Tuesday 27 June 2023

ĐIỂM LẠI VÀI NẠN NHÂN CỦA PUTIN (Lâm Bình Duy Nhiên)

 



Điểm lại vài nạn nhân của Puti   

Lâm Bình Duy Nhiên

26-6-2023  07:20    

https://www.facebook.com/duynhienlambinh/posts/pfbid035wrE12EerkHsEaLemHNkeXyoLbbQkmLr7mSbRR4ttSV2XPjSTEjbzvsHAVoYwacml

 

Prigojine, thủ lĩnh của Wagner, kẻ hăm doạ đưa quân về Moscow nhưng nửa chừng rút lui để tránh “đổ máu giữa người Nga” vẫn đang bị điều tra bởi Kremlin, dẫu Putin đã hứa “tha lỗi” cho hắn ta!

 

Nói dối đã trở thành thói quen, nằm trong DAN của Putin từ khi chỉ là một nhân viên xoàng của KGB. Nếu không xảo quyệt và mưu mô cũng như tàn bạo thì Putin khó lòng nắm quyền và củng cố quyền lực tối cao trong gần một phần tư thế kỷ!

 

Ra tay đàn áp, khủng bố và lạnh lùng ám sát, đầu độc bất cứ ai dám đối đầu với ông ta. Từ nhà báo, chính trị gia đối lập đến cả những nhà tài phiệt giàu có nhưng không tuân phục Putin, tất cả đều có một mẫu số chung: bị tù với những bản án cực nặng hay đơn giản, bị thủ tiêu, nguỵ trang bởi những “tại nạn” khó hiểu!

 

Bối cảnh nước Nga hậu cộng sản, kể từ khi Vladimir Putin lên nắm quyền vào tháng 12 năm 1999, cần phải có một sự can đảm nhất định mới dám bày tỏ công khai sự bất đồng của mình với chính phủ dân chủ-độc tài theo mô hình của Putin.

 

Trong khi nền kinh tế Nga đã phục hồi kể từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, thì tình hình nhân quyền đã ngày càng xấu đi trong mười lăm năm. Tổ chức Ân xá Quốc tế tin rằng những hạn chế đối với quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp đã trở nên tồi tệ hơn kể từ năm 2010.

Sự khủng bố, đàn áp,đối với những người bất đồng chính kiến đã ​​dẫn đến sự sách nhiễu của nền tư pháp vốn không khác mấy thời kỳ cộng sản. Chính phủ Nga bỏ tù và đày ải tùy tiện, không toà án cônh tâm. Đỉnh điểm là các vụ ám sát những khuôn mặt bất đồng chính kiến. Trong hầu hết các trường hợp, các cuộc điều tra của nền tư pháp Nga không thể chỉ định những kẻ cầm đầu thực sự cho những vụ giết người tàn bạo này.

 

- Phóng viên báo chí: những cái chết dằn mặt

 

Theo Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, kể từ khi Putin được bầu làm tổng thống, ít nhất 40 nhà báo đã bị sát hại ở Nga. Một con số kinh khủng, chứng tỏ thái độ độc tài và bản tính tàn ác của một thứ sản phẩm tội ác của thời cộng sản. Những ai dám lên tiếng chỉ trích hay điều tra Putin qua báo chí đều bị sát hại.

 

Nạn nhân “nổi tiếng nhất” là Anna Politkovskaya. Bà là nhà báo điều tra và nhà hoạt động nhân quyền. Bà bị bắn chết vào ngày 7 tháng 10 năm 2006, tại sảnh tòa nhà của bà ở Moscow. Trên tờ Novaya Gazeta, nhà báo 48 tuổi này đã tố cáo chế độ độc tài của Vladimir Putin và những vi phạm nhân quyền ở Chechnya. Năm nghi phạm, trong đó có 4 người Chechnya, đã bị xét xử và kết án về tội giết người vào năm 2014, nhưng kẻ chủ mưu đằng sau vụ ám sát vẫn đang lẩn trốn và tên của hắn chưa bao giờ được nhắc đến công khai.

 

Anna Politkovskaïa từng viết trong cuốn “Nước Nga của Putin” rằng: “ Putin không thích con người. Ông ấy chỉ coi chúng tôi đơn giản như một phương tiện”. Anna Politkovskaïa trở thành biểu tượng của sự can đảm, khí phách, không chùn bước trước bạo quyền mà Putin là kẻ hiện thân hoàn hảo nhất.

 

Sáu nhà báo hoặc cộng tác viên khác của báo Novaya Gazeta đã bị giết từ năm 2000 đến 2009, trong đó có Natalia Estemirova, 50 tuổi, người đã thay thế Anna Politkovskaya trong tờ báo.

 

Cũng là một nhà hoạt động nhân quyền và đại diện tại Chechnya của Tổ chức phi chính phủ Memorial , Natalia Estemirova bị bắt cóc vào ngày 15 tháng 7 năm 2009 tại Grozny và được tìm thấy thi thể vài giờ sau đó tại Ingushetia, một nước cộng hòa láng giềng của Caucasus thuộc Nga. “Tội” của bà là đã dám tố cáo sự lạm quyền của chính quyền địa phương.

 

Nữ nhà báo người Ukraina làm việc tại Nga cho tờ Novaya Gazeta, Anastassia Baburova, 25 tuổi, bị bắn chết ngay giữa đường phố ở Moscow vào ngày 19/1/2009 khi cô đang bước ra khỏi cuộc họp báo với Stanislas Markelov, 34 tuổi. Stanislas Makelov, luật sư chuyên bào chữa cho các nạn nhân bị lạm dụng ở Chechnya cũng bị giết vào ngày hôm đó.

 

Stanislav Markelov đã công khai lên án việc trả tự do sớm, một tuần trước đó, cho đại tá quân đội Nga Yuri Budanov. Viên chức này bị kết án 10 năm tù vào năm 2003 vì tội cưỡng hiếp và sau đó bóp cổ một cô gái Chechnya 18 tuổi ba năm trước đó.

 

Một khuôn mặt nổi tiếng trong giới báo chí ở Ukraina, Pavel Sheremet, người Nga gốc Belarus, đã bị chết trong một vụ nổ bom đặt dưới gầm ô tô của ông, ở trung tâm Kiev, vào ngày 20/7/2016. Ông từng làm việc lâu năm ở Nga, tham gia hoạt động chính trị tự do và điều đáng chú ý là Pavel Sheremet là bạn của lãnh đạo phe đối lập Boris Nemtsov, người đã bị ám sát vào tháng 2/2015.

 

Không chỉ những nhà báo, luật sư hay nhà hoạt độnh dân sự người Nga hoặc thuộc Liên Xô cũ bị ám sát, thậm chí các phóng viên phương Tây cũng chịu chung số phận khi dám điều tra những gì xảy ra dưới bàn tay thép của Putin. Nhà báo người Mỹ gốc Nga, Paul Klebnikov đã bị bắn chết vào ngày 9/7/2004. Tổng biên tập ấn bản tiếng Nga của tạp chí Forbes của Mỹ, ông đang rời văn phòng ở Moscow thì bị những người đàn ông trên ô tô nổ súng về phía ông. Bị trúng đạn bốn lần, ông ta chết trong bệnh viện. Ông là nhà báo nước ngoài đầu tiên bị sát hại ở nước Nga thời hậu Xô Viết. Sau khi quy kết vụ giết người cho một phần tử ly khai Chechnya, chính quyền Nga cuối cùng đã mở lại cuộc điều tra tư pháp vào năm 2009 nhưng đến nay sự thật về vụ án này vẫn còn chưa được phơi bày ra ánh sáng!

 

- Bất đồng chính kiến: đàn áp sự đối lập chính trị

 

Những nhà bất đồng chính kiến, chống đối Putin cũng bị cầm tù hoặc lưu đày. Nổi bật trong số đó là Alexei Navalny.

 

Đối thủ quyền lực số một của Vladimir Putin, Alexei Navalny đã bị bắt vào tháng 3/2017 khi tuần hành chống tham nhũng với gần một ngàn người biểu tình . Là một blogger chống tham nhũng, Navalny có ý định đối đầu với Putin trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2018. Nhưng ông chủ Điện Kremlin và bộ máy Tư pháp của Nga đã ngăn cản nhà đối lập ra tranh cử khi kết án hình sự Navalny. Một bản án mà Navalny cũng như giới đối lập cho là do Putin dàn dựng. "Phán quyết này là một bức điện tín được gởi từ Điện Kremlin", Alexei Navalny đã tố cáo Putin vào tháng 2/2017.

 

Nhà vô địch cờ vua thế giới từ 1985 đến 2000, Garry Kasparov tham gia chính trị vào năm 2005 để chống lại quyền lực độc tài của Putin. Ông đã bị bắt nhiều lần vì tham gia biểu tình. Năm 2008, ông đồng sáng lập đảng Đoàn kết, tập hợp các lực lượng cánh hữu. Biết rằng luôn bị đe dọa, Kasparov luôn được bảo vệ bởi 5 vệ sĩ và không bao giờ di chuyển với công ty quốc gia hàng không Nga Aeroflot. Năm 2013, Kasparov chọn sống lưu vong ở Thụy Sĩ, sau đó ở Hoa Kỳ, vì sợ các thủ tục pháp lý. Ông từng mỉa mai tuyên bố “Chii KGB đang điều hành đất nước. Putin là cựu quan chức KGB và chúng tôi đã quay lại điểm xuất phát, như thể sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản chưa từng xảy ra”.

 

Sergueï Ouldatsov, gương mặt lãnh đạo trẻ tuổi của Mặt trận Cánh tả đã bị kết án 4 năm rưỡi tù giam trong trại quân sự vào năm 2014, chính thức vì tội “âm mưu đảo chính". Chính quyền chỉ trích anh ta đóng vai trò là kẻ kích động trong các cuộc biểu tình năm 2012. Tổ chức Ân xá Quốc tế gọi Ouldatsov là tù nhân chính trị. Từng là đảng viên Đảng Cộng sản, giờ đây anh ủng hộ “sự phát triển dân chủ-xã hội của nước Nga”.

 

Trong danh sách những nạn nhân của Putin, không thể không nhắc đến những nhà tài phiệt, tỷ phú, làm giàu thời hậu Xô Viết. Điển hình là Mikhail Khodorkovsky, cựu CEO của tập đoàn dầu mỏ Yukos và là đại gia đầu tiên của Nga vào đầu những năm 2000, đã bị bỏ tù 10 năm, từ 2003 đến 2013. Bị buộc tội biển thủ tài chính, ông lọt vào tầm ngắm của Putin. Ông chủ nước Nga nghi ngờ Khodorkovsky mang nhiều tham vọng chính trị và lo ngại ảnh hưởng của ông này đối với thế giới kinh doanh. Khodorkovsky được Putin ân xá vào tháng 12/2013, đổi lại ông đã phải thừa nhận lỗi lầm của mình và cam kết không tham gia sinh hoạt chính trị.

 

- Ra tay sát hại các đối thủ chính trị:

 

Vào ngày 27/2/2015, Boris Nemstov, 55 tuổi, bị bắn 4 phát vào lưng khi đang đi bộ gần điện Kremlin. Theo thông tin chính thức, vụ giết người này được quy cho một đội biệt kích người Chechnya. Từng đảm nhiệm chức Bộ trưởng Năng lượng và Phó Thủ tướng dưới thời Boris Yeltsin (1999), Boris Nemtsov đã trở thành một nhân vật quan trọng, cái gai trong những cuộc biểu tình chống Putin. Vài ngày trước khi qua đời, ông đã kêu gọi một cuộc tuần hành lớn chống lại các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraina. Luôn bị theo dõi, nghe lén và bị đe dọa tính mạng, Nemstov đã từng bày tỏ trên báo chí nỗi lo sợ bị ám sát.

 

Cựu điệp viên, nhân vật phản kháng Putin, Alexander Litvinenko, đã chết vào ngày 23/11/2006 tại London. Ba tuần trước khi qua đời, ông được các doanh nhân và cựu điệp viên KGB mời dùng trà. Litvinenko đã bị đầu độc khi nước uống có chứa chất phóng xạ cao, polonium 10. Cái chết của Litvinenko, được Scotland Yard mô tả là vụ giết người, rõ ràng đã được Điện Kremlin “phê chuẩn”, theo lời của thẩm phán Robert Owen cho biết vào năm 2016. Cần nhắc lại, vào năm 2000, Litvinenko đã từng có liên hệ với nhà tài phiệt Boris Berezovski, được tìm thấy đã chết tại nhà riêng vào năm 2013!

 

Nhà tài phiệt Boris Berezovski từng ẩn náu ở Vương quốc Anh, được phát hiện đã chết vào tháng 3 năm 2013 trong cơ ngơi sang trọng của mình ở Ascot (tây nam London). Ông ta nằm trong phòng tắm với một mảnh vải quanh cổ. Các nhà điều tra tin rằng Berezovski có thể chết bằng cách treo cổ. Từng là bạn thân của Boris Yeltsin, ông ta có liên quan đến các nhóm tội phạm có tổ chức và giới tài phiệt. Gần gũi với Putin khi ông lên nắm quyền vào năm 2000, tuy nhiên sau đó Berezovski không còn được ưu ái và được xem như một biểu tượng của "những kẻ cướp bóc nước Nga" thời hậu Xô Viết.

 

Trong số những cái chết bí ẩn, được cho là dàn dựng một cách khéo léo bởi mật vụ Nga, theo lệnh của Putin, có vụ án liên quan đến Sergueï Magnitski. Là một luật sư thuế trẻ tuổi, Magnitski đã bị bắt trong một vụ án trốn thuế. Gần gũi với Putin trong mười năm, nhưng sau đó Magnitski đã tố cáo những lạm dụng và tham nhũng của giới thân cận Putin. Magnitsky chết trong một nhà tù ở Moscow vào tháng 11/2009 do không có thuốc điều trị cho căn bệnh tuyến tụy của mình. Cái chết của ông ta đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Nga và Hoa Kỳ, vốn đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 11 người Nga "chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng".

 

Điểm lại vài vụ án nổi bật trong suốt thời gian cầm quyền của Putin để thấy được sự tàn bạo đến mức lạnh lùng và vô cảm của ông ta. Bằng mọi giá, để duy trì quyền lực tối cao, Putin sẵn sàng chà đạp tất cả, từ các giá trị đạo đức đến quyền con người để ra tay đàn áp, ám sát những ai dám đương đầu, thách thức và chống đối ông ta.

 

Cho nên một tên như Prigojine, là một sản phẩm của chính Putin, từng bị kết tội “phản bội”, khó lòng thoát thân khỏi sự trả thù của Putin.

 

Dẫu chạy đằng trời, e cũng không thoát nỗi bàn tay của điệp vụ của Putin.

 

Putin đã không đưa nước Nga qua khỏi những lạc hậu của thời hậu Xô Viết. Ông ta lại đưa Nga quay về thời kỳ đen tối của chủ nghĩa cộng sản độc tài toàn trị, thậm chí sa lầy trong những cuộc chiến phi nhân và sát hại những nhà bất đồng chính kiến một cách man rợ nhất.

Như những gì Joseph Staline đã ra tay với Léon Trotski vào ngày 21/8/1940 tận Mexico xa xôi!

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10230201463717608&set=pcb.10230201446477177

Anna Politkovskaïa

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=10230201487078192&set=pcb.10230201446477177

Natalia Estemirova

 

.

5 BÌNH LUẬN    





No comments:

Post a Comment

View My Stats