Friday, 10 March 2023

TRẬN CHIẾN BAKHMUT : THÁCH THỨC BIỂU TƯỢNG hay CHIẾN LƯỢC? (Anh Vũ / RFI)

 



Trận chiến Bakhmout : Thách thức biểu tượng hay chiến lược ?

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 09/03/2023 - 14:17

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230309-tr%E1%BA%ADn-chi%E1%BA%BFn-bakhmout-th%C3%A1ch-th%E1%BB%A9c-bi%E1%BB%83u-t%C6%B0%E1%BB%A3ng-hay-chi%E1%BA%BFn-l%C6%B0%E1%BB%A3c

 

Tại miền Đông Ukraina, trận chiến để giành quyền kiểm soát thành phố Bakhmout giữa quân đội Ukraina và lực lượng đánh thuê Wagner đang diễn ra khốc liệt. Theo NATO, dường như thành phố này đang rơi dần vào tay Nga. Các chuyên gia nói gì về những thách thức của trận chiến này?

 

https://s.rfi.fr/media/display/7874f2a6-be6c-11ed-9bab-005056bf30b7/w:980/p:16x9/AP23067669049644.webp

Xe tăng của quân Ukraina tiến về mặt trận gần Bakhmout, miền đông Ukraina, ngày 08/03/2023. AP - Evgeniy Maloletka

 

Ngày 08/03/2023, Evgueni Prigojin, chủ nhân công ty lính đánh thuê Nga hân hoan tuyên bố : « Các đơn vị của Wagner đã chiếm toàn bộ phần phía đông Bakhmout ». Toàn bộ bên phía đông con sông Bakhmouta chảy qua thành phố đã trở thành tâm điểm các trận chiến trong vùng Donbass.

 

Dù Ukraina phòng thủ kiên cường từ tháng 8 từ đầu trận chiến, thành phố miền Đông này đang bị bao vây sau khi quân đội Ukraina rút lui dần. Hôm 08/03, tổng thư ký khối NATO đã không loại trừ khả năng trong những ngày tới Bakhmout sẽ thất thủ. Ông cũng nhấn mạnh, « việc đó không hẳn phản ánh một bước ngoặt của chiến tranh. Nhưng nó càng cho thấy chúng ta không nên đánh giá thấp Nga. Chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ Ukraina ».

 

Theo Matxcơva, chiếm được thành phố này sẽ cho phép Nga mở « các chiến dịch tấn công mới sâu hơn ».

 

Những tuần qua, quân đội Ukraina rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn sau khi quân Nga lấn dần đất xung quanh Bakhmout. Soledar đã thất thủ hồi tháng Giêng, đến lượt Krasna Gora tháng Hai và đầu tháng Ba này là làng Laguidné nằm ở cửa ngõ thành phố.

 

Bakhmout, trận chiến khốc liệt nhất Ukraina

 

Từ khi Nga mở tấn công Ukraina tháng 2/2022, Bakhmout là trận chiến kéo dài và gây chết chóc nhất. Cả hai bên đều hứng chịu những tổn thất nặng nề. Thành phố hầu như bị phá hủy hoàn toàn. Lực lượng lính đánh thuê Wagner được đưa lên tuyến đầu tấn công. Cái giá phải trả bằng nhân mạng cũng rất lớn, theo thú nhận của Evgueni Prigojin.

 

Hồi giữa tháng 2, nhân vật này đã tuyên bố : « Không thể chiếm được Bakhmout ngay được vì sức kháng cự mạnh, cỗ máy xay thịt đang hoạt động ».

 

Đầu tháng Ba, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã tố cáo Matxcơva đưa quân vào chỗ chắc chết. Ông nói : « Nga không tính đến mạng người của họ, liên tục đưa quân và tấn công các vị trí của chúng ta ».

 

Một số chuyên gia không ngần ngại so sánh trận chiến tàn khốc này với  Verdun, mặt trận gây chết chóc nhiều nhất trong cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, đã hủy diệt gần hết quân Pháp và Đức trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 12/1916 ở miền đông Pháp.

 

Scott Lucas, giáo sư chính trị quốc tế thuộc Đại học Dublin, giải thích Bakhmout « là một trận chiến đẫm máu với cả hai phía. Vì không có các đơn vị cơ giới, Wagner dùng chiến thuật biển người cố phá vỡ sự kháng cự của quân Ukraina nên đã gây tổn thất rất nhiều cho cả hai bên ».

 

Một quan chức quân sự của NATO được CNN trích dẫn trong tuần này cho biết phía Nga đã mất ít nhất 5 lính cho mỗi mạng lính Ukraina bảo vệ Bakhmout. Đánh giá này dựa trên những thông tin tình báo của các nước đồng minh.

 

Một thách thức biểu tượng ?

 

Theo các chuyên gia, thách thức được mất của trận chiến này chủ yếu mang tính tượng trưng. Thành phố có 7 chục nghìn dân này có lẽ không mang giá trị chiến lược về phương diện quân sự.

 

Tổng thống Volodymyr Zelensky khi tới Bakhmout tháng 12 năm ngoái đã thề sẽ bảo vệ thành phố pháo đài này « lâu nhất có thể được ».

 

Nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, giáo sư Đại học Sorbonne Paris, ông Gullaume Lasconjarias nhận định : « Có khía cạnh tượng trưng cho cả hai phía, chiếm và giữ Bakhmout, thành phố tử vì đạo. Hai bên sẵn sàng hy sinh cho dù vẫn còn thắc mắc về tác dụng chiến lược của thành phố ».

 

Theo chuyên gia Guillaume Lasconjarias, « bên này và bên kia đều thấy cần thiết có được hiệu quả ». Chẳng hạn đối với Ukraina, đó là « để duy trì sự ủng hộ liên tục của dư luận trong nước và dư luận phương Tây, để chứng minh vũ khí phương Tây đang giúp cho họ tạo sự khác biệt, nhưng thành phố này chỉ đứng vững nhờ tinh thần quả cảm và sức kháng cự của binh sĩ Ukraina. Đó chính là thông điệp của Volodymyr Zelensky ».

 

Trong tuần qua khi rộ lên tin đồn rút quân, tổng thống Zelensky hôm 06/03 đã ra lệnh cho quân đội Ukraina tăng cường phòng thủ thành phố. Viện nghiên cứu chiến tranh mới đây đã ghi nhận rằng việc phòng thủ Bakhmout thực tế vẫn mang tính chiến lược ở chỗ nó tiếp tục làm hao mòn quân số và trang bị của Nga.  

 

Bakhmout, cuộc chiến của Prigojine

 

Với phía Nga đó là cần một chiến thắng, bất kể giá nào, trong khi mà trận chiến đã phơi ra những căng thẳng giữa quân đội Nga và chủ nhân công ty Wagner. Evguéni Prigojine đã nhiều lần chỉ trích các cấp chỉ huy quân đội Nga không chịu cung cấp đủ đạn dược cho quân của ông ta. Phải chăng đây là một chiến lược được Kremlin điều khiển nhằm giữ khoảng cách và ngăn cản các kế hoạch của thủ lĩnh một lực lượng dân quân đã phát triển quá rộng ?

 

« Bakhmout là cuộc chiến của Prigojine, muốn chứng minh mình làm tốt hơn quân đội Nga, vốn không có được chiến thắng nào từ mùa hè », theo giải thích của tướng Pháp Dominique Trinquand.

 

Chuyên gia Scott Lucas nhận thấy: “ Bên ngoài, đó sẽ là một chiến thắng, nhưng là sau khi đã đầu tư các nguồn tài lực và nhân lực cực lớn vào một thành phố không thực sự mang tính chiến lược cho giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột. Chiếm được thành phố sẽ chỉ mang tính biểu tượng với họ, bởi từ tháng 7 năm ngoái, Nga không có được chiến thắng đáng kể nào. Họ thậm chí còn mất cả đất sau các cuộc phản công của Ukraina trong vùng phía nam và đông ».

 

Scott Lucas nhấn mạnh, « quân Nga muốn có một chiến thắng bằng mọi giá dịp kỷ niệm năm cuộc xâm lược hôm 24/02 vừa qua. Chiến thắng đó đáng ra phải là Bakhmout, nhưng điều đó đã không hề  xảy ra ».

 

Bakhmout thất thủ sẽ có hậu quả gì ?

 

Theo tổng thống Volodymyr Zelensky, Bakhmout thất thủ sẽ mở ra cho quân Nga « con đường tự do » trong vùng miền Đông Ukraina. Sau Bakhmout, quân Nga « có thể đi xa hơn. Họ có thể tiến tới Kramatork, Sloviansk, con đường sẽ rộng mở với họ về hướng các thành phố khác của Ukraina ».  Ông Zelensky đã cảnh báo như vậy khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ CNN hôm 08/03. Nhưng đó là một viễn cảnh mà dường như Ukraina đã chuẩn bị.

 

Cố vấn thân cận nhất của tổng thống Ukraina, Mykhailo Podoliak, hôm 06/03 đã tuyên bố rằng « quân đội đã nhất trí cần thiết tiếp tục bảo vệ thành phố và làm tiêu hao quân địch, đồng thời xây dựng tuyến phòng thủ mới phòng khi tình hình thay đổi ».

 

Mykhaïlo Podoliak thậm chí còn khẳng định đã « đạt mục tiêu phòng thủ Bakhmout », tức là làm tiêu hao sinh lực quân Nga, đồng thời tạo điều kiện để quân đội Ukraina có thời gian huấn luyện « hàng chục nghìn binh sĩ chuẩn bị cho phản công ». Đây cũng là cách nói để giảm nhẹ cho khả năng quân Ukraina có thể sẽ rút lui chiến thuật có giới hạn trong những ngày tới.

 

(Theo france24.com)





No comments:

Post a Comment

View My Stats