Friday 9 August 2024

CÂY CỔ THỤ HAWAII TƯỞNG ĐÃ CHẾT TRONG THẢM HỌA CHÁY RỪNG, NAY HỒI SINH (Người Việt Online)

 



Cây cổ thụ Hawaii tưởng đã chết trong thảm họa cháy rừng, nay hồi sinh

Người Việt

August 8, 2024

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/cay-co-thu-hawaii-tuong-da-chet-trong-tham-hoa-chay-rung-nay-hoi-sinh/

 

LAHAINA, Hawaii (NV) – Tháng Tám năm ngoái, khi một thảm họa cháy rừng gây chết người bùng lên tại Lahaina trên đảo Maui, bức tường lửa thiêu cháy cây đa 151 năm dọc theo đường Front Street thuộc thị trấn có bề dày lịch sử. Nhưng tròn một năm sau, cây đa cổ thụ lại sống sót sau thảm họa, và nhờ những nỗ lực của các nhà nghiên cứu cây xanh và các tình nguyện viên tận tụy, một số chỗ trên cây đã mọc lại — thậm chí còn vươn mình tràn trề sức sống, theo hãng tin AP.

 

Đây là cây đa lâu đời nhất tại Maui nhưng không phải là giống cây bản địa thuộc Quần Đảo Hawaii. Ấn Độ chở cây đa này tới Hawaii như một món quà nhân dịp 50 năm ngày những nhà truyền giáo Tin Lành đầu tiên đến sinh sống tại Lahaina. Cây đa được trồng năm 1873, một phần tư thế kỷ trước khi Quần Đảo Hawaii trở thành lãnh thổ Hoa Kỳ và bảy thập niên sau khi Vua Kamehameha tuyên bố Lahaina là thủ đô thuộc vương quốc do ông cai quản.

Cây đa được hàng triệu du khách yêu thích và nhung nhớ trong những năm qua khi họ ghé qua Maui. Nhưng với nhiều người khác, đây là biểu tượng của chế độ thực dân từng cưỡng đoạt đất đai cũng như đàn áp ngôn ngữ và văn hóa của dân Hawaii bản địa.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/08/GettyImages-2165065219-1536x1024.jpg

Cây đa cổ thụ đã ra lá mới, hồi sinh sau tròn một năm thảm họa cháy rừng Maui tàn phá Lahaina, Hawaii; hình chụp ngày 2 Tháng Tám, 2024 (Hình: Mario Tama/Getty Images)

 

Qua nhiều thế hệ, cây đa là nơi tụ họp dọc theo bờ sông Lahaina. Theo nhiều lời kể, cây đa là trái tim của cộng đồng duyên hải — cao hơn 60 foot (18 mét) và đứng sừng sững nhờ nhiều thân cây dài gần một mẫu Anh.

 

Cây đa vĩ đại có những tán lá xum xuê oai nghiêm và che bóng râm cho người dân tránh ánh nắng mặt trời. Rễ cây từ trên cao rủ xuống từ cành cây và bám xuống đất để hình thành thân cây mới. Cành cây xòe rộng và là nơi các đàn chim bu đậu.

 

Thảm họa cháy rừng năm 2023 thiêu rụi cây đa và làm nhiều tán lá cháy sém đen. Nhưng không phải ngọn lửa mà là chính sức nóng ngùn ngụt làm khô héo phần lớn thân cây, theo Duane Sparkman, chủ tịch Ủy Ban Cây Xanh Quận Maui. Ông cho biết, do không có độ ẩm, khoảng một nửa số lượng cành cây không sống nổi.

 

Nhưng các cành lá khác trên cây đang dần dần hồi sinh.

 

Các chuyên gia tham gia phục hồi cây đa tiến hành cắt bỏ các cành lá hư hại để năng lượng trên cây truyền tới các cành còn sống.

 

Để theo dõi luồng năng lượng trong cây đa, các chuyên gia gắn 14 cảm biến lên thân cây để theo dõi dòng chảy của tầng sinh gỗ hoặc nhựa chảy qua các cành cây.

 

“Căn bản thì đây là một máy theo dõi nhịp tim,” Sparkman cho biết. “Khi chúng tôi hồi sinh cây đa, nhịp tim này ngày càng sung sức hơn.”

 

Các chuyên gia cũng có kế hoạch lắp đặt những cái ống thẳng đứng để hỗ trợ rễ phụ của cây, trông như các cành thẳng đứng mọc xuống đất, Sparkman cho biết. Các ống thẳng đứng này sẽ có phân trộn nhằm cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng cho cành lá khi bắt đầu bén rễ xuống đất.

 

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn lập kế hoạch lắp đặt một hệ thống tưới nước giúp rót những giọt nước nhỏ vào hệ thống ống hỗ trợ mọc rễ. Mục tiêu hướng đến, Sparkman cho biết, là giúp số lượng rễ khi còn treo tòn ten trên cao, “bùng nổ và trở thành hệ thống rễ ổn định.” Hệ thống này cũng sẽ tưới nước cho đất đai xung quanh và tán cây.

 

Sparkman nhắm chừng Lahaina mất khoảng 25,000 cây trong thảm họa.

 

Trong số đó có những loại cây ăn trái được người dân trồng trong sân nhà cũng như những loại cây có ý nghĩa quan trọng trong văn hóa Hawaii, chẳng hạn như cây ulu hoặc cây bánh mì; vụ cháy đốt sạch sành sanh trừ hai trong số khoảng một chục loại cây còn lại.

 

Từ lúc xảy ra vụ cháy, một nhóm gồm có chuyên gia cây cảnh, nông dân và chuyên gia cảnh quan — có cả Sparkman — hợp lực cứu ulu và các loại cây có ý nghĩa văn hóa khác. Trước khi xuất hiện chủ nghĩa thực dân, nông nghiệp thương mại và du lịch, hàng ngàn cây bánh mì cắm rễ rải rác khắp Lahaina.

 

Để dấn thân vào hồi sinh cây cối tại Lahaina, Sparkman thành lập một tổ chức bất vụ lợi đặt tên là Treecovery. Tổ chức trồng được khoảng 3,500 cây trong “vườn ươm vi mô” trên khắp hòn đảo, trong đó có cả một số khách sạn, cho tới khi cư dân có thể chở cây về nhà, Sparkman cho biết. (TTHN)

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats