Thursday 15 August 2024

MÔ HÌNH BẦU CỬ NÀO DÂN CHỦ NHẤT? (Emma Dương  -  Luật Khoa tạp chí)

 



Mô hình bầu cử nào dân chủ nhất?

Emma Dương  -  Luật Khoa tạp chí   

August 14 202410:50 AM

https://www.luatkhoa.com/2024/08/mo-hinh-bau-cu-nao-dan-chu-nhat/?ref=luat-khoa-newsletter

 

“Một khu vực, một đại diện” hay “đại diện theo tỷ lệ”?

 

https://images.unsplash.com/photo-1494172961521-33799ddd43a5?crop=entropy&cs=tinysrgb&fit=max&fm=webp&ixid=M3wxMTc3M3wwfDF8c2VhcmNofDh8fHZvdGluZ3xlbnwwfHx8fDE3MjM2MDY0NDF8MA&ixlib=rb-4.0.3&q=80&w=1000

Photo by Arnaud Jaegers / Unsplash.

 

Phần lớn các nước dân chủ hiện nay đều là dân chủ đại diện (representative democracy), chứ không phải là dân chủ trực tiếp (direct democracy). Dân chủ đại diện là một hình thức nhà nước mà người dân sẽ không trực tiếp tham gia vào quá trình lập pháp. Thay vào đó, cử tri sẽ bầu các chính trị gia đại diện cho mình trong quốc hội. Thụy Sĩ là đất nước hiếm hoi trên thế giới vẫn áp dụng mô hình dân chủ trực tiếp. [1]

 

Bài viết này sẽ phân tích ưu và nhược điểm của hai mô hình bầu cử phổ biến hiện nay là “một khu vực, một đại diện” (single-member district) và “đại diện theo tỷ lệ” (proportional representation).

 

 

Mô hình “một khu vực, một đại diện”

 

Hai nước có nền dân chủ lâu đời là Mỹ và Anh đều sử dụng mô hình này để chuyển số phiếu bầu thành số ghế trong quốc hội.

 

Theo đó, một quốc gia sẽ được chia thành nhiều đơn vị bầu cử (electoral district). Cử tri sẽ chọn ra một người thắng cử để đại diện cho toàn bộ dân cư thuộc đơn vị bầu cử đó.

 

Nước Mỹ có 435 đơn vị bầu cử, tương ứng với 435 số ghế trong Quốc hội. Tương tự, 650 đơn vị bầu cử của Anh là 650 ghế trong Nghị viện.

 

Trong mô hình này, có nhiều cách để tìm ra người thắng cử, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc “được ăn cả, ngã về không” (first past the post/ winner takes all), tức một người đắc cử khi nhận được đa số phiếu. 

 

Ví dụ, giả sử tại một đơn vị bầu cử ở Mỹ, có ba ứng cử viên, gồm một ứng cử viên Đảng Dân chủ và hai ứng cử viên Đảng Cộng hòa. Tỷ lệ số phiếu bầu của mỗi ứng cử viên lần lượt là 40% - 30% - 30%. Theo kết quả này, ứng cử viên Đảng Dân chủ đã thắng dù chỉ giành được 40% số phiếu bầu.

 

Ưu điểm lớn nhất của nguyên tắc bầu cử này là đơn giản, dễ hiểu và có thể xác định chính xác ai là người thắng cử.

 

Ngoài ra, còn có cách thức bầu cử khác là bỏ phiếu xếp hạng ưu tiên (ranked choice voting), tuy nhiên nó khá phức tạp. [2] Với cách này, các cử tri sẽ xếp hạng ưu tiên các ứng cử viên. Người nào có ít phiếu ưu tiên nhất sẽ bị loại và phiếu của họ sẽ chuyển sang cho ứng cử viên đứng thứ hai. Quy trình này lặp lại cho đến khi có một ứng cử viên đạt 50% phiếu ưu tiên.

 

Với mô hình “một khu vực, một đại diện”, cử tri biết rõ ai là người đại diện cho mình trong quốc hội.

 

Tại Mỹ, người đại diện của mỗi đơn vị bầu cử được công khai trên một trang web của Quốc hội. [3] Do đó, người dân dễ dàng liên lạc trực tiếp với văn phòng của nhà lập pháp đại diện cho mình để nêu ý kiến.

 

Chẳng hạn, sau cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ Joe Biden và Donald Trump diễn ra vào ngày 27/6/2024, nhiều cử tri của Đảng Dân chủ rất thất vọng về màn thể hiện yếu kém của Tổng thống Joe Biden. Họ đã dùng X (Twitter) để kêu gọi mọi người viết thư hoặc email đến đại diện của mình trong Quốc hội để bày tỏ mong muốn ông Biden rút lui.

 

Việc biết rõ ai là người đại diện cho mình trong quốc hội cũng như được truyền đạt nguyện vọng trực tiếp sẽ giúp cử tri cảm thấy lá phiếu của mình có ý nghĩa. [4]

 

Một ưu điểm lớn khác của mô hình này là để được cử tri tín nhiệm, nhà lập pháp đại diện cho đơn vị bầu cử phải quan tâm đến các vấn đề của địa phương đó như sửa chữa cầu đường, vệ sinh môi trường, xây dựng trường học, v.v…

 

Tuy nhiên, trở lại ví dụ về một đơn vị bầu cử ba ứng cử viên của Mỹ đã nêu ở trên, vì người đắc cử đã thắng chỉ với 40% số phiếu bầu, 60% cử tri còn lại có thể sẽ cảm thấy nguyện vọng của mình không được đại diện.

 

Ngoài ra, mô hình “một khu vực, một đại diện” đem lại lợi thế cho các đảng lớn. Điều này có nghĩa một đảng lớn có thể nhận được đủ phiếu bầu để chiến thắng ở nhiều khu vực bầu cử (đồng nghĩa với nhiều số ghế trong quốc hội), ngay cả khi đảng đó không đạt được đa số tuyệt đối trên toàn quốc. [5] Do đó, mô hình này có thể không công bằng đối với các đảng nhỏ.

 

Một đảng nhỏ có thể có nhiều người ủng hộ dàn đều trên toàn quốc, nhưng nếu không đạt được nhiều phiếu nhất ở bất cứ đơn vị bầu cử nào thì đảng đó cũng sẽ không có người đại diện trong quốc hội.

 

Ví dụ, ở Anh, hai đảng lớn là Đảng Lao động (Labour Party) và Đảng Bảo thủ (Conservative Party) thường giành được nhiều số ghế nhất trong Nghị viện nhưng hiếm khi giành được đa số phiếu bầu trên toàn quốc.

 

Mặc dù Đảng Lao động thắng lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội Anh năm 2024 với số 410 ghế (thắng ở 410 đơn vị bầu cử) trong tổng số 650 ghế, nhưng nhiều người coi đây là một chiến thắng thiếu thuyết phục, [6] vì thực tế Đảng Lao động chỉ giành được 33,9% số phiếu bầu trên toàn quốc. [7] Vậy có thể nói Đảng Lao động thật sự đại diện cho mong muốn và ý chí của đa số người dân Anh hay không?

 

Một thách thức khác của mô hình này nằm ở quy trình vẽ bản đồ khu vực bầu cử.

Tại mỗi bang ở Mỹ, các khu vực bầu cử phải là những khu vực địa lý riêng biệt nhưng thường phải có dân số khá tương đồng. [8] Tuy nhiên, khu vực bầu cử này hoàn toàn có thể bị thay đổi sau mỗi đợt bầu cử.

 

Các chính trị gia của đảng thắng cử có thể “vẽ lại” bản đồ nhằm tạo ra kết quả có lợi cho đảng của họ cho các cuộc bầu cử trong tương lai. Chính bản thân các nhà lập pháp cũng đóng một vai trò trong việc phân chia khu vực bầu cử. [9] Đó chính là tình trạng “gerrymandering”. [10] Vì thế, nhiều khu vực bầu cử được tạo ra với hình dạng và kết cấu dân số bất thường để đạt được kết quả bầu cử mong muốn. [11]

 

 

Mô hình “đại diện theo tỷ lệ”

 

Với mô hình này, cả quốc gia là một đơn vị bầu cử. Tỷ lệ ghế ngồi trong hệ thống lập pháp cho các đảng sẽ dựa trên tỷ lệ phiếu mà đảng đó giành được trên toàn quốc.

 

Giả sử đảng X giành được 44% số phiếu bầu, đảng Y giành được 33%, và đảng Z giành được 22% thì các đảng lần lượt sẽ có 44%, 33% và 22% số ghế trong quốc hội.

 

Ưu điểm lớn nhất của mô hình này là cử tri dành sự tập trung cho đảng chính trị và đề xuất chính sách của đảng. Trong khi đó, với mô hình “một khu vực, một đại diện”, các ứng cử viên có vẻ ngoài lôi cuốn và khả năng hùng biện có lợi thế hơn mặc dù họ chưa chắc đưa ra các quyết sách hợp lòng dân. [12]

 

Ưu điểm thứ hai, cơ quan lập pháp sẽ đại diện cho nhu cầu và mong muốn của cử tri toàn quốc thay vì một đơn vị địa lý cụ thể nào đó. Đảng giành được đa số phiếu bầu (hoặc liên minh các đảng, trong trường hợp không có đảng nào giành được 50% phiếu bầu trên toàn quốc) sẽ được ủy quyền thành lập chính phủ và quản trị đất nước. Trên lý thuyết, việc này đảm bảo chính phủ có khả năng thông qua luật pháp và triển khai các chính sách mà toàn dân mong muốn.

 

Mô hình này cũng tạo điều kiện cho các đảng nhỏ thành lập và tranh cử. Ở đa số các quốc gia đang áp dụng mô hình “đại diện theo tỷ lệ”, một đảng phải đạt được số phiếu bầu tối thiểu (minimum threshold) để được phân bổ ghế trong quốc hội. Ví dụ, ở Đức, một đảng phải nhận được ít nhất 5% số phiếu bầu trên cả nước để có thể tham gia cơ quan lập pháp. [13] Nhờ đó, tiếng nói của những nhóm thiểu số cũng có cơ hội tác động đến quá trình làm luật và chính sách.

 

Tuy nhiên, với mô hình này, người dân đang bầu cho một đảng chính trị chứ không phải một cá nhân. Nói cách khác, cử tri không có nhà lập pháp cụ thể nào đại diện cho mình. [14] Do đó, ở một số quốc gia, như Brazil, người dân bỏ phiếu cho đảng chính trị theo nguyên tắc “danh sách mở” (open list), tức người dân bầu cho một đảng chính trị và đồng thời bầu một chính trị gia cụ thể trong đảng mà họ tín nhiệm. [15]

 

Ngoài ra, ở mô hình này, trong quá trình tranh cử, các đảng chính trị thường tập trung vào những vấn đề ở tầm quốc gia và ít chú ý tới các vấn đề dân sinh của từng địa phương. [16]

 

Thêm vào đó, tuy mô hình này cho phép nhiều nhóm trong xã hội được đại diện trong cơ quan lập pháp, nhưng nó có thể gây ra những thách thức lớn trong quá trình hình thành chính phủ, quản trị nhà nước và thực thi luật và chính sách. [17] Nếu có quá nhiều đảng có mặt ở quốc hội và không có đảng nào đạt được đa số phiếu bầu trên toàn quốc, đảng lớn nhất phải tìm kiếm và xây dựng liên minh với các đảng khác để thành lập nội các.

 

Hầu hết các nước áp dụng mô hình “đại diện theo tỷ lệ” đều là chính thể cộng hòa đại nghị, vì thế, quốc hội sẽ bầu các thành viên nội các, bao gồm cả thủ tướng, từ chính các thành viên của quốc hội.

 

Nhưng việc hình thành liên minh sau bầu cử mất rất nhiều thì giờ và người dân có thể phải sống trong tình trạng “không có chính phủ” trong thời gian dài. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc thi hành chính sách và làm các chính trị gia sao nhãng nhiệm vụ quản trị đất nước. Cần lưu ý rằng, tình trạng này chỉ là vắng mặt người đứng đầu chính phủ trong lúc các đảng phái thỏa thuận liên minh, chứ các cơ quan hành chính đều hoạt động bình thường và không bị đình trệ.

 

Chẳng hạn, sau bầu cử Quốc hội năm 2016, Tây Ban Nha đã thiếu chính phủ trong vòng 10 tháng vì các đảng không thể thỏa hiệp và liên minh với nhau. [18] 

 

Trong nhiều trường hợp, các liên minh có thể bao gồm những đối tác kỳ lạ. Chẳng hạn, ở Hy Lạp, đảng cánh tả cực đoan Syriza đã liên minh với đảng cánh hữu cực đoan Independent Greeks. Ở Đan Mạch, từng có một liên minh giữa đảng Liberal Alliance (chủ trương cắt giảm chi tiêu của chính phủ) và đảng Danish People’s Party (muốn tăng chi tiêu) điều hành chính phủ. [19]

 

 

Mô hình nào cũng cần cải thiện

 

Trước sự phân cực chính trị mạnh mẽ ở Mỹ, nhiều tổ chức và chuyên gia đang gia tăng vận động thay đổi mô hình bầu cử cho nhánh lập pháp (legislature). [20] Họ lập luận rằng thay vì áp dụng mô hình “một khu vực, một đại diện”, Mỹ nên áp dụng mô hình “đại diện theo tỷ lệ” như phần lớn các nước châu Âu.

 

Trong khi đó, ở phía bên kia Đại Tây Dương, nhiều nước châu Âu như Hy Lạp, Hà Lan và Ý - nơi có mô hình “đại diện theo tỷ lệ”, cũng đang đau đầu kêu gọi cải cách hệ thống bầu cử vì đã quá chán ngán với sự manh mún của hệ thống này và tình trạng thiếu chính phủ trong một thời gian dài. [21]

 

Điều này cho thấy không có mô hình bầu cử nào là hoàn hảo và luôn cần phải cải thiện để đảm bảo nguyện vọng của người dân cũng như để chính sách được ban hành và thực thi kịp thời.

 

-------------

Chú thích

 

[1] https://www.weforum.org/agenda/2017/07/switzerland-direct-democracy-explained/

 

[2] Bokat-Lindell, S. (2021, June 24). Opinion | Can Ranked-Choice Voting Cure American Politics? The New York Times. https://www.nytimes.com/2021/06/24/opinion/ranked-choice-new-york.html

 

[3] Representatives | house.gov. (2021). House.gov. https://www.house.gov/representatives

 

[4] Dickovick, J. Tyler, Jonathan Eastwood, Robin M. LeBlanc, and Zoila Ponce de León Seijas. Comparative politics: Integrating theories, methods, and cases. New York: Oxford University Press, 2016, p.225-253.

 

[5] The Economist. (2024, July 11). Britain’s skewed election reinforces the case for voting reform. After 2029. The Economist; The Economist. https://www.economist.com/leaders/2024/07/11/britains-skewed-election-reinforces-the-case-for-voting-reform-after-2029 

 

[6] The Economist. (2024, July 6). How shallow was Labour’s victory in the British election? The Economist; The Economist. https://www.economist.com/britain/2024/07/06/how-shallow-was-labours-victory-in-the-british-election

 

[7] Who won the popular vote? A breakdown of the main parties. (2024, July 5). Sky News; Sky. https://news.sky.com/story/general-election-who-won-the-popular-vote-a-breakdown-of-the-main-parties-13171045

 

[8] US Census Bureau. (2023, November 13). About Congressional Districts. Census.gov. https://www.census.gov/programs-surveys/geography/guidance/geo-areas/congressional-dist.html

 

[9] Leonhardt, D. (2022, September 30). Gerrymandering, the Full Story. The New York Times. https://www.nytimes.com/2022/09/30/briefing/gerrymandering-maps-districts-republicans-democrats.html

 

[10] [11] Huỳnh Minh Triết. (2020, November 2). Gerrymandering: thuật đẽo gọt bản đồ để thao túng bầu cử Mỹ | Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2020/11/gerrymandering-thuat-deo-got-ban-do-de-thao-tung-bau-cu-my/

 

[12] Dickovick, J. Tyler, Jonathan Eastwood, Robin M. LeBlanc, and Zoila Ponce de León Seijas. Comparative politics: Integrating theories, methods, and cases. New York: Oxford University Press, 2016, p.225-253.

 

[13] Dạ Lãm. (2016, February 19). Người Đức bầu cử Quốc Hội như thế nào? | Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2016/02/3701/

 

[14] Dickovick, J. Tyler, Jonathan Eastwood, Robin M. LeBlanc, and Zoila Ponce de León Seijas. Comparative politics: Integrating theories, methods, and cases. New York: Oxford University Press, 2016, p.225-253.

 

[15] Nicolau, J. (2024). The open-list electoral system in Brazil. Dados , 3(SE). http://socialsciences.scielo.org/scielo.php?script=sci_arttext&pid=S0011-52582007000100003

 

[16] Dickovick, J. Tyler, Jonathan Eastwood, Robin M. LeBlanc, and Zoila Ponce de León Seijas. Comparative politics: Integrating theories, methods, and cases. New York: Oxford University Press, 2016, p.245.

 

[17] The Economist. (2017, January 12). Too many parties can spoil politics. The Economist. https://www.economist.com/leaders/2017/01/12/too-many-parties-can-spoil-politics

 

[18] Worstall, T. (2016, October 27). Spain Has No Government For 10 Months - Economy Grows, Unemployment Falls To 18.9%. Forbes. https://www.forbes.com/sites/timworstall/2016/10/27/spain-has-no-government-for-10-months-economy-grows-unemployment-falls-to-18-9/; Caparrós, M. (2016, August 28). Opinion | Spain: A Country With No Government. The New York Times. https://www.nytimes.com/2016/08/29/opinion/spain-a-country-with-no-government.html

 

[19] Xem [17] 

 

[20] Allen, J. (2024, May 2). Can Proportional Representation Create Better Governance? Protect Democracy. https://protectdemocracy.org/work/can-proportional-representation-create-better-governance/#primary-footer-menu-section; Brooks, D. (2018, May 31). Opinion | One Reform to Save America. The New York Times. https://www.nytimes.com/2018/05/31/opinion/voting-reform-partisanship-congress.html

 

[21] Xem [17]

 

------------

Đọc thêm:

 

Điều gì quyết định sự sống còn của một nền dân chủ?

Luật Khoa tạp chí          Emma Dương

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats