Wednesday, 22 March 2023

THẾ GIỚI HÔM NAY : 22/03/2023 (The Economist)

 


THẾ GIỚI HÔM NAY : 22/03/2023

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

22/03/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/03/22/the-gioi-hom-nay-22-03-2023/

 

Khép lại hai ngày hội đàm song phương, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã cam kết tăng cường hợp tác kinh tế. Ông Putin cho biết hai vị lãnh đạo đã thảo luận về kế hoạch chấm dứt chiến tranh Ukraine của Trung Quốc, vốn bị phương Tây chỉ trích. Ông cũng tuyên bố hai bên sắp hoàn tất thỏa thuận về đường ống Power of Siberia 2, vốn sẽ chuyển hướng xuất khẩu khí đốt của Nga từ châu Âu sang Trung Quốc.

 

Bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen nói hệ thống ngân hàng Mỹ đang dần ổn định, nhưng chính phủ sẽ tăng hỗ trợ cho các ngân hàng nhỏ nếu cần thiết. Tuyên bố của bà giúp cho cổ phiếu của một số ngân hàng tầm trung tăng, bao gồm cả cổ phiếu của First Republic, một ngân hàng cỡ trung đang gặp khó khăn. Trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng châu Âu tăng trong đầu phiên giao dịch nhờ tin UBS mua lại Credit Suisse.

 

Doanh số nhà bán lại ở Mỹ tăng 14,5% trong tháng 2 so với tháng 1 khi giá nhà trung vị theo năm giảm lần đầu tiên sau gần 11 năm. Đây là lần tăng đầu tiên trong 12 tháng khi lãi suất thế chấp bắt đầu hạ nhiệt. Lãi suất thế chấp có lãi cố định 30 năm từng vượt quá 7% hồi cuối tháng 10; nhưng giảm còn khoảng 6% vào tại thời điểm đầu tháng 2.

 

Google ra mắt AI chatbot mang tên Bard ở Anh và Mỹ. Sản phẩm này được xem là đối thủ cho ChatGPT đang rất thành công của OpenAI. Nó sẽ có quyền truy cập vào các thông tin mới nhất trên internet, dù được chạy riêng biệt với công cụ tìm kiếm Google. Tháng trước Bard đã mắc lỗi trong bản thử nghiệm công khai đầu tiên, khiến cổ phiếu Alphabet giảm.

 

Quốc hội Uganda thông qua luật tử hình đối với người nhiễm HIV có quan hệ tình dục đồng giới. Nếu Tổng thống Yoweri Museveni ký thông qua — một điều ông đã hứa — Uganda sẽ trở thành nước có luật chống đồng tính hà khắc nhất ở Châu Phi. Một dự luật hà khắc tương tự hồi năm 2014 đã bị hủy bỏ tại tòa trong khi một số nhà tài trợ phương Tây đóng băng viện trợ.

 

Người Pháp tiếp tục biểu tình phản đối quyết định bỏ qua quốc hội để thông qua cải cách lương hưu gây tranh cãi của tổng thống Emmanuel Macron; với 287 người đã bị bắt. Dù chỉ sống sót trong gang tấc sau hai cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hôm thứ Hai, ông Macron đã nói với các bộ trưởng là ông sẽ không giải tán quốc hội hay tổ chức trưng cầu dân ý về cải cách lương hưu. Tỷ lệ tín nhiệm của ông đã giảm xuống chỉ còn 28%, thấp nhất kể từ năm 2019.

 

Peter Obi, ứng viên bên thứ ba thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống Nigeria hồi tháng trước, đã đệ đơn lên tòa vì cho rằng cuộc bầu cử có sai sót. Thăm dò ý kiến đều cho thấy ông Obi dẫn trước trong cuộc đua, nhưng rồi ông bị đánh bại bởi Bola Tinubu, ứng viên của đảng cầm quyền đương nhiệm. Các thách thức pháp lý kiểu này khá phổ biến ở Nigeria, nhưng Tòa Tối cao chưa từng hủy bỏ kết quả của một cuộc bầu cử nào.

 

Con số trong ngày: 2.500, là số lính Mỹ vẫn còn ở Iraq ngày nay.

 

TIÊU ĐIỂM

 

Chính sách tiền tệ của Mỹ trở nên phức tạp

Điều kiện tài chính khó khăn đang đặt Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan, nhất là khi ngân hàng này phải quyết định tăng lãi suất hay không vào thứ Tư. Trước khi hỗn loạn bùng nổ sau vụ sụp đổ hồi đầu tháng của Silicon Valley Bank, thị trường đều dự đoán Fed sẽ lần thứ chín liên tiếp tăng lãi suất. Đã có tiếng nói kêu gọi tăng mạnh lãi suất vì lạm phát dai dẳng đáng lo ngại. Nhưng giờ đây thị trường không rõ liệu Fed có tăng hay không.

 

Lãi suất cao là nguyên nhân gây ra hỗn loạn tài chính, do đó tiếp tục tăng sẽ có thể làm suy yếu thêm các ngân hàng đang gặp khó khăn. Hơn nữa, bản thân bất ổn tài chính là một lực cản cho nền kinh tế, đồng nghĩa Fed sẽ tiến gần hơn đến kiềm chế lạm phát. Nhưng bản thân Fed lại đang tung ra các gói cho vay đặc biệt để giúp ổn định ngành ngân hàng. Làm vậy có thể tạo cho họ không gian để tiếp tục chống lạm phát khi tin rằng sự hoảng loạn trong ngành ngân hàng đã qua.

 

Tencent ghi nhận một quý thành công

Đầu tháng này, người sáng lập Pony Ma của Tencent, gã khổng lồ game và truyền thông xã hội của Trung Quốc, đã bị loại khỏi danh sách các đại biểu tham dự cuộc họp chính trị lớn hàng năm của đất nước. Dù bản thân đã phục vụ hai nhiệm kỳ 5 năm trong Nhân Đại, việc ông bị gạch tên là một dấu hiệu nữa cho thấy các ông chủ công nghệ ở Trung Quốc đã mất đi vị thế trước đây sau cuộc đàn áp kéo dài hai năm lên ngành công nghiệp internet.

 

Nhưng giới đầu tư có thể không quá bận tâm. Giá cổ phiếu Tencent đã tăng kể từ tháng 10 năm ngoái. Sau một thời gian dài chờ đợi, một số tựa game của họ đã được các cơ quan quản lý Trung Quốc cấp phép. Chi tiêu tiêu dùng tăng cũng giúp tăng khối lượng giao địch đi qua công cụ thanh toán của Tencent. Tất cả điều này sẽ được phản ánh trong báo cáo thu nhập quý cuối năm 2022, được công bố vào thứ Tư. Sau hai quý liên tiếp giảm so với cùng kỳ năm trước, các nhà phân tích đang kỳ vọng doanh thu tăng nhẹ. Dự báo cho năm 2023 thậm chí còn lạc quan hơn. Đối với ông Ma, bấy nhiêu là đủ bù đắp cho bất kỳ sự mất mặt chính trị nào.

 

Thuỵ Điển bỏ phiếu về việc gia nhập NATO

Vào thứ Tư, quốc hội Thụy Điển sẽ bỏ phiếu về đơn xin gia nhập NATO của nước này. Dự luật chắc chắn sẽ được thông qua khi mọi đảng chính đều ủng hộ. Nhưng tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO có quyền phủ quyết, đang cản trở Thụy Điển (dù ông không còn phản đối Phần Lan, nước cũng đang xem xét gia nhập liên minh). Ông Erdogan muốn Thụy Điển trục xuất hơn 100 người mà ông gọi là “khủng bố,” chủ yếu là người Kurd bị ông xem là ủng hộ phong trào ly khai. Và ông muốn nước này cấm đốt kinh Koran, nhất là sau vụ một nghị sĩ Đan Mạch cực hữu đốt sách thánh của Hồi giáo ở Stockholm, thủ đô Thụy Điển, hồi tháng 1.

 

Ông Erdogan đứng trước một cuộc bầu cử vào ngày 14 tháng 5 – một số người cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lùi bước sau đó (bất kể ai thắng). Ở Thụy Điển, dù thái độ ủng hộ gia nhập NATO là rất mạnh mẽ, hầu hết người dân phản đối việc hạn chế quyền tự do ngôn luận như ông Erdogan yêu cầu. Một số người còn cho rằng chiếc vé vào NATO là không đáng để phải cúi đầu làm hài lòng ông, đồng thời cảm thấy bị Phần Lan bỏ rơi khi nước này bất chấp gia nhập mà không có họ.

 

Boris Johnson bị chất vấn trước nghị viện Anh

Vào thứ Tư tuần này, cựu thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ xuất hiện trước Ủy ban Đặc quyền của Hạ viện để trả lời các cáo buộc về tội nói dối Quốc hội. Tất cả các vi phạm đều liên quan đến chuỗi các bữa tiệc diễn ra ở Phố Downing trong giai đoạn phong tỏa covid-19. Ông Johnson thừa nhận có tổ chức tiệc, và rằng ông đã sai khi nói với Quốc hội là không có quy tắc nào bị vi phạm. Nhưng ông khẳng định không “cố ý hay liều lĩnh đánh lừa” Quốc hội vì đó là điều ông “thực sự biết và tin tưởng vào thời điểm đó,” theo bằng chứng văn bản.

Nếu bị kết tội, ông Johnson có thể bị đình chỉ tư cách nghị sĩ — điều có thể kích hoạt một cuộc bầu cử phụ, qua đó loại ông khỏi Hạ viện. Đó sẽ là một kết thúc đầy kịch tính cho một trong những sự nghiệp nghị viện đầy sóng gió và khó đoán nhất trong lịch sử nước Anh.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats