Monday, 31 January 2022

MÙA TẾT CỦA GIỚI NGHỆ SĨ NHẠC DÂN TỘC VIỆT NAM TẠI PHÁP (Thanh Phương - RFI)

 



Mùa Tết của giới nghệ sĩ nhạc dân tộc Việt Nam tại Pháp 

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 31/01/2022 - 14:56

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20220131-m%C3%B9a-t%E1%BA%BFt-c%E1%BB%A7a-gi%E1%BB%9Bi-ngh%E1%BB%87-s%C4%A9-nh%E1%BA%A1c-d%C3%A2n-t%E1%BB%99c-vi%E1%BB%87t-nam-t%E1%BA%A1i-ph%C3%A1p

 

Cũng như năm ngoái, cộng đồng người Việt tại Pháp năm nay lại đón Tết Nguyên Đán ngay giữa mùa dịch Covid-19, với đợt dịch thứ 5 không biết bao giờ mới chấm dứt, thậm chí chưa biết khi nào lên đến đỉnh. Tết của giới nghệ sĩ nhạc dân tộc Việt Nam tại Pháp cũng bị xáo trộn do dịch bệnh.

 

https://s.rfi.fr/media/display/db7d709c-7f72-11ec-b3ad-005056bfb2b6/w:1024/p:16x9/TJP_5729.webp

Nghệ sĩ Hồ Thụy Trang trong một buổi trình diễn tại Paris. © Hồ Thụy Trang

 

Vì lý do bảo vệ sức khỏe, có những hội đoàn phải hủy chương trình Tết, hoặc chuyển thành Tết “on line”, có nơi phải dời lại ngày khác, chẳng hạn như Giáo xứ Việt Nam ở Paris đã phải dời ngày tổ chức Tiệc Xuân Nhâm Dần ngày 30/01 sang ngày 13/02/2022, với hy vọng là từ đây đến đó tình hình dịch tại Pháp sẽ giảm bớt.

 

Vẫn như mọi năm, chương trình văn nghệ Tết không thể thiếu các màn trình diễn nhạc cổ truyền Việt Nam, nhất là của giáo sư Phương Oanh. Nguyên là giảng viên tại Nhạc Viện Quốc Gia Cao Đẳng Sài Gòn trước năm 1975 và cũng từng là giảng viên về Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam tại Nhạc Viện Quốc Gia Pháp, giáo sư Phương Oanh cũng là người từ cách đây hơn 50 năm đã sáng lập nhóm Phượng Ca, nay đổi tên là Nhạc Viện Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc tại Paris. 

 

Tết năm nay, giáo sư Phương Oanh và nhóm Phượng Ca lại “chạy sô” hết nhà thờ này đến nhà thờ khác ở vùng Paris ( Franconville, Taverny, Créteil, Plailly và Ermont ) suốt từ đêm Giao thừa 31/01 đến tận ngày 27/02, trình diễn trong các thánh lễ được cử hành bởi các linh mục người Việt, hoặc bởi các linh mục Pháp nhưng rất yêu quý cộng đồng Công Giáo người Việt. 

 

Trong ngày cuối năm này, chúng tôi đặc biệt muốn nói đến những người như giáo sư Phương Oanh và nhiều nghệ sĩ khác mà từ nhiều năm qua vẫn miệt mài giữ gìn và quảng bá âm nhạc dân tộc Việt Nam trên đất Pháp. Bình thường Tết là dịp để họ đi các nơi trình diễn những làn điệu dân tộc, giới thiệu những nhạc cụ truyền thống của Việt Nam, nhưng trong mùa Tết năm nay, và nói chung là trong suốt hai năm qua, họ phải đương đầu với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

 

Có thể nói “biểu tượng” cho những khó khăn đó chính là vở nhạc kịch đàn ca tài tử “Kiều”, mà nghệ sĩ Trúc Tiên là người chuyển thể và cũng là một trong người thủ vai chính. Vở nhạc kịch “Kiều” theo lẽ đã được trình diễn vào tháng 3/2020, nhưng thời điểm đó lại rơi đúng vào đầu mùa dịch tại Pháp, nên chương trình lúc đầu đã bị dời đến tháng 10/2020. Sau đó, đoàn dự định là sẽ diễn vào tháng 06/2021, nhưng lúc đó dịch vẫn chưa hết, nên lại dời đến tháng 3 năm nay. Vậy mà vẫn chưa yên, nghệ sĩ Trúc Tiên vừa thông báo trên mạng Facebook là do tổng lãnh sự Pháp chưa cấp visa cho các nhạc sĩ Việt Nam sang Pháp cho nên vở “Kiều” cuối cùng lại phải bị dời đến ngày 02/10 năm nay!

 

Do tình hình dịch bệnh, từ hai năm nay, nhiều festival và sự kiện văn hóa khác đã bị hủy, và điều này đặc biệt gây khó khăn cho những nghệ sĩ như Hương Thanh, con gái của cố nghệ sĩ Hữu Phước, em gái của nữ danh ca Hương Lan. Hương Thanh là tên tuổi quen thuộc đại diện cho làng nhạc dân tộc Việt Nam trong giới nghệ sĩ ở Pháp và là khách mời thường xuyên của các festival ở Pháp và quốc tế: 

 

“Những nghệ sĩ ở nước ngoài như Hương Thanh phần đông gặp rất nhiều khó khăn, do các festival bị hủy bỏ hoặc dời lại theo mùa dịch. Trong lúc dịch lên mạnh nhất ở Pháp, Hương Thanh vẫn diễn cho đài phát thanh, nhưng cũng bị giới hạn, mình chỉ diễn với nhau để phát trên đài thôi. 

 

Vừa vào mùa dịch thì Hương Thanh đã mất hết hai chương trình. Thứ nhất là chương trình đã thâu xong với một nghệ sĩ châu Phi, dĩa nhạc có tên là Ciel et Terre, vừa xong thì dịch tới, nên chương trình bị đình lại, không tìm được người nào để phát hành dĩa nhạc này. Chương trình thứ hai là Les trois parfums, quy tụ 3 tiếng hát của Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc, cũng đã thâu xong rồi, cũng phải chờ hết dịch mới có thể ra dĩa được. 

 

Bây giờ dịch bắt đầu bớt rồi, Hương Thanh có hai chương trình sẽ bắt đầu trở lại, thứ nhất là chương trình của nhạc sĩ Didier Petit, có tên là Les Mondes d’ici ( Những thế giới nơi đây ). Chương trình này Hương Thanh đã diễn trong mùa dịch được hai năm, hai, ba tháng mới diễn một lần. Bây giờ thì Hương Thanh cũng như các nghệ sĩ khác cũng đang chờ xem tiến triển của mùa dịch như thế nào.

 

Một khi hết dịch, vấn đề khó với Hương Thanh nhất, đó là khi các festival mở trở lại, thì trước đó đã có biết bao nhiêu người thất nghiệp, đợi đến khi có chổ cho mình thì rất là lâu. Thôi thì mình chỉ biết chờ đợi thôi.”

 

Những nghệ sĩ như Hương Thanh càng khó khăn hơn vì họ không phải là những người làm công ăn lương, không có công việc ổn định, nên khi mất việc do tình hình dịch bệnh, họ cũng không hội đủ tiêu chuẩn để được lãnh trợ cấp của nhà nước:

 

“ Mình là người làm văn hóa, nên không có ông chủ nào hết, mà chỉ có một producteur ( nhà sản xuất ), người làm dĩa nhạc cho Hương Thanh, người là dĩa này cũng dính tới đài phát thanh, mà đài phát thanh bây giờ cũng không hoạt động bình thường nữa. Rồi những tổ chức văn hóa ở các nước ngoài cũng vậy, nước này không qua được nước kia, cũng là một khó khăn rất nặng nề cho toàn thể nghệ sĩ nước ngoài. Riêng Hương Thanh thì từ xưa đến nay vẫn đi rất nhiều nước, vừa rồi lẽ ra phải đi Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam, thì cũng phải dừng lại vì không thể đi sang những nước đó.”

 

Những chương trình biểu diễn của Hương Thanh chủ yếu là dành cho khán giả Pháp và nước ngoài, cho nên cô không có những chương trình riêng cho Tết, trừ phi có những chương trình rơi đúng vào dịp Tết thì cô nhắc cho khán giả biết đây là dịp Tết, nhưng Hương Thanh cho biết:

 

“ Đúng ra là năm nay Hương Thanh cũng định là nếu không có tổ chức chương trình gì, nếu tình hình “dễ thở”, Hương Thanh sẽ tổ chức một chương trình "musiques du monde" với một số nghệ sĩ, tại vì nghệ sĩ rất là nhớ sân khấu. Nhưng rất tiếc là do dịch vẫn còn quá mạnh, nên không tổ chức được. Như vậy Tết năm nay Hương Thanh chỉ có thể qua mạng, qua đài để chúc Tết cho khán giả.”

 

Nghệ sĩ Hồ Thụy Trang thì gặp may hơn, vì nhóm nhạc Tiếng Tơ Đồng ( được thành lập từ năm 2000 ) của cô vẫn hoạt động tương đối thường xuyên trong mùa dịch và Tết Nguyên Đán năm nay thì cũng có một số buổi trình diễn, nhưng quy mô thì hạn chế hơn mọi khi:

 

“ Trước khi có dịch, nhóm Tiếng Tơ Đồng và Thụy Trang vẫn thường hay nói đùa: Tết là mùa hái quả, tức là mùa “chạy sô”, do có rất nhiều hội đoàn cũng như nhiều thành phố mời Tiếng Tơ Đồng biểu diễn để chào mừng Tết của người Á Châu. Có khi một ngày chạy 2 show, sáng một show, tối một show, rất là mệt, nhưng rất là vui, rất hạnh phúc.

 

Năm nay, Tiếng Tơ Đồng cũng được quận 13, khu của người Á Châu, mời diễn vào ngày 05/02 với chương “1001 tiếng trúc, tiếng tre”. Cùng ngày và cũng cùng giờ, thành phố Cergy, ngoại ô phía bắc Paris, cũng mời làm một buổi biểu diễn nhạc và múa. Thành ra Thụy Trang phải chia làm hai nhóm, một nhóm gồm có múa và các nhạc cụ cổ truyền ( đàn tranh, sáo, đàn bầu ), còn một nhóm gồm Thụy Trang và hai nhạc sĩ chuyên nghiệp khác thì diễn chương trình “ 1001 tiếng trúc, tiếng tre” ở quận 13 Paris." 

 

Nhưng dù có "đắt sô" hơn, nhóm Tiếng Tơ Đồng của Hồ Thụy Trang cũng bị ảnh hưởng các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch:

 

“ Theo quy định của chính phủ thì mình phải giới hạn số khán giả, các ghế thì phải đặt cách xa ra, nên số khán giả giảm đi phân nửa. Những thành phố nào có nguồn tài chính dồi dào thì họ tổ chức làm hai lần. Ví dụ như vừa rồi Thụy Trang có làm ở viện bảo tàng của thành phố Mâcon nhân triển lãm tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ. Thay vì làm một buổi diễn, thì họ làm thành 2 buổi cho tất cả những người muốn đến xem.

 

Ngoài dịp Tết thì hiện Thụy Trang cũng đã nhận được rất nhiều lời mời cho những hội như Les enfants du Mekong và những festival ở tỉnh miền trung nước Pháp. Có những hội đoàn, những festival đã đưa ra những dự án rồi, nhưng mình cũng còn chờ tin giờ chót, nếu dịch Covid-19 tăng lên, thì họ sẽ hủy. Cái đó mình phải chấp nhận, chứ họ không bỏ hẳn và cứ bảo mình cứ giữ ngày hôm đó đi.

 

Dẫu sao, mình rất hạnh phúc là được sống trong một đất nước mà họ rất quan tâm đến âm nhạc thế giới, có một sự bảo tồn. Mình không thể làm ngơ trước điều đó, vì mình là một người Việt Nam, phải giữ truyền thống của người Việt Nam. Hơn nữa Thụy Trang sinh ra trong một gia đình có truyền thống nhạc dân tộc và mình đã theo học từ bé, không có lý do gì mình quên đi, bỏ đi. Mình phải theo đuổi đến cùng mặc dù có rất, rất là nhiều khó khăn.”

 

Hy vọng là đại dịch sẽ sớm qua đi để các nghệ sĩ nhạc dân tộc Việt Nam ở Pháp sẽ trở lại với sinh hoạt bình thường, nhất là cô Kiều của Trúc Tiên không còn gặp cảnh "ba chìm bảy nỗi", không còn tiếp tục lỡ hẹn với khán giả. 

 

Trong khi chờ "sau cơn mưa trời lại sáng", Thanh Phương cùng với các nghệ sĩ Phương Oanh, Trúc Tiên, Hương Thanh và Hồ Thụy Trang xin kính chúc quý vị một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý. 





No comments:

Post a Comment

View My Stats