'Chuyện Little
Saigon' và 5 phim ngắn của đạo diễn người Mỹ gốc Việt
Tina Hà Giang
Gửi đến BBC
News Tiếng Việt từ Nam California, Hoa Kỳ
12 tháng 3 2023
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c6pq4r6r7vyo
Buổi chiếu 5 cuốn phim ngắn của đạo diễn người Mỹ gốc
Việt do Thư viện Công cộng Quận Cam (Orange County Libraries - OCPL) tổ chức
ngày 4/3 vừa qua thành công vượt sự mong đợi của nhiều giới.
Buổi chiếu phim là phần mở đầu của chuỗi sinh
hoạt nhiều kỳ có tên “Little Saigon Stories” do Orange County thực hiện, với mục
đích quảng bá những câu chuyện liên quan đến cộng đồng người Việt ở đây, một phần
của nỗ lực giữ gìn và vinh danh nền văn hóa đa dạng của quận nói chung.
Phòng chiếu của thư viện chính của OCPL tại
Garden Grove không chỉ hết ghế ngồi, mà khách tham dự đến hơi trễ cũng khó tìm
chỗ đứng. Khán giả, rất nhiều thuộc giới trẻ, chăm chú nhìn lên màn ảnh, lúc
xót xa với những cảnh trong phim, lúc lại rộ lên cười trước những đối thoại, có
lẽ với họ rất quen thuộc và tiêu biểu.
Năm phim được chiếu: Granny Boot Camp, Savory,
Iris, The Morning Passing on El Cajón Boulevard, Like Mother - Like Daughter,
là những phim ngắn nổi bật, đã được Hội Văn học Nghệ thuật Việt Mỹ (tổ chức
VAALA) chiếu tại Viet Film Fest trước đây. Đa số phim được quay ngay tại Little
Saigon, với chủ đề gia đình, do các đạo diễn người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi, và rất
tình cờ, toàn phái nữ, thực hiện.
Bà Ysa Le, giám đốc điều hành của VAALA cho biết rất hân hạnh khi hội được mời
tham gia dự án “Little Saigon Stories”:
“Chuỗi sinh
hoạt của dự án Little Saigon Stories kéo dài 3 tháng gồm buổi chiếu phim, thuyết
trình, giới thiệu sách, gặp gỡ các nhà văn, v.v vào cửa miễn phí, ai cũng có thể
tham dự để học hỏi. Tôi thấy đây là một dự án rất hay của OC Public Libraries
nhằm cho thấy sự đa dạng về văn hóa và chủng tộc của quận Cam!”
Eric Nong, Giám đốc Nghệ thuật của Viet Film Fest, người chọn phim cho buổi
trình chiếu, giải thích lý do khiến anh chọn 5 cuốn phim ngắn nói trên:
“OCPL cho biết
họ muốn chiếu những cuốn phim đặc biệt nhắm đến và/hoặc có sự góp mặt của cộng
đồng người Mỹ gốc Việt, nên tôi đã giới hạn lựa chọn trong vòng những phim ngắn
chỉ do người Mỹ gốc Việt đạo diễn, dù phim được chiếu tại Viet Film Fest đến từ,
hoặc có sự tham gia của người gốc Việt cả ở Việt Nam lẫn hải ngoại.
Vì đây là dịch
vụ miễn phí OCPL muốn cung cấp cho dân địa phương, tôi kết hợp giữa những phim
sâu sắc nhưng dễ xem cho khán giả (Granny Boot Camp, Savory) và những phim hơi
mang tính thách thức hơn, nhưng không quá khó hiểu (The Morning Passing on El
Cajón Boulevard). Viet Film Fest từ lâu đã chiếu nhiều phim với chủ đề LGBTQ
(Like Mother - Like Daughter) và tôi luôn nghĩ rằng chủ đề đó cũng quan trọng.
Sự phân cách giữa các thế hệ, được nhắc đến, ở một mức độ nào đó trong phim
Like Mother - Like Daughter, nhưng đặc biệt phim Iris, rất nặng về mặt xã hội
và chính trị trong cộng đồng, và đó là lý do tại sao những phim này được chọn.”
Nhìn phản ứng của người xem, ta có thể cho rằng
có thể Eric Nong đã chọn đúng!
5 cuốn phim ngắn được chiếu hôm ấy đã phần nào
nói lên được “chuyện Little Saigon” và không ít thì nhiều chạm vào tim khán giả,
dù họ từng lo lắng cho cha mẹ, ông bà trong thời người Á Đông ở đây bị hành
hung, từng lịm người vì nỗi nhớ người thân vừa qua đời, từng phải đối diện với
quan hệ căng thẳng giữa hai thế hệ, nhất là trong việc chọn nghề, hay từng run
rẩy thú thật với cha mẹ mình là người… đồng tính.
.
Nỗi sợ giới ghét người châu Á
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/5cc3/live/727e2fe0-c081-11ed-95f8-0154daa64c44.jpg
Một cảnh
trong phim Granny Boot Camp
Mở đầu chương trình, phim Granny Boot Camp
(2022) của đạo diễn Terry Ngô tạo ngay được sự đồng cảm cho người xem.
Phim quay quanh chuyện một bà cụ hàng ngày đọc
tin thấy nhiều người bị hành hung vì phong trào căm ghét người Châu Á, đã đâm
ra sợ hãi không dám ra khỏi nhà. Đám cháu nội ngoại thấy vậy phải xúm lại giúp
bà ngày ngày tập võ, đạp treadmill, và chuẩn bị hành trang cho đến ngày bà mạnh
dạn khoác chiếc backpack lên lưng và vượt qua nỗi sợ, mở cửa bước chân ra
ngoài…
Đạo diễn Terry Ngô cho biết cô thực hiện
Granny Boot Camp vì có lúc đã rất lo lắng cho mẹ già trong môi trường người
châu Á bị người căm ghét hành hung vì niềm tin là Covid đến từ Á châu.
Không có gì ngạc nhiên khi khúc phim ngắn 5
phút được khán giả nhiệt liệt vỗ tay khi kết thúc. Được biết tại Viet Film Fest
Granny Boot Camp đã được đề cử cho giải Phim ngắn hay nhất. Granny Boot Camp
cũng đã được trình chiếu tại các buổi liên hoan phim như DC APA, Mindfield,
Buffalo và Madrid Film Festival, nơi cuốn phim cực ngắn này, đã đoạt giải Phim
hài hay nhất.
Terry Ngô cho biết Granny Boot Camp với cô có
ý nghĩa đặc biệt vì cả ba thế hệ của gia đình đã tham dự vào việc làm cuốn phim
này.
.
Nỗi nhớ bà
https://ichef.bbci.co.uk/news/602/cpsprodpb/d514/live/39577db0-c082-11ed-97e4-774490fb294f.jpg.
Đội ngũ làm
phim Savory
Phim Savory (2021), dài 10 phút, hầu như không
có đối thoại, tả cảnh một cô gái trẻ tuổi, trong khi tránh tuyết một mình ở nhà
bà ngoại, người vừa qua đời, suy ngẫm về mối quan hệ của mình với bà, sau khi
làm và ăn món cơm chiên trứng mà bà mình ưa thích.
Cảnh nhân vật chính một mình lầm lũi làm món
ăn bà mình thích, bới ra hai bát, một cho mình và một bát đặt lên bàn thờ nghi
ngút khói hương làm nhiều người không nén được cảm xúc.
Đạo diễn
Taylor Jordan cho biết khi làm phim cô
chỉ “muốn mọi người có thể liên tưởng đến những hoài niệm của riêng mình và có
cảm giác thoải mái” khi xem.
“Còn nhớ lúc tôi cho mẹ xem phim lần đầu, tôi
không ngờ bà đã bật khóc, và chính những khoảnh khắc đó củng cố lý do tại sao
tôi mê thích làm phim.”
.
Con không muốn làm bác sĩ
https://ichef.bbci.co.uk/news/613/cpsprodpb/51f2/live/99ab06b0-c081-11ed-95f8-0154daa64c44.jpg
Một cảnh
trong phim Iris
Việc phim ảnh là cách kể chuyện hữu hiệu có thể
đo lường được qua phản ứng của khán giả.
Một đối thoại trong phim Iris (2022) của đạo
diễn Jamie Trần khiến người xem không khỏi bật ra những tiếng cười rộ, nhưng đó
là cái cười trên những khuôn mặt trầm ngâm.
Nhân vật chính trong phim, Iris, là một cô bé
mê ngành kịch nghệ và muốn theo đuổi ngành diễn xuất, nhưng khổ sở loay hoay
mãi không biết phải nói thế nào với người cha nghiêm khắc, trước ước mơ con sẽ
trở thành một bác sĩ của ông.
Cứ sống trong dằn vặt như vậy cho đến một
ngày, khi cha hớn hở mang đến cho mình cuốn sách mới mua, nói ông nghĩ sách sẽ
giúp cô nhiều trong việc chuẩn bị thi vào trường y, Iris thấy mình đã đến lúc
phải cho cha biết sự thật.
-Ba. Con nghĩ mình phải nói chuyện. Ba ngồi xuống
đi.
- …
-Ba à, con không muốn học ngành y, không muốn
làm bác sĩ. Con xin lỗi ba…
-Con bữa nay nói kiểu gì lạ vậy?
-Con đã tìm cách nói với ba nhiều lần rồi,
nhưng ba không muốn nghe…
-Vậy con muốn làm gì? Theo ngành dược à, hay kỹ
sư? Người cha hỏi, hơi ngỡ ngàng, nhưng mắt vẫn còn hy vọng.
-Con không thích mấy ngành đó, con muốn theo
ngành nghệ thuật, diễn xuất.
-Diễn xuất? Đó chỉ là sở thích. Rồi con lấy gì
mà sống? Người cha hét lên…
Đạo diễn
Jamie Trần, từng là diễn viên trước khi trở thành đạo diễn,
cũng đóng vai người dì của Iris trong phim, hé lộ động cơ khiến bà thực hiện cuốn
phim:
“Chuyện làm
phim Iris đến từ việc tôi nghe người thân, bạn bè và cả những người quen sơ,
chia sẻ những kinh nghiệm tương tự. Dĩ nhiên trong đó có cả kinh nghiệm bản
thân nữa.
Mục đích của
tôi là kể chuyện, nhưng quan trọng hơn, làm sáng tỏ một chủ đề thường được nghe
nói đến nhưng chưa được thấy. Người Việt chúng ta cần được nhìn thấy nhiều hơn.
Tôi muốn nhiều người hơn biết đến văn hóa và truyền thống của người Việt. Chúng
ta có những câu chuyện tương tự như mọi người khác. Gia đình, các mối quan hệ,
truyền thống và phong tục. Tôi thấy so với người Việt, các nền văn hóa châu Á
khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tiến xa hơn khi nói đến sự nghiệp
trong ngành nghệ thuật. Tôi thích viết lách và tôi muốn giới thiệu văn hóa của
chúng ta trên màn ảnh nhiều hơn.
Tôi hy vọng
rằng qua phim này, giới trẻ sau khi xem phim, nếu có nguyện vọng để trở thành một
nghệ sĩ thì sẽ dám theo đuổi ước mơ đó, đặc biệt là trong thời đại bây giờ, mọi
thứ đều có thể.”
.
Con là con gái của mẹ
https://ichef.bbci.co.uk/news/615/cpsprodpb/a017/live/b4f98900-c081-11ed-95f8-0154daa64c44.jpg
Một cảnh
trong phim Like Mother - Like Daughter
Trong phim “Like Mother - Like Daughter”
(2018), vào dịp Tết Nguyên Đán, một phụ nữ chuyển giới người Mỹ gốc Việt lén mặc
chiếc áo dài đầu tiên trong đời để tìm cách nói với mẹ rằng mình là phụ nữ và
hy vọng mẹ sẽ chấp nhận mình là con gái của bà.
Khán giả khá xúc động trước cảnh một cô gái có
giọng đàn ông, được mẹ gọi là Robert, trốn vào phòng riêng, run rẩy khoác lên
người chiếc áo dài, và khi bị mẹ sửng sốt khi bắt gặp, nài nỉ xin bà cho mình
được thêm vài phút nữa là Robin, rồi mọi sự sẽ được “trả về như cũ”…
“Robin là ai?”
“Tiếng hỏi hoảng hốt của bà mẹ và sự lúng túng
của người con làm tôi đau lòng quá.” Một khán giả thầm thì với người ngồi cạnh.
Đạo diễn
Kady Lê chia sẻ lý do cô làm cuốn phim này:
“Mục tiêu của
tôi là giúp những người Việt đồng tính luyến ái, chuyển giới và có khuynh hướng
giới tính mở, nói về chuyện của họ. Bản thân là một phụ nữ đồng tính luyến ái,
tôi cảm thấy trải nghiệm của giới LGBTQ dường như bị vắng bóng trên màn ảnh. Dù
không phải là người chuyển giới, nhưng tôi nghĩ nhiều người LGBTQ phải đối mặt
với cảm giác bị thiệt thòi. Tôi cũng muốn nhân bản hóa và nâng cao nhận thức về
trải nghiệm của cả người Mỹ gốc Việt lẫn người chuyển giới cho những ai chưa
quen với hai cộng đồng này. Cả hai đều rất đa dạng.”
.
Quan hệ phức tạp với văn hóa
https://ichef.bbci.co.uk/news/610/cpsprodpb/eb4c/live/c46a5310-c081-11ed-95f8-0154daa64c44.jpg.
Một cảnh
trong phim The Morning Passing on El Cajón Boulevard
Buổi Sáng Đi Qua Đại Lộ El Cajón (2019), của đạo diễn Quyên Nguyễn-Lê là phim dài nhất, 20 phút, cũng có lẽ là phim đòi hỏi sự chú tâm của
người xem nhất.
Phim theo bước chân của Julie, một cô gái trẻ
người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ thứ hai, hiện giữ chức vụ giám đốc lễ tang tại một
nhà quàn ở City Heights, khu đông dân cư tị nạn thuộc thành phố San Diego,
California.
Dù quen với việc hàng tuần quản lý tang lễ cho
người đồng hương, nhưng khi cha mình bất ngờ qua đời, Julie đã phải nhờ đến sự
cố vấn của một người đàn chị trong ngành. Cuốn phim cho thấy cận cảnh gia đình
người tị nạn đau buồn như thế nào khi họ mất người thân ở xa quê hương.
Tuy nhiên, cảnh tử biệt sinh ly không phải là
tâm điểm của phim.
“Mục tiêu của
tôi là nói lên mối quan hệ với văn hóa rất phức tạp của cộng đồng người Việt hải
ngoại, qua câu chuyện cụ thể của nhân vật chính.” Đạo diễn Quyên Nguyễn-Lê bày tỏ, và nói thêm:
“Tôi đặc biệt
muốn khám phá những mối quan hệ không bị xung đột giữa các thế hệ người Việt.
Tôi nghĩ giữa các thế hệ chúng ta có rất nhiều tổn thương và sự hiểu lầm. Những
tổn thương và hiểu lầm đó trở nên trầm trọng hơn vì rào cản ngôn ngữ và chấn
thương của chiến tranh. Một số bậc cha mẹ nghĩ rằng con cái không quan tâm đến
họ hoặc xuất xứ của họ. Nhưng thật ra nhiều người thuộc thế hệ thứ hai chúng
tôi suy nghĩ rất sâu sắc về việc mình là người Việt. Chúng tôi vừa nghĩ cách phải
làm thế nào để có thể ôm lấy những gì được truyền lại, vừa nghĩ về ảnh hưởng của
chính mình trong việc góp phần hình thành văn hóa. Chúng tôi không chỉ là những
thùng chứa để đựng kiến thức về văn hóa có sẵn, mà còn là những người tham gia
tích cực vào một nền văn hóa luôn thay đổi. Tôi nghĩ Julie, nhân vật chính
trong phim là ví dụ điển hình về một người vừa cố gắng bảo tồn văn hóa vừa tự
tin khi biết rằng mình cũng là một phần của sự thay đổi của văn hóa đó”.
.
Thấy gì qua buổi chiếu phim?
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/f947/live/dd3d7520-c081-11ed-95f8-0154daa64c44.jpg
Thảo luận
sau buổi chiếu phim 'Chuyện Little Saigon'
Được hỏi liệu những cuốn phim này có nói lên
được những câu chuyện của Little Saigon, Eric
Nong trả lời:
“Không một
phim ngắn nào do Viet Film Fest tuyển chọn có thể kể hết được chuyện của Little
Saigon, hay nắm được bản chất của Little Saigon. Tương tự, không một bộ phim
nào có thể làm được việc này. Nhưng hãy ghi nhận nỗ lực của OCPL trong chương
trình "Little Saigon Stories" - họ đang cố gắng ghi lại một cái nhìn
thoáng qua về cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại thời điểm này, cũng như quá khứ của
nó. Điều tôi hy vọng bộ phim ngắn này có thể làm được là góp phần đóng góp vào
bức tranh lớn hơn đó – một số ước vọng và quan tâm của cộng đồng chúng ta được
phản ánh qua nghệ thuật.”
Eric nhận định đúng.
Cần phải có nhiều cuốn phim nữa, và nhiều đạo
diễn nữa mới kể hết được những câu chuyện của Little Saigon, thuộc Orange
County, tiểu bang California, nơi cư ngụ của khoảng trên dưới 200.000 người Mỹ
gốc Việt.
Nhưng việc buổi trình chiếu những cuốn phim về
người Mỹ gốc Việt, do chính người Mỹ gốc Việt đạo diễn, được quận Cam đứng ra tổ
chức, cho thấy tấm thảm văn hóa của nơi đây ngày càng khởi sắc và người Little
Saigon, Chuyện Little Saigon chắc chắn đã đóng góp vào, và là một phần không thể
thiếu của một nơi đa văn hóa đa sắc tộc.
----------------
Bài
thể hiện quan điểm riêng của nhà báo tự do Tina Hà Giang, hiện sống
tại Nam California, Hoa Kỳ.
TIN LIÊN QUAN
·
Nhã Ca, O Xưa và một
buổi tối tràn đầy ký ức
19 tháng 2 năm 2023
·
Hanni Phạm - ca sĩ
K-pop bị tẩy chay vì gia đình có gốc gác VNCH?
8 tháng 2 năm 2023
·
Khánh Ly trở lại
Cali với giọng ca '60 năm – Đời cho ta thế'
11 tháng 8 năm 2022
·
Thêm tiếng nói phê phán
việc ‘cúp điện, hủy diễn’ với ca sĩ Khánh Ly
26 tháng 9 năm 2022
·
Nhà văn Nguyễn
Ngọc Ngạn: 30 năm với Thúy Nga Paris và ‘vì sao chưa về Việt Nam’
15 tháng 10 năm 2022
·
Nhà văn Nguyễn Ngọc
Ngạn: 'Show chia tay xúc động và vất vả nhất của Thúy Nga'
13 tháng 10 năm 2022
No comments:
Post a Comment