Sunday, 19 March 2023

THỎA THUẬN IRAN - SAUDI ARABIA GIÚP TRUNG QUỐC TĂNG ẢNH HƯỞNG Ở TRUNG ĐÔNG (theo SCMP)

 



Thỏa thuận giúp Trung Quốc tăng ảnh hưởng ở Trung Đông

Vũ Hoàng (Theo SCMP)

Thứ sáu, 17/3/2023, 05:00 (GMT+7)

 https://vnexpress.net/thoa-thuan-giup-trung-quoc-tang-anh-huong-o-trung-dong-4580253.html

 

Việc Trung Quốc đứng ra làm trung gian cho IranArab Saudi nối lại quan hệ cho thấy ảnh hưởng ngày càng rõ nét của Bắc Kinh ở Trung Đông.

 

Sau hơn 4 thập kỷ đối đầu do những chia rẽ sâu sắc về chính trị, tôn giáo, Arab Saudi và Iran cuối tuần trước thống nhất khôi phục quan hệ ngoại giao và mở lại đại sứ quán của nhau theo thỏa thuận được ký kết tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

 

Theo giới quan sát, sự kiện mang tính bước ngoặt này một lần nữa nhấn mạnh vai trò cũng như tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Đông, vào thời điểm dấu ấn Mỹ ngày càng mờ nhạt tại khu vực.

 

https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/03/14/5563187178137267690a-TQ-Iran-A-1856-7772-1678765544.jpg?w=1020&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Y7iVoSO1VO9BTMGqTbDP3A

Đại diện Arab Saudi (trái), Trung Quốc (giữa) và Iran trong lễ ký thỏa thuận tại Bắc Kinh ngày 10/3. Ảnh: Reuters.

 

Dù Bắc Kinh đã không ngừng tăng cường ảnh hưởng ở Trung Đông trong thập niên qua, giới ngoại giao vẫn bất ngờ trước thông tin về 4 ngày hội đàm giữa Trung Quốc và đại diện hai nước giúp dẫn tới thỏa thuận khôi phục quan hệ.

 

"Việc Bắc Kinh làm trung gian cho nỗ lực thiết lập lại quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia là một bước phát triển đáng hoan nghênh nhưng cũng gây bất ngờ", John Calabrese, giám đốc dự án Trung Đông - châu Á thuộc Viện nghiên cứu Trung Đông, trụ sở tại Mỹ, nhận xét. "Rạn nứt giữa Riyadh và Tehran từng được cho là thách thức khó giải quyết nhất đối với Bắc Kinh. Quan trọng hơn cả, nó còn cản trở đà mở rộng kinh tế và tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Vùng Vịnh".

 

Các cuộc đàm phán được các bên tiến hành bí mật, cho đến khi một tuyên bố được đưa ra hôm 10/3. Đại diện ba bên tham gia đàm phán gồm có Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani, Cố vấn An ninh Quốc gia Arab Saudi Musaed bin Mohammed al-Aiban và nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị. Tehran và Riyadh cũng cảm ơn chính phủ Trung Quốc đã tổ chức tiến trình này.

 

Iran, nơi có đông người Hồi giáo dòng Shiite sinh sống, và Arab Saudi, nơi nhánh Hồi giáo dòng Sunni chiếm ưu thế, đã bất hòa trong nhiều năm.

 

Quan hệ hai nước bắt đầu căng thẳng từ năm 1979, khi các giáo sĩ dòng Shiite lật đổ triều đại Pahlavi trong Cách mạng Hồi giáo Iran. Riyadh lo sợ cuộc cách mạng sẽ lan rộng và Tehran có thể tạo ảnh hưởng lớn hơn ở Trung Đông. Hai quốc gia cũng không có cùng quan điểm trong các cuộc xung đột khác tại khu vực như nội chiến Syria, Yemen.

 

Arab Saudi năm 2016 xử tử giáo sĩ dòng Shiite Nimr al-Nimr, châm ngòi cho làn sóng biểu tình của các tín đồ Hồi giáo tại Iran. Sau khi người biểu tình Iran tấn công cơ quan đại diện ngoại giao của Arab Saudi, hai nước cắt quan hệ ngoại giao.

 

Tuvia Gering, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Israel - Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia, trụ sở tại Tel Aviv, nhận định xung đột kéo dài giữa Iran và Arab Saudi chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Trung Quốc, vì thế làm trung gian cho thỏa thuận khôi phục quan hệ giữa hai nước rõ ràng là một bước đi đúng đắn.

 

Fan Hongda, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Trung Đông thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, nhận định việc đưa hai "kình địch" Arab Saudi và Iran ngồi vào bàn đàm phán thành công là điều không phải nước nào cũng có thể làm được. Nga, Oman và Iraq từng nỗ lực làm cầu nối cho hai bên nhưng đều không thành công.

 

"Một lý do khiến Trung Quốc có thể đạt kết quả, trong khi các bên khác thất bại là bởi họ nắm trong tay nhiều đòn bẩy hơn", chuyên gia Gering nói.

 

Theo ông, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của cả Arab Saudi và Iran, nên có rất nhiều lợi ích để cho đi hoặc giữ lại. "Chúng ta không biết Trung Quốc đã đưa ra những gì cho mỗi bên để thúc đẩy thỏa thuận, nhưng họ chắc chắn có thứ mà cả hai nước đều cần", Gering đánh giá.

 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 11/3 cho hay thỏa thuận Iran - Arab Saudi là minh chứng rõ nét nhất cho nỗ lực giải quyết xung đột thông qua ngoại giao. Nó cũng mang đến lợi ích cho các quốc gia khi họ "loại bỏ can thiệp từ bên ngoài và tự nắm lấy vận mệnh của mình".

 

"Trung Quốc phản đối cạnh tranh địa chính trị ở Trung Đông, sẽ không tìm cách lấp đầy 'khoảng trống quyền lực' và phân chia bè phái tại khu vực", thông báo từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc có đoạn.

 

Giáo sư Fan Hongda cho rằng khi thúc đẩy thành công nỗ lực hòa giải giữa Arab Saudi và Iran, Trung Quốc có thể nhận được nhiều kỳ vọng hơn trong giải quyết những vấn đề khó khăn tại Trung Đông.

 

Theo Nadeem Ahmed Moonakal, học giả tại một viện nghiên cứu quốc tế về Iran ở thủ đô Riyadh, Arab Saudi, Tehran năm qua đã phải đối mặt với tình trạng bị cô lập về ngoại giao sau khi phong trào biểu tình chống chính phủ bùng phát. Mặt khác, bế tắc trong quá trình đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Mỹ đã làm tiêu tan hy vọng các biện pháp trừng phạt kinh tế được gỡ bỏ với họ.

 

"Giữa bối cảnh địa chính trị toàn cầu thay đổi, Trung Quốc có vị trí đặc biệt trong khu vực và Bắc Kinh có chung lợi ích với Arab Saudi lẫn Iran. Trung Quốc đã mở rộng đáng kể hiện diện ở Trung Đông bằng cách tăng cường hợp tác với các cường quốc khu vực", Moonakal cho biết.

 

Theo học giả này, thỏa thuận Iran - Arab Saudi là một bước tiến quan trọng và sẽ được nhìn nhận như một chiến thắng ngoại giao lớn của Trung Quốc. "Điều này đặc biệt phản ánh ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao không ngừng gia tăng của Bắc Kinh ở Trung Đông", ông nói.

 

Zhu Feng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, nhận định việc Trung Quốc thúc đẩy thỏa thuận giữa Arab Saudi và Iran không chỉ tốt cho Trung Đông, mà còn có lợi cho Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, nỗ lực thúc đẩy thương mại thông qua phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu.

 

"Nhưng Washington chắc chắn sẽ coi bước đi này là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang muốn leo thang cạnh tranh địa chính trị với Mỹ tại Trung Đông", ông lưu ý thêm.

 

Phát biểu khép lại các phiên đàm phán, ông Vương Nghị cho biết thỏa thuận là một "thắng lợi của đối thoại và hòa bình", cho thấy "khủng hoảng Ukraine không phải vấn đề duy nhất mà thế giới đang phải đối mặt".

 

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby trong khi đó bác bỏ ý kiến cho rằng Mỹ đang rút lui khỏi Trung Đông, đồng thời bày tỏ hoài nghi về mức độ bền vững của thỏa thuận do Bắc Kinh làm trung gian.

 

Theo giới phân tích, còn quá sớm để đánh giá tác động từ thỏa thuận đối với Trung Quốc tại khu vực. Riyadh được cho là đã yêu cầu Washington đảm bảo an ninh và hỗ trợ chương trình hạt nhân dân sự của mình, trong khi Mỹ đang tìm cách làm trung gian cho tiến trình thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Arab Saudi và Israel.

 

"Bước đột phá vừa qua chắc chắn là mới lạ, nhưng nó không phải thỏa thuận Trại David", Gering nói, đề cập đến các cuộc đàm phán năm 1978 đã thiết lập khuôn khổ cho một hiệp ước hòa bình lịch sử giữa Israel và Ai Cập.

 

"Trung Quốc sẽ làm gì nếu mọi thứ diễn biến theo hướng tồi tệ hơn và một cuộc xung đột nổ ra?", ông đặt câu hỏi. "Bài kiểm tra thực sự đối với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực sẽ là liệu họ có thể nhận trách nhiệm với những thất bại, giống như thành công ngày hôm nay hay không?".

 

=============================

 

Trung Quốc giúp Arab Saudi, Iran khôi phục quan hệ

Arab Saudi cùng Iran cho biết Trung Quốc tổ chức và ủng hộ các cuộc đàm phán khôi phục quan hệ giữa hai quốc gia Trung Đông.

.

Trung Quốc nói không toan tính khi giúp Iran, Arab Saudi khôi phục quan hệ

Trung Quốc tuyên bố không cố gắng lấp chỗ trống nào ở Trung Đông hay có toan tính ngầm khi giúp Iran và Arab Saudi khôi phục quan hệ.

.

Nguy cơ khi Mỹ - Trung đóng băng đối thoại

Đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc gần như đóng băng, khiến hai nước ngày càng xa rời, làm tăng nguy cơ xung đột bất ngờ biến thành khủng hoảng.

 

Vũ Hoàng (Theo SCMP)





No comments:

Post a Comment

View My Stats