Monday, 13 March 2023

BỐI CẢNH QUỐC TẾ MỚI : "MỘT THẾ GIỚI, HAI HỆ THỐNG" (Trần Quốc Hùng  -  Tạp Chí Nghiên Cứu Việt Mỹ )

 



Bối cảnh quốc tế mới: “Một thế giới, hai hệ thống”    

Trần Quốc Hùng  -  Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ 

6 Tháng Ba, 2023

https://usvietnam.uoregon.edu/boi-canh-quoc-te-moi-mot-the-gioi-hai-he-thong/

 

“One World, Two Systems” Takes Shape During the Pandemic (Một thế giới hai hệ thống định hình trong đại dịch) là một tiểu luận nổi tiếng của nhà nghiên cứu Trần Quốc Hùng xuất bản lần đầu ngày 8/9/2020 trên Atlantic Council. Bài viết này sau đó đã được các Thư viện Quốc Hội, cơ quan phục vụ thông tin và nghiên cứu cho các nhà làm luật,  của Hoa Kỳ, Liên hiệp Châu Âu và Nhật Bản chọn vào danh sách các tài liệu cần nghiên cứu.

 

Như bài viết đã phân tích và dự đoán, sau ba năm, hai hệ thống Mỹ và Trung Quốc đã dần dần định hình ngày càng rõ nét hơn, chủ yếu là trong lãnh vực công nghệ cao/chất bán dẫn tiên tiến và chế độ kiểm soát đầu tư vào các ngành chiến lược. Một số sự kiện tiêu biểu nêu ra trong bài đã xảy ra và lỗi thời — vì có nhiều sự kiện mới tiêu biểu hơn, làm rõ hơn xu hướng cạnh tranh và phân liệt giữa hai hệ thống.

 

Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ xin giới thiệu bản dịch tiếng Việt của bài viết quan trọng này. Bản dịch đã được tác giả hiệu đính.

 

                                                             *****

 

Đại dịch COVID-19 đã gây ra những cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế cộng đồng nghiêm trọng. Nó đã và sẽ để lại dấu ấn sâu sắc đối với hành vi và hoạt động kinh tế – xã hội trong những năm tới. Nó cũng làm nghiêm trọng thêm các điều kiện tồn tại từ trước, cả quốc nội (bất bình đẳng xã hội và kinh tế) và quốc tế (sự phân mảnh của trật tự thế giới thời hậu chiến II và chiến tranh lạnh). Sự phân mảnh của trật tự thế giới đã được thể hiện trong một cuộc cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để tranh giành ảnh hưởng chính trị và chiến lược.

 

Cho đến nay, cuộc cạnh tranh này chủ yếu diễn ra thông qua cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, cuộc chiến đã làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương, dựa trên các quy tắc được xây dựng xung quanh Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, nó cũng đã lan sang các đấu trường địa chính trị và chiến lược, nhanh chóng leo thang trong đại dịch.

 

Về bản chất, trật tự kinh tế toàn cầu hóa thời hậu Chiến tranh Lạnh đã dần chuyển thành mô hình “một thế giới, hai hệ thống,” hướng tới một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Trái ngược với cuộc cạnh tranh địa chính trị và ý thức hệ định hình cuộc Chiến tranh Lạnh trước đây giữa Hoa Kỳ và Liên Xô và các đồng minh tương ứng của họ, cuộc cạnh tranh mới chớm nở hiện nay tập trung nhiều hơn vào cuộc chiến giành vị trí thống trị thị trường trong công nghệ cao và các ngành công nghiệp của tương lai – được nhiều bên nhìn nhận là cần thiết để bảo vệ sự bền vững kinh tế và an ninh quốc gia.

 

Nỗ lực cắt đứt các mối quan hệ kinh tế (“decoupling”) trong nền kinh tế toàn cầu, vốn đã được liên kết một cách chặt chẽ, sẽ rất khó khăn và tốn kém đối với tất cả các bên, do chi phí chuyển đổi và những thiệt hại vì giảm hiệu quả kinh doanh. Hơn nữa, đường phân chia giữa hai vùng khối – một do Hoa Kỳ lãnh đạo và một do Trung Quốc lãnh đạo – không được xác định rõ ràng. Các quốc gia và khu vực lớn như Châu Âu, Châu Á và các nước đang phát triển đã liên kết với cả bên này và bên kia, hoặc với các đối thủ cạnh tranh khác, với mức độ hội tụ khác nhau, tùy thuộc vào từng vấn đề, đôi khi do chủ nghĩa cơ hội kinh tế thúc đẩy. Do đó, liên minh của họ với một trong hai đối thủ không thể được coi là đương nhiên và bền vững. Điều đó tạo ra động lực không ổn định khi cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt trong tương lai.

 

Cạnh tranh chiến lược

 

Sự chia rẽ ngày càng gia tăng về cơ bản phản ánh sự không tương thích giữa hệ thống quản lý nhà nước và kinh tế của Trung Quốc (do Đảng Cộng sản Trung Quốc cai trị và thực hành chủ nghĩa tư bản nhà nước) với các nền dân chủ tự do và nền kinh tế thị trường của phương Tây. Sự khác biệt đã được Liên minh châu Âu (EU) mô tả một cách khéo léo trong tầm nhìn chiến lược công bố năm 2019, trong đó mô tả Trung Quốc là “một đối thủ có tính chất hệ thống, thúc đẩy các mô hình quản lý thay thế”, đồng thời là đối tác đàm phán và cạnh tranh kinh tế.[1] Hoa Kỳ áp dụng cách tiếp cận cạnh tranh đối với Trung Quốc, coi nước này là đối thủ cạnh tranh chiến lược. Hoa Kỳ cũng tuyên bố một tinh thần “chấp nhận những va chạm song phương lớn hơn”.[2]

 

Sự khác biệt giữa hai hệ thống trải dài trên một phạm vi rộng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Những điểm gây tranh cãi gần đây bao gồm việc Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, việc kiểm soát thông tin và thiếu minh bạch khi bắt đầu bùng phát dịch SARS-CoV-2, và việc họ áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông, làm suy yếu mô hình “một quốc gia, hai chế độ” mà Trung Quốc đã cam kết tôn trọng cho đến năm 2047.

 

Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác đã chỉ trích Trung Quốc về những vấn đề này—Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông. Trung Quốc đã đáp trả, sử dụng cách tiếp cận “ngoại giao chiến lang”,[3] đặc biệt là chống lại Úc vì đã tham gia yêu cầu điều tra độc lập về nguồn gốc của loại coronavirus mới.

 

Nhiều sự kiện đã phản ánh thực tế là cạnh tranh chiến lược đã thâm nhập vào các tổ chức quốc tế. Tại phiên họp thứ 44 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) tại Geneva vào mùa hè năm 2020, Vương quốc Anh đã đưa ra một tuyên bố thay mặt cho 27 quốc gia, chủ yếu là phương Tây, chỉ trích việc Trung Quốc áp đặt luật luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông; Cuba đưa ra tuyên bố phản bác, đại diện cho 53 quốc gia đang phát triển ủng hộ Trung Quốc (Hoa Kỳ đã rút khỏi UNHCR vào tháng 6 năm 2018).[4]

 

Trong khi đó, cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng gay gắt ở Eo biển Đài Loan và Biển Đông. Trung Quốc tăng cường các động thái ngày càng quyết đoán, nhằm thực hiện các yêu sách hàng hải của mình, được hỗ trợ bởi các nỗ lực hiện đại hóa lực lượng vũ trang và khả năng thực thi chiến lược Chống tiếp cận và Phong tỏa khu vực (Anti-Access/ Area Denial – A2/AD). Họ đã bị chống lại bởi sự phối hợp tăng cường giữa các quốc gia Quad (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc — với các cuộc tham vấn được mở rộng thêm Hàn Quốc, Việt Nam và New Zealand—tuỳ nội dung thảo luận).

 

Hoa Kỳ vào tháng 7/2020 đã tuyên bố các yêu sách hàng hải của Trung Quốc trong đường chín đoạn của nước này là vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), vi phạm phán quyết của tòa trọng tài năm 2016 — và do đó, bất hợp pháp, khiến các công ty Trung Quốc tham gia vào hoạt động thăm dò các hoạt động ở đó dễ bị Hoa Kỳ trừng phạt và kiện tụng.[5] Vào cùng tháng Bảy, Hoa Kỳ đã đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston và Trung Quốc đã trả đũa bằng cách đóng cửa Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành Đô. Hoa Kỳ cũng đã tiến hành các chuyến đi tự do hàng hải thường xuyên hơn qua eo biển Đài Loan và gần các đảo nhân tạo quân sự hóa mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Cả hai bên đã tổ chức nhiều cuộc tập trận hải quân hơn bình thường — bao gồm cả việc Trung Quốc bắn thử một trong những tên lửa “sát thủ tàu sân bay” DF-26 trong một cuộc tập trận gần đây. Do đó, nguy cơ tai nạn, tính toán sai lầm và hiểu lầm dẫn đến xung đột nghiêm trọng hơn đã tăng lên.

 

.

Sự phân mảnh của hệ thống thương mại toàn cầu

 

Rõ ràng là các quy tắc thương mại đa phương của WTO không đủ để đối phó với sức nặng ngày càng tăng của chủ nghĩa tư bản nhà nước ở Trung Quốc, vốn đã mang lại lợi thế cạnh tranh không công bằng và tạo ưu thế cho các doanh nghiệp TQ do nhà nước chỉ đạo và hỗ trợ, ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào năm 2018 khi Hoa Kỳ bắt đầu áp đặt thuế quan, kiểm soát đầu tư và xuất khẩu đối với hàng hóa và các công ty được chỉ định của Trung Quốc, gây ra cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ. Các khoản trợ cấp nhà nước tràn lan của Trung Quốc cũng là một thách thức ghê gớm cho Thỏa thuận đầu tư toàn diện EU-Trung Quốc (được lên kế hoạch sẽ ký kết vào cuối năm 2920–nhưng sau đó Nghị Viện Châu Âu đã ngưng việc phê chuẩn). Khi hệ thống thương mại toàn cầu của WTO đang bị chia cắt thành hàng trăm hiệp định thương mại khu vực (305 theo lần thống kê gần đây nhất, chi phối khoảng một nửa kim ngạch thương mại thế giới), các quốc gia đã bị kéo vào một không gian, hoặc lấy Mỹ hoặc Trung Quốc làm trung tâm.

 

Không gian của Hoa Kỳ tập trung vào khối kinh tế Bắc Mỹ, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP thế giới với 27,4%. Các quốc gia này gần đây đã thực thi Hiệp định Hoa Kỳ-Mexico-Canada (USMCA) với mục đích thúc đẩy thương mại trong khu vực. Mặc dù tỷ trọng tương đối của nó trong nền kinh tế thế giới đã giảm, khu vực này vẫn là trung tâm hấp dẫn của nền kinh tế toàn cầu, giữ vai trò hàng đầu trong nhiều ngành công nghiệp và công nghệ. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế và tài chính do đại dịch gây ra, sự hỗ trợ kịp thời từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã giúp ổn định thị trường tài chính quốc tế, thể hiện vai trò trung tâm của đồng đô la Mỹ (USD) trong nền kinh tế toàn cầu. Cụ thể, tỷ trọng phân bổ USD trong dự trữ quốc tế đã tăng khiêm tốn lên 61,98% trong quý đầu tiên của năm 2020, từ mức 61,73% một năm trước; vai trò của nó trong các khoản thanh toán toàn cầu thông qua SWIFT (Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu) đã tăng lên 42,2% vào tháng 12 năm 2019, từ 39,8% vào tháng 12 năm 2017.[6]

 

Khối Trung Quốc đang xây dựng dựa trên sức hút của thị trường nội địa rộng lớn, với hơn 600 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, và tầng lớp này vẫn đang tiếp tục phát triển, thu hút các tập đoàn đa quốc gia; dựa trên Chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu của Trung Quốc, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI); cùng hàng loạt hiệp định thương mại khu vực.

 

Theo trang web của BRI, 138 quốc gia đã ký Bản Ghi nhớ (MOU) với Trung Quốc về các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng.[7] Theo Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc đã chi 575 tỷ đô la tài trợ cho các dự án đó (trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm các dự án đã được thực hiện, đang trong giai đoạn triển khai hoặc đã lên kế hoạch), kể từ BRI khởi động vào năm 2013.[8] Các dự án này chủ yếu dựa vào công nghệ và công ty xây dựng của Trung Quốc. Theo báo cáo, một số thỏa thuận về dự án và tài chính đã được ký kết theo luật pháp Trung Quốc, theo đó các tranh chấp sẽ được giải quyết tại tòa án Trung Quốc. Đương nhiên, Trung Quốc rất muốn khuyến khích xu hướng này, cũng như thúc đẩy việc sử dụng Nhân dân tệ (RMB) để thanh toán các giao dịch thông qua Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của mình. Khoảng 15% giao dịch ngoại thương của Trung Quốc đang được thanh toán bằng Nhân dân tệ.

 

Mặc dù đã có những lời chỉ trích chính đáng ở phương Tây về sự thiếu minh bạch trong việc Trung Quốc cho các nước BRI vay, rằng nó có thể gây ra tình trạng mắc nợ cao và đầu tư lãng phí ở nhiều nước tham gia chương trình, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là, trong khoảng một thập kỷ qua, các chính phủ và các tập đoàn kinh tế của phương Tây đã không đưa ra các giải pháp thay thế, để đáp ứng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của các quốc gia đó, khiến họ phải đi theo các dự án BRI.

 

Trung Quốc cũng đã đàm phán một số hiệp định thương mại khu vực, trong đó quan trọng nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)—dự kiến sẽ được ký kết vào cuối năm 2020. RCEP sẽ bao gồm 10 quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5 quốc gia châu Á khác — tạo thành một khối thương mại với tổng GDP là 21,3 nghìn tỷ USD, chiếm 40% kim ngạch thương mại thế giới.

 

.

Chạy đua chiếm ưu thế công nghệ cao

 

Trong tương lai, cuộc cạnh tranh Trung – Mỹ sẽ tập trung nhiều hơn vào việc đạt được sự thống trị thị trường, thiết lập các tiêu chuẩn công nghiệp và công nghệ, đồng thời tác động đến các quy định trong nền kinh tế kỹ thuật số. Hoa Kỳ đã hạn chế quyền tiếp cận công nghệ Hoa Kỳ đối với hơn 100 công ty công nghệ cao quan trọng của Trung Quốc, bao gồm Huawei, ZTE, HISilicon, Hikvision và Dahua Technology, bằng cách đưa họ vào Danh sách Thực thể (the Entity List) —các doanh nghiệp cần phải có giấy phép của Bộ Thương mại để giao dịch với các thực thể nằm trong danh sách — và cấm bán các sản phẩm chiến lược, bao gồm cả những sản phẩm được sản xuất bên ngoài Hoa Kỳ nhưng chứa nhiều hơn mức tối thiểu hàng hóa trung gian và tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ.

 

Đặc biệt, những lệnh cấm đó đã được thắt chặt gần đây, giảm thiểu khả năng tiếp cận của Huawei với chất bán dẫn cao cấp. Theo nhiều nhà quan sát, điều này sẽ gây nguy hiểm cho vị trí dẫn đầu của họ về thiết bị 5G và điện thoại thông minh. Hoa Kỳ cũng đã cấm các công ty truyền thông mạng xã hội do Trung Quốc sở hữu, như TikTok và WeChat, với lý do họ có thể bị buộc phải chia sẻ dữ liệu cá nhân của người dùng với chính quyền Trung Quốc, theo yêu cầu của luật pháp Trung Quốc.

 

Ngoài ra, Hoa Kỳ đã rất chú trọng đến việc kiểm soát hàng hóa lưỡng dụng – tức loại hàng hóa có thể ứng dụng cho cả dân sự và quân sự. Hoa Kỳ đã tìm cách đạt được Thỏa thuận Wassenaar giữa 33 quốc gia, trong đó thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm cao hơn trong việc chuyển giao vũ khí thông thường, cũng như hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng, để thích ứng và đối phó với cách tiếp cận hợp nhất quân sự – dân sự của Trung Quốc (chiến lược “quân dân dung hợp”) đối với phát triển công nghệ. Ngoài việc cấm sử dụng thiết bị do Trung Quốc sản xuất trong cơ sở hạ tầng quan trọng của mình vì lý do an ninh quốc gia, Hoa Kỳ đã cố gắng kêu gọi các đồng minh loại trừ Huawei khỏi cơ sở hạ tầng 5G của họ.

 

Vào tháng 7/2020, Vương quốc Anh, đảo ngược quyết định trước đó và đi theo áp lực của Hoa Kỳ, đã cấm Huawei tham gia vào cơ sở hạ tầng 5G của mình.[9] Pháp đã làm theo; cả Anh và Pháp cùng với các quốc gia như Úc, Nhật Bản và Đài Loan đã cấm Huawei. Trong khi đó, Trung Quốc đã đẩy mạnh tổng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) — đạt 2,13% GDP năm 2017 so với 2,7% ở Mỹ và 2% ở EU, theo OECD.[10] Tuy nhiên, theo một báo cáo nghiên cứu gần đây, Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ về tỷ lệ chi tiêu cho R&D trên GDP vào năm 2019 (3,7% so với 2,7%).[11] Người ta ước tính rằng đến năm 2030, Trung Quốc cũng sẽ chi tiêu nhiều hơn Hoa Kỳ về số lượng tuyệt đối: 900 USD tỷ so với 830 tỷ đô la.

 

Chi tiêu R&D cao hơn không đảm bảo có nhiều đột phá khoa học và công nghệ hơn. Tuy nhiên, đứng trước một thực tế là Trung Quốc tạo ra số sinh viên tốt nghiệp STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) mỗi năm nhiều gấp 8 lần so với Hoa Kỳ (4,7 triệu so với 568.000 vào năm 2016), có lý do để chúng ta nhìn thấy khả năng họ triển khai nhanh chóng ở quy mô mới các công nghệ như 5G, Internet vạn vật (IoT), ô tô điện, nhận dạng khuôn mặt, v.v, những công nghệ mang lại lợi thế quan trọng cho các công ty Trung Quốc.[12] Trung Quốc cũng đã tăng cường hỗ trợ cho các công ty công nghệ cao của mình, bao gồm cả Huawei. Nó vốn đang cố gắng bảo vệ và mở rộng thâm nhập vào các nước đang phát triển. Bất chấp những hạn chế của Hoa Kỳ, Huawei vẫn có thể tăng doanh thu toàn cầu lên 122 tỷ USD vào năm 2019, chỉ đứng sau Samsung trên thị trường điện thoại thông minh. Họ đã tăng doanh thu thêm 13,1% trong nửa đầu năm 2020.[13] Trung Quốc đã tăng gấp đôi việc sử dụng các khoản trợ cấp của nhà nước để giúp các doanh nghiệp nhà nước “mạnh hơn, tốt hơn và lớn hơn”. [14] Để bổ sung cho kế hoạch “Made in China”, chính phủ Trung Quốc đã khởi động chiến dịch “Cơ sở hạ tầng mới” sau COVID-19, trị giá 1,4 nghìn tỷ đô la trong sáu năm, để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và công nghệ cao.

 

Ngoài việc cấm sử dụng máy tính và phần mềm nước ngoài trong chính phủ và cơ quan công cộng, Trung Quốc đã hoàn thành hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu BeiDou-3 (BDS), để độc lập và cạnh tranh với Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) do Hoa Kỳ vận hành.[15] Hơn nữa, Trung Quốc chuẩn bị  kế hoạch ban hành “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035” để phát triển và tác động đến các tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu.[16] Trung Quốc và các công ty của họ đã tích cực hoạt động trong các cơ quan thiết lập tiêu chuẩn quốc tế, như Liên minh Viễn thông Quốc tế (International Telecommunications Union – ITU) có tổng thư ký Houlin Zhao là quốc tịch Trung Quốc; Viện Kỹ sư Điện và Điện tử (Institute of Electrical and Electronic Engineers – IEEE); và Dự án Đối tác Thế hệ thứ 3 (the 3rd Generation Partnership Project – 3GPP) — xử lý chủ yếu các hệ thống không dây và thoại/dữ liệu (voice/data systems), bao gồm các tiêu chuẩn băng thông rộng di động. Trung Quốc cũng đã phát triển các cơ quan thiết lập tiêu chuẩn trong nước, chẳng hạn như Viện Tiêu chuẩn hóa Điện tử Trung Quốc (China Electronics Standardization Institute – CESI), để thúc đẩy các tiêu chuẩn của mình về trí tuệ nhân tạo. Từ quan điểm của Trung Quốc, việc cố gắng định hình các tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu sẽ bổ sung cho sự hỗ trợ của nhà nước đối với các công ty công nghệ cao của họ, giúp họ phấn đấu giành vị trí thống trị trong các công nghệ mục tiêu của tương lai.

 

Vùng ảnh hưởng của hai khối Hoa – Mỹ trở nên tách biệt rõ ràng nhất trong không gian Internet, đặc biệt xung quanh các vấn đề tự do ngôn luận, thông tin và luồng dữ liệu. Trung Quốc đã thực hiện kiểm soát và kiểm duyệt chặt chẽ Internet, áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với việc lưu hành nội dung không được chính quyền chấp thuận. Nó đã thiết lập một tường lửa tinh vi chống lại các trang web nước ngoài, đặc biệt là chặn hàng trăm nhà cung cấp Internet và tin tức như Google, Facebook, Twitter, YouTube, cũng như New York Times, Wall Street Journal và Economist. Trung Quốc đã xuất khẩu mô hình “chủ quyền quốc gia trên không gian mạng” (“cyber sovereignty,”)  bao gồm cả công nghệ giám sát như nhận dạng khuôn mặt, sang một số quốc gia. Trung Quốc đã đề xuất một Giao thức Internet mới (New Internet Protocol – New IP) kết hợp các tính năng kiểm soát tập trung tại ITU để thay thế các tiêu chuẩn Giao thức điều khiển truyền dẫn/Giao thức Internet (Transmission Control Protocol/Internet Protocol – TCP/IP), hiện có do Hoa Kỳ khởi xướng.[17] Gần đây, Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia vào Hồng Kông, buộc nhiều công ty nền tảng kỹ thuật số của Hoa Kỳ phải quyết định, hoặc rút khỏi Hồng Kông hay ở lại và tuân thủ luật pháp, đồng thời có nguy cơ bị chính phủ và khách hàng của họ ở phương Tây phản ứng dữ dội. Theo dự đoán của cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt, Internet với tư cách là một nền tảng toàn cầu tích hợp đang trong quá trình chuyển đổi thành một mạng chia nhỏ hoặc “sự phân chia thành internet do Trung Quốc lãnh đạo và internet do Mỹ lãnh đạo”.[18]

 

.

Tác động đến Châu Á và Châu Âu

 

Sự cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đẩy phần còn lại của thế giới vào thế phải chọn phe — một tình huống không thoải mái đối với nhiều quốc gia. Sẽ rất hữu ích khi xem xét trường hợp của Châu Á (nơi xung đột Trung-Mỹ gay gắt nhất) và Châu Âu (do tầm quan trọng của nó trong các vấn đề thế giới và quan hệ kinh tế).

Như đã đề cập ở trên, các quốc gia ở châu Á đã buộc phải chọn bên, trong khi họ không muốn làm như vậy. Họ có xu hướng liên kết chính trị với Hoa Kỳ nhưng có mối quan hệ kinh tế đáng kể với Trung Quốc, loại liên hệ mà họ muốn duy trì. Đặc biệt, ASEAN mới đây vừa vượt EU trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Những mối liên kết kinh tế đáng kể như vậy đã khiến các nước ASEAN có thái độ mâu thuẫn với nỗ lực của Hoa Kỳ, nhằm tận dụng tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo, chỉ trích các yêu sách hàng hải của Trung Quốc là bất hợp pháp, để xây dựng một liên minh chống lại Trung Quốc. Sự mâu thuẫn này trái ngược với thực tế là một số quốc gia ASEAN đã gửi công hàm chính thức tới Liên Hợp Quốc phản đối các yêu sách và hành động của Trung Quốc trong khi tái khẳng định lập trường của họ trong các tranh chấp ở Biển Đông.[19] Gần đây hơn, Indonesia và Singapore đã hạ thấp tuyên bố của ông Pompeo trong khi nhấn mạnh nhu cầu về hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở Biển Đông.[20] Malaysia đã tuyên bố rằng ASEAN không nên đứng về bên nào trong cuộc cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ.[21] Philippines, bên hưởng lợi từ phán quyết của UNCLOS 2016 về các yêu sách của Trung Quốc đối với Philippines ở Biển Đông, cho biết họ đã “đồng ý với Trung Quốc về việc không đồng ý (đối với phán quyết) và coi Biển Đông là một con đường lớn để hợp tác.” [22]

 

Trong cuộc chiến giằng co này giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, một kết quả có thể xảy ra trong tương lai gần có thể là sự Phần Lan hóa dần dần Đông Nam Á—các quốc gia thực thi chủ quyền của mình theo cách nhạy cảm với các giới hạn đỏ của Bắc Kinh, đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ— ngay cả đối với các bên đang tranh chấp ở Biển Đông. Trong bối cảnh này, cần để ý đến kết quả của một cuộc khảo sát các chuyên gia an ninh ASEAN do Viện ISEAS-Yusof Ishak (ờ Singapore) thực hiện vào tháng Giêng/2020. [23] Trong khi hầu hết những người được hỏi không muốn bị đặt vào vị trí phải đứng về phía nào, nếu buộc phải lựa chọn, thì đa số 53,6% trong toàn ASEAN lại thích đứng về phía Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, tính theo quốc gia, đa số bảy trong số mười quốc gia ASEAN đã chọn Trung Quốc — ba quốc gia thân Mỹ mạnh mẽ là Việt Nam, Philippines và Singapore. Một cuộc khảo sát tương tự của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho thấy phần lớn các chuyên gia Đông Nam Á cho rằng Trung Quốc đã giành được ảnh hưởng chống lại Hoa Kỳ trong mười năm qua và khoảng cách sẽ ngày càng lớn hơn theo hướng có lợi cho Trung Quốc trong mười năm tới.[24]

 

Để so sánh, EU chiếm một vị trí quan trọng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Với 16% thị phần của nền kinh tế thế giới, EU chiếm 35% xuất khẩu của thế giới—thực hiện 30% ngoại thương với Hoa Kỳ và 15% với Trung Quốc. Mặc dù EU có xu hướng liên kết với Hoa Kỳ về các vấn đề quản lý công quyền, dân chủ và nhân quyền, nhưng EU cũng cố gắng duy trì đối thoại với Trung Quốc nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của mình.

 

Như vậy, EU có thể sẽ là một thực thể quan trọng xoay quanh mối quan hệ giữa hai khối Hoa – Mỹ. Ví dụ, đầu năm nay, EU đã cùng với Hoa Kỳ và Nhật Bản đề xuất các quy tắc mới để hạn chế trợ cấp nhà nước của Trung Quốc. Họ đã tham gia cùng Hoa Kỳ về các vấn đề người Duy Ngô Nhĩ và Hồng Kông; nhưng họ đã hỗ trợ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi Hoa Kỳ rút khỏi tổ chức này vào tháng 7 với cáo buộc tổ chức này thiên vị Bắc Kinh. EU thông qua “hiệu ứng Brussels” (“Brussels effect”) cũng đã thực hiện ảnh hưởng đáng kể trong việc thiết lập các tiêu chuẩn ngành kinh tế hay công nghiệp, đầu tiên là tiêu chuẩn dành cho thị trường của chính mình, nhưng cuối cùng được phần lớn phần còn lại của thế giới chấp nhận do mong muốn hợp tác kinh doanh với EU.[25]

 

Tác động này thể hiện rõ trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và gần đây là bảo vệ quyền riêng tư về dữ liệu. So với việc kiểm soát dữ liệu của Trung Quốc vì lý do an ninh và cách tiếp cận luồng dữ liệu tự do của Hoa Kỳ, Quy định Bảo vệ Dữ liệu chung (General Data Protection Regulation – GDPR) của EU nhằm mục đích bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu cá nhân, trước sự lạm dụng có thể xảy ra của cả các doanh nghiệp và chính phủ, bao gồm cả việc hạn chế khả năng cung cấp của dữ liệu cho các chính phủ nước ngoài (điều này đã được Tòa án Công lý Châu Âu [European Court of Justice] tái khẳng định vào tháng 7, vô hiệu hóa thỏa thuận chuyển dữ liệu EU-Hoa Kỳ, vốn cho phép dữ liệu được sử dụng rộng rãi, và đưa cả Hoa Kỳ vào diện chế tài của phán quyết vô hiệu hóa này.) Nói chung, khi người tiêu dùng trở nên nhạy cảm hơn trong việc bảo vệ quyền riêng tư của họ, họ có thể gây áp lực lên nhiều quốc gia và công ty hơn trong việc áp dụng GDPR.

 

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, cho đến khi chính quyền Hoa Kỳ thay đổi ưu tiên hành động đơn phương, EU có thể đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế để giải quyết những thách thức chung đối với nhân loại, chẳng hạn như biến đổi khí hậu (do Thỏa thuận Paris thúc đẩy) hoặc sự bùng phát virus trong tương lai và đại dịch. Với vai trò quan trọng mà EU có thể đảm nhận, điều đáng chú ý là Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã tuyên bố khi nhậm chức vào tháng 12 năm 2019 rằng bà sẽ lãnh đạo “một Ủy ban địa chính trị”. [26] Sau nhiều năm “chủ nghĩa hoài nghi châu Âu” chiếm ưu thế, dẫn đến đỉnh điểm là Brexit, EU dường như đã khôi phục lại ý thức về mục đích chung và sự gắn kết. Điều này đã được nhấn mạnh trong việc EU phê duyệt gói phục hồi EU “Thế hệ tiếp theo” (Next Generation EU recovery package) trị giá 750 tỷ euro chưa từng có — được tài trợ bởi khoản vay của EU trên thị trường vốn quốc tế, với hơn một nửa sẽ được giải ngân dưới dạng trợ cấp cho các quốc gia thành viên bị thiệt hại do đại dịch — và 1,1 nghìn tỷ euro ngân sách 2021-27.

 

.

Tiến về tương lai

 

Khi cấu hình “một thế giới, hai hệ thống” đang được củng cố, sẽ không hữu ích khi tranh luận về việc khôi phục nguyên trạng trước đó, hoặc cải cách hệ thống dựa trên quy tắc toàn cầu, được thúc đẩy bởi nhận thức về các giá trị và mục đích được chia sẻ rộng rãi — điều này giờ đây được coi là truyền cảm hứng hơn là thực tế. Về cơ bản, một bộ quy tắc toàn cầu chung cho tất cả như vậy đơn giản là không thể đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho các công ty hoạt động dưới hai hệ thống kinh tế và chính trị khác nhau. Cũng khó có khả năng thuyết phục hoặc ép buộc Trung Quốc thay đổi hệ thống kinh tế và chính trị của mình.

 

Hơn nữa, điều quan trọng là phải nhận ra rằng, nền kinh tế toàn cầu đã trở nên hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau đến mức việc tách khỏi Trung Quốc sẽ là một công việc rất khó khăn và phức tạp. Sau đại dịch, người ta mong muốn đa dạng hóa và hợp lý hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, để tăng cường khả năng phục hồi và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược và nhạy cảm như công nghệ cao và chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, việc cắt đứt hoàn toàn các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc sẽ khá tốn kém cho tất cả mọi người, do chi phí chuyển đổi và tổn thất về hiệu quả kinh tế, cũng như những hậu quả có thể không lường trước được, tùy thuộc vào cách Trung Quốc phản ứng. Do đó, con đường hợp lý trong tương lai là đồng ý với một tập hợp các tham số, cho phép hai hệ thống khác nhau và cạnh tranh cùng tồn tại—trong các tham số đó, có chứa các lằn ranh đỏ rõ ràng, cạnh tranh chiến lược có thể xảy ra mà không có sự leo thang không kiểm soát được, có nguy cơ dẫn đến chiến tranh tổng lực. Ngoài ra, cần thống nhất các phương thức hợp tác khả thi, để giải quyết các thách thức chung đối với toàn thế giới. (Một “Modus vivendi” [thỏa thuận chung sống] mới cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức quốc tế được thành lập trước đây với giả định về một sự hợp tác và đoàn kết toàn cầu.)

 

Triển vọng của một kịch bản như vậy sẽ được tăng cường đáng kể nếu các nước phương Tây phối hợp các chính sách và hành động của họ dựa trên các giá trị và mục tiêu chung, thể hiện một mặt trận thống nhất khi đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu tình trạng bất ổn hiện tại trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương tiếp tục, với việc Mỹ và châu Âu bất đồng về nhiều vấn đề, Trung Quốc sẽ có cơ hội chơi trò chia để trị, để có lợi cho mình. Modus vivendi mới không phải là phiên bản cập nhật của tình trạng giảm căng thẳng—một giai đoạn xoa dịu căng thẳng địa chính trị trong Chiến tranh Lạnh với Liên Xô cũ. Richard Nixon và Leonid Brezhnev thúc đẩy hòa hoãn để giảm bớt nguy cơ leo thang hạt nhân và chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, trong khi mối quan hệ kinh tế giữa hai nước còn hạn chế. Thương mại giữa Hoa Kỳ và Liên Xô đạt mức cao nhất là 1% ngoại thương của mỗi quốc gia. Ngược lại, Trung Quốc chiếm 13,1% ngoại thương của Hoa Kỳ, trong khi Hoa Kỳ chiếm 14,2% của Trung Quốc.[27] Các mối quan hệ kinh tế quan trọng của Trung Quốc với các quốc gia trên thế giới—chiếm 12,4% thương mại thế giới so với 11,5% của Hoa Kỳ—không thể dễ dàng tháo gỡ mà không phải trả giá đắt.[28]Thay vào đó, những mối quan hệ như vậy cần một khuôn khổ thích hợp để hoạt động vì lợi ích công bằng của các nước tham gia.

 

Về thương mại với Trung Quốc, rút kinh nghiệm từ những thất bại của WTO, chúng ta phải thấy rằng một bộ khung phù hợp để giải quyết thẳng thắn vấn đề trợ cấp nhà nước ở Trung Quốc phải nhìn đó như là một phần của hệ thống chính trị và kinh tế của nước này.

 

Hơn nữa, thực tế là các công ty Trung Quốc—bất kể hình thức sở hữu nào—được pháp luật yêu cầu phải cung cấp dữ liệu và thông tin khi cơ quan an ninh yêu cầu. Trong những trường hợp đó, không có quy tắc quốc tế nào có thể khiến Trung Quốc ngừng trợ cấp hoặc tôn trọng quyền riêng tư dữ liệu của người tiêu dùng.

 

Do đó, thay vì một hệ thống dựa trên luật lệ như WTO, thương mại với Trung Quốc có lẽ phải được quản lý trên cơ sở có đi có lại và hướng đến kết quả, để tránh những tác động có hại đối với các nước tham gia — ví dụ, làm suy tàn cơ sở sản xuất của họ (một hiện tượng mà những tiến bộ công nghệ cũng đã góp phần gây ra, và điều đó cần được mỗi quốc gia tự giải quyết.)

 

Giải pháp thay thế cho việc cùng tồn tại là sự tiếp tục của tình hình hiện tại với những xung đột ngày càng gia tăng, lan rộng sang các khu vực mới mà không có một kết thúc rõ ràng nào được đưa ra bởi cả hai bên. Như đã từng xảy ra trong quá khứ, do những tai nạn, hiểu lầm và tính toán sai lầm, xung đột có thể nhanh chóng leo thang thành chiến tranh tổng lực.[29]

 

Trong bất kỳ trường hợp nào, xung đột chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể sẽ gây ra một cuộc chạy đua vũ trang mới, mà nhiều quốc gia không đủ khả năng chi trả, do thực tế là sẽ cần đến các nguồn tài chính đáng kể để giải quyết hậu quả của các cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội, do cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội do dịch bệnh gây ra. Graham Alison ở Đại học Harvard đã phân tích sự cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong cuốn sách kinh điển “Định mệnh chiến tranh: Liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể thoát khỏi Bẫy Thucydides hay không” — 12 trong số 16 trường hợp trong lịch sử, khi một cường quốc đang trỗi dậy thách thức một cường quốc vốn dĩ đã xác lập vị thế dẫn đầu, thì kết cục là đổ máu.[30] Mặc dù thật kì quặc khi so sánh Hoa Kỳ với Sparta và Trung Quốc với Athens trong lịch sử phương Tây cổ đại, việc phát sinh chiến tranh trong cuộc cạnh tranh quyền lực và ảnh hưởng Trung-Mỹ hiện nay không phải là không thể tránh khỏi. Việc tránh chiến tranh phần lớn sẽ phụ thuộc vào khả năng của hai quốc gia và các nhà lãnh đạo của họ trong việc hòa giải những khác biệt và tìm ra cách cùng tồn tại – như đã đề cập ở trên. Tuy nhiên, với tình trạng phân cực chính trị và mị dân dân túy đang gia tăng ở nhiều quốc gia, ngày càng khó có thể kỳ vọng các nhà lãnh đạo chính trị có thể nắm bắt cơ hội và tìm ra một lối thoát hợp lý. Hy vọng duy nhất là khi xung đột leo thang đến bờ vực chiến tranh, viễn cảnh cả hai sẽ cùng bị hủy diệt bởi vũ khí hạt nhân sẽ trở thành mối quan tâm chính yếu của các nhà lãnh đạo và giúp họ tránh xa bờ vực thẳm.

 

-------------

Chú thích

 

[1] European Commission, “EU-China — A Strategic Outlook,” March 12, 2019, https://ec.europa.eu/commission/sites/beta-political/files/communication-eu-china-a-Strategic-outlook.pdf

 

[2] White House, “United States Strategic Approach to the People’s Republic of China,” May, 2020, https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2020/05/U.S.-Strategic-Approach-to-The-Peoples-Republic-of-China-Report-5.24v1.pdf

Và https://trumpwhitehouse.archives.gov/wp-content/uploads/2020/05/U.S.-Strategic-Approach-to-The-Peoples-Republic-of-China-Report-5.24v1.pdf

 

[3] Ben Westcott and Steven Jiang, “China Is Embracing a New Brand of Foreign Policy. Here’s What Wolf Warrior Diplomacy Means,” CNN, May 29, 2020,

www.cnn.com/2020/05/28/asia/china-wolf-warrior-diplomacy-intl-hnk/index.html.

 

[4] Eleanor Albert, “Which Countries Support the New Hong Kong National Security Law?” Diplomat, July 6, 2020, https://thediplomat.com/2020/07/which-countries-support-the-new-hong-kong-national-security-law/

 

[5] U.S. Secretary of State Michael R. Pompeo, “U.S. Position on Maritime Claims in the South China Sea,” press statement, July 13, 2020, https://www.state.gov/u-s-position-on-maritime-claims-in-the-south-china-sea/

 

[6] IMF (International Monetary Fund), “Currency Composition of Official Foreign Exchange Reserves (COFER),” accessed August, 2020,

https://data.imf.org/?sk=E6A5F467-C14B-4AA8-9F6D-5A09EC4E62A4;

Galen Stops, “RMB Drops One Place in SWIFT Currency Rankings,” Profit & Loss, January 23, 2020,

https://www.profit-loss.com/rmb-drops-one-place-in-swift-currency-rankings/

 

[7] Green Belt and Road Initiative Center, “Countries of the Belt and Road Initiative (BRI),” accessed August, 2020, https://green-bri.org/countries-of-the-belt-and-road-initiative-bri

 

[8] World Bank Group, “Belt and Road Economics: Opportunities and Risks of Transport Corridors,” 2019, http://documents1.worldbank.org/curated/en/715511560787699851/pdf/Main-Report.pdf

 

[9] Leo Kelion, “Huawei 5G Kit Must Be Removed from UK by 2027,” BBC, July 14, 2020, https://www.bbc.com/news/technology-53403793

 

[10] OECD, Main Science and Technology Indicators, stats.oecd.org, 2020

 

[11] Alex Capri, “Techno-Nationalism and the US-China Tech Innovation Race,” Hinrich Foundation, August 3, 2020, https://www.hinrichfoundation.com/research/wp/tech/us-china-tech-innovation-race/

 

[12] Niall McCarthy, “The Countries With the Most STEM Graduates,” Statista, February 3, 2017, https://www.statista.com/chart/7913/the-countries-with-the-most-stem-graduates/

 

[13] Celia Chen, “Huawei’s Revenue Rises 13.1 Percent in First Half of 2020 Despite Coronavirus Pandemic and US Ban,” South China Morning Post, July 14, 2020,

https://www.scmp.com/tech/big-tech/article/3093053/huaweis-revenue-rises-131-cent-first-half-2020-despite-coronavirus

 

[14] Karen Yeung, “China Will Make State Economy ‘Stronger, Better and Bigger,’ Top Trade Negotiator Liu He Says,” South China Morning Post, November 22, 2019,

https://www.scmp.com/economy/china-economy/article/3038993/china-wont-give-its-state-led-economic-model-top-trade

 

[15] China Daily, “Xi Declares Start of Beidou’s Full-Scale Global Service,” July 31, 2020, http://en.people.cn/n3/2020/0731/c90000-9716998.html

 

[16] Alexander Chipman Koty, “What Is the China Standards 2035 Plan and How Will It Impact Emerging Industries?” China Briefing, July 2, 2020, https://www.china-briefing.com/news/what-is-china-standards-2035-plan-how-will-it-impact-emerging-technologies-what-is-link-made-in-china-2025-goals/

 

[17] Caleb Chen, “China’s ‘New IP’ Proposal to Replace TCP/IP Has a Built in ‘Shut Up Command’ for Censorship,” Privacy News Online, April 3, 2020,

https://www.privateinternetaccess.com/blog/chinas-new-ip-proposal-to-replace-tcp-ip-has-a-built-in-shut-up-command-for-censorship/

 

[18] Lora Kolodny, “Former Google CEO Predicts the Internet Will Split in Two—and One Part Will Be Led by China,” CNBC, September 20, 2018, https://www.cnbc.com/2018/09/20/eric-schmidt-ex-google-ceo-predicts-internet-split-china.html

 

[19] Aristyo Darmawan, “Will ASEAN Member States United (sic) Behind the South China Sea Arbitration Award?” Modern Diplomacy, June 16, 2020, https://moderndiplomacy.eu/2020/06/16/will-asean-member-states-united-behind-the-south-china-sea-arbitration-award/

 

[20] Richard Javad Heydarian, “US Fails to Build Regional Coalition Against China,” Asia Times, August 7, 2020, https://asiatimes.com/2020/08/us-fails-to-build-regional-coalition-against-china/

 

[21] Bhavan Jaipragas, “South China Sea: Avoid Siding With US or China, Malaysia Urges ASEAN,” South China Morning Post, August 5, 2020, https://www.scmp.com/week-asia/politics/article/3096205/south-china-sea-avoid-siding-us-or-china-malaysia-urges-asean

 

[22] Raissa Robles, “In South China Sea, Philippines Is Stuck between a Pebble and a Hard Place,” South China Morning Post, August 2, 2020, https://www.scmp.com/week-asia/politics/article/3095582/south-china-sea-philippines-stuck-between-pebble-and-hard-place.

 

[23] Tang Siew Mun et al., “The State of Southeast Asia: 2020 Survey Report,” ISEAS Yusof Ishak Institute, January 16, 2020, https://www.iseas.edu.sg/wp-content/uploads/pdfs/TheStateofSEASurveyReport_2020.pdf.

 

[24] Michael Green et al., Power, Norms, and Institutions: The Future of the Indo-Pacific from a Southeast Asia Perspective, Center for Strategic and International Studies, June 9, 2020, https://csis-website-prod.s3.amazonaws.com/s3fs-public/publication/20624_Green_PowersNormsandInstitutions_WEB%20FINAL%20UPDATED.pdf.

 

[25] Anu Bradford and Andrew Moravcsik, “The Brussels Effect: How the European Union Rules the World,” Foreign Affairs, March/April, 2020, https://www.foreignaffairs.com/reviews/capsule-review/2020-02-11/brussels-effect-how-european-union-rules-world.

 

[26] Lili Bayer, “Meet von der Leyen’s ‘Geopolitical Commission,’” Politico, last updated December 9, 2019, https://www.politico.eu/article/meet-ursula-von-der-leyen-geopolitical-commission/

 

[27] US Census Bureau, Foreign Trade—Top Trading Partners June 2020, https://www.census.gov/foreign-trade/statistics/highlights/toppartners.html;

and Wikipedia, List of the largest trading partners of China, 2020

https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_the_largest_trading_partners_of_China

 

[28] China Power, “Is China the World’s Top Trader,” Center for Strategic and International Studies, last updated March 17, 2020, https://chinapower.csis.org/trade-partner/

 

[29] Michèle A. Flournoy, “How to Prevent a War in Asia,” Foreign Affairs, June 18, 2020, https://www.foreignaffairs.com/articles/united-states/2020-06-18/how-prevent-war-asia.

 

[30] Graham Allison, “The Thucydides Trap: Are the U.S. and China Headed for War?” Atlantic, September 24, 2015, https://www.theatlantic.com/international/archive/2015/09/united-states-china-war-thucydides-trap/406756/

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats