Friday, 28 January 2022

BỐN VẤN ĐỀ ĐỐI NGOẠI CỦA BIDEN (Đàn Chim Việt)

 



Bốn vấn đề đối ngoại của Biden

Đàn Chim Việt 

27/01/2022

http://www.danchimviet.info/bon-van-de-doi-ngoai-cua-biden/01/2022/25099/

 

Làm tổng thống Mỹ sướng hay khổ? Bước vào năm thứ hai cầm quyền, các vấn đề đối nội của Tổng thống Biden phải kể đến Covid-19, lạm phát 7%, người đi làm đua nhau nghỉ việc, hàng hóa cần thiết trống trơn trên các kệ, các con chip cũng khan hiếm, và nhiều chuyện đau đầu khác.

 

Về mặt đối ngoại, là một “sen đầm quốc tế”, tổng thống Mỹ hiện nay đang đứng trước 4 vấn đề quan trọng, theo báo Washington Post. 2 trong 4 vấn đề có liên quan đến châu Á.

 

Cuộc đối đầu với Nga về Ukraine. Các cuộc tấn công bằng tên lửa của đám Houthi dường như muốn nhằm vào người Mỹ. Các vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Các màn hù dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan. 

 

Bốn vấn đề đối ngoại hóc búa này đang leo thang, không có nhiều điểm chung, nhưng có mối liên hệ với nhau ở chỗ, mỗi đối thủ của Hoa Kỳ đang theo dõi cách Biden đưa ra quyết định trong vấn đề kia để tìm manh mối giải quyết cho vấn đề mình.

 

Chẳng thế mà Ned Price, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ gợi ý rằng những gì xảy ra ở Ukraine có thể khiến Trung Quốc hoặc Triều Tiên tăng hoặc bớt hung hăn hơn, và những vấn đề tại Ukraine có thể tầm vóc vượt khỏi Ukraine.

 

Putin khó đoán

 

Cuộc đối đầu với Tổng thống Nga Putin chiếm nhiều chỗ trên báo đài – như nó phải như vậy. Cách Biden đối phó với cuộc khủng hoảng ngày càng nóng này sẽ ảnh hưởng thêm đến nhận thức của người Mỹ về nhiệm kỳ tổng thống của ông, vốn đã nhận được sự ủng hộ thấp của cử tri trong nhiều tháng qua.

 

Từ Biden cho đến các quan chức thấp hơn đều cảnh báo Moscow có thể xâm lược Ukraine bất kỳ ngày nào, kết quả sẽ thảm khốc cho Ukraine và chiến tranh có thể lan sang NATO, một đồng minh mà Mỹ hứa bảo vệ.

 

Phát ngôn viện Tòa Bạch Ốc Jen Psaki nói với các phóng viên hôm thứ Hai: “Chúng tôi đã tham vấn với các đồng minh về việc bố trí lực lượng và hoàn chỉnh kế hoạch cho tất cả các tình huống.”

 

Tình hình căng thẳng về Ukraine ngày càng chuyển sang mức khủng hoảng thực sự kể từ thứ Hai, khi NATO cho chuyển nhiều thiết bị quân sự vào Đông Âu và Nga tiếp tục xây dựng lực lượng tập trung dọc theo biên giới với Ukraine.

 

Chính quyền Biden cũng đặt 8.500 binh sĩ trong tình trạng báo động cao, sẵn sàng được điều sang châu Âu. Nếu tổng thống quyết định lên đường, các binh sĩ này sẽ đóng trong các nước NATO giáp biên giới với Nga.

 

Một trong những khía cạnh thú vị là lần này Biden đã nhận được sự ủng hộ đầy đủ của Quốc hội, đặc biệt là đảng Cộng hòa, họ muốn ông có một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn để răn đe Moscow. Có lẽ nhờ vậy mà tại cuộc họp báo hôm thứ Tư tuần trước, từ một thái độ yếu ớt – Biden cho biết ông đã nói với Putin rằng Hoa Kỳ sẽ “củng cố” các đồng minh NATO ở đông Âu “nếu quả thực là ông ấy xâm lược” – tổng thống Mỹ đã cứng rắn hơn – tuyên bố sẽ điều 8.500 quân, trước khi lực lượng Nga tiến xa hơn vào Ukraine.

 

Ngoại trưởng Antony Blinken sau đó còn nói rõ hơn về chuyện “tập họp các đơn vị” để chở đợi, ông nói rằng một vụ xâm nhập của Nga qua biên giới Ukraine, “cho dù là một người hay một nghìn binh sĩ” sẽ bị xem là một cuộc xâm lược.

 

Cái bóng của Iran

 

Các chiến binh Houthi ở Yemen gần đây đã gây ngạc nhiên khi họ bắn hai tên lửa đạn đạo, buộc quân đội Mỹ phải chạy vào các hầm trú ẩn tại Căn cứ Không quân Al Dhafra, gần thủ đô Abu Dhabi của UAE.

 

Đây là cuộc tấn công thứ hai của nhóm Houthi vào UAE trong vòng một tuần, đánh dấu một đợt bạo lực lan rộng nhanh chóng và nguy hiểm trong cuộc nội chiến kéo dài 7 năm tại Yemen.

 

Cách đây một năm, Biden đã đưa Houthi ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài của Hoa Kỳ; nhưng tại cuộc họp báo vào tuần trước, ông cho biết “đang xem xét” đưa nhóm này trở lại danh sách. Trước đó,  các đảng viên Cộng hòa đã đòi như vậy, và bây giờ, sau hai vụ bắn tên lửa, áp lực lại mạnh thêm.

 

Ai cũng biết Houthi chẳng thể nào làm được chuyện đó nếu không có Iran đứng sau.

 

Triều Tiên, mối tình lạnh nhạt

 

Triều Tiên cũng không dễ đối phó: Kim Jong Un đã thực hiện ba vụ thử vũ khí mà Bình Nhưỡng nói là tên lửa siêu thanh. Những quả đạn đó nhanh hơn, bay thấp hơn và cơ động hơn so với tên lửa truyền thống, khiến chúng khó bị hạ gục sau khi phóng đi. Tờ Wall Street Journal đưa tin vào hôm thứ Ba, Triều Tiên đã bắn ra hai tên lửa, có lẽ là tên lửa hành trình.

Triều Tiên đã công khai bác bỏ các cử chỉ ngoại giao hòa hoãn của Biden. Trong lúc này,  Triều Tiên chưa phải là ưu tiên hàng đầu ở Washington. Tổng thống Biden vẫn chưa chỉ định đại sứ mới cho Hàn Quốc và hiếm khi được truyền thông hỏi về chính sách của ông đối với Triều Tiên.

 

Cuối cùng là Trung Quốc

 

Hôm Chủ nhật, Trung Quốc đã cho 39 máy bay chiến đấu bay về phía Đài Loan trong cuộc xuất kích lớn nhất mở màn cho năm mới dương lịch, trong bối cảnh căng thẳng về tương lai của hòn đảo tự trị và khi Hoa Kỳ muốn khẳng định mạnh mẽ sự hiện diện của mình trong khu vực.

 

Sẵn dịp, các nhà ngoại giao và dư luận viên Trung Quốc không quên hô hào tình đoàn kết giữa Trung Quốc và Nga, gây chia rẽ giữa Hoa Kỳ và NATO, dùng ví dụ Ukraine để nói với NATO rằng Hoa Kỳ là một đồng minh không đáng tin cậy.






No comments:

Post a Comment

View My Stats