Tuesday 6 August 2024

GIỮA HAI LÀN ĐẠN VÀ BÓNG ĐÈ (Minh Thùy / Báo Tiếng Dân)

 



Giữa hai làn đạn và bóng đè

Minh Thùy

06/08/2024

https://baotiengdan.com/2024/08/06/giua-hai-lan-dan-va-bong-de/

 

Lần thứ hai sư Minh Tuệ Xuất hiện trên đài VTV1 vào ngày 31-7-2024 cũng với phóng viên Liên Liên, người đã phỏng vấn sư lần đầu tiên ngày 8-6-2024.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/08/1-7-1024x709.png

Phóng viên Liên Liên từ VTV phỏng vấn sư Thích Minh Tuệ ngày 31-7-2024. Ảnh chụp màn hình

 

Tất nhiên buổi phỏng vấn không do sư yêu cầu mà là được (hay bị) phỏng vấn theo chương trình cần thực hiện của đài truyền hình và của chính quyền. Gương mặt sư lúc đầu hơi buồn và căng thẳng, nhà báo Liên Liên thì tỏ vẻ thân thiện, luôn mỉm cười rất chuyên nghiệp, dần dần mặt sư tươi tắn hơn.

 

Nhà nước hẳn bằng lòng vì sư Minh Tuệ đã trả lời rất bài bản: “Chính quyền thì vẫn hỗ trợ cho con để học tập, họ vẫn giúp đỡ và bảo vệ cho mình được an toàn, họ cũng tôn trọng mình”.

 

Đúng vậy, không có công an với dân phòng dàn trận, chặn đường lên núi ở Nha Trang thì chắc đông đảo Phật tử với dàn YouTuber, TikToker rần rần xông lên mọi nẻo đường lên núi Sạn lùng sục tìm thầy như đi tìm vàng thì thầy biết trốn vào đâu. Tội thầy tui!

 

Buổi phỏng vấn khá dài, ít nhất hơn 30 phút, nhưng khi biên tập lại thì chỉ còn vỏn vẹn một câu sư Minh Tuệ nói chưa tới một phút, với lời giới thiệu cứng nhắc, nhát gừng, không mấy thân thiện: “Hằng ngày đi khất thực, sức khỏe tốt, và có nơi yên tĩnh để thực hiện mong muốn tu tập của mình, với điều kiện hiện tại ông rất yên tâm. Hiện không còn tình trạng tụ tập đông người gây mất trật tự và an toàn giao thông khi ông đi khất thực và nơi ông tu tập”.

 

Đến ngày 4-8 muốn nghe lại clip này thì không thấy nữa. Vấn đề ở đây là tại sao có cuộc phỏng vấn lần hai? Để làm yên lòng dân chúng? Để đánh tan thuyết âm mưu từ “thế lực thù địch” cho là sư Minh Tuệ đang bị giam lỏng?

 

Điều đáng chú ý là, buổi phỏng vấn sư Minh Tuệ phát hình ngày 31-7, lan nhanh qua truyền thông trong nước ra ngoài nước, đánh trúng tâm điểm mọi người đang ngóng tin về sư Minh Tuệ. Câu nói tuy ngắn ngủi của Sư nhưng đủ để chính quyền trưng ra bằng chứng: “Mọi người thấy rõ nhé, chúng tôi đâu có đàn áp nhân quyền, sư Minh Tuệ tự do tu tập đấy nhé, chúng tôi quyết tâm bảo vệ sư, hiện sư rất an tâm…”. Tưởng chừng như có câu nói quen thuộc của sư: “Mọi người cùng hoan hỉ nhỉ!”

 

Cùng thời điểm này, chính quyền Việt Nam đang chờ đợi tuyên bố từ chính phủ Hoa kỳ về quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Đó là niềm hy vọng mới, mong vượt qua những rào cản về kinh tế, hưởng một số quyền lợi về thuế khi trao đổi thương mại với Hoa kỳ. Được công nhận điều này, họ xem như một thắng lợi cả về kinh tế lẫn chính trị, khẳng định vị trí Việt Nam trên chính trường quốc tế. Với những nhân vật mới nhậm chức lãnh đạo ở Việt Nam cũng là sự khẳng định quyền lực của họ trong nước.

 

Nhưng giới chính khách gốc Việt ở California thì có mưu cầu khác, mùa bầu cử đang đến, họ muốn lấy niềm tin của cử tri, họ cần số phiếu của dân Mỹ da vàng, đa số dù ở xa nhưng vẫn hướng về quê hương, yêu kính sư Minh Tuệ như người dân trong nước. Trước đó, mấy nhân vật cộm cán ở Cali như Tạ đức Trí, Trần Thái Văn, Nguyễn Quốc Lân… dính phốt với những vụ bắt tay với vua rác David Dương, người muốn làm cầu nối cho họ với các công ty lớn trong nước, bị dân Cali ồn ào tẩy chay.

 

Vì lo sợ thất bại ở kỳ bầu cử sắp đến, họ chụp cơ hội này lấy điểm với đồng hương. Bà Michelle Steel, dân biểu Hạ viện liên bang Mỹ lên tiếng tố cáo chính quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo, vi phạm nhân quyền, yêu cầu chính phủ Hoa kỳ can thiệp. Tại Little Saigon, dân biểu Hạ viện tiểu bang California, Tạ Đức Trí gấp rút làm đơn yêu cầu chính phủ Hoa kỳ giải cứu cho sư Minh Tuệ, tổ chức đêm thắp nến cầu nguyện cho sư qua kiếp nạn.

 

Trong văn bản cáo trạng gửi đến chính quyền Hoa kỳ, các dân biểu đều nhắc lại vấn đề nhân quyền, tự do tín ngưỡng, đưa ra sự việc tan rã tăng đoàn của sư Minh Tuệ như một minh chứng mới nhất đối với tự do tôn giáo ở Việt Nam. Họ yêu cầu chính quyền Mỹ lưu ý trước khi quyết định cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

 

Sư Minh Tuệ, người đã nguyện tu theo hạnh đầu đà cho đến chết, buông bỏ tất cả sự đời, bỗng dưng trở thành nạn nhân đi giữa hai lằn đạn. Tội thầy tui!

 

Đến ngày 2-8  khi Bộ thương mại Hoa Kỳ chính thức tuyên bố: “Không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam” thì cánh cửa hy vọng của chính quyền Việt Nam đóng sập lại. Chính sách “ngoại giao cây tre” đã không đem lại kết quả tốt đẹp cho kinh tế nước nhà.

 

Có lẽ thấy chuyện nhà sư khổ hạnh đầu đà không cần thiết nữa nên chính quyền nới lỏng việc canh gác chốt chặn ở đầu đường lên núi Sạn, gỡ bớt rào chắn. Nhưng “Quo vadis” (thầy đi đâu) thì vẫn không ai biết, các YouTuber đôi khi hâm lại những hình ảnh của thầy trước biến cố đêm 3-6-24. Đến ngày 4-8 thì buổi phỏng vấn đột xuất với sư Minh Tuệ gần như biến mất trên truyền thông chính thức.

 

Tuy không quản thúc nhưng có lẽ chính quyền Việt Nam không tin tưởng nguyện ước thuần thành của sư là thực hành Phật pháp. Sự bộc phát tăng đoàn quá nhanh, chỉ trong ba tháng, từ 3-4 người ban đầu, đột nhiên tăng lên 72 người khi tiến vô thành phố Huế, đồng thời lượng người ái mộ tăng lên đến hàng ngàn người, tràn ngập hai bên đường làm chính quyền lo lắng: Dường như âm ỉ cái gì đó có thể sắp xảy ra.

 

Đã từng có một cuộc biểu tình chống Trung quốc xâm chiếm biển Đông, với khẩu hiệu “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” xảy ra năm 2011, lôi cuốn hàng ngàn người ở các tỉnh, thành phố lớn, và cả hải ngoại. Đã từng có hàng vạn người xuống đường chống sự kiện Formosa như ở Nghệ An, Hà Tĩnh năm 2016. Đó là những cơn sóng tức giận bộc phát của đám đông quần chúng vì căm phẫn quá sức chịu đựng. Tuy nhiên, làn sóng nổi lên bị dập tắt nhanh chóng và tàn nhẫn vì thiếu phương hướng và tổ chức.

 

Xa hơn nữa là những năm đầy biến động ở miền Nam năm 1966, cũng chính từ cái nôi ở miền Trung, Huế, Đà nẵng, Phật tử ùn ùn xuống đường, bàn thờ Phật cũng xuống đường chống chính phủ miền Nam mà họ cho là đàn áp Phật giáo. Những người dẫn dắt cuộc biểu tình hồi đó là các sư sãi ở chùa, Phật tử đã theo lời kêu gọi của họ mà rủ nhau xuống đường.

 

Nhà cầm quyền hiện nay ít người có mặt ở miền Nam vào thời kỳ biến động đó, nhưng qua lịch sử chắc họ biết đến sự kiện đó. Họ hiểu tôn giáo là niềm tin, là sức mạnh có thể làm bật dậy những cơn sóng thần chống đối trong dân chúng, nhất là khi họ đã bị dồn ép lâu năm với bao nỗi oan ức không được giải quyết. Và đám đông khi có một thủ lĩnh đức độ và tài năng mà họ rất mực tin tưởng, kính mến thì cơn sóng thần sẽ tràn bờ, đập vỡ bờ, cuốn đi tất cả.

 

Có khi chỉ vì một nguyên nhân vặt vãnh trong xã hội, có thể đẩy cơn sóng âm ỉ thành dòng thác dâng trào. Chính quyền tránh né, không muốn nhắc đến quá khứ, nhưng có vẻ họ không quên những biến cố làm rung chuyển thế giới vào thập niên 1990, làm sụp đổ đất nước Xô-viết và các nước cộng sản Đông Âu.

 

Cái bóng đen đó vẫn lởn vởn trên bầu trời vài nước còn mang tên chủ nghĩa xã hội hiện nay. Một bà có lẽ hơi tưng tửng lên YouTube, sỉ vả sư Minh Tuệ thậm tệ, rồi gào lên rằng: Chúng mày định làm cách mạng màu, hay cách mạng hoa nhài, hoa tulip à, đừng có mơ… Ngay tức khắc, clip này bị bay màu mất tăm. Họ không muốn từ ngữ cách mạng màu, cách mạng hoa nhài xuất hiện lại trong suy nghĩ người dân, biến thành bóng đen ám ảnh đất nước này, trong thời điểm nhạy cảm này.

 

Tiên hạ thủ vi cường, hậu thủ vi tai ương… Thế nên nhà nước ra tay trước. Chỉ qua một đêm “cái đêm hôm ấy đêm gì” trở thành ác mộng cho cả tăng đoàn sư Minh Tuệ, chịu cảnh tan đàn xẻ nghé trước khi đi vào thành phố Huế, cái nôi Phật giáo của cả nước. Nhà nước nghi ngờ đủ thứ, những phần tử phe này, phe kia đang âm mưu giành lại chức quyền, đám “cờ vàng hải ngoại” dám cử điệp viên 007 về đây quậy phá, và tăng đoàn với những sư trẻ, có học thức, sao lại muốn buông bỏ cuộc đời quá sớm, tập họp bên sư Minh Tuệ dù chả có danh phận, lợi lộc gì, sao kỳ lạ vậy?

 

Không giải thích được nên hóa ra lo lắng, ông sư đầu trần chân đất chỉ có độc nhất ba y với nồi cơm điện có vẻ rất đáng ngại. Dù cho sư Minh Tuệ có nói: “Con là công dân Việt Nam, tuân thủ luật pháp, chỉ muốn tu theo khổ hạnh đầu đà, chính quyền hỗ trợ cho con tu tập”.

 

Nhà nước tạm để yên cho sư Minh Tuệ vẫn mặc y phấn tảo, ôm nồi cơm đi khất thực, lâu lâu nhá hình sư lên mạng, lên T.V để người đời trong và ngoài nước yên chí là tự do tôn giáo có thật ở VN. Nhưng họ khoanh vùng lại, sư chỉ được tự do đi lại trong tầm kiểm soát mà thôi. Và họ cô lập sư Minh Tuệ với các sư trẻ khác, từng xem như huynh đệ cùng tu hạnh đầu đà. Thôi từ nay hãy quên đi chuyện hội ngộ, chuyện hình thành lại tăng đoàn cùng bộ hành với nhau, như thời gian ngắn ngủi ở Quảng Trị, Thừa thiên.

 

Có chừng mười sư trẻ, được xem như đệ tử thân cận với sư Minh Tuệ vẫn kiên định tu theo hạnh đầu đà, mặc lại y phấn tảo với nồi cơm, lên đường bộ hành, có sư đi đơn côi, có khi 2, 3 sư gặp lại, nhau cùng đi. Nhưng chỉ rong ruổi vài ngày là bị bế, bị tước hết y áo, mất nồi cơm điện, bắt quay về quê nhà. Có sư không dám đi trên quốc lộ, phải đi men theo đường nhỏ, đường ray xe lửa, nhiều gai nhọn, đá nhỏ đâm vào đôi chân trần chảy máu, tối đến ngủ ở nghĩa địa có khi còn bị đuổi, đúng là tu khổ hạnh. Phải chăng theo chính quyền này thì bộ hành khất thực là trốn tránh lao động? Phải chăng tăng đoàn của sư Minh Tuệ, không thuộc giáo hội nhà nước là bất hợp pháp? Vậy thế nào là tự do tín ngưỡng, tự do đi lại ở xứ sở vẫn tự hào có triệu lần dân chủ hơn nước khác?

 

Còn những thầy tu ở các chùa to, chùa bé, chùa vàng trực thuộc giáo hội nhà nước, mặc cà sa vàng, ngày ăn đủ ba bữa, đi xe sang, đồng hồ xịn, smartphone đời mới, người trắng trẻo, phương phi bệ vệ, mỗi ngày tụng mấy thời kinh, làm công việc linh tinh trong chùa, hàng tháng được cấp sinh hoạt phí (nếu gọi là tiền lương thì hơi bất lịch sự) mà tiền này từ đâu có, phải chăng từ cúng dường của Phật tử? Những sư này có trốn tránh lao động không? Có ai đã thực hiện nghĩa vụ quân sự đủ 3 năm như sư Minh Tuệ?

 

Những sư trẻ của tăng đoàn được nhà nước chăm sóc khá kỹ, bị theo dõi từng hướng đi để không tìm đường về hội tụ với sư phụ Minh Tuệ, có người nói: “Bây giờ muốn tu cũng phải tu chui, sợ rồi ngày nào đó muốn cúng dường cho các thầy cũng phải lén lút, cúng chui luôn”. Ai gây ra nhiều nỗi oan khiên vậy?

 

Chỉ còn niềm an ủi là sư Minh Tuệ vẫn tiếp tục hành trình tu tập với niềm tin và nụ cười bao dung nở trên môi, vẫn cầu chúc mọi người được hạnh phúc.

 

Để đêm đêm nhà nước được ngủ yên, không bị bóng đè vì bộ y phấn tảo và nồi cơm điện của sư Minh Tuệ và tăng đoàn theo hạnh đầu đà.

_______

 

Chú thích: “Bóng đè” là tên tác phẩm của nhà văn Đỗ Hoàng Diệu, xin mượn làm đề tài ở đây.

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats