi đối với họ, rằng chỉ có bạo lực và đấu tranh vũ trang mới có thể chấm dứt sự bao vây và phong tỏa Gaza, và nói chung là chấm dứt sự chiếm đóng của Israel,” theo lời nhà thăm dò dư luận tại Bờ Tây Khalil Shikaki bình luận với CNN. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng “không ai nên xem đây là sự ủng hộ cho bất kỳ hành động tàn bạo nào có thể đã được Hamas thực hiện vào ngày hôm đó.”

 

 

Tương lai của Hamas

 

Israel đang nỗ lực loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa mà Hamas gây ra, với Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố rằng mục tiêu là một “chiến thắng toàn diện”. Các quan chức Israel cho biết Hamas không còn là một lực lượng chiến đấu có tổ chức ở phía Bắc Gaza, trong khi các lãnh đạo của Hamas tại Gaza, như Sinwar, được cho là đang ẩn náu dưới mặt đất ở phía Nam.

 

“Hamas đã chịu một tổn thất nghiêm do các hoạt động quân sự của Israel ở Dải Gaza, tuy nhiên đây vẫn chưa phải là đòn mạnh đến mức tiêu diệt được Hamas,” ông Hoffman, chuyên gia của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, viết vào tháng 6 năm 2024, đồng thời lưu ý rằng tình báo Mỹ ước tính Hamas vẫn còn vài nghìn chiến binh ở Gaza và phần lớn mạng lưới đường hầm của nhóm này ở đó có thể vẫn còn nguyên vẹn.

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất một thỏa thuận ngừng bắn theo từng giai đoạn nhằm chấm dứt xung đột và đưa khoảng 115 con tin trở về, nhưng các cuộc đàm phán vẫn bị đình trệ vào đầu tháng 8 năm 2024.

 

Hamas và các nhà đàm phán của Chính quyền Palestine đã tổ chức các cuộc đàm phán về việc hợp tác trong một chính phủ kỹ trị quản lý Gaza khi xung đột kết thúc, gần đây nhất là ra một tuyên bố chung tại Bắc Kinh vào tháng 7 năm 2024. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng chính phủ Israel không có khả năng chấp nhận kết quả như vậy, vì đến nay họ đã từ chối các lệnh ngừng bắn tạm thời có thể cho phép Hamas hồi phục và tái tổ chức. “Người Israel rõ ràng sẵn sàng chấp nhận sự chỉ trích quốc tế để từ chối một thỏa thuận ngừng bắn mà họ coi là không tốt và sẽ cho phép Hamas tồn tại và tiếp tục chiến đấu trong tương lai,” theo nhận định của ông Cook thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.

 

------------

Nguồn: Kali Robinson, “What is Hamas,” Council on Foreign Relations, 01/08/2024

 

=====================================================

Có thể bạn quan tâm:

 

Liệu Chính quyền Palestine có đủ khả năng quản lý Gaza?

Ai có thể quản lý Gaza?

Những điều cần biết về xung đột Israel-Hamas

Tại sao Tiến trình Hoà bình Oslo thất bại?

Bài học thực sự từ Chiến tranh Yom Kippur

Chiến tranh văn hóa bên trong cuộc xung đột Gaza

Chiến tranh địa đạo của Hamas gợi nhớ về Việt Cộng

Lược sử xung đột Ả Rập-Israel qua bản đồ

 







No comments:

Post a Comment

View My Stats