Monday, 27 March 2023

THẾ GIỚI BÊN BỜ VỰC THẢM HỌA NGUYÊN TỬ (Hiếu Chân / Saigon Nhỏ)

 



Thế giới bên bờ vực thảm họa nguyên tử

Hiếu Chân  -  Saigon Nhỏ

26 tháng 3, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/the-gioi-ben-bo-vuc-tham-hoa-nguyen-tu/

 

Nga sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo hôm thứ Bảy 25 tháng Ba 2023. Tháng trước, Putin cũng đã tuyên bố đơn phương đình chỉ hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân New-START ký kết giữa Nga và Mỹ năm 2010, có hiệu lực đến tháng Hai 2026. Những hành động quyết đoán của Moscow đang đẩy thế giới tới một thảm họa chiến tranh nguyên tử mà hậu quả là một sự hủy diệt khủng khiếp.

 

Belarus là một “chư hầu” của Nga giáp biên giới phía Bắc của Ukraine và từng được Putin sử dụng làm nơi tập trung quân đội và vũ khí để mở cuộc tấn công vào lãnh thổ Ukraine trong những ngày đầu cuộc chiến. Belarus cũng có chung đường biên giới với ba nước thành viên NATO là Lithuania, Latvia và Ba Lan. Việc Nga bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, lần đầu tiên kể từ năm 1996, được cho là một phản ứng đe dọa không chỉ với Ukraine mà cả với NATO nói chung.

 

Ông Putin cho biết, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã nhiều lần yêu cầu Nga đưa vũ khí nguyên tử chiến thuật tới nước ông để đối phó NATO. Ông Putin chỉ đưa ra quyết định nói trên sau khi ký kết một thỏa thuận với Lukashenko trong tuần qua. Cũng theo ông Putin, Nga sẽ xây dựng xong căn cứ chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus chậm nhất vào tháng Bảy 2023 và quyền kiểm soát các vũ khí này vẫn thuộc về quân đội Nga.

 

Vẫn chưa rõ vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ được bố trí ở đâu trên đất Belarus, nhưng giới quan sát đều cho rằng Nga sẽ đặt gần biên giới Belarus với Lithuania và Ba Lan, hoặc ở Kaliningrad – vùng lãnh thổ hải ngoại của Nga trên bờ biển Baltic.

 

Vũ khí hạt nhân chiến thuật (tactical nuclear weapons – TNW) được cho là những loại vũ khí hạt nhân dùng cho một mục tiêu đặc biệt trên chiến trường thay vì để hủy diệt toàn bộ một thành phố của đối phương. TNW kích thước nhỏ, sức công phá từ 1 đến 150 kiloton (quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima năm 1945 có sức công phá 15 kiloton), có thể được gắn vào đầu các hỏa tiễn, thủy lôi, được phóng đi từ mặt đất, từ tàu ngầm, thả từ phi cơ hay chỉ đơn giản là đặt nó tại một địa điểm nào đó rồi kích nổ từ xa. 

 

Nga có ưu thế tuyệt đối về số lượng TNW; Hoa Kỳ tin rằng Nga hiện có khoảng 2,000 TNW, gấp 10 lần Mỹ và các đồng minh phương Tây. Khi Liên Xô tan rã năm 1991, kho vũ khí hạt nhân của nước này có khoảng 22,000 TNW trong khi Mỹ có khoảng 11,500 TNW. Sau đó, Mỹ đã nỗ lực vận động chuyển toàn bộ số TNW mà Liên Xô bố trí tại các nước Ukraine, Belarus và Kazakhstan về Nga, đồng thời ký hiệp định giải trừ quân bị với Nga. Tại hội nghị Budapest (Hungary) năm 1994, Ukraine đồng ý chuyển giao cho Nga toàn bộ vũ khí hạt nhân đổi lấy việc các cường quốc, kể cả Nga, cam kết bảo đảm an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Đến nay, phần lớn số vũ khí hạt nhân đó đã được phá hủy hoặc chờ phá hủy.

 

Bằng việc chiếm bán đảo Crimea năm 2014 và phát động chiến tranh xâm lược năm 2022, Putin đã phản bội cam kết với Ukraine trong hiệp ước Budapest 1994. Thêm nữa, lợi dụng ưu thế về số lượng TNW, từ đầu cuộc chiến cách đây 13 tháng, Nga – đặc biệt là ông Dmitry Medvedev, cựu tổng thống và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga – đã thường xuyên đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến Ukraine. Nhưng với quyết định bố trí đầu đạn hạt nhân chiến thuật ở Belarus, Nga đang từng bước biến lời đe dọa đó thành sự thật. Trước mắt việc bố trí TNW ở Belarus  của Putin đang gửi một thông điệp cảnh cáo đến Hoa Kỳ và NATO do các nước này tiếp tục hỗ trợ quân sự cho cuộc kháng chiến của Ukraine

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/GettyImages-1245734825.jpg

TT Nga Vladimir Putin (trái) và TT Belarus Alexander Lukashenko hồi tháng 12 năm ngoái khi Putin đến thăm Minsk. Nga và Belarus đã ký thỏa thuận để Nga bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus nhằm răn đe NATO và Ukraine. Ảnh Contributor/Getty Images

 

Khi tuyên bố tái bố trí vũ khí hạt nhân ở Belarus, Putin nói rằng Nga phản ứng với tuyên bố của Vương quốc Anh sẽ cung cấp cho Ukraine loại đạn pháo có chất uranium làm nghèo – loại đạn có khả năng xuyên thủng vỏ giáp sắt của xe tăng đối phương. Putin nói rằng, bằng đạn pháo có uranium Ukraine và NATO đã dùng “vũ khí nguyên tử” mà Nga phải trả đũa. Lập luận này không đúng bởi vì đạn pháo có uranium nghèo, được phóng đi bằng chất nổ thông thường, được coi là vũ khí quy ước (conventional weapon) mà quân đội nhiều nước, kể cả Nga và Mỹ, đã trang bị, không thể đánh đồng với TNW là vũ khí hạt nhân thật sự. 

 

Hành động của Nga cũng được Putin giải thích là một phản ứng đối với chiến lược răn đe hạt nhân của Hoa Kỳ. Trong số 200 TNW của Mỹ, một số hiện được bố trí tại sáu căn cứ quân sự Mỹ ở Ý, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ và Hà Lan, không chỉ phòng vệ sự tấn công của Nga mà còn răn đe các nhà nước cực đoan và các tổ chức khủng bố ở Bắc Phi và Trung Đông.

 

Luật quốc tế cấm một cường quốc hạt nhân xuất cảng vũ khí hạt nhân hoặc công nghệ chế tạo vũ khí hạt nhân cho các nước chưa sở hữu loại vũ khí này nhưng không cấm việc bố trí các loại vũ khí đó bên ngoài lãnh thổ của mình chừng nào vẫn giữ quyền kiểm soát các vũ khí đó. Như vậy, hành động bố trí TNW của Mỹ ở châu Âu và của Nga ở Belarus không vi phạm hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu (The Treaty on the Non-Proliferation of Nuclear Weapons) mà cả Nga và Mỹ đều đã ký kết.

 

Tuy nhiên, sự khác nhau nằm ở chỗ Mỹ vẫn đang là cường quốc số một, không bị một thế lực quân sự nào đe dọa và do đó không có lý do để sử dụng vũ khí hạt nhân. Các nhà lãnh đạo Mỹ cũng chưa bao giờ tuyên bố vũ khí hạt nhân là lựa chọn cuối cùng họ trong bất kỳ cuộc xung đột nào. 

 

Trong khi đó Nga hiện sa lầy trong cuộc chiến tranh phi nghĩa chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước láng giềng Ukraine và các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Nga như Medvedev, Putin, liên tục đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân để lật ngược tình thế nếu quân Nga thảm bại trên chiến trường. Ông Medvedev còn dọa bắn hỏa tiễn siêu thanh vào trụ sở Tòa Hình sự quốc tế (ICC) tại The Hague, Hoà Lan và tấn công hạt nhân bất cứ nước nào bắt giữ ông Putin theo lệnh của tòa ICC. Nga cũng đã nhiều lần dọa dùng vũ khí hạt nhân để xóa sổ nước Anh vì sự ủng hộ mạnh mẽ mà London dành cho Kyiv trong cuộc chiến.

 

Sau 13 tháng chiến tranh với tổn thất vô cùng lớn cả về binh lính lẫn vũ khí, Nga đang lâm vào tình thế bi đát. Giới phân tích dự báo khi mùa xuân đến, thời tiết tốt hơn và nhận được các loại vũ khí tân tiến của Phương Tây, quân Ukraine sẽ tổ chức phản công đuổi quân Nga ra khỏi bờ cõi, giành lại những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Nếu như vậy, thất bại trên chiến trường Ukraine có thể châm ngòi cho những sự thay đổi chính trị lớn ở Moscow và số phận của Vladimir Putin cùng bộ sậu thân cận của ông ta sẽ gặp nguy hiểm. Tình huống đó có thể là yếu tố thúc đẩy nhà độc tài Nga bấm nút khởi động chiến tranh nguyên tử, lôi kéo Mỹ và NATO vào cuộc hủy diệt kiểu “Trạng chết chúa cũng băng hà”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/03/GettyImages-1288028761.jpg

Một người cầu nguyện trước đài tưởng niệm nạn nhân của quả bom nguyên tử đầu tiên ở Hiroshima, Nhật Bản. Ảnh Tom McShane/Loop Images/Universal Images Group via Getty Images

 

Đáp lại bước leo thang hạt nhân của Putin, hôm Chủ Nhật 26 tháng Ba, tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng những phát ngôn về vũ khí hạt nhân chiến thuật của ông Putin là “nguy hiểm và vô trách nhiệm”. Phát ngôn viên của NATO Oana Lungescu nói nhận định của Putin về chiến lược vũ khí hạt nhân của khối này là sai lạc. “Các đồng minh NATO hành động với sự tôn trọng đầy đủ các cam kết quốc tế của họ. Nga đã liên tục phá vỡ các cam kết kiểm soát vũ khí của mình, gần đây nhất là đình chỉ tham gia Hiệp ước START mới”, Lungescu nói với hãng tin Reuters.

 

Đến nay NATO và Hoa Kỳ đều cho rằng chưa thấy có sự thay đổi nào trong bố trí và điều động vũ khí hạt nhân của Nga. Một quan chức quân sự cao cấp của Mỹ cho biết: “Chúng tôi chưa thấy có bất cứ lý do nào để điều chỉnh tư thế hạt nhân chiến lược của mình, cũng chưa có dấu hiệu Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi vẫn duy trì cam kết phòng vệ tập thể của NATO”.

 

Tuy vậy rất khó đoán trước hành động của Putin và tình thế thay đổi rất nhanh khiến cho mọi dự báo đều khó phản ánh đúng thực tế. Bóng ma một cuộc đối đầu nguyên tử giữa Nga và Phương Tây, nguy cơ nền văn minh nhân loại bị hủy diệt bởi vũ khí hạt nhân chưa bao giờ hiển hiện rõ ràng như hiện nay. “Trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine, nguy cơ hiểu lầm, tính sai là hết sức cao. Chia sẻ vũ khí hạt nhân làm cho tình hình thêm tồi tệ và có thể dẫn tới hậu quả thảm khốc cho nhân loại”, Chiến dịch Quốc tế Bãi bỏ Vũ khí Hạt nhân (The International Campaign to Abolish Nuclear Weapons) cảnh báo.

 

-------------

Đọc thêm:

 

Bế tắc cùng quẫn, Putin sẽ điên cuồng xài vũ khí hạt nhân?

 

Putin sẽ xài vũ khí hạt nhân?

 

Ukraine cảnh báo Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân






No comments:

Post a Comment

View My Stats