Câu chuyện quốc gia, nhìn từ Thế Vận Hội
https://diendantheky.net/manh-kim-cau-chuyen-quoc-gia-nhin-tu-the-van-hoi/
Chiến thắng đấu trường Olympics là kết quả từ quá trình khổ luyện của một tinh thần thép, luôn khát khao, trước hết, là vượt qua chính bản thân. Ý nghĩa của nó, dù vậy, không giới hạn ở phạm vi thể thao. Mỗi quốc gia, từng thời khắc, đều để lại một câu chuyện. Nhìn từ Thế vận hội, mỗi nước cũng có một câu chuyện, giúp cho thấy sức mạnh và tương lai đất nước được xây dựng trên những nền tảng nào.
Đội tuyển Olympic Mỹ trong lễ khai mạc ngày 26 tháng 7 khi thuyền của họ di chuyển dọc theo Sông Seine.
Với Mỹ, câu chuyện nổi bật của họ là thành quả của nền giáo dục thể thao học đường. Với tấm huy chương giành được ngày 30-7-2024 ngay sau khi vừa đến Paris, Mỹ đã chạm được cột mốc 3.000 huy chương các loại trong lịch sử tham dự Thế vận hội (Hè lẫn Đông). Chưa đối thủ nào có thể địch lại thành tích ấn tượng này của Mỹ. Điều đáng chú ý của Team USA so với hầu hết các đội còn lại trên thế giới là trình độ kiến thức của các vận động viên. Ở họ, luôn toát lên sức bật tuổi trẻ với phong thái trí thức điển hình.
Tương tự những mùa trước, hầu hết thành viên Team USA 2024 là sinh viên đại học, thuộc các trường trong khuôn khổ NCAA (The National Collegiate Athletic Association – Hiệp hội thể thao đại học quốc gia). Điều này cho thấy nền tảng đào tạo mà hoạt động thể thao đại học mang lại cho nước Mỹ có giá trị như thế nào. Đó là kết quả của chính sách giáo dục luôn đề cao phát triển sức khỏe thể chất. Thành tích học tập chưa bao giờ là “tất cả” ở Mỹ. Văn hóa người Mỹ không thích “học chăm”. Học có thể không xuất sắc nhưng có một cơ thể tráng kiện sẽ luôn được cổ xúy hơn là bảng điểm A+ đạt được từ một cơ thể èo uột.
Ba trường NCAA có nhiều vận động viên nhất trong Team USA 2024 là Đại học Stanford (38 người), UCLA (University of California, Los Angeles – 17) và USC (University of Southern California – 16). Chỉ riêng USC, từ Olympics 1904 đến trước Paris 2024, trường này đã đóng góp tổng cộng 512 vận động viên (nhiều hơn bất kỳ đại học nào ở Mỹ); giành tổng cộng 326 huy chương (153 vàng – nhiều hơn bất kỳ đại học nào ở Mỹ). Mỗi kỳ Thế vận hội kể từ 1912, USC đều giành được ít nhất một huy chương vàng!
Một cách tổng quát, thể thao học đường là đặc điểm nổi bật nhất trong giáo dục Mỹ so với phần còn lại của thế giới. Kể cả châu Âu cũng không bằng Mỹ khi xét về yếu tố này. Ngân sách giáo dục nói chung là ngoài sức tưởng tượng so với nhiều quốc gia, trong đó, đầu tư phát triển thể thao chiếm một khoản đáng kể (một ví dụ nhỏ: Chỉ riêng Học khu Fairfax ở một tiểu bang nhỏ như Virginia, với chỉ 222 trường phổ thông và 178.479 học sinh, ngân sách niên khóa 2025 của Fairfax đã được thông báo cho phụ huynh là 3,7 tỷ USD – một số tiền khổng lồ, vượt xa ngân sách giáo dục 2023 của Việt Nam với khoảng 11,4 triệu USD, theo số liệu của giaoduc.net.vn).
Không chỉ rèn luyện thể chất, các trường học Mỹ thường xuyên tổ chức so tài. Mức độ cạnh tranh và sàng lọc là cực kỳ khắc nghiệt. Để ngoi lên trong môi trường như vậy là vô cùng khó khăn. Để có mặt trong đội tuyển quốc gia, 594 vận động viên Mỹ đến Paris 2024 thật sự là tinh hoa của thể thao thế giới.
Thành công của Team USA còn phản ánh chính xác sức mạnh của một nước Mỹ đa chủng tộc. Gần như bất kỳ lĩnh vực nào trong xã hội Mỹ, câu chuyện thành công nào cũng có đóng góp của yếu tố đa chủng tộc. Thể thao không ngoại lệ. Tại Paris 2024, người ta thấy vận động viên Sunny Choi (breakdance) – người Mỹ gốc Hàn, cựu sinh viên UPenn (University of Pennsylvania) và cũng từng học Wharton School of Business. Cùng đến Paris, còn có Beiwen Zhang (cầu lông; gốc Hoa); Mitchell Saron (đấu kiếm; gốc Philippines); Suni Lee (thể dục dụng cụ nữ; gốc Hmong)…
Có hai vận động viên gốc Việt: Jacklyn Luu (bơi nghệ thuật; sinh năm 1999); và Jaedyn Shaw (bóng đá; sinh năm 2004). Cùng đồng đội trong đội bơi nghệ thuật, Jacklyn Luu đã giúp mang về một huy chương (bạc) lần đầu tiên cho Mỹ sau 20 năm. Với Jaedyn Shaw (cha da màu, mẹ Việt), cô từng được vinh danh là cầu thủ trẻ xuất sắc nhất làng túc cầu nữ của Mỹ năm 2022. Jaedyn Shaw cũng là người Mỹ gốc Việt đầu tiên được tuyển vào Đội bóng đá nữ quốc gia Mỹ (USWNT).
Jacklyn Luu,
The National Governing Body of Artistic Swimming in the United States
Jaedyn Shaw
Wikipedia
Câu chuyện thể thao, dù thành công hay thất bại, cũng kết thúc sau khi vận động viên cởi chiếc áo thi đấu. Với thể thao Mỹ, câu chuyện thường được kéo dài thêm với nhiều “tình tiết phụ” thậm chí hấp dẫn hơn tấm huy chương Olympics mà họ giành được, chẳng hạn câu chuyện về vận động viên Gabrielle Lisa “Gabby” Thomas, 27 tuổi, thành viên Team USA. Tốt nghiệp Harvard chuyên về thần kinh học và y tế sức khỏe thế giới (global health), Gabby Thomas vừa đoạt huy chương vàng môn chạy 200m nữ tại Paris 2024.
Thành tích thể thao không hẳn là điều quan trọng nhất đối với Gabby Thomas (sau khi học xong Harvard, Gabby Thomas còn lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Texas). Với mẹ cô cũng vậy. Mẹ của Gabby Thomas – bà Jennifer Randall, giáo sư giáo dục học Đại học Michigan – luôn nhắc con gái rằng, điều quan trọng cần đạt được trong cuộc đời không phải là đường chạy trong đấu trường thể thao. Tờ The New York Times thuật, sau khi giành chiến thắng tại Thế vận hội Tokyo 2020, Gabby Thomas gọi cho mẹ, khoe rằng mình vừa giành được hai huy chương. Bà Jennifer Randall trả lời: “Tuyệt quá con gái, à mà, khi nào con đi học lại?”
Với không ít quốc gia, thành tích thể thao trên đấu trường quốc tế là diện mạo của thể chế. Vinh quang thể thao luôn được khoác thêm tấm áo chính trị. Triều Tiên, Trung Quốc và Việt Nam hiện tại (và Liên Xô trước kia) là những trường hợp điển hình. Câu chuyện của họ, do vậy, trở nên nghèo nàn. Ý thức giới hạn chỉ mang lại cho họ cảm xúc cực đoan. Trong khi huy chương thể thao mang lại cho họ cảm giác họ có thể chiến thắng tất cả, đánh gục tất cả, “trở nên” vô địch thiên hạ; thì thất bại, trái lại, mang đến sự tự trách thái quá, dù trong thực tế, việc không giành được bất kỳ huy chương nào trên đấu trường thế giới đã thể hiện chính xác vị trí yếu kém của họ trên hầu hết lĩnh vực khác (mà thế giới vốn tiến rất xa) – cụ thể ở đây là trường hợp Việt Nam.
Câu chuyện của Mỹ ở mỗi kỳ Olympics đều phong phú, rất khác nhau, với sự cuốn hút thú vị đặc biệt. Câu chuyện của những nước như Việt Nam là phiên bản lặp đi lặp lại nhiều lần, rất cũ. Thay vì mang thái độ “dằn vặt quốc gia”, người ta cần chấm dứt kiểu lên dây cót tinh thần dân tộc khi chiến thắng và dùng những lý lẽ quen thuộc để “đổ thừa” khi thất bại. Ngoài ra, cần nhấn mạnh rằng bản thân vận động viên không hoàn toàn có lỗi.
Câu chuyện thể thao chỉ đáng được kể, một khi nền thể thao nước nhà được xây dựng trên một nền giáo dục y tế đủ mạnh, một môi trường sống đủ lành (không chứng kiến quá nhiều ca ung thư một cách bất thường), một hệ thống chăm sóc sức khỏe đủ tốt (để bệnh viện không chứng kiến tình trạng quá tải)…
Việc “không giành được huy chương Olympics nào” thật ra không có gì đáng xấu hổ. Một nước giàu như Singapore cũng có “thành tích” rất khiêm tốn tại Paris 2024. Với Mỹ, thể thao chuyên nghiệp đỉnh cao mang lại rất nhiều tiền cho vận động viên cũng như nền công nghiệp thể thao khổng lồ của nước này. Dù vậy, sức mạnh quốc gia của Mỹ không đến từ những huy chương thể thao quốc tế. Có nhiều thứ khác đáng được xem “nỗi nhục quốc thể” và cần vượt qua để viết nên một tương lai khác cho đất nước mình.
No comments:
Post a Comment