Tuesday 27 August 2024

'GIÁO PHÁI MAGA' NHƯ THẾ NÀO SAU CUỘC BẦU CỬ 2024? (Trúc Phương / Người Việt)

 



‘Giáo phái MAGA’ như thế nào sau cuộc bầu cử 2024?

Trúc Phương / Người Việt

August 25, 2024

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/giao-phai-maga-nhu-the-nao-sau-cuoc-bau-cu-2024/

 

Một trong những thành tựu vĩ đại nhất sự nghiệp của cựu Tổng Thống Donald Trump là xây dựng được giáo phái MAGA với bản thân ông là giáo chủ. Yêu thích hay thù ghét Trump cỡ nào cũng phải thừa nhận sự thật này. Hiện tượng tôn sùng ông Trump và ông lợi dụng sự sùng bái mình cho mục đích chính trị đã chẳng còn là chuyện lạ. Điều này không chỉ mang lại nhiều ảnh hưởng đối với cuộc bầu cử mà còn cho xã hội Mỹ về lâu dài…

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/08/BL-Trump-Maga-1536x1024.jpg

(Hình minh họa: Spencer Platt/Getty Images)

 

Trump là Chúa!

 

Ngay sau khi ông Trump bị ám sát hụt (ngày 13 Tháng Bảy), những người ủng hộ ông lập tức nói rằng chính Chúa chứ không ai khác đã cứu ông. Dân Biểu Lauren Boebert (Cộng Hòa-Colorado) đặt Trump ngang hàng với Chúa Jesus trên cơ sở rằng cả hai đều bị “chối bỏ” và sự hy sinh cá nhân của họ “vì nhân dân” là giống hệt nhau. Bà Boebert không là chính trị gia duy nhất so sánh ông Trump với Chúa.

 

Dân Biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng Hòa-Georgia), một “fan siêu cứng” của ông Trump, từng nói rằng loạt cáo buộc chống lại ông, kể cả vụ án động trời quan hệ với một cô gái làng chơi, càng khiến ông… giống Chúa hơn bao giờ hết. Trong cuộc vận động tại Las Vegas ngày 9 Tháng Sáu, bà Greene lại nói: “Bọn Dân Chủ và đám truyền thông tin giả liên tục nói về việc, ‘ồ, Tổng Thống Trump là một tên tội phạm bị kết án.’ Thế thì tôi muốn hỏi, thật ra quý vị biết gì không? Rằng, nhân vật mà tôi tôn thờ cũng là một tội phạm bị kết án đấy” (đám đông gào lên ủng hộ). Bà Greene nói tiếp: “Ông ấy đã bị sát hại trên Thập Giá.”

 

Khả năng biến sự ủng hộ chính trị thành lòng mộ đạo như một thứ tôn giáo đã và tiếp tục tạo cho ông Trump quyền lực lãnh đạo đảng Cộng Hòa một cách tuyệt đối, dù ông đã dẫn dắt đảng này đi đến những thất bại chính trị liên tiếp, ngay trong bối cảnh ông đối mặt hàng chục cáo buộc trong bốn vụ án hình sự. Dù vậy, các thành viên “giáo phái MAGA” vẫn không ngần ngại mô tả ông Trump như một phiên bản hiện đại của những vị anh hùng trong Kinh Cựu Ước, chẳng hạn như Cyrus hoặc David, những nhân vật khiếm khuyết về mặt đạo đức, nhưng được Chúa chọn để thực hiện những sứ mệnh khó khăn.

 

 

Vô số “tín đồ MAGA” khẳng định rằng ông Trump “chắc chắn đã được Chúa chọn.” Và người ta không có cách nào để giải thích tại sao ông Trump vẫn có thể “sống sót nổi” trước vô vàn âm mưu tấn công của bọn quỷ dữ cánh tả, ngoài sự can thiệp của Chúa. Họ tin rằng ông đã bị treo lên thập tự giá và bị đóng đinh. Ông Trump đã và tiếp tục chịu vô vàn khổ nạn để cứu rỗi Công Giáo lẫn Tin Lành của Mỹ, và tất nhiên cứu toàn bộ nước Mỹ.

 

Lực lượng cử tri trung thành và tận tụy của ông Trump tạo nên một trong những binh đoàn “thánh chiến” bền bỉ nhất trong nền chính trị Hoa Kỳ, mang lại cho ông lợi thế không thể chối bỏ khi đề cập đến việc “truyền cảm hứng” cho những người ủng hộ. Lịch sử chính trị Mỹ chưa từng có hiện tượng “cuồng” một cách kỳ lạ như vậy. Theo một cuộc thăm dò gần đây của New York Times/Siena College, 48% cử tri sơ bộ của đảng Cộng Hòa rất hào hứng với việc ông Trump trở thành ứng cử viên tổng thống.

 

 

Theo khảo sát của Viện Gallup năm 2022, tỉ lệ người trưởng thành ở Mỹ cho biết 68% họ theo đạo Thiên Chúa. Trong mùa bầu cử 2020, có khoảng 8 trong 10 người da trắng theo đạo Tin Lành ủng hộ ông Trump, theo khảo sát của hãng tin AP. Cuộc khảo sát cử tri được Trung Tâm Nghiên Cứu Pew thực hiện cho thấy ông Trump cũng nhận được tỉ lệ ủng hộ tương tự vào năm 2016.

 

Việc ông Trump đan xen chính trị và tôn giáo thật ra không là một hiện tượng mới. Từ lâu Cơ Đốc Giáo đã có ảnh hưởng mạnh đến nhiều đời chính phủ Hoa Kỳ, trong bối cảnh hầu hết cử tri tự nhận là người theo đạo Thiên Chúa ngay cả khi nước Mỹ ngày càng trở nên thế tục. Tuy nhiên, trong trường hợp ông Trump, ông là người duy nhất và cũng là người đầu tiên khai thác yếu tố tôn giáo trong chính trị, và thành công đến mức tạo ra được một phiên bản tôn giáo riêng mà người ta gọi là “giáo phái MAGA.”

 

Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, ông Trump tiếp tục dùng lá bài tôn giáo. Một trong những đặc điểm đáng chú ý trong các cuộc vận động tranh cử của ông năm nay là sử dụng “nhạc lễ” khi kết thúc chương trình. Đó là thứ âm nhạc nhẹ, sâu lắng, vang lên tràn ngập, tạo nên một không khí tôn kính, y như buổi kết thúc cầu nguyện trong nhà thờ. Nhiều người cúi đầu hoặc nhắm mắt. Những người khác đưa lòng bàn tay lên, miệng lẩm bẩm.

Nghệ thuật… bán Chúa!

 

 

Chiến lược của ông Trump là lan tỏa mạnh những “ẩn ý” về tôn giáo, về hình ảnh “cứu nước Mỹ” của mình, đặc biệt sau vụ bị ám sát hụt. Những email gây quỹ, dưới tên ông, được diễn đạt bằng ngôn ngữ nhân từ của tôn giáo, với những hứa hẹn về việc ban phát tình yêu cho đời một cách vô điều kiện, giữa những lời… kêu gọi đóng góp $5 vào quỹ tranh cử. Ông Trump thậm chí đang định hình chiến dịch tranh cử 2024 như một cuộc thánh chiến nhân danh Cơ Đốc Giáo. Mới đây, trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump đăng một bản vẽ, miêu tả hình ảnh pháp đình với cảnh ông ngồi cạnh Chúa Jesus, cùng đoạn video thốt lên câu “Chúa đã ban Trump cho chúng ta” (“God gave us Trump”).

 

Không chỉ xây dựng một thứ giáo phái riêng, ông Trump đang tạo ra nhiều ảnh hưởng méo mó, trái với tinh thần Công Giáo. Nhật báo The New York Times tường thuật, một cuộc vận động của ông Trump ở Las Vegas vào Tháng Giêng được “khai mạc” bằng buổi cầu nguyện trong đó những “tín đồ MAGA” nói rằng Chúa rõ ràng đang muốn ông trở lại Tòa Bạch Ốc.

 

Và tại buổi vận động ở South Carolina vào Tháng Hai, ông Greg Rodermond, một mục sư thuộc Crossroads Community Church, xin Chúa can thiệp và chống lại những đối thủ chính trị của Trump, bởi bọn chúng đang “cố đánh cắp, giết hại và phá hủy nước Mỹ của chúng ta.” Ông cầu nguyện: “Lạy Cha, hôm nay chúng con tụ họp ở đây để đoàn kết vì đất nước chúng con, để đất nước được hồi phục sự vĩ đại…, và, lạy Chúa, chúng con tin rằng Người đã chọn Donald Trump làm công cụ trong tay Người cho mục đích này.”

 

 

Tất nhiên, không phải ai cũng mụ mị tin rằng ông Trump được Chúa sai xuống dẫn dắt nước Mỹ qua khỏi kiếp nạn trầm luân. Nhiều nhân vật tên tuổi trong Cơ Đốc Giáo Hoa Kỳ không muốn tham gia cùng “anh em” để đi từ Mar-a-Lago đến cổng thiên đường MAGA. Ông Russell Moore, cựu chủ tịch của nhánh chính sách công (public-policy arm) thuộc Southern Baptist Convention, nói rằng những cuộc vận động tranh cử của ông Trump đã đi chệch sang “lãnh địa nguy hiểm” khi dùng lời Chúa để mở đầu và kết thúc, rồi đẩy các giáo sĩ lên sân khấu để nói rằng ông được Chúa phái xuống.

 

“Đó là hành vi vi phạm điều răn, cấm không được nhân danh Chúa một cách vô tội vạ,” ông Russell Moore nói.

 

Bất luận thế nào, Chúa vẫn đang được nhân danh một cách vô tội vạ. Hồi Tháng Hai, trước hàng trăm người dự một hội nghị truyền thông tôn giáo ở Nashville, Tennessee, ông Trump nói: “Hãy nhớ rằng, mọi chế độ cộng sản trong suốt lịch sử đều cố giẫm đạp nhà thờ, tương tự mọi chế độ Phát Xít đều cố thâu tóm và kiểm soát giáo hội” và bây giờ, “ở Mỹ, bọn cánh tả cấp tiến đang cố thực hiện cả hai điều đó.”

 

Ông Trump hứa, trong nhiệm kỳ thứ hai, ông sẽ bảo vệ các giá trị của Cơ Đốc Giáo. Ông nhấn mạnh rằng tín đồ Công Giáo Hoa Kỳ “đang bị vây hãm,” rằng nền tảng Thiên Chúa Giáo Hoa Kỳ “đang bị tấn công,” và do vậy “chúng ta, một lần nữa, hãy cầu nguyện cho nước Mỹ” (“We must make America pray again”). Như mọi lần, sau những tuyên bố cứu rỗi nước Mỹ là tiết mục… bán hàng gây quỹ. Cuốn “God Bless the USA” do “ban tùng thư Donald Trump” biên soạn đang được bán với giá $60. Nó được quảng cáo là “cuốn Kinh Thánh duy nhất được Tổng Thống Trump chứng thực” (“the only Bible endorsed by President Trump”).

 

MAGA sau “kỷ nguyên Trump”

 

Câu hỏi đáng chú ý nhất là “giáo phái MAGA” đi về đâu và ảnh hưởng nước Mỹ như thế nào, sau cuộc bầu cử 2024, cho dù ông Trump thắng hay thua? Một điều gần như chắc chắn là, kể cả khi ông Trump thua hoặc thậm chí ông chết, “di sản MAGA” vẫn sẽ còn ảnh hưởng sân khấu chính trị và đời sống nước Mỹ. Những Marjorie Taylor Greene, Ron DeSantis, Nikki Haley, Ted Cruz, J.D. Vance… sẽ tiếp tục cầm ngọn đuốc MAGA. Từ khi xuất hiện, “giáo chủ” Donald Trump đã làm thay đổi gần như hoàn toàn bản chất truyền thống của đảng Cộng Hòa. Chủ nghĩa Cộng Hòa (Republicanism) đã đồng nghĩa với chủ nghĩa Trump (Trumpism).

 

Một cách tổng quát, những gì bắt đầu như một “phong trào” nổi loạn trong đảng Cộng Hòa, phá vỡ thể chế cũ, đập nát nền móng truyền thống, được tổ chức và thực hiện từ ông Trump và xung quanh ông, biến thành một hoạt động chẳng khác gì sinh hoạt của một giáo phái cá nhân (cult), bây giờ ngày càng trở nên chuyên nghiệp và “chính thống.” Nếu đắc cử, nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo chắc chắn là nhiệm kỳ cuối cùng của ông Trump, nhưng nếu ông thua, “Trumpism” và di sản của ông vẫn sẽ còn và tiếp tục được “hậu duệ” của ông khai thác. [đ.d.]

 

====================================================

 

Nụ cười… ‘khùng điên’ của Kamala Harris nói lên điều gì?

Trúc Phương/Người Việt

August 23, 2024

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/nu-cuoi-khung-dien-cua-kamala-harris-noi-len-dieu-gi/

 

Cựu Tổng Thống Donald Trump ghét cay ghét đắng kiểu cười ha hả không biết trời đất là gì của Phó Tổng Thống Kamala Harris. “Tôi gọi bả là con mẹ Kamala cười nhảm. Mấy người thấy bả cười chưa? Bả hệt như một con điên. Dòm cách người ta cười cho thấy rất nhiều điều… Con mẹ này đúng là cái đồ khùng…,” ông Trump nói về kiểu cười của bà Harris (ngày 20 Tháng Bảy, tại Michigan).


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/08/A1-Nu-cuoi-Kamala-Harris-1536x1056.jpg

Phó Tổng Thống Kamala Harris vui mừng sau khi chấp nhận sự đề cử của đảng Dân Chủ trở thành ứng cử viên của đảng tranh cử chức tổng thống Mỹ 2024 tại Đại Hội Toàn Quốc Đảng Dân Chủ (DNC) hôm 22 Tháng Tám ở Chicago, Illinois. (Hình: Win McNamee/Getty Images)

 

Nhiều người cũng không thích kiểu “đụng đâu cũng cười” của bà Harris. Tuy nhiên, với giới phân tích chính trị, kiểu cười rất đặc trưng của bà Harris đang trở thành vũ khí chính trị lợi hại của bà. Nó toát lên sự hài hước trong một mùa tranh cử căng thẳng; và đặc biệt, nó làm tương phản hình ảnh cộc cằn lỗ mãng, thậm chí tục tĩu, của ông Trump (gần đây, như The New York Times cho biết, ông Trump gọi bà Harris là “đồ chó cái” – “bitch”)…

 

Báo chí Mỹ đang mổ xẻ “nụ cười kỳ quặc” của bà Harris. NBC News trích một bản ghi nhớ của Ủy Ban Thượng Viện Cộng Hòa Quốc Gia (National Republican Senatorial Committee – NRSC) trong đó có đoạn nhấn mạnh rằng, chiến dịch tranh cử của ông Trump nên khai thác “điểm yếu chính trị” của bà Harris, khi bà “có thói quen cười ở những khoảnh khắc không phù hợp.”

 

 

Ông Mike Berg, phát ngôn viên NRSC, cho rằng chiến dịch “dìm hàng” bà Harris bởi “sự cười lãng nhách” của bà Harris đang mang lại hiệu quả, dù ông không đưa ra dữ liệu cụ thể để chứng minh. “Chẳng cần cuộc thăm dò nào cũng thấy cử tri ngày càng mất hứng và bực bội khi thấy Kamala Harris ngoác mồm cười trước những vấn đề cơm áo gạo tiền trước mắt,” ông Mike Berg nói.

 

Hình ảnh cười giòn rất tự nhiên của bà Harris đang tràn lan trên truyền thông Mỹ. Các TikToker sản xuất vô số clip vui nhộn liên quan nụ cười của bà Harris. Mới đây, người dẫn chương trình Sean Hannity của Fox News phát một cảnh cười của bà Harris để giải thích lý do tại sao cử tri “ghét bà ấy.” Từ lâu, ông Trump thường xuyên nhắc đi nhắc lại “vấn đề” cười một cách “không bình thường” của “con mẹ Kamala.” Trong buổi gặp cử tri ở Pennsylvania vào Tháng Mười, 2020, ông Trump nói: “Bả có gì không bình thường không vậy? Sao bả cứ cười, như mọi người thấy đó, cái kiểu cười sằng sặc ngay cả khi đụng những vấn đề rất nghiêm túc.”

 

Tuy nhiên, một số nhà phân tích đang xem “vấn đề cười” của bà Kamala Harris là lợi thế chính trị tranh cử của bà. Theo nhà nghiên cứu hài hước (humor researcher) Eva Ullmann, bà Harris có thể ghi điểm bằng chiến thuật này, đặc biệt khi cùng xuất hiện với người đồng hành hài hước không kém là ông Tim Walz, thống đốc Minnesota.

 

 

Theo bà Eva Ullmann (dẫn lại từ Deutsche Welle), bằng hình ảnh hài hước, vui nhộn và náo nhiệt, bộ đôi Harris-Walz cho thấy sự chân thành của họ. Nó tạo nên sự tương phản mạnh với hình ảnh hung hăng luôn gây chiến của ông Trump. Bằng cách thể hiện sự dí dỏm và hài hước, liên danh Harris-Walz muốn cử tri nhận ra rằng, mọi người đang chán ngấy lối tranh cử chính trị bằng việc hạ thấp và làm nhục đối phương, cũng như không khí thù hận dai dẳng.

 

Với không ít người, hình ảnh chính trị gia buông thả cười cợt, đặc biệt trong những tình huống không đáng cười, có thể dễ dàng khiến họ bị mất điểm. Họ tự biến mình thành trò hề. Họ tự làm họ mất đi sự tôn trọng cần thiết. Hơn nữa, trong nhiều nền văn hóa, kiểu cười của phụ nữ luôn bị để ý và xét nét nhiều hơn so với nam giới.

 

“Phụ nữ nói quá to, cười quá to, cười quá nhiều là điều cấm kỵ,” nhận xét của bà Kathleen Karlyn, một học giả về truyền thông (dẫn lại từ The Washington Post). Tuy nhiên, trong trường hợp bà Harris, “có thể thấy rằng khi Kamala cười, bà ấy đang khẳng định quyền lực của mình, đồng thời từ chối sự im lặng hoặc tuân theo những quy tắc cũ về cách thể hiện nữ tính đúng mực như vốn dĩ xã hội mặc định,” bà Kathleen Karlyn nói.

 

Phần mình, ông Trump gần như chẳng bao giờ cười. Ông khác với hầu hết tổng thống tiền nhiệm. Ông George W. Bush thường xuyên cười. Ông Barack Obama cũng cười sau những câu nói đùa của chính mình. Ông Joe Biden thường nhoẻn miệng cười với kiểu rất riêng.

 

Với ông Trump, hình như chỉ có một lần ông “ha” một tiếng, khi nghe có người trong đám khán giả gào to trả lời rằng, “con mụ Hillary chứ ai” – sau khi ông hỏi: “Trong đám đông này, nếu có một con chó thì đó là ai?” Đó là lần hiếm hoi người ta thấy ông Trump cười một cách thoải mái và hứng thú thật sự.

 

Bà Mary L. Trump, cô cháu gái của ông Trump, người luôn chỉ trích mạnh mẽ ông, nói rằng bộ mặt cứng đờ không cười là đặc điểm của dòng họ nhà Trump. Cha của ông Trump gần như chẳng bao giờ cười. Với những người trong gia đình Trump, cười khiến lộ ra sự yếu đuối bản thân, khiến trở nên mất cảnh giác và từ đó mất kiểm soát – bà Mary L. Trump nói.

 

Chiến thuật công kích nụ cười của bà Harris trong thực tế chưa thành công, nếu không nói là thất bại, cho đến thời điểm này. Người ta tin rằng “nụ cười vô duyên” khiến hình ảnh bà Harris không chỉ thiếu nghiêm túc mà còn lố bịch. Bằng cách “đánh” vào “điểm yếu trong căn tính” của bà Harris, nhóm ông Trump muốn cho cử tri thấy bà Harris không đủ tư cách và xứng đáng ngồi ghế nguyên thủ.

 

Dù vậy, phản ứng dư luận lại trái ngược những gì mong đợi. Nhiều người không xem nụ cười của bà Harris là “vấn đề” gì to tát. Hơn nữa, như phân tích của bà Maria C. Scott (giáo sư trợ giảng chuyên về văn chương và tư tưởng Pháp, thuộc Đại Học Exeter) trong bài viết trên The Conversation, trong nhiều trường hợp, sở dĩ người ta cười đơn giản chỉ là họ tự tin trước cảnh đối phương của họ té ngã. Quan điểm về tiếng cười này được triết gia Pháp Henri Bergson đề cập trong cuốn “Le Rire” (Tiếng Cười, 1990).

 

Với nhiều người, đặc biệt những người ủng hộ bà Kamala Harris, hình ảnh bà cười cho thấy năng lượng mới mẻ mà bà đang mang lại. Ghét bà Harris hay không cũng phải thừa nhận rằng việc bà thay thế Tổng Thống Joe Biden trên đường đua tổng thống đã và đang truyền một lượng năng lượng khổng lồ cho cánh Dân Chủ nói riêng và cho không khí tranh cử nói chung. Đột nhiên, một ông cụ già chát khú đế hết hơi trên diễn đàn tranh luận được thay bằng một phụ nữ sung sức tạo ra sự tương phản tức thì đã lật ngược mọi thứ.

 

Theo hai nhà tâm lý học Gabriela Khazanov và Courtney Forbes (viết trên tờ Psychology Today), năng lượng mới này được sản sinh từ hình ảnh hoạt bát của cặp Kamala Harris và Tim Walz. “Chúng ta thường bỏ qua hoặc đánh giá thấp sức mạnh của những cảm xúc tích cực, đặc biệt khi chúng ta đã quen với việc không cảm thấy chúng,” hai nhà tâm lý học viết.

 

Hai nhà tâm lý học nói thêm: Nghiên cứu cho thấy cảm xúc tích cực cho phép chúng ta mở rộng quan điểm, suy nghĩ sáng tạo, phát triển các mối quan hệ có ý nghĩa, hành xử đàng hoàng với bản thân cũng như với người khác, và “dù Kamala – như mọi chính trị gia và tất cả người khác – là không hoàn hảo, nhưng điều mà bà ấy mang lại từ tiếng cười chính là sự tích cực và cởi mở; và đó chính là một trong những món quà của bà…” [qd]

 

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats