Friday, 17 March 2023

MÙA THU VIỆT NAM BUỒN LẮM EM ƠI! (Trần Củng Sơn)

 



Mùa thu Việt Nam buồn lắm em ơi!  

Trần Củng Sơn

March 11, 2023

https://www.baocalitoday.com/cong-dong/mua-thu-viet-nam-buon-lam-em-oi.html

 

Ca khúc Tình Bơ Vơ của nhạc sĩ Lam Phương viết mấy chục năm xưa, thuộc dòng nhạc Sài Gòn trước tháng 4 năm 1975, nghe hoài vẫn thích. Bài hát Âm thể Rê Trưởng rồi đoạn giữa chuyển sang Âm thể Rê Thứ (Anh đâu ngờ có ngày đàn đứt giây tơ… cuối cùng là tình bơ vơ ), làm cho nét nhạc thêm phong phú.

 

Mở đầu lời ca như sau “ Càng nhìn em, yêu em hơn và yêu em mãi. Dù phút êm đềm xa xưa nay đã đi vào quên lãng. Trời vào thu, Việt Nam buồn lắm em ơi, mây tím đang dâng cao vời mà tình yêu chưa lên ngôi.”

 

Nhiều năm trước khi nghe câu “ Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi” có người thắc mắc là tại sao dùng chữ Việt Nam ở đây trong một bản tình ca da diết. Mùa thu phong cảnh thơ mộng, thường làm cho người có tâm sự cảm giác buồn. Hình như hiếm có bài hát hay bài thơ nào tả mùa thu mà vui cả. Giả sử câu hát này đổi thành “ Trời vào thu chiều nay buồn lắm em ơi “ thì cũng bình thường thôi.

 

Bây giờ tìm hiểu thì đây là tâm sự của nhạc sĩ Lam Phương gởi cho danh ca Bạch Yến- năm đó nữ danh ca ra nước ngoài sinh sống mà chàng thì ở lại trong nước. Trong bài hát  có câu : “ để bước phong trần tha hương, em khóc cho đời viễn xứ. Về làm chi, rồi em lặng lẽ ra đi, gom góp yêu thương quê nhà, dâng hết cho người tình xa.”

 

Tác giả thầm trách người mình yêu về thăm quê nhà rồi lại ra đi nước ngoài sống đời viễn xứ.  Rõ ràng câu hát “ Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi “ nói lên tác giả đang ở Việt Nam mà nhớ người yêu ở nước ngoài. Hiểu rõ hoàn cảnh sáng tác và tâm sự tác giả thì mới thấm thía cái hay bài hát Tình Bơ Vơ của nhạc sĩ Lam Phương.

 

Mới đây ca sĩ Tuấn Ngọc trình diễn tại Sài Gòn, khi hát bản Tình Bơ Vơ thì đã sửa lời ca “ Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi “ thành “ Trời vào thu chiều nay buồn lắm em ơi “. Chuyện ca sĩ khi hát trình diễn trên sân khấu có khi quên lời, sai lời thường xảy ra. Nhưng lần này câu chuyện trở nên ầm ỷ và mang chất chính trị gây nên tranh luận trên trang mạng và báo chí.

 

Người Cộng Sản Việt Nam tự hào về cuộc đấu tranh gọi là cách mạng mùa thu 19-8-1945, để sau đó tuyên bố độc lập vào ngày 2-9 1945. Nhiều bài hát ra đời ca ngợi việc này. Cho nên họ rất kiêng kỵ những ai nói hoặc có tác phẩm thơ văn nhạc đụng chạm tới đề tài này.

 

Năm 2005 khi nhạc sĩ Phạm Duy trở về Việt Nam sống quãng đời còn lại thì có một số nhạc sĩ Việt Cộng viết bài chỉ trích ông , đưa ra bản Mùa Thu Chết để công kích tác giả, đại ý là bài hát này nói mùa thu cách mạng đã chết rồi. Và để phản biện thì có bài viết trả lời rằng đây chỉ là một bản tình ca của Phạm Duy, mà lời ca lấy từ bản dịch của thi sĩ Bùi Giáng từ nguyên tác bài thơ tiếng Pháp  L’Adieu của thi sĩ Guillaume Apollinaire:  “Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo. Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi. Chúng ta sẽ không tương phùng được nữa. Mộng trùng lai không có ở trên đời. Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi. Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó.”

 

Trong bài phản biện đó còn đưa ra thí dụ là bản Buồn Tàn Thu của nhạc sĩ Văn Cao tác giả bản quốc ca Tiến Quân Ca, mà sao không bị chỉ trích là chê bai mùa thu cách mạng.

 

 Thập niên 1980, 1990, 2000 khi tất cả các nhạc phẩm của dòng nhạc Sài Gòn sáng tác trước tháng 4 năm 1975 phải được Sở Thông Tin Văn Hóa duyệt xét và chấp thuận thì tại các buổi trình diễn người ta không giới thiệu tên tác giả thật và đôi khi đổi tên bài hát để tránh né công an. Thí dụ như bản Trong Ngục Tù Bao La của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm thì giới thiệu là nhạc Liên Xô, bản Mộng Dưới Hoa của Phạm Đình Chương thì giới thiệu một cái tên lạ hoắc.

 

Mấy tháng trước báo chí đăng tin trong một đêm nhạc ở tỉnh cao nguyên, bản Chiều Tây Đô của Lam Phương có ghi trong chương trình, phút cuối đã bị công an phát hiện và không cho hát bản này.  Bản Chiều Tây Đô được ưa thích có câu “ trẻ thơ lang thang vì cơn đói suốt bao ngày…bao năm giải phóng như thế này phải không anh”.

 

Bây giờ có ai lên sân khấu tại Việt Nam mà hát câu “ Việt Nam buồn lắm em ơi“ thì ban tuyên giáo Cộng Sản sẽ không hài lòng vì Việt Nam đang phát triển, đang vui tại sao nói Việt Nam buồn. Năm 2020 khi Hoa Kỳ đang bị đại dịch Covid 19 tấn công thì cựu chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố đại ý rằng nếu cây cột đèn biết đi thì sẽ bỏ Mỹ mà về Việt Nam. Không ngờ sang năm 2022 Việt Nam bị đại dịch Covid 19 làm cả nước hoảng loạn, cầu cứu lung tung.

 

 Mới đây tân chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là Võ Văn Thưởng trong diễn văn nhậm chức đã kiên định lấy chủ nghĩa Mác Lê Nin làm phương hướng cai trị đất nước thì chuyện một bài hát bị buộc phải sửa đổi lời ca cho hợp với tình hình chính trị là điều dĩ nhiên.

 

Cách hay nhất cho Tuấn Ngọc là không nên trình diễn bản Tình Bơ Vơ tại Việt Nam. Vì nếu hát Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi thì Việt Cộng không chịu. Hát Trời vào thu chiều nay buồn lắm em ơi thì nhạc sĩ Lam Phương buồn và không diễn tả đúng cái tâm sự, cái hay của ca khúc.  Và chuyện chỉ trích người hát lời ca không đúng nguyên tác đã xảy ra trên các mạng xã hội.

 

Cuối cùng thì bài học nào được rút ra trong chuyện này. Ca sĩ khi hát nên thận trọng, không nên hát sai lời của nhạc sĩ sáng tác. Nhà nước Cộng Sản Việt Nam còn độc tài, còn kiểm duyệt khắt khe quyền tự do ngôn luận và các tác phẩm văn học nghệ thuật.

 

Cuối cùng, xin cám ơn các trang mạng xã hội đã phát hiện những sai sót, cám ơn tinh thần tìm hiểu Chân Thiện Mỹ và sự đấu tranh cho một xã hội, một đất nước Việt Nam tự do dân chủ và phát triển hơn trong tương lai. Chứ bây giờ thì Việt Nam buồn lắm em ơi!

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats