Monday, 13 March 2023

CON NGƯỜI CỘNG SẢN (Bùi Thanh Hiếu)

 



Con người cộng sản   

Bùi Thanh Hiếu

10/03/202

https://www.danchimviet.info/con-nguoi-cong-san/03/2023/28295/

 

Hôm qua tôi đến đại sứ quán Việt Nam để làm thủ tục đổi cuốn hộ chiếu cũ đã hết hạn vào ngày 23 tháng 3 năm 2023.

 

Hình : https://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2023/03/335172039_926869435114618_4616426568199979911_n-768x576.jpg

 

Trong lúc chờ đến lượt mình, tôi nhìn thấy những người làm dịch vụ họ mang từng xấp hộ chiếu, giấy tờ đến. Có người làm ở du lịch họ xin visa cho người Đức, có người làm dịch vụ họ gom tất cả mấy hồ sơ mang đến làm một thể.

 

Những người làm qua dịch vụ sẽ mất thêm một khoản tiền, như thế cũng tiện cho họ. Vì đến sứ quán chờ đợi, khai báo thiếu nọ kia, đi lại cũng mất công. Hệ thống chân rết dịch vụ của sứ quán Việt Nam tại Đức khá đông. Vì quen thuộc thủ tục, giấy tờ nên họ làm việc với nhân viên sứ quán khá nhanh. Giá cả chia chác đôi bên đã được thống nhất, người làm dịch vụ chỉ đưa hồ sơ một loáng đã xong.

 

Tuy đây là việc ăn chia trái pháp luật, nhưng nói chung cũng tiện lợi cho các bên, một phương thức linh động mà bên nào cũng thấy hài lòng.

 

Thực tình tôi cũng đưa hộ chiếu của mình qua hai dịch vụ, nhưng đều bị trả lại. Nơi cuối cùng họ bảo tôi lên thẳng sứ quán làm xem sao.

 

Các nhân viên sứ quán ở các ô cửa tiếp nhận hồ sơ làm việc khá tốt từ thái độ cho đến cách xử lý. Họ tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn, hỏi han nhẹ nhàng và chu đáo. Có máy bấm phiếu chờ đến lượt, khách đến bấm phiếu và đến lượt mình khá nhanh. Những người dịch vụ thì họ không cần bấm phiếu, nhưng họ cũng không làm ảnh hưởng thời gian của ai, họ thấy ô cửa nào trống thì vào đưa hồ sơ.

 

Hồ sơ được nhân viên sứ quán mang vào bên trong cho bộ phận bên trong xử lý, bộ phận này thường là nhân viên an ninh núp bóng nhân viên sứ quán.

 

Các hồ sơ dịch vụ trả qua ô cửa bên ngoài, tiền trao cháo múc nhanh gọn.

 

Còn những cá nhân không qua dịch vụ, như khách thường thì bấm số chờ đến lượt, như nói lúc trước là cũng nhanh. Chỉ chốc là được gọi vào trong làm việc.

 

Đến lượt tôi thì nhân viên an ninh đội lốt nhân viên sứ quán, cậu ta còn trẻ chắc chỉ ngoài 30, tạm gọi là A.

 

A gọi người tên người trước tôi vào làm việc, rồi quay qua tôi nói rất dõng dạc và to.

– Anh Bùi Thanh Hiếu chuẩn bị đến lượt.

 

Anh ta làm việc với người trước khá nhanh, khi tôi vào A bảo phải để điện thoại ở tủ ngoài ô như quy định. Giọng anh ta đầy vẻ uy quyền.

 

Tôi không đồng ý, anh ta nói nếu tôi không chấp hành pháp luật của Việt Nam thì đừng làm. Tôi định nói đây là quy định của sứ quán chứ không phải là pháp luật. Nhưng nghĩ vai vế của anh ta, tôi nhịn không đôi co làm gì. Cứ để anh ta thể hiện quyền uy của mình, còn tôi ở thế người dân đen đến cửa quan co ro, sợ sệt cũng chẳng sao cả.

 

Tôi về nhà cất điện thoại và quay lại, lần này tôi phải chờ khá lâu. Tuy rằng tôi bấm phiếu và lấy số lại, nhưng nhiều người dịch vụ họ được giải quyết trước tôi. Có người dẫn hai cô gái vào, một cô tên là Nguyễn Kim Hương, họ vào sau tôi rất nhiều và được giải quyết trước.

Tôi ngồi kiên nhẫn đợi. Tôi hiểu họ đang hạ nhục tôi và muốn tôi nổi nóng.

 

Mãi đến khi không còn ai, cậu A gọi người nữa vào và lại lặp lại, anh Hiếu chuẩn bị đến lượt.

 

Tôi nhìn đồng hồ, chỉ còn vài chục phút nữa là hết giờ. Khi đến tôi là người cuối cùng, A gọi tôi vào, tôi giải thích nhẹ nhàng.

 

– Em có quyền không cho ai mang điện thoại vào, nhưng em không có quyền bắt anh để điện thoại ở chỗ em quy định, vì nếu mất điện thoại thì ai đền, chìa khoá ngoài tủ kia biết được là còn ai có nó. Điện thoại với anh không giá trị vì tiền, mà còn những thông tin trong đó. Nên anh mang về nhà cất rồi quay lại đây.

 

Cậu ta cười vẻ thắng lợi khi thấy tôi quy phục lệnh. Nhưng rồi cậu ta có vẻ chột dạ vì phản ứng cam chịu, nhẫn nhục của tôi. Có lẽ cậu ta thấy tôi đang âm mưu gì. Cậu ta hỏi

– Anh đến đây mục đích gì, anh nói thẳng đi.

 

Tôi giải thích chỉ muốn thay hộ chiếu mới, vì hộ chiếu cũ của tôi hết hạn. Chỉ có vậy thôi.

 

A chỉ cho tôi chỗ cất đồ bên trong, tức có 2 lần cất đồ, anh ta bảo tôi giang tay chân ra để kiểm tra tôi còn mang thiết bị gì không.

 

Tôi cười nói, tôi chưa bao giờ ghi âm, ghi hình lén cả.

 

Căn phòng bên trong lộn xộn, nó chật hẹp và bề bộn như văn phòng lẫn nhà kho, chỗ ở. Đây là nơi tiếp công dân Việt Nam, nó không hoành tráng như phòng tiếp khách mà đại sứ hay mở tiệc mà chúng ta thấy trên những tờ báo lá cải cộng đồng.

 

Cậu ta mời tôi ngồi ghế đối diện, qua cái bàn làm việc. Hỏi tôi.

– Lâu rồi anh đặt chân trên lãnh thổ Việt Nam cảm giác sao?

 

Tôi nói.

– Mười năm anh đi, chưa lần nào về. Ba bốn năm đầu cũng nhớ, giờ thấy quen rồi.

 

Cậu ta nói.

– Không, là nói sứ quán này cơ, lãnh thổ ở đây.

 

Tôi cười nói nhẹ.

– Vẫn như Việt Nam, vào công sở hống hách, quyền uy, quát nạt như ở bên nhà. Thái độ nói chung là thù địch.

 

Cậu ta xua tay.

– Thôi giờ anh thích vào việc thẳng hay nói chuyện, anh lên đây vì việc gì?

 

Câu hỏi cậu ta lập lại đã vài lần. Tôi quen việc đó rồi, nhiều lần với cơ quan an ninh, họ hỏi đi hỏi lại nhiều lần một câu hỏi, nếu không biết chúng ta tưởng họ quên, thực ra họ đang cố khơi ra tình tiết nào đó để khai thác câu chuyện theo hướng họ muốn. Tôi nhẹ nhàng nói đủ nghe.

 

– Hộ chiếu anh hết hạn, như anh nộp và trình bày ngoài kia, anh muốn làm hộ chiếu khác. Thực ra anh cũng không cần đến cuốn hộ chiếu này. Nhưng vì hết hạn thì cứ đến xin đổi cuốn mới. Chỉ có thế thôi.

 

Cậu ta cười khẩy.

– Được, gì chứ làm hộ chiếu thì ok, nhưng lâu rồi anh mới đến đây, dù sao anh cũng là người nổi tiếng, có chuyện gì hay mục đích gì anh cứ nói.

 

Tôi lặp lại, chỉ đến làm hộ chiếu mới thôi. Chả lẽ hết hạn không làm, dù thực sự chẳng cần gì đến hộ chiếu Việt Nam cả.

 

A nhếch mép cười, anh ta nói.

– Tưởng gì chứ làm hộ chiếu mới thì đơn giản, nhưng anh lên đây chắc không phải vì việc đấy, anh có việc gì cứ nói luôn đi, thẳng thắn với nhau. Anh muốn nói chuyện công việc hay chúng ta nói chuyện với nhau một chút.

 

Tôi không ngạc nhiên khi anh ta hỏi mãi việc tôi lên đây làm gì, mặc dù đã đến lần thứ tư anh ta hỏi và tôi vẫn lặp lại chỉ làm hộ chiếu. Tôi trả lời.

– Anh làm hộ chiếu thôi.

 

Tôi không muốn nói chuyện gì với anh ta. Thái độ của anh ta lúc đầu đã khiến tôi không muốn nói chuyện và xác định trở thành người dân đi làm hộ chiếu như bao người khác.  Chính vì vậy, tôi đã kiên nhẫn ngồi chờ, lặng lẽ cam chịu khi anh ta lớn tiếng quát nạt.

 

Đời tôi đã bao nhiêu lần làm việc với an ninh, công an từ Lạng Sơn cho đến Sài Gòn, từ cấp phường đến cấp bộ. Đủ mọi loại A, C như A61, 63, 67, 92, 88, 08 hay C45, C06, V5. Những lần nào làm việc tôi đều viết lại. Nhưng những lần họ đề nghị gặp nói chuyện riêng thì tôi không kể lại.

 

Đấy là những lần ngồi cà phê hay ăn bữa cơm bình dân bên lề phố, lúc ngoài giờ làm việc nói chuyện cuộc sống, gia đình. Hay những lần ở trụ sở an ninh, trong trại giam người ta xếp giấy bút sang một bên. Pha ấm trà, gọi thêm một người quen nào đó đến và nói hôm nay chúng ta chỉ nói chuyện tâm tình, không phải làm việc.

 

Những lần như thế, tôi không viết ra. Nhưng làm việc thì phải kể. Đó là lý do tôi thoái thác không muốn nói chuyện với anh ta, chỉ muốn nói việc của tôi là làm hộ chiếu mới.

 

Giả sử lúc anh ta lớn tiếng quát, không làm thì đi về, giữa phòng tiếp dân. Tôi có thể chửi đm mày bố cần đéo gì, bố xé hộ chiếu luôn đây cho mày xem. Xé xong rồi đi về, câu chuyện chấm hết.

 

Tôi đã mang quốc tịch Đức, đâu cần gì đến cuốn hộ chiếu Việt Nam nữa.

 

Nhưng dù sao tôi vẫn muốn mình là người Việt Nam trên giấy tờ của nhà nước CHXHCN VN. Dù không cần quyền lợi gì hết ở nơi mình đã sinh ra và lớn lên, ở cái nơi mà quá khứ chỉ nhớ nhất những ngaỳ thơ ấu khổ cực theo mẹ đi bán hàng rong hay lúc lớn ở trong những nhà giam và những trại tù, dù là mảnh giấy chứng nhận của một thể chế cai trị đất nước mà tôi không ưa.

 

Tôi không thể đối xử với cuốn hộ chiếu Việt Nam một cách như vậy chỉ vì một cán bộ an ninh sứ quán.

 

Ngày còn bé, tôi đọc tác phẩm Nguyệt Thực của Tendriakov người Nga lưu vong, trong đó có bài thơ.

 

Tấm bản đồ Petersburg hoa lệ

Bất ngờ tôi gặp chốn tha phương

Trên mảnh giấy úa vàng cũ kỹ

Một tấc bản đồ, vạn tấc quê hương

Và lớp lớp bỗng hiện về ký ức

Chân sững sờ, mắt lệ rưng rưng

Rồi nỗi buồn bỗng trào lên thổn thức

Một tấc lòng, vạn tấc nhớ thương.

 

Các bạn từng đọc tôi, chắc còn nhớ câu chuyện Cháo Đỗ Xanh, tôi có nói đoạn kết cuộc sống của tôi bước chân khắp những nơi phồn hoa của thế giới, nhưng cứ mỗi khi nắng hè rực rỡ nhuộm màu thương nhớ trên những con đường lát đá xứ người. Tôi lại nấu món cháo đỗ xanh để nuôi dưỡng sự mềm yếu trong con người mình. Tôi sợ bản thân mình ngày nào đó cảm thấy quê hương chả còn gì để luyến nhớ.

 

Cuốn hộ chiếu còn hạn, như sợi dây nhắc nhở mình vẫn làm người Việt Nam, như tấm bản đồ mà người Nga lưu vong gặp ở một nơi xa lạ.

 

Bản lĩnh, lạnh lùng, nghị lực, thủ đoạn, thông minh đưa đến thành công. Nhưng nhớ thương, mềm yếu mới là thứ làm nên con người.

 

Tôi đi đổi hộ chiếu vì nó sắp hết hạn. Thực ra gọi nó là đã hết hạn cũng được. Tôi đến sứ quán xin đổi vào ngày 8 tháng 3, hộ chiếu tôi hết hạn ngày 23 tháng 3. Chỉ còn có 15 ngày, trường hợp thông thường là trả kết qủa 5 ngày khi nhận hồ sơ hợp lệ. Còn trường hợp đặc biệt phải gửi về trong nước xác minh mất 15 đến 20 ngày.

 

Tất nhiên thì tôi ở trong trường hợp phải gửi về trong nước xác minh, xin ý kiến.

 

A nói trường hợp tôi phải gửi về xin ý kiến, mất khoảng 20 ngày. Tôi nói tôi đã gửi dịch vụ làm, họ cũng đã đưa sứ quán và cũng nói gửi về nước 20 ngày, nhưng trong nước không ai trả lời nên họ gửi lại và bảo tôi lên sứ quán để có câu trả lời rõ ràng.

 

Tôi hỏi.

– Tại sao anh phải là trường hợp xác minh, không như bình thường chỉ mất 5 ngày?

 

A nói.

– Anh là ai thì anh biết quá, anh viết bài chống phá nhà nước, làm hại bao người.

 

Tôi suýt phì cười vì câu làm hại bao người, tôi định hỏi người nào, nhưng thôi không muốn đôi co với một nhân viên an ninh. Tôi bảo.

– Thôi, anh không làm hộ chiếu mới nữa.

 

A nhếch mép.

– Anh biết thế thì còn lên đây làm gì. Anh có gì cứ nói đi.

 

Tôi hỏi.

– Anh còn là người Việt Nam không?

 

A gật đầu.

– Anh vẫn là người Việt Nam.

 

Tôi hỏi.

– Anh xin thôi quốc tịch Việt Nam được không?

 

A cười nhạt.

– Anh nghĩ xem, liệu có được không?

 

Tôi không còn việc gì nữa. Tôi nhận lại cuốn hộ chiếu cũ và ra về.

 

Tôi không hỏi anh ta tên gì, chức vụ gì. Với tôi anh ta chỉ là một nhân viên an ninh được biệt phái sang bộ phận ngoại giao, có vô số người như anh ta ở khắp các đại sứ quán Việt Nam trên thế giới. Tôi chỉ cần biết con người an ninh cộng sản bản chất thế nào là đủ.

 

Lúc tôi ngồi chờ, tôi đã quan sát đủ để hiểu điều ấy.

 

Lẽ ra anh ta không nên để tôi ngồi chờ như vậy, người an ninh trước anh ta đã hành động khác, họ đưa tôi vào phòng gặp để tôi không nhìn thấy những gì đang diễn ra khi họ tiếp công dân Việt Nam.

 

Bùi Thanh Hiếu (Facebook)

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats