Lý Khắc Cường cảnh báo ‘trời xanh nhìn thấu chuyện
trần gian’
Katsuji Nakazawa
- Nikkei Asia
Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2023/03/13/ly-khac-cuong-canh-bao-troi-xanh-nhin-thau-chuyen-tran-gian/
Đã có những sự kiện âm thầm diễn ra trong lúc Tập vô
hiệu hóa Quốc vụ viện để củng cố sức mạnh của đảng.
Ngay trước khi Quốc hội Trung Quốc bắt đầu
phiên họp thường niên vào Chủ nhật (05/03/2023), nhiều video về một sự kiện đã
được lan truyền chóng mặt.
Được quay bằng điện thoại thông minh, những
video này cho thấy Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lý Khắc Cường đang chào tạm biệt khoảng
800 quan chức cấp cao của chính phủ. Họ bao gồm những nhân vật quan trọng nhất
của Văn phòng Quốc vụ viện, cơ quan mà Lý đã lãnh đạo trong thập niên vừa qua.
Cho đến nay, Đài truyền hình trung ương Trung
Quốc do nhà nước điều hành vẫn chưa phát sóng – hay chính xác hơn là không thể
phát sóng – đoạn clip gây tranh cãi, trong đó Lý đưa ra nhận xét mà một số người
đã diễn giải là lời chỉ trích Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng bí thư Đảng Cộng sản
Trung Quốc (ĐCSTQ).
Dù một số video hiện đã bị gỡ xuống, nhưng rõ
ràng Lý đã nói những lời này: “Trời xanh nhìn thấu chuyện trần gian. Ông trời
có mắt.”
Những từ ngữ mạnh mẽ này cho thấy một niềm
tin. Về mặt kỹ thuật, nhận xét của Lý hướng đến các quan chức cấp cao trong Quốc
vụ viện, những người đã ủng hộ ông suốt nhiều năm. Ngay cả khi ánh đèn sân khấu
không chiếu vào các vị, thì ông trời vẫn đang dõi theo những công việc tuyệt vời
mà các vị đang làm. Hãy tiếp tục cống hiến dưới thời thủ tướng mới, đó chính là
thông điệp của ông.
Nhưng nhiều người trung thành với Lý có lẽ đã giật
mình trước câu nói của ông.
Trong các video ghi lại bằng điện thoại thông minh, người ta thấy Lý Khắc
Cường, thủ tướng sắp mãn nhiệm của Trung Quốc, chào tạm biệt 800 quan chức cấp
cao của chính phủ vào đầu tháng này và đưa ra một số lời chỉ trích ngầm. (Ảnh
chụp màn hình từ một blog tiếng Trung)
Trước tiên, cần phải hiểu về “cuộc chiến nam-bắc”
đã diễn ra trong 10 năm qua tại khu Trung Nam Hải của Bắc Kinh, nơi các quan chức
hàng đầu của Trung Quốc đặt văn phòng của họ.
Trung Nam Hải trước đây là một khu vườn thượng
uyển. “Vườn phía nam” là nơi đóng trụ sở của các tổ chức trung ương của ĐCSTQ
do Tập Cận Bình lãnh đạo, trong khi “vườn phía bắc” là nơi đặt các văn phòng
chính của Quốc vụ viện, tức chính phủ Trung Quốc, đã từng nằm dưới quyền kiểm
soát của Lý Khắc Cường.
Quan hệ giữa hai bên vẫn tương đối cân bằng,
nhưng kể từ khi Tập lên nắm quyền vào năm 2012, vườn nam đã chiếm thế thượng
phong. Thật vậy, kể từ năm 2016, họ đã giành chiến thắng trong cuộc tranh giành
quyền lực này.
Năm đó, một bài báo viết bởi một “nhân vật có
thẩm quyền” ẩn danh đã xuất hiện trên trang nhất của tờ Nhân dân Nhật
báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản. Bài báo chỉ trích “Likonomics,”
các biện pháp kích thích kinh tế mà Lý khởi xướng, và nó đã gây ra một làn sóng
chấn động khắp Quốc vụ viện.
Tác giả bài viết là Lưu Hạc, một nhà kinh tế
và là thành viên của Bộ Chính trị thân cận với Tập. Những lời chỉ trích của ông
đã làm suy yếu Quốc vụ viện và tập trung nhiều quyền lực hơn vào tay Tập.
Likonomics từng thu hút sự chú ý quốc tế, nhưng kể từ năm 2016, nó đã bị gạt
sang bên lề.
Bình luận của Lý Khắc Cường chủ yếu hướng đến các quan chức của Văn phòng
Quốc vụ viện – cơ quan cấp cao nhất của chính phủ Trung Quốc. (Ảnh chụp màn
hình từ một blog tiếng Trung)
Trong lời chia tay của mình, Lý đã thẳng thắn
ca ngợi các nhân vật cấp cao chịu trách nhiệm xây dựng các chính sách quan trọng
của Quốc vụ viện, và liên tục đề cập đến “tiếng nói của nhân dân” và “quyền lực
của nhân dân.”
Theo ý thức hệ cộng sản Trung Quốc, “nhân dân”
là những người đóng vai trò lãnh đạo nền chính trị. Lắng nghe tiếng nói của
nhân dân và phản ánh chúng trong các chính sách thực tế là một vai trò truyền
thống của Quốc vụ viện.
Nhưng vai trò ấy đã bị tước mất, và quyền lực
hiện đã được củng cố trong tay Ban chấp hành Trung ương Đảng, dưới sự chỉ huy tối
cao của Tập Cận Bình.
Nhận xét của Lý dường như ám chỉ thái độ hoài
nghi của ông đối với sự coi thường truyền thống này.
“Ông Trời” (Thiên) là một khái niệm quan trọng
trong triết học phương Đông. Ông trời từ trên cao nhìn xuống dân thường, và sẽ
trừng phạt những ai dám làm việc xấu.
Thế thì ai đang làm điều xấu? Có nhiều cách diễn
giải khác nhau.
Như đã đề cập ở trên, một vài đoạn phim ghi lại
lời chào tiễn biện của Lý đã bị rò rỉ. Điều đó cho thấy rằng nhiều người hâm mộ
cựu thủ tướng đã rất buồn khi ông phải nghỉ hưu, và muốn lan truyền ngôn từ
dũng cảm của ông. Nếu tính cả thời gian làm phó thủ tướng, Lý đã dành 15 năm ở
vườn bắc. Vậy nên cũng dễ hiểu nếu ông có người hâm mộ ở nơi này.
Vào ngày Lý có bài phát biểu cuối cùng, một bản
tin thú vị đã xuất hiện trên chương trình thời sự buổi tối của đài CCTV. Nó nói
rằng mọi bí thư đảng thuộc tất cả các tổ chức tại Trung Quốc, bao gồm cả Quốc vụ
viện, đều phải gửi báo cáo trực tiếp cho Tập.
Trước thời Tập, thật không thể tưởng tượng sự
tồn tại của một cơ chế như vậy. Và nó chính là biểu hiện cho sự tập trung quyền
lực của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Thủ tướng tương lai Lý Cường vỗ tay trong lúc Thủ tướng sắp
mãn nhiệm Lý Khắc Cường đi phía sau ông tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh
vào ngày 5/3. Lý Cường không hề có kinh nghiệm làm phó thủ tướng. (Ảnh của
Yusuke Hinata)
Sau 9 ngày họp, phiên họp thường niên của Đại
hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc sẽ bế mạc vào ngày 13/3 sắp tới. Lý Cường, một
phụ tá thân cận của Tập, sẽ được bầu làm thủ tướng mới của Trung Quốc, và sự
suy giảm quyền lực của Quốc vụ viện sẽ càng trở nên rõ ràng hơn.
“Kế hoạch cải cách các thể chế của đảng và nhà
nước” đang được thảo luận trong phiên họp quốc hội hiện tại, và nó sẽ thúc đẩy
sự suy giảm quyền lực của Quốc vụ viện thêm nữa. Điều này có nghĩa là gì?
Một nguồn tin thuộc ĐCSTQ nói với Nikkei
Asia: “Những khác biệt nhỏ trong định hướng giữa Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường
đã là một trở ngại cho việc thực thi chính sách, và chắc chắn, trong tương lai,
các chính sách sẽ được quyết định và thực hiện nhanh hơn dưới sự lãnh đạo của đảng.”
Nguồn tin nhận định: “Nếu không có quan điểm
khác biệt nào giữa đảng và chính phủ, bởi vì phe bắc hoàn toàn phục tùng phe
nam, thì mọi thứ sẽ diễn ra suôn sẻ hơn và hiệu quả hơn”.
Lập luận này có lẽ phải được đặt dấu chấm hỏi.
Khi quyết định các chính sách kinh tế phức tạp,
chính phủ cần phải cân nhắc các yếu tố đầu vào khác nhau từ các chính quyền địa
phương, các viện chính sách, và các bên liên quan khác. Sau những cuộc thảo luận
sôi nổi, một chính sách được cân nhắc kỹ lưỡng sẽ được triển khai. Tuy nhiên,
quá trình này có thể sẽ bị bỏ qua trong tương lai.
Các quan chức chính quyền địa phương thường lo
lắng về phản ứng của Tập đối với bất cứ điều gì họ đề xuất. Cách tốt nhất để tự
bảo vệ bản thân là che giấu suy nghĩ thật của mình và không bày tỏ phản đối. Xu
hướng này hiện đã thành hình, và sẽ càng trở nên rõ ràng trong tương lai.
Trong một khoảnh khắc hiếm hoi, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng sắp mãn nhiệm
Lý Khắc Cường bắt tay nhau vào cuối phiên khai mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc
hôm 5/3. (Ảnh của Yusuke Hinata).
Ngoài Lưu Hạc, tất cả các phó thủ tướng còn lại,
kể cả Hồ Xuân Hoa – người từng được cho là có khả năng trở thành lãnh đạo thế hệ
tiếp theo – sẽ rời Quốc vụ viện. Trong khi đó, Lý Cường, thủ tướng sắp được bổ
nhiệm, lại không có kinh nghiệm làm phó thủ tướng.
Vai trò hàng đầu của Ban chấp hành Trung ương
Đảng trong việc đưa ra quyết định đang làm dấy lên lo ngại.
Lo sợ sự leo thang của thương chiến Trung-Mỹ,
Lý Khắc Cường đã thực hiện một số biện pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại suốt 5
năm qua, nhưng mối quan hệ giữa hai siêu cường vẫn tiếp tục xấu đi vì vấn đề an
ninh. Cùng lúc đó, các biện pháp kinh tế trong nước của Trung Quốc không mang lại
kết quả như mong muốn.
Lý Khắc Cường tin rằng COVID-19 vẫn chưa được
kiểm soát hoàn toàn, dù Tập và Ban chấp hành Trung ương đã tuyên bố chiến thắng.
Bài phát biểu chia tay của ông phản ánh một số lo ngại đang diễn ra về virus.
Sau khi đọc bài phát biểu chia tay trước quốc
hội vào Chủ nhật, Lý đã bắt tay với Tập trong một khoảnh khắc cực kỳ hiếm hoi.
Khoảnh khắc này diễn ra ba ngày sau khi Lý có bài phát biểu trước các quan chức
Quốc vụ viện. Người ta chẳng tài nào biết được hai người thực sự nghĩ gì sau một
thập niên đầy thử thách, chia sẻ với nhau nhiều trải nghiệm nhưng lại có những
quan điểm hoàn toàn khác biệt trong trận chiến ở Trung Nam Hải.
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao
của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường
trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận
Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
-----------------
Nguồn:
Katsuji
Nakazawa, “In his parting words, Li Keqiang warns that ‘heaven
is watching’,” Nikkei
Asia, 09/03/2023.
No comments:
Post a Comment