Wednesday 12 January 2022

VIỆT NAM và ĐÔNG NAM Á THIỆT HẠI NẶNG VÌ TRUNG QUỐC ĐÓNG CỬA BIÊN GIỚI CHỐNG DỊCH (Trọng Thành - RFI)

 



Việt Nam và Đông Nam Á thiệt hại nặng vì Trung Quốc đóng cửa biên giới chống dịch

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 12/01/2022 - 15:18

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20220112-vi%E1%BB%87t-nam-v%C3%A0-%C4%91%C3%B4ng-nam-%C3%A1-thi%E1%BB%87t-h%E1%BA%A1i-n%E1%BA%B7ng-v%C3%AC-trung-qu%E1%BB%91c-%C4%91%C3%B3ng-c%E1%BB%ADa-bi%C3%AAn-gi%E1%BB%9Bi-ch%E1%BB%91ng-d%E1%BB%8Bch

 

Sau những khiếu nại của Việt Nam, ngày 10/01/2022 vừa qua, Trung Quốc đã quyết định mở lại một số cửa khẩu biên giới trên bộ giữa tỉnh Quảng Tây và Việt Nam cho hàng nông sản và đông lạnh từ Việt Nam nhập vào Trung Quốc. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/0b3ac27c-73ab-11ec-97a2-005056a97e36/w:1024/p:16x9/000_9VP9ZM.webp

Hàng nghìn xe tải chở hàng xuất sang Trung Quốc bị kẹt lại ở biên giới tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam, ngày 07/01/2022 vì Trung Quốc đóng cửa biên giới. AFP - STR

 

Trước đó, viện lý do phòng chống dịch Covid-19, Trung Quốc đã siết chặt kiểm soát, thậm chí đóng cửa biên giới, kể cả trên bộ, gây thiệt hại kinh tế đáng kể không chỉ riêng cho Việt Nam, mà còn cho toàn bộ các láng giềng Đông Nam Á vốn lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.  

 

Trong bài phân tích ngày 10/01, chuyên san Nhật Bản The Diplomat cho rằng Việt Nam là quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất do Trung Quốc đóng cửa biên giới chống dịch, nhưng chủ trương của Bắc Kinh cũng gây hại cho Miến Điện hay Lào. Sở dĩ Việt Nam bị thiệt hại nặng nhất, đó là vì trong thời gian qua, lượng hàng nông sản Việt Nam xuất qua Trung Quốc đã gia tăng đáng kể. Trong 11 tháng đầu năm 2021 chẳng hạn, trị giá hàng nông nghiệp trao đổi với Trung Quốc lên đến 11,3 tỷ đô la với Trung Quốc.  

 

Luồng hàng nông sản Việt Nam đổ vào Trung Quốc đã bị ngăn chặn từ hạ tuần tháng 12, sau khi Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu thanh long qua cửa khẩu Hữu Nghị. Cơ quan y tế tỉnh Sơn Tây cho biết đã tìm thấy dấu vết của Covid-19 trên bao bì thanh long từ Việt Nam. Vào cuối tuần trước, chính quyền Trung Quốc đã cho đóng cửa nhiều siêu thị tại các tỉnh Chiết Giang và Giang Tây ở miền đông Trung Quốc khi phát hiện dấu vết Covid-19 trên thanh long nhập từ Việt Nam.

 

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng đối với các nhà sản xuất thanh long, vốn đã gia tăng sản xuất cho kịp Tết Nguyên Đán nhưng hiện không thể tiếp cận thị trường dự kiến là Trung Quốc. Hàng không xuất được đã dội trở lại thị trường nội địa, đẩy giá bán lẻ thanh long tại Việt Nam xuống mức cực thấp.  

 

Hâu quả trông thấy của các biện pháp ngăn trở từ phía Trung Quốc là tình trạng ùn tắc xe tải với hàng ngàn chiếc xe chầu chực để chờ được thông quan, với nhiều mặt hàng khác như mít, xoài và dưa hấu cũng bị vạ lây từ các quyết định của Trung Quốc.

 

Cảnh hỗn loạn tương tự đã diễn ra dọc theo biên giới Miến Điện -Trung Quốc, nơi hàng loạt xe tải chở dưa hấu đổ hẳn hàng xuống bên đường, vì ngõ vào Trung Quốc bị siết lại. Giới xuất khẩu Miến Điện đã phàn nàn rằng tình trạng chậm trễ do các biện pháp kiểm soát biên giới của Trung Quốc đã khiến việc buôn bán hàng hóa nông sản dễ hỏng “gần như không thể diễn ra”.  

 

Theo ghi nhận của The Diplomat, vào cuối tháng 11, Trung Quốc đã mở lại tuyến đường bộ chính với Miến Điện tại thị trấn Wanding ở Ruili sau 5 tháng đóng cửa do Covid-19. Tuy nhiên, những hạn chế biên giới mới đã ngăn cản sự khôi phục hoàn toàn của thương mại. Trả lời nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, chủ nhân một hãng xe vận tải Miến Điện khẳng định: “Trước đại dịch, chúng tôi từng xuất khẩu hơn 500 xe tải trái cây mỗi ngày sang Trung Quốc, chủ yếu là dưa hấu, dưa lê, xoài v.v... Giờ đây, chỉ có không đầy 10 chiếc xe tải là có thể qua được biên giới mỗi ngày ”.  

 

Theo The Diplomat cảnh xe tải ùn tắc tại biên giới với Trung Quốc cũng được ghi nhận tại Lào, ở vùng Boten, với đoàn xe nối đuôi nhau chầu chực trên khoảng 15 km đến tận thị trấn Nateuy gần đó. 

 

Đối với The Diplomat, đại dịch Covid-19 đã phơi bày tầm quan trọng kinh tế của Trung Quốc đối với các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là những quốc gia có chung biên giới trên bộ ở phía nam của Trung Quốc. Với Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Trung Quốc- ASEAN năm 2010, trao đổi nông sản giữa hai khu vực đã tăng vọt, với hậu quả là giới sản xuất cũng như xuất khẩu nông sản Đông Nam Á bị lệ thuộc vào nhu cầu của Trung Quốc.  

 

Vấn đề là các nhà sản xuất Đông Nam Á khó có thể quay lưng với thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, ngày nào mà Bắc Kinh vẫn kiên trì với chiến lược "zero Covid" của họ, tình trạng hỗn loạn này sẽ vẫn là mối nguy hiểm thường xuyên khi kinh doanh với nền kinh tế lớn nhất châu Á. 

 

---------------------------------------

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

Lào : Cửa ngõ để Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng vào Đông Nam Á ?

 

VIỆT NAM - TRUNG QUỐC - KINH TẾ

Nông sản tắc ở biên giới Việt – Trung: Xuất khẩu “tiểu ngạch” là thủ phạm chính

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats