Sunday, 3 July 2022

CHIẾN TRANH KÉO DÀI : NGA hay UKRAINE SẼ THẮNG? (Thụy My / RFI)

 



Chiến tranh kéo dài : Nga hay Ukraina sẽ thắng ?

 Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 02/07/2022 - 18:51

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20220702-chi%E1%BA%BFn-tranh-k%C3%A9o-d%C3%A0i-nga-hay-ukraina-s%E1%BA%BD-th%E1%BA%AFng

 

The Economist chạy tựa trang nhất « Làm thế nào thắng được cuộc chiến kéo dài ở Ukraina ». Sau khi chiến đấu rất tốt trong giai đoạn đầu, Kiev nay bị chiếm mất một số vùng đất. Điều gì sẽ xảy ra trong thời gian tới ?

 

https://s.rfi.fr/media/display/f1dd070c-fa1b-11ec-afe0-005056a90284/w:1024/p:16x9/kremen_02.webp

Hỏa tiễn Nga phát nổ phía trên trung tâm thương mại ở Kremenchuk, Ukraina ngày 28/06/2022. Ảnh cắt từ video. via REUTERS - CCTV via Instagram @zelenskiy_of

 

Trong cuộc chiến hủy diệt tàn khốc, bên nào nhụt chí sẽ thua

 

Ukraina đã chiến thắng trong một cuộc chiến ngắn. Cơ động và đầy nhiệt huyết, quân đội Ukraina đã gây cho quân Nga những thiệt hại khủng khiếp và làm thất bại kế hoạch chiếm thủ đô Kiev. Giờ đây trước mặt là một cuộc chiến dài lâu, sẽ tiêu hủy nhiều loại vũ khí, nhiều mạng người và tiền bạc, cho đến khi một bên không còn ý chí chiến đấu. Cho đến lúc này, đó là một cuộc chiến mà Nga đang thắng.

 

Những ngày gần đây, quân Nga đã chiếm được thành phố Severodonetsk ở miền đông, có bước tiến ở Lysychansk và sắp tới có thể kiểm soát được toàn bộ tỉnh Luhansk. Nga cũng đe dọa Sloviansk, ở phía bắc tỉnh Donetsk láng giềng. Các nhà lãnh đạo Ukraina cho biết họ thiếu vũ khí, đạn dược, mỗi ngày có đến khoảng 200 quân nhân tử trận.

 

May cho Ukraina, quân Nga tiến rất chậm và bị thiệt hại nhiều. Nếu có khí giới NATO và viện trợ tài chánh đầy đủ, Ukraina hoàn toàn có thể đẩy lui quân Nga. Cho dù những phần đất đã mất khó thể lấy lại, Kiev chứng tỏ được chiến dịch của Vladimir Putin là vô ích, và nổi lên như một Nhà nước dân chủ hướng về phương Tây. Nhưng để làm được điều đó, Ukraina cần được ủng hộ lâu dài, mà điều này thì không chắc chắn.

 

Putin tìm kiếm chiến thắng, bất chấp máu xương

 

Thoạt nhìn thì một cuộc chiến dài hơi có lợi cho Matxcơva. Đôi bên sử dụng một lượng đạn dược khổng lồ, nhưng Nga có dự trữ đạn dồi dào hơn, và kinh tế Nga mạnh hơn Ukraina nhiều. Để tìm chiến thắng, Nga sẵn sàng khủng bố, gây mất tinh thần cho người Ukraina bằng các tội ác chiến tranh, như vụ tấn công vào trung tâm thương mại ở Kremenchuk tuần này. Và Putin sẵn sàng gây đau thương cho chính người Nga, nếu cần.

 

Tuy vậy chiến tranh kéo dài chưa hẳn diễn ra theo điều kiện của Putin. Ukraina có một lượng lớn quân nhân quyết tâm bảo vệ tổ quốc, và có thể được kỹ nghệ quốc phòng phương Tây hỗ trợ. Với vũ khí tầm xa và chính xác hơn, với các chiến thuật của NATO, Ukraina có khả năng tiêu diệt các sở chỉ huy và kho hậu cần của Nga. Hôm 30/06, Ukraina đã sử dụng vũ khí NATO để đuổi sạch quân Nga khỏi đảo Rắn, vị trí chiến lược ở Hắc Hải. Nếu Kiev giành lại được những lãnh thổ quan trọng như Kherson chẳng hạn, Nga sẽ phải trả giá đắt.

 

Nếu Nga bắt đầu mất đất trên chiến trường, nội bộ ở Kremlin sẽ lục đục. Tình báo phương Tây cho rằng cấp dưới không báo cáo sự thật cho Putin, và ông chủ điện Kremlin có thói quen thay người chỉ huy, như tướng Alexander Dvornikov. Phương Tây cũng có thể gia tăng trừng phạt, gây thiệt hại lâu dài cho kinh tế Nga ; tách rời giới tinh hoa khỏi Vladimir Putin bằng cách đón nhận những người ly khai.

 

Trong hội nghị thượng đỉnh hôm 23/06, Liên Hiệp Châu Âu đã chấp nhận tư cách ứng cử viên của Ukraina. Tuần này G7 đã khẳng định sẽ tăng cường trừng phạt, NATO nhìn nhận Nga là mối đe dọa lớn nhất, gia tăng sự hiện diện ở Đông Âu.

 

Để ngăn cuộc chiến sắp tới của Putin, cần thắng được cuộc chiến ở Ukraina

 

Tuy vậy, Ukraina là một gánh nặng lớn lao. Kỹ nghệ quốc phòng phương Tây rất đáng gờm, nhưng khó sản xuất ngay số lượng vũ khí lớn, nhất là đạn dược. Chính phủ Kiev thâm thủng 5 tỉ đô la mỗi tháng và còn phải nghĩ đến tái thiết sau chiến tranh. Nạn lạm phát và các cuộc bầu cử ảnh hưởng đến tỉ lệ ủng hộ của công chúng phương Tây.

 

Cái giá mà thế giới phải trả cho một cuộc chiến tranh kéo dài sẽ tăng lên. Putin phong tỏa các cảng khiến Ukraina không xuất khẩu được ngũ cốc, dầu hướng dương, gây rối loạn và nạn đói tại những nước nghèo phải nhập khẩu. Ông ta còn tạo ra nạn thiếu khí đốt ở châu Âu trong mùa đông sắp tới. Nếu sự đoàn kết tan vỡ do vấn đề năng lượng, nạn nhân chính là Ukraina. Phức tạp hơn, các thành viên NATO còn lo sợ nếu Ukraina chiếm thế thượng phong, Putin sẽ hành xử tệ hại, lôi kéo các nước vào một cuộc chiến thảm họa với Nga.

 

The Economist dự báo Vladimir Putin sẽ cố chiếm đất của Ukraina càng nhiều càng tốt, tuyên bố chiến thắng và kêu gọi phương Tây áp đặt điều kiện lên Ukraina. Đổi lại, ông ta sẽ « giúp » thế giới tránh được đổ nát, đói rét và mối đe dọa hạt nhân. Nhưng theo tuần báo Anh, nếu chấp nhận thỏa thuận này sẽ là một tính toán vô cùng sai lầm. Ukraina sẽ bị Nga tấn công thường xuyên. Putin càng thành công ở Ukraina, ông ta sẽ càng hiếu chiến, sẽ tiến đánh với tất cả các loại vũ khí đang hiệu quả. Có nghĩa là gây tội ác chiến tranh, dùng nguyên tử để dọa nạt, bỏ đói thế giới và làm châu Âu run rẩy vì lạnh.

 

Cách tốt nhất để ngăn chận cuộc chiến sắp tới là chiến thắng được cuộc chiến này. Các nhà lãnh đạo cần phải giải thích cho người dân, là chúng ta không chỉ bảo vệ một nguyên tắc trừu tượng ở Ukraina, mà chính an ninh của mình. Liên Hiệp Châu Âu cần củng cố lãnh vực năng lượng, Ukraina cần phải có thêm nhiều vũ khí. Nếu áp đặt cho Ukraina một nền hòa bình tồi tệ, mối đe dọa nguyên tử của Putin không dừng lại. Ông ta sẽ càng nguy hiểm hơn, nhất là nếu lực lượng quy ước thất thế. Ukraina và những người ủng hộ có được nhân lực, tiền bạc và phương tiện cần thiết để chiến thắng Putin. Nhưng phải chăng tất cả đều có được quyết tâm ?

 

Phương Tây mỏi mệt vì chiến tranh Ukraina : Hy vọng của Kremlin

 

Trong sổ tay hàng tuần trên Le Point, nhà văn Bernard-Henri Lévy cảnh báo tâm lý mệt mỏi trước cuộc chiến tranh Ukraina. Ông nhắc lại câu nói của tổng thống Pháp Poincaré hồi năm 1917, khi được hỏi quân đội Pháp liệu có chống chọi được hay không, « Quân đội sẽ trụ vững nếu hậu phương vững vàng ». Tương tự, quân đội Ukraina bây giờ cũng vậy.

 

Trên chiến địa, những chiến sĩ Ukraina tỏ ra anh dũng một cách đáng kinh ngạc, đẩy lùi được quân Nga ở Kiev, Borodyanka, Mykolaiv và chuẩn bị phản công ở Donbass. Lính Nga thì mất tinh thần, xe tăng thiếu phụ tùng, tử trận rất nhiều khiến Putin phải trả giá đắt cho các chiến thắng. Ngược lại, vấn đề nằm ở hậu phương. Chính xác hơn, là « hậu phương của hậu phương », tức khối các nước đồng minh cung cấp vũ khí, vì người dân trong xã hội Ukraina có tinh thần kháng chiến không thua các chiến binh.

 

Dư luận phương Tây có tiếp tục ủng hộ lâu dài, chấp nhận để các nhà lãnh đạo viện trợ vũ khí cho Ukraina chiến đấu ? Sự phẫn nộ trước cuộc xâm lăng của Nga lẽ nào chỉ là ngọn lửa rơm, tên của những vùng đất Ukraina bị phá hủy tiếp tục là một điệu valse buồn. Đó chính là hy vọng của Putin. Trong ngôi nhà nghỉ, ông ta lạnh lùng chờ đợi công luận quen dần với những đau thương của các chiến binh, người già, trẻ em trong cuộc chiến.

 

Cũng như những « pitbull » của mình là Lavrov và Medvedev, Putin nghĩ rằng sẽ đến một ngày những tiếng kêu phẫn nộ ở Paris, Roma, Washington và cả Luân Đôn sẽ chìm vào im lặng. Ngày đó những cái nhìn sẽ lảng đi khi ông ta vung gươm vào Zelensky. Đó sẽ là dấu hiệu cho hồi kết của những giá trị châu Âu, từ Teheran đến Bắc Kinh đều thích thú đứng nhìn. Tác giả cho rằng hơn bao giờ hết, cần phải ủng hộ nhân dân Ukraina cho đến cùng.

 

Hồng Kông tự do trở thành công an trị

 

Tại châu Á, L’Obs nói về « Hồng Kông, những lời hứa không thực hiện » : « Một đất nước, hai chế độ » nay đã trở thành « Một đất nước, một chế độ ».

 

Ngày 01/07/1997, lá cờ Anh được hạ xuống, xếp lại và trao cho thái tử Charles dưới cơn mưa tầm tã. Vào lúc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, tất cả những dấu hiệu đều tốt đẹp : Đặng Tiểu Bình cam kết tôn trọng quyền tự trị của Hồng Kông trong vòng 50 năm với khẩu hiệu « nhất quốc lưỡng chế ». Bắc Kinh đang cải cách kinh tế và người ta cho rằng chính trị sẽ trở nên tự do hơn. Cho đến nỗi Financial Times tự hỏi liệu đến một ngày nào đó Hồng Kông sẽ ảnh hưởng đến Trung Quốc.

 

Ngày 01/07/2022, kỷ niệm 25 năm trao trả, Tập Cận Bình đến Hồng Kông, có vẻ như một cuộc thanh tra sau chiến thắng. Ai có thể tin được mới cách đây gần ba năm, một phần tư trong số bảy triệu dân Hồng Kông đã xuống đường để bảo vệ các quyền của mình ? Đã từng có một nền báo chí tự do, một xã hội dân sự tích cực, năng động, một đời sống chính trị đa phương ? Thay vào đó là một hệ thống do Trung Quốc thống trị, mà điển hình là Lý Gia Siêu (John Lee), một cựu công an nay trở thành trưởng đặc khu được Bắc Kinh chọn lựa.

 

Tự do ở Hồng Kông đã sụp đổ như tòa lâu đài trên cát, vào ngày mà đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định chẳng cần đóng kịch nữa. Thế giới im lặng, cho dù thỏa thuận Anh-Trung là một văn bản có giá trị quốc tế. Phương Tây cho rằng giờ đây Hồng Kông nằm trong tay Trung Quốc, chẳng thể làm được gì.

 

Bước lùi vĩ đại của dân chủ ở Hồng Kông

 

L’Express nhận định « Hồng Kông : Bước lùi vĩ đại của dân chủ ». Còn 25 năm nữa mới đến kỳ hạn 2047, nhưng Hồng Kông đã trở nên một thành phố như bao nhiêu thành phố khác ở Hoa lục. Một đô thị không biểu tình, không tranh luận, với một Nghị Viện bù nhìn, học sinh được « giáo dục ái quốc », sách giáo khoa khẳng định chưa bao giờ bị Anh quốc đô hộ !

 

Nhưng ai sẽ đứng lên chống lại người khổng lồ châu Á ? La Quán Thông (Nathan Law), từng là dân biểu trẻ nhất Hồng Kông nay tị nạn ở Anh, thất vọng cho biết đã gặp các nhà ngoại giao Pháp, nhưng họ tỏ ra rất thận trọng. « Một đất nước bảo vệ dân chủ, nhân quyền như Pháp lẽ ra phải hành động nhiều hơn cho Hồng Kông và cả Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan ».

 

Le Monde số cuối tuần nhận thấy « Chỉ cần hai năm để biến Hồng Kông thành hệ thống hậu toàn trị ». Báo chí bị bịt miệng, các nghiệp đoàn độc lập bị giải thể, liên minh các hiệp hội trong suốt 30 năm qua tổ chức tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn nay đã bị đánh phá, các chính khách ôn hòa đều vào tù và có nguy cơ lãnh những bản án nặng nề. Dù Hồng Kông là một trong những trung tâm tài chánh thế giới, việc Bắc Kinh bóp nghẹt đặc khu không gây ra nhiều phản ứng nơi cộng đồng quốc tế.

 

Phá thai : Nước Mỹ thêm chia rẽ

 

Nhìn sang nước Mỹ, L’Obs chạy tựa trang nhất « Quyền phá thai : Cuộc tranh đấu tiếp diễn ». Đối với Courrier International, quyết định của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ cho phép các bang cấm phá thai là « Cuộc chiến chống lại phụ nữ ».

 

Theo L’Obs, đây là một đòn sấm sét của Tòa án Tối cao - mà sự thăng bằng chính trị đã bị tổng thống Donald Trump thay đổi, là sự chối từ quyền lợi của hàng triệu phụ nữ Mỹ. Tấm gương của nền dân chủ phương Tây lớn nhất thế giới sẽ làm mong manh thêm một quyền vẫn luôn bị đe dọa. Với tình trạng phân cực tại Hoa Kỳ hiện nay, quyết định của tòa tạo ra một cuộc chiến tranh ly khai mới, giữa các bang cấm phá thai và các bang cho tiếp tục. Trong một đất nước mà nhân viên y tế làm dịch vụ phá thai thường bị đe dọa, và không có dịch vụ y tế nào miễn phí, các phụ nữ nghèo, thiểu số sẽ không còn cơ hội.  

 

Courrier International dịch một số bài báo cho thấy phản ứng đa dạng về sự kiện này. USA Today thuật lại tâm trạng thất vọng tại khoa phụ sản của bệnh nhân lẫn y bác sĩ tại một dưỡng đường ở Oklahoma khi phải đột ngột hủy các cuộc hẹn phá thai. The Guardian cho rằng đó là do cựu tổng thống Trump đã bổ nhiệm « ba trong số chín thẩm phán Tối cao Pháp viện, khiến cơ quan tư pháp cao nhất ngả sang bảo thủ trong vòng 25 năm tới ». The Washington Post cáo buộc « sự độc tài của một thiểu số ».

 

Ngược lại The Wall Street Journal đặt câu hỏi « Liệu nước Mỹ có còn khả năng giải quyết bất đồng chính trị một cách dân chủ, ôn hòa hay không ? ». Một loạt vụ kiện được chuẩn bị ở nhiều bang, California muốn sửa đổi Hiến Pháp, một số công ty tài trợ cho những nữ nhân viên phải sang bang khác phá thai…Cùng lúc đó, phe bảo thủ tại phân nửa trong số các bang của Mỹ tăng tốc hạn chế các vụ phá thai. Thay vì đối thoại, nước Mỹ dường như đang bên bờ vực bùng nổ. Tại Pháp, La Croix số cuối tuần phê phán đề nghị của các dân biểu đảng cầm quyền về một dự luật nhằm đưa việc « tôn trọng quyền phá thai vào Hiến Pháp », cho đây là chính trị hóa vấn đề vì đã có luật Veil từ năm 1975.

 

Pháp : Nỗi lo về trình độ toán và tâm lý thụ động

 

Hồ sơ của L’Express được dành cho câu hỏi làm thế nào nâng cao trình độ toán của học sinh, một khi vẫn còn kịp. Chương trình quốc tế PISA chuyên so sánh trình độ các thiếu niên 15 tuổi của 85 nước ghi nhận từ 2000 đến 2010, Pháp bị sụt hẳn về môn toán, nay chỉ được xếp ở mức trung bình. Một điều tra khác mang tên Xu hướng về toán và nghiên cứu khoa học (TIMSS) tiến hành tại 60 nước cho thấy học sinh Pháp bị xếp trong những hạng chót tại Liên Hiệp Châu Âu, tương đương với Rumani. Tuần báo lo ngại, một đất nước kém cỏi về toán học sẽ mất đi sự hòa hợp và sức mạnh, hơn nữa lại là quê hương của Descartes, Pascal…

 

Le Point nêu ra một vấn đề khác : lớp trẻ thiếu kiên định và thiếu động lực. Nhiều lãnh vực như khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, xây dựng không tuyển được người, chủ yếu do cần nhiều sức lao động. Tăng lương vẫn không thu hút được ứng viên, người lao động từ chối làm việc buổi tối và cuối tuần. Về học hành, kỳ thi tú tài thường bị than phiền là « quá khó ». « Họ muốn có bằng cấp mà không cần cố gắng, họ sẽ trở nên những người trưởng thành như thế nào ? » - Sylvie Germain kinh ngạc. Là tác giả cuốn tiểu thuyết « Những ngày phẫn nộ », được trích khoảng 20 dòng làm đề tài bình luận trong kỳ thi tú tài năm nay, nhà văn nữ nhận được vô số chỉ trích, lăng mạ trên mạng xã hội, thậm chí dọa giết. Một hiện tượng mà từ 2019 tổng thống Emmanuel Macron đã gọi là sự quên lãng « ý nghĩa của nỗ lực ».

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats