Friday 16 August 2024

HẢI QUÂN HOA KỲ & CHIẾN LƯỢC DIỆT TÀU NGẦM TRUNG QUỐC (Trúc Phương / Người Việt)

 


Hải Quân Hoa Kỳ và chiến lược diệt tàu ngầm Trung Quốc

Trúc Phương/Người Việt

August 15, 2024

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/hai-quan-hoa-ky-va-chien-luoc-diet-tau-ngam-trung-quoc/

 

Đấu trường Châu Á-Thái Bình Dương chưa bao giờ im tiếng súng dù không có chiến tranh. Cường độ thực hiện các cuộc tập trận ngày càng dày đặc. Chiến lược phòng thủ liên tục thay đổi và những kịch bản mới luôn được soạn thảo. Tất cả chỉ nhằm vào một mục tiêu: Trung Quốc.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/08/A1-Hai-Quan-My-diet-tau-ngam-1536x1024.jpg

Một tàu quân sự Trung Quốc (rất nhỏ, phải) – cách khoảng 7-8 km (5 dặm) – quan sát các tàu khu trục dẫn đường lớp Arleigh-Burke là USS Sterett (giữa, số 104) và USS Rafael Peralta (phía sau, số 115) được nhìn thấy từ hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson khi tham gia cuộc tập trận kéo dài ba ngày giữa Mỹ và Nhật tại Biển Philippines hôm 31 Tháng Giêng, 2024. (Hình: Richard A. Brooks/AFP via Getty Images)

 

Cách đây không lâu, Hải Quân Hoa Kỳ và Lực Lượng Phòng Vệ Hải Quân Nhật đã lần đầu tiên tiến hành cuộc diễn tập phóng ngư lôi ở Vịnh Tokyo. Từ trên không, một trực thăng MH-60R xịt phóng ngư xuống biển, mô phỏng một cuộc tấn công nhằm vào tàu ngầm. Trước đây, tất cả cuộc tập trận phóng ngư lôi tương tự chỉ được tiến hành ngoài khơi San Diego, California.

 

Nikkei Asia cho biết, cuộc tập trận diễn ra khi Hải Quân Hoa Kỳ âm thầm cải tổ đội hình tàu chiến Mỹ ở Nhật, đưa các tàu mới hơn và mạnh hơn đến gần eo biển Đài Loan, cho thấy những “hạng mục” ưu tiên nào đang thay đổi trong sứ mệnh toàn cầu về quốc phòng của Mỹ. Kể từ mùa Hè năm ngoái, năm tàu khu trục mang hỏa tiễn dẫn đường lớp Arleigh Burke đã đến Yokosuka – cơ sở Hải Quân lớn nhất thế giới của Mỹ ở nước ngoài, cách Tokyo khoảng một giờ lái xe về phía Nam. Năm khu trục hạm này thay thế các chiến hạm cũ trong đó có USS John S. McCain và USS Curtis Wilbur vốn được khai triển ở Nhật trong một phần tư thế kỷ.

 

Trong khi các tàu cũ tập trung vào việc phòng thủ bằng hỏa tiễn đạn đạo nhằm đối phó mối đe dọa từ Bắc Hàn thì các tàu mới hơn có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ: Tham gia cuộc chiến phòng không nhằm vào máy bay chiến đấu tiên tiến của Trung Quốc; bám theo tàu ngầm; phòng thủ trước các hỏa tiễn hành trình chống hạm mới nhất cũng như hỏa tiễn đạn đạo của Trung Quốc.

 

Bốn trong các khu trục hạm mới là phiên bản Flight IIA (Flight IIA version) được trang bị nhà kho chứa trực thăng, có thể chứa trực thăng MH-60R chuyên dùng phóng ngư lôi. Được trang bị dàn phóng “phao âm” (“sonobuoy” – sonar and buoy), hệ thống radar đa cấp, ngư lôi và hỏa tiễn chống hạm, trực thăng MH-60R có thể tìm, theo dõi và tiêu diệt tất cả các mối đe dọa dưới bề mặt biển. MH-60R là công cụ chính để săn tàu ngầm đối phương, và chắc chắn là một phần quan trọng trong các hoạt động của Hải Quân Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc và Nga.

 

Trong cuộc tập trận trên Vịnh Tokyo, trực thăng bay từ các căn cứ trên bộ ở Nhật. Tuy nhiên, với dàn chiến hạm được trang bị nhà chứa máy bay, Hải Quân Mỹ có thể tác chiến thuận lợi hơn trong thực tế. Trong số tàu mới đang neo ở cảng Yokosuka, USS Howard, USS Dewey, USS Ralph Johnson và USS Rafael Peralta là phiên bản Flight IIA. Chúng được trang bị hai nhà chứa máy bay có thể chứa cả những biến thể khác của dòng trực thăng MH-60, cùng thiết bị hỗ trợ, trạm sửa chữa và kho phụ tùng.

 

Điểm khác biệt chính giữa các tàu lớp Arleigh Burke trước đó và tàu Flight IIA hiện đại là nhà chứa trực thăng – một nhà phân tích Hải Quân Mỹ nói với Nikkei. Mặc dù các tàu trước đó có bãi đáp trực thăng và có thể tiếp nhiên liệu cho trực thăng, nhưng chúng không thể làm bến đậu trực thăng trong một thời gian dài.

 

Hiện có tám khu trục hạm lớp Arleigh Burke ở Yokosuka, cùng với soái hạm USS Blue Ridge, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan, và ba tuần dương mang hỏa tiễn dẫn đường. Với tổng cộng 13 chiến hạm Mỹ, cảng Yokosuka trở thành một trong những căn cứ chiến lược quan trọng nhất của Hải Quân Hoa Kỳ nói riêng và quân đội Mỹ nói chung. Tầm quan trọng của nó được nâng thêm một bậc dưới thời Tổng Thống Joe Biden.

 

Từ cảng Yokosuka, mất một ngày rưỡi để đi đến eo biển Đài Loan với tốc độ 30 hải lý/giờ, theo ước tính của Cơ Quan Nghiên Cứu Quốc Hội Hoa Kỳ (U.S. Congressional Research Service). Tốc độ này nhanh hơn Guam (1.9 ngày), Singapore (2.5 ngày), Trân Châu Cảng-Hawaii (5.9 ngày), Everett-Washington (7.3 ngày) hoặc San Diego (8.2 ngày).

 

Một căn cứ quan trọng nữa của Hải Quân Hoa Kỳ ở Nhật là Sasebo, thuộc tỉnh Nagasaki, phía Tây Nam Nagasaki. Địa điểm này, với chín chiến hạm Mỹ đang neo sẵn, thậm chí gần Đài Loan hơn. Năm trong số chiến hạm này là các tàu đổ bộ cỡ lớn có nhiệm vụ đón và đưa hàng trăm Thủy Quân Lục Chiến Mỹ ở Okinawa đến bất kỳ chiến trường nào trong khu vực trong nháy mắt. Trong quá khứ, Mỹ từng bị chống đối khi tăng cường sự hiện diện quân sự tại Nhật. Tuy nhiên, với những căng thẳng gần đây và trong bối cảnh Trung Quốc nhe nanh múa vuốt, người Nhật bắt đầu cảm thấy sự có mặt của Mỹ là cần thiết.

 

Trong một cuộc thăm dò do Nikkei thực hiện vào Tháng Tư năm ngoái, 74% người được hỏi cho biết họ ủng hộ sự can dự của Nhật nhằm có thể duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, trong khi chỉ 13% phản đối. Trong báo cáo Cơ Bản Về Quốc Phòng: Địa Lý, Chiến Lược Và Thiết Kế Lực Lượng Hoa Kỳ (Defense Primer: Geography, Strategy, and U.S. Force Design), Cơ Quan Nghiên Cứu Quốc Hội đã xác định yếu tố chính trong chiến lược quốc gia của Mỹ là “ngăn chặn sự xuất hiện của những quốc gia bá chủ khu vực ở Âu-Á.”

 

Những hoạt động hàng hải gần đây của Trung Quốc và Nga càng tạo thêm sự cấp bách trong việc thay đổi chiến lược của Hải Quân Mỹ. Tháng Mười năm ngoái, 10 tàu Hải Quân Trung Quốc và Nga đã đi qua một điểm nghẽn hẹp ở phía Bắc Nhật Bản, hướng về phía Đông ra Thái Bình Dương. Đó là eo biển Tsugaru, nằm giữa đảo Honshu và đảo Hokkaido, chỉ rộng 19.5 km tại điểm hẹp nhất của nó. Đây là lần đầu tiên tàu Nga và Trung Quốc lò mò vào eo biển Tsugaru. Vài ngày sau, cũng đội tàu này lại “lạc” vào nút thắt cổ chai ở phía Nam: Eo biển Osumi. Eo này nằm giữa bán đảo Osumi và đảo Tanegashima, cả hai đều thuộc tỉnh Kagoshima. Về mặt kỹ thuật, các tàu Nga-Trung Quốc không vi phạm lãnh hải Nhật. Nhưng bằng việc xuất hiện tại Eo Tsugaru và Eo Osumi, tàu Trung Quốc và Nga trên thực tế đã đi vòng nước Nhật trong một động thái khiêu khích chưa từng có.

 

Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để có lực lượng Hải Quân lớn nhất thế giới xét về số lượng tàu. Trong khi Bắc Kinh điều các tàu có khả năng nhất của họ đến gần eo biển Đài Loan, quân đội Mỹ hiện vẫn không đủ nguồn lực để mở rộng hạm đội Hải Quân để sánh với Trung Quốc về số lượng tàu. Thay vào đó, Mỹ tập trung vào việc xây dựng chiến lược: Thắt chặt liên kết với các đồng minh, đặc biệt Nhật và Úc, để duy trì sự thống trị ở đấu trường Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. [qd]

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats