Monday, 26 August 2024

DÂN PHẦN LAN SỐNG HẠNH PHÚC (Ngô Nhân Dụng / Blog VOA)

 



Dân Phần Lan sống hạnh phúc

Ngô Nhân Dụng

27/08/2024

https://www.voatiengviet.com/a/dan-pha%CC%80n-lan-song-hanh-phuc-/7757864.html

 

Năm 2011 tôi đến Helsinki lần đầu chỉ vì muốn coi đất nước của Jean Sebelius có đẹp như ông mô tả trong bài Finlandia hay không. Tôi đã thấy nét đẹp nhất của xứ này là con người. Năm nay tôi đọc một bản tin cho biết dân Phần Lan sống hạnh phúc nhất thế giới. Không có gì lạ! Họ cũng được tiếng là những người sống lương thiện nhất.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-2e74-08dc48ec1347_w1023_r1_s.jpg

Một phụ nữ đi bộ ngang tấm biển biểu tượng của thành phố Helsinki, Phần Lan, tháng Năm, 2022. Hình minh hoạ.

 

Người bạn Phần Lan gốc Việt đón tôi 23 năm trước là anh Nguyễn Trùng Dương, đã kể chuyện chính phủ Phần Lan muốn trắc nghiệm coi dân chúng có nghèo khó quá hay không. Họ “nghiên cứu” (survey) đại khái thế này: Cho người giả bộ đánh rớt bóp (ví) đựng tiền, rồi coi có bao nhiêu người lượm được đem trao cho cảnh sát!

 

Trong mỗi chiếc bóp một chút ít tiền, khoảng một đô la tới 5 đô la Mỹ; có tờ giấy ghi địa chỉ “chủ nhân” để ai bắt được theo đó mà đem trả. Ban đêm họ “đánh rớt” mấy chiếc bóp này ở ga xe lửa, bến xe buýt, gần cửa chợ và gần những nơi có đông người qua lại.

 

Sau đó, họ đếm xem có bao nhiêu người đem những cái ví tiền rớt đó đến trả lại. Nếu tỷ số đem trả lại cao thì chính phủ biết kinh tế chưa đến nỗi khốn khó. Nếu số tiền trả lại thấp hơn mọi khi, tức là có nhiều người lượm được tiền rơi bèn bỏ túi, thì nhà nước biết dân chúng đang thiếu thốn lắm rồi. Bởi vì, bình thường người dân Phần Lan không bao giờ lượm được của rơi mà lại giữ không đem nộp cho cảnh sát. Chính phủ Finland muốn xem tính lương thiện của người dân có giảm bớt hay không. Nếu thấy số người lương thiện giảm đi thì biết rằng, nói chung, dân đang khốn khó. Chỉ khi túng thiếu cùng cực thì con người mới bỏ lối sống lương hảo.

 

Phương pháp nghiên cứu này không theo khoa thống kê học hay kinh tế học! Nó không cốt đo lường bằng những chỉ số khách quan, mà lại suy đoán tâm trạng con người. Như các cụ nhà ta vẫn nói: Bần cùng sinh đạo tặc.

 

Người ta có thể quan sát tính tình dân chúng mà suy đoán tình trạng tài chánh của họ nếu giả thiết là người dân bản tính là thực thà. Mà giả thiết này đúng sự thật. Dân Phần Lan rất hiền, những người Việt bạn tôi ở đây đều nói như vậy. Anh bạn tôi có lần thú nhận rằng ở đây người Việt mình có khi phạm lỗi “đụng rồi chạy” (hit and run), tức là lái xe lỡ đụng một chiếc xe đậu thì, nếu nghĩ không ai thấy, người lái xe bỏ đi luôn. Còn người Phần Lan thì khác; nếu lái xe lỡ quẹt vô xe người khác là họ dừng lại coi có làm trầy hay không. Nếu có, họ viết một mảnh giấy xin lỗi cài trên kính xe. Trên miếng giấy ghi tên, số điện thoại và số bảo hiểm của người gây tai nạn, để chủ nhân chiếc xe bị đụng liên lạc với mình, thu xếp việc sửa xe.

 

Nhà thơ Nguyễn Bá Trạc đã định cư ở Phần Lan hơn 20 năm kể rằng ông từng đánh rớt cái túi xách tay vài lần mà bao giờ cũng nhận lại được, vì có người lượm rồi đưa cho cảnh sát trả lại. Trong ví ông để cái thẻ tín dụng ai xài cũng được, nhưng không bao giờ mất tiền.

 

Vậy cái hoàn cảnh nào đã khiến cho người dân ở Phần Lan thực thà, hiền hậu hơn người khác? Có nhiều lý do phức tạp, từ đời sống kinh tế đến hệ thống giáo dục. Nhưng một điều dễ thấy nhất là người Phần Lan đã được sống tự do từ lâu. Sống trong một chế độ tự do dân chủ, người ta không có nhu cầu nói dối nhiều, không có nhu cầu phải tập nói dối cho quen, như khi phải sống trong sự sợ hãi thường xuyên dưới một chế độ áp bức.

 

Một nước mà người ta lúc nào cũng sợ chính quyền, lúc nào cũng lo mình bị nhà nước tra hỏi, bắt bớ, trừng phạt vô lý, thì thường dân chúng phải tập nói dối. Nhiều khi không ai hỏi tội, bị gọi đến tên là đã nói: “Không phải tôi!” Nói dối lâu dần sinh ra thói quen khó sửa lắm. Nhất là khi nhìn thấy nhóm người cai trị chính họ cũng luôn luôn dùng những thủ đoạn dối trá làm lợi khí tranh quyền đoạt vị với nhau và thống trị dân. Người biết nói dối có khi được coi là khôn ngoan, đáng khen ngợi, có thể được kính trọng; còn những anh thật thà bị coi là khờ, dại, là “cù lần!”

 

Phần Lan cũng như Thụy Điển cùng các nước Bắc Âu đều theo chế độ dân chủ xã hội. Hai chữ “xã hội” nghĩa là “xã hội chủ nghĩa.” Người Việt Nam nghe đến mấy chữ “chủ nghĩa xã hội” thì thấy ghê sợ, vì đảng cộng sản cũng “mạo danh” chủ nghĩa xã hội. Thực ra, chế độ cộng sản độc tài khác với chế độ dân chủ xã hội như nước khác với lửa. Các nước dân chủ xã hội tôn trọng nhân quyền, bảo vệ các quyền tự do cá nhân.

 

Nhiều chính trị gia bảo thủ vẫn nói rằng một nước đánh thuế cao để có mạng lưới an toàn xã hội tốt quá sẽ bị thiệt thòi về mặt phát triển kinh tế, sẽ mất khả năng cạnh tranh trên thế giới. Nhưng các nước Bắc Âu có cạnh tranh kinh tế mạnh không thua gì các nước Anh, Mỹ. Ngoài Phần Lan là Thụy Điển, Đan Mạch, Iceland, Na Uy, và Hoà Lan. Các nước này đã đạt được mức sống cao bậc nhất thế giới đồng thời vẫn có khả năng cạnh tranh mạnh không thua kém ai. Dân các nước đó đóng thuế rất nặng nhưng ngược lại, được hưởng những lợi ích như hệ thống giáo dục tốt nhât, hệ thống an sinh xã hội tốt nhất, tạo nên một lực lượng lao động có kỹ năng cao và làm việc hăng hái nhất. Theo bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum), Phần Lan nhiều lần xếp hạng cao với Chỉ số Phát triển và Cạnh tranh (GCI).

 

Người dân Thụy Điển, Phần Lan “sống nghèo” hơn dân Mỹ. Trong mấy ngày ở Helsinki hay Truku, Phần Lan, tôi không thấy nhiều chiếc xe sang trọng như người Việt lái ở khu Little Sài Gòn, California. Nhưng kinh tế chỉ là một mặt của cuộc sống một dân tộc, có thể là mặt quan trọng hàng đầu; nhưng không phải là tất cả. Làm sao sống hạnh phúc, đó mới là mục tiêu đích thực của cuộc sống. Có thể dân Phần Lan thấy hạnh phúc đáng theo đuổi nhiều hơn giàu sang.






No comments:

Post a Comment

View My Stats