Saturday, 24 August 2024

CUỘC GẶP TÔ LÂM - TẬP CẬN BÌNH CHO THẤY CHUỖI CUNG ỨNG CỦA VIỆT NAM NGHIÊNG VỀ TRUNG QUỐC (VOA News)

 



Cuộc gặp Tô Lâm-Tập Cận Bình cho thấy chuỗi cung ứng của Việt Nam nghiêng về Trung Quốc

VOA News

23/08/2024

https://www.voatiengviet.com/a/cuoc-gap-to-lam-tap-can-binh-cho-thay-chuoi-cung-ung-cua-viet-nam-nghieng-ve-trung-quoc/7753723.html

 

Chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tới Trung Quốc kể từ khi ông nhậm chức nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược mà Hà Nội dành cho Bắc Kinh khi cân bằng sự thay đổi chuỗi cung ứng của cả Trung Quốc lẫn Mỹ, theo các nhà phân tích.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-7f43-08dcc055f7a6_w1023_r1_s.jpg

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phải, bắt tay Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm sau lễ ký kết tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 19/8/2024.

 

Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm 21/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết ông Lâm và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí “thúc đẩy một thế giới đa cực bình đẳng và có trật tự, cũng như một nền kinh tế toàn cầu hóa có lợi và bao trùm cho tất cả mọi người”.

 

Ông Lâm đã kết thúc chuyến thăm Trung Quốc kéo dài ba ngày vào hôm 20/8 sau khi gặp ông Tập và ra tuyên bố chung nhất trí mở rộng quan hệ song phương, bao gồm cả thương mại. Ngày19/8, họ đã ký 14 văn bản, trong đó có các văn bản về hợp tác công nghiệp và tài chính.

 

Ông Mark Kenney, giám đốc Viện Wahba về Cạnh tranh Chiến lược tại Trung tâm Wilson ở Washington, cho biết quyết định của ông Lâm đến thăm Trung Quốc trước tiên sau khi nhậm chức vào đầu tháng này là rất quan trọng vì Hoa Kỳ và Trung Quốc “đều ở cấp cao nhất trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam”.

 

Hoa Kỳ và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9 năm ngoái. Trung Quốc và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên mức đó vào năm 2009.

 

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với tổng giá trị thương mại năm ngoái đạt 172 tỷ đô la; trong khi thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam chiếm khoảng 125 tỷ đô la.

 

Đầu tư từ Trung Quốc và Hong Kong vào Việt Nam đã vượt quá 8,2 tỷ đô la vào năm 2023 cho hơn 6.600 dự án. Ngược lại, đầu tư từ Hoa Kỳ chiếm 500 triệu đô la trong cùng năm.

 

Con số đó có thể thay đổi vì trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành địa điểm hàng đầu cho các công ty Hoa Kỳ muốn mở rộng hoạt động kinh doanh hoặc di dời chuỗi cung ứng sản xuất của họ khỏi Trung Quốc.

 

Vào tháng 3 năm ngoái, Hà Nội đã chào đón một số công ty Hoa Kỳ, bao gồm Boeing, SpaceX, Pfizer và Amazon. Các công ty bán lẻ lớn Zara và H&M, cũng như Nike và Adidas, đã di dời các nhà máy sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam.

 

Các công ty Hoa Kỳ đã hành động để bảo vệ chống lại sự gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là kể từ đại dịch COVID-19, và để bảo vệ chống lại các hoạt động kinh tế cưỡng ép của Bắc Kinh mà các nước G7 đã tuyên bố chống lại trong hai năm qua.

 

Nhưng sự thay đổi chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ và phương Tây đã thúc đẩy Trung Quốc sắp xếp lại mạng lưới chuỗi cung ứng sản xuất của mình sang Việt Nam.

 

“Trung Quốc đang né tránh thuế quan của Hoa Kỳ bằng cách vận chuyển hàng hóa trung gian từ Trung Quốc đến các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam, để đóng gói lại để xuất khẩu sang Hoa Kỳ sau nhiều mức độ xử lý trong nước”, ông Kennedy của Trung tâm Wilson nói.

 

Vào tháng 5, Hoa Kỳ đã tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 18 tỷ đô la từ Trung Quốc để bảo vệ ngành công nghiệp của Hoa Kỳ.

 

“Chiến lược của Hà Nội tập trung vào việc đảm bảo vị thế của mình là một bên đóng vai trò chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu đồng thời tối đa hóa các lợi ích kinh tế và an ninh của mình”, ông Shay Wester, giám đốc Bộ phận Kinh tế Châu Á tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á cho biết.

 

“Trong khi Trung Quốc tìm cách củng cố mối quan hệ trên khắp thế giới đang phát triển, Việt Nam đang ngày càng trở nên có tính chiến lược trong sự cạnh tranh kinh tế rộng lớn hơn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc” và cần thiết để “đảm bảo rằng Việt Nam vẫn là đối tác quan trọng trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tái cấu trúc”.

 

Tuy nhiên, các sản phẩm do Việt Nam sản xuất có chứa các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc ngày càng bị Hoa Kỳ giám sát chặt chẽ.

 

Vào tháng 8 năm ngoái, Hoa Kỳ đã xác định rằng các nhà sản xuất tấm pin mặt trời ở các nước Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam, đã lách luật thương mại của Hoa Kỳ bằng cách xuất khẩu các sản phẩm có chứa vật liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc phải chịu thuế quan của Hoa Kỳ.

 

“Ví dụ này cho thấy mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể mang lại rủi ro thêm cho mối quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ”, ông Robert Walker tại Trung tâm Phát triển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Viện Lowy nói.

 

“Trong tương lai, có khả năng [rằng] mối quan hệ kinh tế có thể trở nên căng thẳng hơn do sự hiện diện ngày càng tăng của các công ty Trung Quốc tại Việt Nam, nhưng đây không phải là mối quan tâm lớn vào thời điểm này”, ông Walker cho biết.

 

Các nhà phân tích nói, sự phụ thuộc lớn của Việt Nam vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, chẳng hạn như thép, nhựa và linh kiện điện tử quan trọng để sản xuất thành phẩm, có thể gây ra rủi ro cho nền kinh tế của nước này.

 

“Động lực thương mại này đã làm gia tăng thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc lên 50 tỷ đô la vào năm 2023, tăng gần 50% trong năm năm qua”, ông Wester nói. “Điều này làm nổi bật sự phức tạp của quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng của Việt Nam, nơi mà sự hội nhập của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã được thúc đẩy bởi và vẫn gắn chặt với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc”.

 

Ông Kennedy nói, “Một con đường vững chắc hơn cho Việt Nam là phát triển năng lực sản xuất của riêng mình dựa trên chuỗi cung ứng từ một nhóm các quốc gia đa dạng” ngoài Trung Quốc.

 

Theo bà Alice Ba, quyền chủ tịch khoa khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Delaware, Việt Nam có thể có những nghi ngờ về các cam kết kinh tế của Hoa Kỳ.

 

“Có những câu hỏi về việc chính trị trong nước trong tương lai cũng như các mối quan ngại về nhân quyền của Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng đến cam kết kinh tế của Hoa Kỳ đối với Việt Nam như thế nào”, bà Ba nói. “Ví dụ, các mối quan ngại về nhân quyền có thể đã tác động đến quyết định của Hoa Kỳ” khi Mỹ từ chối yêu cầu của Việt Nam được chỉ định là nền kinh tế thị trường.

 

Đầu tháng này, Hoa Kỳ đã từ chối yêu cầu này, nói rằng sự tham gia của chính phủ Việt Nam vào nền kinh tế làm biến dạng giá cả và chi phí theo những cách bất lợi cho Hoa Kỳ.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats