Saturday, 18 March 2023

VÕ VĂN THƯỞNG, ĐẢNG CSVN và CHỦ TRƯƠNG "THÀ MẤT NƯỚC CÒN HƠN MẤT ĐẢNG" (Đào Tăng Dực)

 



Võ Văn Thưởng, Đảng CSVN và chủ trương “thà mất nước còn hơn mất đảng”

Đào Tăng Dực

18/03/2023

https://baotiengdan.com/2023/03/18/vo-van-thuong-dang-csvn-va-chu-truong-tha-mat-nuoc-con-hon-mat-dang/

 

Vào ngày 2 tháng 3 năm 2023, sau khi được Bộ Chính Trị và Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSVN tuyển chọn, ông Võ Văn Thưởng, thường trực Ban Bí Thư đảng, được Quốc Hội bù nhìn bầu và tuyên thệ vào chức vụ chủ tịch nước, tương đương với nguyên thủ quốc gia nhưng không phải chức vụ đứng đầu chính phủ như thủ tướng. Hiến Pháp 2013 cũng chia một số quyền hành pháp giới hạn cho CTN và chức vụ này không hẳn là hoàn toàn có tính biểu tượng.

 

Thật vậy, ngoài những trách nhiệm liên hệ đến ngôi vị quốc trưởng, điều 88 (2) và (5) của Hiến Pháp 2013 trao cho CTN những thực quyền sau đây:

 

Điều 88 (2). “Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ”.

 

Điều 88(5). “Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Uỷ ban thường vụ Quốc hội công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; căn cứ vào nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp;…”

 

Tuy nhiên, sự thay thế CTN qua việc thanh trừng ông Nguyễn Xuân Phúc và bầu chọn Võ Văn Thưởng không hề làm cho vận mệnh đất nước sáng sủa hơn. Trong bài diễn văn nhậm chức, theo báo Người Lao Động, ông Thưởng bày tỏ: “Nhận thức sâu sắc rằng vấn đề mang tính nguyên tắc có ý nghĩa sống còn, nền tảng vững chắc đối với đất nước ta, chế độ ta là phải kiên định vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”.

 

Sự bám víu vô điều kiện vào chủ nghĩa Mác- Lênin chứng tỏ rằng Võ Văn Thưởng ngày nay không khác gì Nguyễn Văn Linh sau ngày Hiệp Ước Thành Đô với CSTQ được ký kết năm 1990. Thật vậy, các thành phần chóp bu của CSVN ý thức rằng, đi với Trung Quốc thì có thể mất nước, đi với Mỹ thì có thể mất đảng, nhưng thà mất nước còn hơn mất đảng.

 

Không riêng gì đảng CSVN, tất cả các đảng CS trên thế giới đều là những thảm họa cho các quốc gia liên hệ vì trong một chế độ độc đảng, không cạnh tranh, tập thể cai trị biến thành một định chế quyền lực cứng nhắc và khi có sự xung đột giữa sự sống còn của quốc gia và sự sống còn của đảng phái thì quyền lợi và sự sống còn của đảng CSVN sẽ ưu thắng và tổ quốc sẽ diệt vong.

 

Quy luật này áp dụng cho các đảng CSLX, CSTQ, CS Cuba, Lao Động Bắc Triều Tiên và dĩ nhiên CSVN. Thật vậy, ngày 3 tháng 2 năm 1930 là ngày tai họa ngiệt ngã nhất của dân tộc, khi đảng CSVN được khai sinh tại Hồng Kồng. Nếu duyệt lại suốt chiều dài lịch sử của dân tộc thì tại họa phát xuất từ đảng CSVN vượt xa các tai họa đến từ thiên nhiên như lụt lội, động đất, hoặc đến từ con người như các triều đại bạo chúa hoặc giặc ngoại xâm từ Trung Quốc hay Thực Dân Pháp.

 

Bằng chứng hùng hồn nhất là các quốc gia trong vùng Đông Á bị CS cai trị đều tụt hậu thê thảm so với các quốc gia dân chủ như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Singapore và đặc khu hành chánh Hồng Kông.

 

Tính vị kỷ và khuynh hướng thà mất nước còn hơn mất đảng của CSVN đã làm cho dân tộc mất đi nhiều cơ hội lịch sử:

 

1. Năm 1945: Đảng CSVN đánh mất cơ hội đầu tiên. Cuộc cướp chính quyền từ tay Chính Phủ Trần Trọng Kim ngày 2 tháng 9 không cần xảy ra. Trên nguyên tắc chính phủ Trần Trọng Kim đã giành được độc lập cho dân tộc. CSVN lập luận rằng Chính phủ Trần Trọng Kim chỉ là bù nhìn của Nhật Bản. Tuy nhiên Nhật Bản là một cường quốc trên đà diệt vong. Thay vì cướp chính quyền và dành quyền cai trị độc tôn quốc gia theo quan điểm của Lenin, đảng CSVN đã đánh mất cơ hội cộng tác với các nhóm chính trị và xã hội khác. Các lực lượng này bao gồm Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội, Đại Việt Quốc dân Đảng, Đệ Tứ Quốc tế Cộng sản và các nhóm tôn giáo như Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng của Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, được thành lập năm 1946. CSVN vì quyền lợi vị kỷ của đảng và vâng lời các quan thầy Liên Xô và Trung Quốc, thanh toán đẩm máu các đảng phái quốc gia, thay vì xây dựng một nền dân chủ đa nguyên chân chính cho Việt Nam.

 

2. Năm 1954: Trận chiến Điện Biên Phủ do Việt Minh, dưới sự điều hướng của CSVN, không cần xảy ra. Các chính đảng yêu nước từ hữu khuynh đến tả khuynh đều có thể góp sức đánh đuổi Thực Dân Pháp và sẽ không có thảm họa chia cắt đất nước thành hai miền. Đây là giai đoạn các cường quốc thực dân thoái trào. Nếu không có đảng CS thì toàn thể lãnh thổ Việt Tộc, từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau cũng đã được trao trả độc lập, xây dựng một chế độ dân chủ đa đảng và ngày nay, dân tộc đã hóa rồng trên bầu trời Đông Á.

 

3. Năm 1975: Sau khi chiếm được miền Nam, một lần nữa, vì quyền lợi vị kỷ của đảng, đắm chìm trong sự u mê ý thức hệ của Mác Lê, đã đánh mất cơ hội đại đoàn kết dân tộc như Tổng thống Abraham Lincoln của Hoa Kỳ đã làm hơn 100 về trước. Thay vào đó, chính sách trả thù, giết chóc, cải tạo … gây ra thảm họa vượt biên tìm tự do với hằng trăm ngàn người vùi thây trong lòng đại dương.

 

4. Năm 1990: Khi Cộng sản Liên Xô sụp đổ, cũng vì chủ trương thà mất nước còn hơn mất đảng, CSVN đã từ chối không gia nhập tiến trình dân chủ hóa như các quốc gia Đông Âu và Trung Á mà chọn quy hàng CSTQ hầu có điểm tựa ý thức hệ tương lai, bán rẻ đất, biển và chủ quyền dân tộc.

 

5. Gia nhập WTO: CSTQ gia nhập Tổ chức Thương Mại Quốc Tế này năm 2001 và từ đó tiến bộ ngoạn mục trở thành một cường quốc kinh tế. Trước đó đã 10 năm, nhiều thành phần trí thức Việt Nam đã khuyến khích đảng CSVN gia nhập. Tuy nhiên đảng CSTQ ngăn chận và hứa hẹn rằng: Buôn bán với TQ còn lợi nhuận gấp 10 lần buôn bán với Hoa Kỳ và các nước tư bản. Sau đó, CSTQ bất ngờ gia nhập WTO trước Việt Nam. CSVN thà mất nước về tay TQ còn hơn mất đảng, đã bị đàn anh gạt gẫm, bán rẻ quyền lợi tổ quốc.

 

Trên đây là những cơ hội lịch sử CSVN đã đánh mất vì quan điểm “thà mất nước còn hơn mất đảng”.

 

Sự đăng cơ chức CTN của Võ Văn Thưởng chỉ là sự tiếp nối của chủ trương phản quốc của CSVN. Đó là: “Thà mất nước còn hơn mất đảng” mà thôi.






No comments:

Post a Comment

View My Stats