Sunday, 26 March 2023

HÀN QUỐC : ĐỘC TÀI, HÓA RỒNG và DÂN CHỦ (Hồ Sĩ Quý)

 



Hàn Quốc: Độc tài, hóa rồng và dân chủ

Hồ Sĩ Quý*

25/03/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/03/25/han-quoc-doc-tai-hoa-rong-va-dan-chu/

 

Hàn Quốc là tấm gương chưa từng có tiền lệ trong lịch sử để các nước đi sau nghiên cứu, tham khảo. Nhưng con đường tăng trưởng, phát triển rồi hóa rồng thông qua phương thức độc tài để đi đến dân chủ ở Hàn Quốc là một quá trình nghiệt ngã, đầy mâu thuẫn và không nên đánh giá một cách giản đơn. Bài viết muốn tìm hiểu quá trình phức tạp này.

 

                                                     I.

Quá trình công nghiệp hóa của Hàn Quốc được tiến hành từ năm 1961 đến năm 1991. Trong ba thập niên đó, Hàn Quốc từ một nước nghèo nàn, lại bị tàn phá trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, trở thành một trong những nước công nghiệp mới (NIC – Newly Industrialized Countries) hùng mạnh nhất về mặt kinh tế của thế giới thứ ba. Tính từ năm 1963 đến 1978, GNP thực tế của Hàn Quốc tăng với tốc độ hàng năm gần 10% và với tốc độ tăng trưởng thực tế trung bình hơn 11% trong suốt những năm từ 1973 đến 1978. Hơn thế nữa, tính đến nay chất lượng tăng trưởng của Hàn Quốc vẫn thuộc loại cao nhất so với các nước cùng có tốc độ tăng trưởng cao trên dưới 10%. Năm 1963, GDP theo đầu người ở Hàn Quốc mới khoảng 100 USD. Đến đầu những năm 80 đã vượt quá 2000 USD, đầu những năm 90 vượt qua ngưỡng 10.000 USD và đến 2010 đã vượt quá 30.000 USD. Theo đánh giá của một số học giả, Hàn Quốc là tấm gương nổi bật nhất về phát triển kinh tế dài hạn thành công.[1]

 

Sự phát triển nhanh và ngoạn mục của Hàn Quốc trong 3 thập niên, trước hết, là kết quả của sự kết hợp một cách hữu hiệu các nhân tố kinh tế với các nhân tố xã hội trong điều kiện thuận lợi của hoàn cảnh quốc tế: Sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, chính sách hợp lý và kiên quyết của chính phủ những năm 60-70 nhằm vào các ngành công nghiệp cần nhiều lao động và ưu tiên xuất khẩu, tính linh hoạt rất cao trong quản lý và thái độ sẵn sàng ứng phó trước những tín hiệu phát sinh từ nền kinh tế, tỉ lệ ngày càng cao về người lớn biết chữ và sự cần cù của dân chúng, “sự chống lưng” của Mỹ và những lợi thế được hưởng từ dòng chu chuyển vốn quốc tế, trật tự thương mại quốc tế nửa cuối thế kỷ XX và những ưu tiên của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh… – đó chắc chắn là những nhân tố đã làm cho Hàn Quốc hóa rồng và tiếp tục phát triển.

 

Nhưng dù những nhân tố nói trên có quan trọng đến mấy, thì đến nay nhiều học giả vẫn cho rằng, nhân tố con người mới là cái quyết định trong quá trình công nghiệp hoá của Hàn Quốc: Ý chí cháy bỏng vươn tới thịnh vượng của người dân và lãnh đạo đất nước, sự quản lý nghiêm minh, hà khắc và độc đoán của nhà cầm quyền… đã là cái rất đáng kể làm nên một Hàn Quốc như thế giới được chứng kiến hôm nay.

 

Hình : https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2023/03/Han-Quoc-1.jpg

 

                                                      II.

 

Ngay sau khi đảo chính nắm chính quyền 7/1961, tướng Park Chung Hee đã “dọn rác” làm sạch xã hội[2] với hàng ngàn vụ bắt bớ và tuyên bố trước 20.000 sinh viên đại học Seoul: “Toàn dân Hàn Quốc phải thắt lưng buộc bụng trong vòng 5 năm, phải cắn răng làm việc nếu muốn được sống còn. Trong vòng 10 năm, chúng ta tạo được một nền kinh tế đứng đầu ở Đông Á, và sau 20 năm, chúng ta sẽ trở thành cường quốc kinh tế trên thế giới. Chúng ta sẽ bắt thế giới phải ngưỡng mộ chúng ta. Hôm nay, có thể một số đồng bào bất đồng ý kiến với tôi. Nhưng xin những đồng bào ấy hiểu cho rằng tổ quốc quan trọng hơn quyền lợi cá nhân. Tôi không muốn mỵ dân. Tôi sẽ cương quyết ban hành một chính sách khắc khổ. Tôi sẽ bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ một đồng. Tôi sẵn lòng chết cho lý tưởng đã đề ra”.[3]

 

Về sau người ta thừa nhận rằng, Park Chung Hee đã làm đúng như lời ông nói.

 

Với 18 năm cầm quyền, mở đầu bằng đảo chính và kết thúc bằng bị ám sát, Park Chung Hee là tổng thống được nhiều người ngưỡng mộ và đồng thời là nhà độc tài số một của Hàn Quốc bị căm ghét. Thời kỳ Triều tiên bị Nhật chiếm đóng, Park Chung Hee là quân nhân phục vụ trong quân đội Nhật tại Mãn Châu. Sau chiến tranh Nam Bắc Triều, ông tham gia quân đội Hàn Quốc và giữ chức thiếu tướng trước khi lên nắm quyền bằng cuộc đảo chính năm 1961. Dưới chính thể Park Chung Hee, Hàn Quốc trỗi dậy mạnh mẽ từ đói nghèo “truyền thống” và trở thành con hổ châu Á. Cho đến nay, không một chính trị gia Hàn Quốc nào tạo được sự trung thành cũng như khiến người dân sợ hãi nhiều như Park Chung Hee. Ông được đánh giá là bộc trực, cứng rắn, hiểu truyền thống Hàn Quốc và có tầm nhìn xa trông rộng.

 

Với chính quyền độc tài quân sự, từ năm 1962 Hàn Quốc bắt đầu những kế hoạch phát triển đầy tham vọng mà “duy kinh tế cực đoan” là cách thức chủ yếu nhằm thoát nghèo.

 

Năm 1960 GDP Hàn Quốc chỉ là 82 USD/người/năm tương đương với Việt nam lúc đó. Sau 10 năm Hàn Quốc đã bước vào ngưỡng đầu tiên của thu nhập trung bình 1000 USD/người/năm như Việt Nam hiện nay. Đến năm 1975, GDP Hàn Quốc là 1.310 USD/người/năm. Chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm, từ 1000 USD Hàn Quốc đã đạt tới mức 10.000 USD/người/năm vào năm 1992, trở thành nước công nghiệp mới.[4]

 

Kế hoạch phát triển kinh tế lúc đó đi theo mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu nhờ giá thành thấp. Chi phí sản xuất được cố tình hạ thấp đến mức tối thiểu. Để người lao động có thể sống với mức lương thấp, chính quyền đã áp dụng biện pháp giữ giá những sản phẩm nông nghiệp ở mức rất thấp. Cuối thập niên 70, công nghiệp Hàn Quốc đã sản xuất được máy thu hình màu, nhưng chỉ để xuất khẩu, trong nước dùng TV trắng đen. Trong một lần trả lời phỏng vấn, Allen Patric, đại diện công ty Ford Motor ở Seoul, đã nói với ký giả Boyd Gibbons: “Tôi đã làm việc ở Brasil, Mexico và châu Âu, nhưng không ở đâu tôi thấy người dân làm việc siêng năng như người Hàn Quốc. Ngay người Nhật cũng trở thành lười nếu so sánh với họ”.[5]

 

Trong các công trình tạo nên sự bứt phá của Hàn Quốc, cuối những năm 60, Park Chung Hee đã thực hiện được một kỳ công là xây dựng xa lộ lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc, từ thủ đô Seoul tới hải cảng Pusan phía nam. Khi nêu dự án xây dựng xa lộ 4 làn xe, xuyên qua địa thế núi non hiểm trở, quốc hội Hàn Quốc đã thẳng tay bác bỏ. Nhiều người thân thuộc của Park Chung Hee cũng không tin. World Bank và các cơ quan tài chính quốc tế cảnh báo việc xây dựng con đường sẽ dẫn quốc gia tới phá sản, vì phí tổn xây dựng và bảo trì. Nhưng Park Chung Hee không nản lòng. Ông nghiên cứu kỹ những tài liệu và dùng trực thăng xem xét thực tế toàn thể địa hình nơi con đường sẽ đi qua.

 

Ngày 1/2/1968, ông ra lệnh khởi công và Hàn Quốc bắt tay vào xây dựng xa lộ 428 km, với hơn 200 cây cầu và 6 đường hầm chính. Công trình hoàn thành 30/6/1970. Các chuyên gia ADB đánh giá, với phí tổn 330 USD/km, đây là chi phí thấp nhất trong lịch sử xây dựng loại xa lộ này. Ngay 3 năm đầu, xa lộ Seoul – Pusan đã được sử dụng hữu hiệu, có tới 80% lượng xe lưu thông sử dụng xa lộ này. Về tinh thần dân tộc biểu lộ qua việc xây dựng xa lộ, ngày nay người ta vẫn còn nhắc đến lời thề mà đội ngũ chuyên gia – kỹ thuật lúc đó đã hứa với Park Chung Hee: “Nguyện hiến thân cho Tổ quốc phồn vinh, cho nhân dân hạnh phúc. Chịu bất cứ hình phạt nào nếu không hoàn thành nhiệm vụ”.[6]

 

Hình : https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2023/03/Xa-lo-Seoul-Pusan.jpg

 

Dưới thời Park Chung Hee, tiết kiệm là quốc sách. Trong nhiều bài diễn văn, ông đã nhắc đi nhắc lại: “Mỗi xu ngoại tệ là một giọt máu”.[7] Park Chung Hee cũng điển hình là một Tổng thống liêm khiết, làm Tổng thống 19 năm mà khi chết tài sản của ông chỉ có trên 10.000 USD.

 

                                                     III.

 

Nhưng Hàn Quốc thời Park Chung Hee cũng là thời kỳ tồi tệ nhất về phương diện xã hội. Dưới chính thể độc tài quân sự (1961-1987), xã hội Hàn Quốc tồn tại và vận động theo ba nguyên tắc “chống cộng”, “nhà nước độc tài” và “phát triển kinh tế”.

 

Park Chung Hee đã hết mình với phát triển kinh tế và không chấp nhận bất kỳ sự hoài nghi nào từ bất kỳ ai. Chính quyền tạo điều kiện và khuyến khích các tập đoàn, các nhà tư bản sử dụng nhân công giá rẻ. Những năm 60-70, điều kiện sống của những người lao động di cư từ các khu vực nông nghiệp đến các thành phố và khu công nghiệp hết sức cực khổ. Quyền của người lao động bị hạn chế tối đa. Chính quyền không ngần ngại hy sinh quyền lợi của mọi tầng lớp lao động. Và mọi thứ đều buộc phải chấp nhận vì từ năm 1962, chính sách toàn quốc thắt lưng buộc bụng được áp dụng từ Tổng thống đến dân chúng. Làm việc nặng nhọc và triền miên như khổ sai, nhưng sống kham khổ. Hàng tuần mỗi người dân đều phải nhịn ăn một bữa, không hút thuốc ngoại nhập, không uống cà phê. Thời gian lao động kéo dài đến 12-14 tiếng mỗi ngày. Điều kiện lao động tồi tệ, lương rất thấp. Những phản kháng tự phát của công nhân, nông dân hoặc của dân nghèo thành thị đòi hỏi cải thiện điều kiện sống đều bị chính quyền thời đó đã đàn áp không thương tiếc. Các quyền dân chủ cơ bản, như quyền tự do hội họp, tự do lập hội, tự do bày tỏ ý kiến… đều bị chà đạp.[8] Như Michael Schuman, một nhà báo nổi tiếng chuyên về kinh tế của tờ Time (Mỹ) về sau nhận định: “Chế độ Park Chung Hee thực hiện quyền kiểm soát nhà nước đối với nền kinh tế tàn bạo vượt xa cả con quỷ Sahashi”.[9]

 

Về mặt pháp lý, đến tận hôm nay, chiến tranh Nam – Bắc Triều Tiên vẫn chưa kết thúc, mà mới chỉ là trong tình trạng đình chiến. Tâm lý sợ hãi chiến tranh đã bị lạm dụng gây nên một kiểu tinh thần đối đầu ngay trong đời sống tinh thần Hàn Quốc. Tư tưởng chống cộng được thổi phồng. Thái độ chống cộng là thứ “ngáo ộp” tạo ra một quyền uy tuyệt đối của nhà nước nhằm phát triển kinh tế, tận dụng lao động và khống chế toàn bộ xã hội. Một xã hội cực hữu tương đối thống nhất hiện diện ở khắp nơi khi mọi hiện tượng xã hội đều có thể quy về “bên ta” hay bên “kẻ thù”. Và, thói quen quy kết, chụp mũ đó đã tạo ra một thứ sản phẩm biện minh cho mọi sự vi phạm đối với quyền con người. Thực trạng ấy được Choi Hyondok mô tả là ngột ngạt và không hề được phản ánh qua báo chí hay các phương tiện truyền thông khác do chính sách kiểm duyệt chặt chẽ, do vậy bên ngoài cũng hầu như không biết gì về xã hội Hàn Quốc. Park Chung Hee sử dụng luật an ninh chống cộng để bỏ tù và tra tấn bất cứ ai bất đồng chính kiến. Các cuộc biểu tình, hệ thống báo chí và phát ngôn nói chung đều bị kiểm duyệt hà khắc. Các sĩ quan cảnh sát mang thước và chặn thanh niên trên phố để đo tóc và váy của họ. Chính quyền rất thô bạo nếu thanh niên để tóc dài, phụ nữ mặc váy ngắn. Gián điệp, chỉ điểm có mặt khắp mọi nơi, giám sát đến cả trường học. Những người bất đồng chính kiến khó thoát khỏi bị bắt và mòn mỏi ở trong tù. Nếu một người bị quy là người cộng sản, người đó sẽ mất hết mọi quyền tồn tại trong xã hội. Quy kết sự phê phán nhằm vào một chính sách nào đó của chính phủ là “cộng sản chủ nghĩa” là phương cách ưa thích và hiệu quả. Khi một nhà hoạt động xã hội bị bắt, người đó sẽ bị tra tấn dã man để phải thú nhận mình là người cộng sản.[10]

 

Sau gần hai thập niên độc tài, Park Chung Hee đã đưa Hàn Quốc thoát khỏi nghèo đói bước vào hàng những quốc gia phát triển. Nhưng dựa vào độc tài, Park Chung Hee đã càng ngày càng kỳ thị với tự do, dân chủ nhân danh sự ổn định và phát triển. Ông cho rằng, Hàn Quốc cần phải phát triển kinh tế vững mạnh trước khi có thể có dân chủ. “Người Châu Á sợ hãi đói nghèo hơn là sợ độc tài. Các dân tộc châu Á muốn có bình đẳng kinh tế trước rồi sau đó mới xây dựng cơ chế chính trị công bằng hơn…, và viên ngọc chẳng có gì rực rỡ được gọi là chế độ dân chủ là vô nghĩa đối với những người đói khát và tuyệt vọng”. Thậm chí ông còn cho rằng, điều gì đúng với Hàn Quốc thì cũng đúng với châu Á.[11] Việc coi thường giá trị dân chủ đã làm cho không chỉ người dân mà cả những thân tín của ông trong nội các cũng cảm thấy công lao của họ đối với chế độ trở nên vô nghĩa. “Xét về mặt chính trị, Park Chung Hee là một gánh nặng của Hàn Quốc vì suốt thập niên 70, ông có xu hướng đàn áp thô bạo ngày càng tăng. Năm 1972, ông đã làm cho cả nước bị sốc trước tuyên bố thiết quân luật. Sau đó ông lại đưa ra hiến pháp mới chấm dứt bầu cử trực tiếp và chính thức suy tôn làm Tổng thống trọn đời”.[12] Chính tay chân tin cẩn của ông đã ám sát hụt Park Chung Hee một lần vào năm 1974. Lần đó vợ ông đã phải tử nạn trong khi ông vẫn không vì thế mà bỏ dở bài phát biểu tại nhà hát quốc gia. Lần thứ hai là trong một bữa tiệc tối 26/10/1979, Kim Jae Kyu – Giám đốc cơ quan tình báo Hàn Quốc đồng thời là điệp viên trưởng của ông, đã nổ súng hạ gục ông cùng với chỉ huy trưởng nhóm vệ sỹ. Sau đó Kim Jae Kyu đã bị tử hình nhưng đến nay một Uỷ ban đặc biệt của chính phủ vẫn phải thảo luận về việc có nên coi Kim Jae Kyu là người có công cho quá trình dân chủ hoá của Hàn Quốc hay không.

 

Thời đại Park Chung Hee kết thúc trong bạo lực và bất ổn xã hội. Bản thân Park Chung Hee chết trong sự phản bội của kẻ thân tín. Sự nghiệp chính trị của Park Chung Hee cũng bị hoen ố vì độc tài và ngày nay, những người căm ghét Park Chung Hee lại ngày một nhiều thêm.

 

                                                 IV.

 

Sau khi Park Chung Hee bị ám sát, Choi Kyu Ha lên nắm giữ chính phủ lâm thời, tình hình chính trị tại Hàn Quốc không thoát khỏi bất ổn. Ngày 12/12/1979, tướng Chun Doo Hwan đảo chính quân sự, lật đổ chính phủ lâm thời Choi Kyu Ha và ban bố tình trạng thiết quân luật.

 

Tháng 3/1980, sinh hoạt dân chủ bắt đầu bùng lên từ các trường đại học. Trí thức và sinh viên kêu gọi dỡ bỏ thiết quân luật. Ngày 15/5/1980 biểu tình lớn đã diễn ra ở ga Seoul, với sự tham gia của khoảng 100.000 giáo sư, sinh viên cùng thường dân.

 

Ngày 17/5/1980, Chun Doo Hwan ra quyết định thực hiện thiết quân luật mở rộng. Quân đội được phái đến khắp Hàn Quốc. Cảnh sát đã đột kích vào một cuộc họp giữa các thủ lĩnh liên hiệp sinh viên của 55 trường đại học. 26 chính khách, trong đó có Kim Dae Jung, người về sau trở thành tổng thống Hàn Quốc (1998-2003), đã bị bắt vì tội chủ mưu biểu tình.

 

Ngày 18/5/1980, sinh viên Gwangju biểu tình lớn. Quân đội đàn áp. Một người biểu tình bị đánh đến chết. Cư dân Gwangju phẫn nộ và tham gia biểu tình ngày càng đông, lên tới 100.000 người vào ngày 20 tháng 5. Quân đội bất ngờ nã đạn. Người biểu tình đốt cháy trụ sở của đài MBC đặt tại Gwangju. 4 cảnh sát bị một chiếc ô tô đâm chết tại Tòa thị chính.

 

Bạo lực lên tới đỉnh điểm vào ngày 21/5/1980. Quân đội dùng hỏa lực tấn công đám đông làm nhiều người bị thương. Dân chúng dùng súng lấy được từ kho vũ khí và đồn cảnh sát để tự vệ. Cuộc đấu súng đẫm máu giữa dân với binh lính đã diễn ra tại Quảng trường văn phòng tỉnh. Đến 17 giờ 30, quân đội phải rút khỏi trung tâm thành phố. Từ ngày 21 đến 25/5/1980 xung đột xảy ra khắp nơi trong và ngoài Gwangju, hàng chục người bị chết và thương vong. Tin tức vụ tàn sát ở Gwangju truyền đi làm biểu tình bùng phát ở nhiều vùng lân cận như Hwasun, Naju, Haenam, Mokpo, Yeongam, Gangjin và Muan.

 

4 giờ sáng ngày 27/5/1980, quân đội từ 5 hướng vào trung tâm thành phố và đánh bại lực lượng dân quân chỉ trong vòng 90 phút.

 

Chưa có một con số chính xác về số người thiệt mạng. Những con số “chính thức” được công bố bởi Lệnh thiết quân luật sau đó cho biết có 144 thường dân thiệt mạng, 22 lính và 4 cảnh sát bị giết; 127 thường dân, 109 lính và 144 cảnh sát bị thương. Còn theo Hội gia đình những nạn nhân, ít nhất 165 thường dân chết trong khoảng 18/5 đến 27/5. 65 người khác hiện vẫn còn mất tích và được coi là đã chết. 23 lính và 4 cảnh sát bị giết trong suốt cuộc nổi dậy.

 

Chính quyền Chun Doo Hwan lên án cuộc nổi dậy như một vụ phản loạn bị xúi giục bởi Kim Dae Jung. Trong các phiên xét xử sau đó, ông Kim Dae Jung đã bị tuyên án tử hình trước khi được giảm nhẹ bởi sức ép của dư luận quốc tế.[13] 1394 người bị giam giữ do dính líu đến sự cố Gwangju, 427 người bị truy tố, trong đó 7 người phải nhận án tử hình, 12 người tù chung thân.

 

Từ 1983, hàng năm vào ngày 18/5, tại nghĩa trang Mangwol Dong ở Gwangju, lễ tưởng niệm những người bị thảm sát được tổ chức. Rất nhiều phong trào dân chủ đã yêu cầu chính phủ phải chịu trách nhiệm về cuộc thảm sát đó.

 

Lo sợ về sự lộng quyền của chính thể độc tài đã làm cho Hàn Quốc buộc phải sửa đổi Hiến pháp và Luật Bầu cử Tổng thống năm 1987. Hiến pháp mới quy định bầu Tổng thống bằng bỏ phiếu kín, trực tiếp. Trước đó suốt 16 năm, Tổng thống Hàn Quốc được bầu gián tiếp qua các đại cử tri. Từ năm 1987, Tổng thống Hàn Quốc có nhiệm kỳ là 5 năm và chỉ được phép làm một nhiệm kỳ. Sau bầu cử 1987, chính phủ buộc phải có ý kiến về sự kiện Gwangju. Năm 1988, Quốc hội tổ chức trưng cầu dân ý và đổi tên sự cố này thành “Phong trào dân chủ Gwangju”. Năm 1995, Quốc hội đã thông qua một đạo luật đặc biệt về sự kiện này. Những người chịu trách nhiệm đã bị khởi tố. Năm 1996, 8 chính khách bị truy tố với tội danh phản loạn và tàn sát. Bản án được thi hành vào năm 1997, cựu tổng thống Chun Doo Hwan nhận án chung thân. Tuy vậy tất cả những người bị kết tội đều được Tổng thống Kim Young Sam ân xá ngày 22 /12/1997.

 

Hình : https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2023/03/Gwangju-768x641.jpg

 

12/1997, đảng đối lập đã chiến thắng trong cuộc bầu cử và đạt được sự chuyển giao quyền lực bằng con đường hoà bình. Đầu 1998 Kim Dae Jung lên làm tổng thống. Cũng từ năm 1997, ngày 18 tháng 5 được công nhận là một ngày lễ lớn ở Hàn Quốc. Năm 2002, nghĩa trang Mangwol Dong ở Gwangju được nâng cấp thành nghĩa trang quốc gia. Năm 2007, Hàn Quốc đã kỷ niệm 20 năm nền dân chủ được thiết lập tại đất nước này, nghĩa là tính từ khi đảng đối lập chiến thắng, cựu tử tù Kim Dae Jung trở thành tổng thống, “gõ cửa một thời đại mới”.

 

Tuy nhiên các chính thể độc tài kể từ thời Park Chung Hee đến Chun Doo Hwan vẫn để lại cho Hàn Quốc nhiều vấn đề nhức nhối không dễ giải quyết. Khi Roh Moo Hyun lên làm Tổng thống năm 2003, chính phủ  vẫn phải tiếp tục ban hành các đạo luật mới và thành lập các uỷ ban điều tra về tình trạng bạo lực và vi phạm nhân quyền dưới thời Park Chung Hee.

 

Từ 1998 đến 2007, Hàn Quốc đã có những tiến bộ trong tiến trình dân chủ hoá. Tuy nhiên, theo Choi Hyondoc, chính quyền đôi khi vẫn trượt theo hướng độc tài. Choi Hyondoc cho rằng, chính quyền đã “bật xi nhan để rẽ sang phía tả”, nhưng lại lái Hàn Quốc sang phía hữu. Đã có rất nhiều tổ chức phi chính phủ giả hiệu (pseudo-NGOs) hoạt động theo mệnh lệnh của chính quyền, nhiều nhóm cánh hữu, nhiều tổ chức hiện “vẫn tìm cách bảo vệ những quyền ưu tiên mà họ có được từ thời của chế độ độc tài”. Ở Hàn Quốc, quá trình dân chủ hoá diễn ra trong bối cảnh của tăng trưởng kinh tế nhưng không phải là sự phát triển kinh tế trực tiếp thúc đẩy dân chủ hoá. Các phương thức phát triển kinh tế trở nên quá phản nhân văn và mang nặng tính bóc lột.[14]

 

Cùng với Hàn Quốc, sự tăng trưởng kinh tế nhanh của Đài Loan, Singapore và Hồng Kông đã khiến nhiều người vào những năm 80 ít nhiều vẫn còn tán đồng với quan điểm của Park Chung Hee về một châu Á phải có kinh tế đi trước cùng với bàn tay sắt của chính quyền. Tuy nhiên cùng với thời gian, nhất là khi nhìn sâu hơn vào mối quan hệ giữa kinh tế và bầu không khí tinh thần của xã hội, các quan niệm về sự cứng rắn của chính quyền đã được nhìn nhận sâu sắc hơn. Cái giá phải trả cho phát triển kinh tế không thể là sự vô nhân đạo ở quy mô lớn, không thể là sự hy sinh cả sinh mạng và phẩm giá của một vài thế hệ, và cũng không thể dễ dàng xóa sạch di chứng tệ hại ở các thế hệ kế tiếp. Đúng như đánh giá của nhà báo kinh tế Michael Schuman: “Theo thời gian, mối tương quan giữa các nhà độc tài và sự phát triển suy yếu dần ở châu Á. Lý lẽ của Park Chung Hee hóa ra chỉ đúng với chính ông ta và ngày càng trở nên ít thuyết phục hơn”.[15]

 

 

Kết luận

 

Tấm gương ngoạn mục về phát triển của Hàn Quốc, rất tiếc lại gắn liền với những bài học đau đớn về bộ mặt phản nhân văn của xã hội và sự chà đạp quyền con người. Bên cạnh nỗi đau khổ của hàng triệu dân chúng trong đó có hàng nghìn người thiệt mạng, thì ngay số phận của các tổng thống cũng không tránh khỏi bi đát. Trong 8 đời tổng thống kể từ Park Chung Hee (1961) đến nay, đã có tới 2 cuộc đảo chính, nhiều vụ ám sát hụt trong đó một lần thành công, 2 tổng thống bị kết án tù trong đó có 1 án chung thân, 1 tổng thống tự sát, 2 tổng thống từng bị tù đày vì dân chủ trong đó có 1 người từng nhận án tử hình. Thật đáng suy ngẫm, những bất hạnh này không đến từ “người anh em phương Bắc”, mà là sản phẩm của chính chế độ độc tài.[16]

 

Thực tế này có thể bị che lấp bởi một Hàn Quốc thịnh vượng trong con mắt người bên ngoài, nhưng với người Hàn Quốc thì quá khứ chưa xa và không dễ quên. Cuối năm 2005 Hàn Quốc phải thành lập “Ủy ban sự thật và hòa giải” để giải quyết những vấn đề của thời độc tài. Nhưng đến nay, hồ sơ ngày một dày thêm và khi nhìn lại quá khứ thì một lần nữa “vết thương nào cũng rỉ máu”.[17]

 

----------------------

* GS.TS., Nguyên trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Viện Hà lâm Khoa học xã hội Việt Nam. hosiquy.thongtin@gmail.com.

 

Bài đã đăng lần đầu trong Tạp chí “Nghiên cứu Đông Bắc Á” số 10 (128)/2011.

—————————-

Chú thích:

 

[1]. Xem: Michael P. Todaro (1998). Kinh tế học cho thế giới thứ ba. Nxb Giáo dục, Hà Nội.  tr.165.

[2]. “Trash”, từ này được chính Park Chung Hee sử dụng để chỉ những người của chế độ cũ và những người không theo ông. Xem: Michael Schuman (2009). The Miracle. The Epic Story of Asia’s Quest for Wealth. HarperCollins Publishers. New York. Tr. 36.

[3]. Trích lại từ: Việt Dương. Park Chung Hee xây dựng kinh tế Đại Hàn. http://www.vietdc.org/wp-content/uploads/2008/10/park-chung-hee-xay-de1bbb1ng-kinh-te1babf-de1baa1i-han.doc

[4]. Một trong những tiêu chuẩn bắt buộc để được coi là nước công nghiệp, trước đây được nhiều học giả hiểu là phải có GDP đầu người từ 10.000 USD trở lên. Nay, một số học giả Việt Nam hiểu khác.

[5]. Boyd Gibbons (1980). The South Koreans, National Geographic. August.

[6]. Michael Keon, Korea Phoenix (1977). A Nation from the Ashes, Englewood Cliffs: Prentice – Hall International. tr. 78 -79.

[7]. Park Chung Hee (1980). Major Speeches by Park Chung Hee. Seoul: Hollyon. Tr. 149.

[8]. Xem: Chun Tae-il’s Burning Himself to Death (2005)http://www.kdemocracy.or.kr/mail/newsletter/mail_article_200508_01.html //

Loren Goldner (2008). The Korean working class: From mass strike to casualization and retreat, 1987-2007. http://libcom.org/history/korean-working-class-mass-strike-casualization-retreat-1987-2007

[9]. Michael Schuman (2009). Sđd. Tr. 31.

[10]. Xem: Hyondok Choi. Xã hội dân sự và kinh tế thị trường ở Hàn Quốc: nguyên lý công tính trong bối cảnh chủ nghĩa tự do mới. Trong sách: Viện Triết học (2011). Trách nhiệm xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường. Nxb KHXH. Tr. 99-102.

[11]. Park Chung Hee (1970). Our Nation’s Path: Ideology of Social Reconstruction. Seoul: Hollym. Tr. 196. (The gem without luster called democracy was meaningless to people suffering from starvation and despair).

[12]. Michael Schuman (2009). Sđd. Tr. 53.

[13]. Quế Anh-Quốc Hùng. Cuộc đời đầy bão táp của tổng thống Hàn Kim Dae-jung http://antg.cand.com.vn/vi-vn/vuan/2006/8/70258.cand

[14]. Xem: Hyondok Choi (2011). Sđd. Tr. 104-105.

[15]. Michael Schuman (2009). Sđd. Tr. 32.

[16]. Xem: Số phận khác nhau của một số cựu tổng thống Hàn Quốc (2009). http://www.baomoi.com/Home/TheGioi/www.anninhthudo.vn/So-phan-khac-nhau-cua-mot-so-cuu-Tong-thong-Han-Quoc/2808258.epi.

[17]. Trường Khanh. Hàn Quốc: Lật lại hồ sơ những vụ án gián điệp. http://vietbao.vn/The-gioi/Han-Quoc-Lat-lai-ho-so-nhung-vu-an-gian-diep/45230220/162/.






No comments:

Post a Comment

View My Stats