Wednesday, 19 October 2022

TẠI SAO CÁC NƯỚC CHÂU PHI QUAN TÂM ĐẾN ĐẠI HỘI ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC? (Phan Minh / RFI)

 



Tại sao các nước Châu Phi quan tâm đến Đại Hội Đảng CS Trung Quốc ?

Phan Minh  -  RFI

Đăng ngày: 18/10/2022 - 15:42

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221018-t%E1%BA%A1i-sao-c%C3%A1c-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ch%C.....trung-qu%E1%BB%91c

 

Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20 khai mạc hôm 16/10/2022, tại Bắc Kinh và các nước châu Phi rất quan tâm đến sự kiện này. Đó là nội dung bài viết được đăng hôm 14/10 trên trang mạng Nhật The Diplomat. RFI xin giới thiệu.

 

https://s.rfi.fr/media/display/15644924-a5eb-11ea-b34b-005056bff430/w:1024/p:16x9/AP18247143131030.webp

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (G) phát biểu ở Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Châu Phi tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 04/09/2018. AP - Lintao Zhang

 

Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tổ chức Đại Hội để vạch ra quỹ đạo phát triển của đất nước trong 5 đến 10 năm tới trong bối cảnh Đảng theo đuổi các mục tiêu muốn đạt được vào năm 2035. 

 

Mỗi khi có Đại Hội Đảng, giới quan sát thường rất quan tâm đến việc ai sẽ được bổ nhiêm vào các vị trí lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc. Về Đại Hội lần thứ 20 năm nay, một số chuyên gia cho rằng việc ông Tập Cận Bình, 69 tuổi - tổng bí thư đảng Cộng sản, chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và chủ tịch Quân Ủy Trung Ương, nếu tiếp tục nắm giữ cả ba chức vụ trên, sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. 

 

Tuy gây tranh cãi, nhưng việc tổ chức chính trị nội bộ Trung Quốc không phải là chủ đề duy nhất hay là chủ đề chính mà các nhà quan sát châu Phi chú ý tới khi nói về Đại Hội Đảng lần này. Mặc dù các nước châu Phi cũng như các nước khác chỉ là khán giả quan sát sự kiện này, nhưng nhiều kế hoạch và chính sách quan trọng sẽ được quyết định tại Đại Hội có thể có ảnh hưởng đến quan hệ châu Phi - Trung Quốc trong tương lai. Và chính các chính sách này mà giới quan sát châu Phi quan tâm đến nhiều nhất.  

 

Cụ thể, có ba chủ đề lớn mà các chính phủ châu Phi quan tâm trong các phiên họp của Đại Hội. 

 

Đầu tiên là chủ đề gây tranh cãi, bất đồng. Cuộc họp này diễn ra vào thời điểm mà theo tính toán của Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF), chính sách zero-Covid của Trung Quốc hiện nay và cuộc khủng hoảng thị trường nhà ở, có thể làm cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, lần đầu tiên kể từ hơn 30 năm qua, thấp hơn các quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các biện pháp bảo đảm tăng trưởng và chính sách hướng ngoại của Trung Quốc sẽ rất quan trọng đối với các nước châu Phi. Trên thế giới, Trung Quốc chiếm 12% thương mại toàn cầu, nhưng tỷ lệ đó thậm chí còn cao hơn đối với nhiều quốc gia châu Phi với mức trung bình là 35% vào năm 2021. Các biện pháp chống Covid của Trung Quốc, ban đầu rất hữu ích cho sự ổn định toàn cầu trước khi các vac-xin được phát triển, giờ đây đã kéo dài thời gian ngưng hoạt động trong các nhà máy hay nhà kho và gây khó khăn thêm cho việc bốc xếp hàng rời cảng, làm cho chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao – mà cuối cùng thì người tiêu dùng phải gánh chịu. 

 

Mặc dù giá trị thương mại giữa các nước châu Phi và Trung Quốc đã tăng lên 254 tỷ đô la vào năm ngoái, thông qua việc Trung Quốc xuất khẩu sang châu lục cũng như nhập khẩu từ các quốc gia châu Phi, nhưng nhập khẩu từ châu Phi vẫn có thể được cải thiện tốt hơn. Đặc biệt là sinh viên châu Phi ở Trung Quốc, dự báo đạt hơn 100.000 người mỗi năm nếu không có đại dịch. Tuy nhiên giờ đây, các sinh viên châu Phi vẫn chưa được trở lại Trung Quốc. Có rất ít chuyến bay từ châu Phi được nối lại tới Trung Quốc và trong khi các đường bay mới mở trong năm nay, vé vẫn còn rất đắt và quy trình kiểm dịch từ những chuyến bay cất cánh từ châu Phi vẫn hà khắc và mất nhiều thời gian. Điều này rất khó để thúc đẩy việc nắm bắt những cơ hội kinh doanh và tài chính hoặc khai thác những điểm du lịch hấp dẫn ở cả hai bên. Các chuỗi cung ứng rộng mở hơn và dễ dự báo hơn, nhu cầu đối với các sản phẩm châu Phi cao hơn và việc dòng người qua lại giữa Trung Quốc và châu Phi gia tăng, không chỉ làm tăng thêm thu nhập mà còn giúp kìm giữ lạm phát. Đây là điều cốt yếu để thực hiện một chính sách tiền tệ ổn định ở các nước châu Phi. 

 

Thứ hai, các nhà quan sát châu Phi sẽ quan tâm tới các tuyên bố liên quan đến chính sách kinh tế đối ngoại và đối ngoại của Trung Quốc, đặc biệt là việc cho vay thông qua các sáng kiến như Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) và Sáng kiến Một vành đai một con đường (BRI). Châu Phi đã chi hơn 130 tỷ đô la để đối phó với Covid-19 trong hai năm qua, trong khi đối mặt với hoạt động kinh tế nội địa giảm sút và nguồn thu của chính phủ cũng bị ảnh hưởng, một số quốc gia châu Phi đã bắt đầu đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản và phần lớn quốc gia trong châu lục tiếp tục đối mặt với một cuộc khủng hoảng về lâu về dài do không có đủ tín dụng cho phát triển.

 

Cho đến nay, Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết sự chênh lệch giữa tín dụng và nhu cầu phát triển. Hầu hết các nước châu Phi đã chủ động tìm kiếm các khoản vay ưu đãi từ Trung Quốc - ước tính chung khoảng 160 tỷ đô la trong vòng 20 năm để tài trợ các dự án như xây dựng cây cầu dài nhất ở Senegal, cầu Foundiougne, hoặc tuyến đường sắt dài 3.800 km chạy từ thủ đô Nairobi của Kenya đến miền duyên hải của đất nước. Ngoài ra, với 52 quốc gia châu Phi ký kết, BRI ở một mức độ nào đó đã thúc đẩy nhanh việc thực hiện các dự án công nghiệp hóa và cơ sở hạ tầng của châu Phi. Mặc dù đây là một kết quả ấn tượng, nhưng các khoản vay của Trung Quốc vẫn chiếm 8,7% tổng số nợ của châu Phi. 

 

Tuy nhiên, cả FOCAC và BRI đều thúc đẩy các nước khác, chẳng hạn như các quốc gia trong nhóm G7, bày tỏ sự ủng hộ đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, đáp ứng những gì các nước châu Phi mong muốn, nhằm tạo ra một cuộc đua hướng tới những điều tốt đẹp, có ích cho các nước châu Phi, chứ không phải chạy đua đi xuống. 

 

Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có duy trì cam kết của họ hay không ? Bất kể Trung Quốc có kỳ vọng như thế nào đối với việc tăng trưởng trong nước, các chỉ số về xu hướng tăng lên và các đề xuất đổi mới từ Trung Quốc nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của FOCAC và BRI sẽ được quan tâm. 

 

Thứ ba và cũng là chủ đề cuối cùng, quan điểm của Trung Quốc khi nói đến cải cách đa phương phải là một lĩnh vực phân tích then chốt đối với các nước châu Phi. Năm 2022 đánh dấu 20 năm kể từ khi Liên Hiệp châu Phi (AU) được thành lập vào năm 2002, khi tổ chức này kế nhiệm tổ chức tiền thân là Tổ chức châu Phi Thống nhất (OAU) được thành lập vào năm 1963. Do đó, vào năm 2022, Trung Quốc đã hỗ trợ thúc đẩy tổ chức châu Phi trong việc ra quyết định có tầm ảnh hưởng toàn cầu bằng cách tuyên bố rằng Bắc Kinh hoàn toàn tán thành việc AU trở thành thành viên thứ 21 của nhóm G20. Đây là một bước tiến đáng khen ngợi. Tuy nhiên, các nước châu Phi có thể sẽ muốn và cần cải cách nhiều hơn nữa đối với các thể chế đa phương trong vòng 5 năm tới và sau đó. Đại Hội Đảng chỉ ra rằng Trung Quốc có thể hỗ trợ những cải cách này dựa trên những thành tích và nhược điểm khách quan của họ, cũng như kinh nghiệm của Bắc Kinh về “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” sẽ rất quan trọng để duy trì tổ chức này và những tham vọng của các nước châu Phi. 

 

Về phần Trung Quốc, dường như cho đến lúc này, ông Tập vẫn tiếp tục nắm quyền, mặc dù đội ngũ lãnh đạo của ông có thể sẽ thay đổi. Tuy nhiên, đối với các chính phủ châu Phi, việc Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách đề ra tại châu lục này có thể còn đáng quan tâm hơn đến những vấn đề quản lý, lãnh đạo đất nước.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats