Thursday, 27 January 2022

VIỆT NAM TRONG THẾ 'ĐI CŨNG DỞ Ở KHÔNG XONG' TRONG ASEAN (Trần Đông A)

 



Việt Nam trong thế ‘đi cũng dở ở không xong’ trong ASEAN

Trần Đông A

27/01/2022

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-di-cung-do-o-khong-xong-trong-asean/6413307.html

 

https://gdb.voanews.com/A3A97ED3-5613-45A3-95EB-222E22A9DCBA_w650_r1_s.jpg

Hun Sen và tướng Min Aung Hlaing (trái) tại Naypyidaw.

 

Nhâm Dần sẽ chứng kiến những cơn vật vã mới của ASEAN. Một ASEAN-X có nguy cơ bị vô hiệu hóa. Qua con bài Hun Sen, Trung Quốc có thể làm cho tổ chức này rối loạn thêm? Rồi đây, sẽ chỉ còn lại một ASEAN7 hay vẫn còn ASEAN9? Nếu Campuchia – Lào – Myanmar rời khỏi ASEAN, Việt Nam sẽ tính sao? “Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”.

 

Thủ tướng CPC Hun Sen đã mở đầu nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN bằng chuyến thăm cấp nhà nước tại Myanmar mà dư luận cho rằng, đó chính là một “cuộc đảo chính ngoại giao”. Ông Hun Sen muốn đảo ngược cái công thức ASEAN-X mà tổ chức này đã áp dụng tại các cuộc họp cấp cao của khối trong năm 2021. Điều này đã gây ra những chỉ trích công khai và quyết liệt từ những thành viên “nòng cốt” trong ASEAN. Tuy nhiên, cái cách CPC phản ứng theo kiểu “giận quá mất khôn” đối với các chỉ trích đã khiến giới quan sát phải nghĩ đến nhiều kịch bản. Trong đó, có cả kịch bản xấu nhất: ASEAN có thể sẽ “tan đàn xẻ nghe” trong tương lai.

 

Tờ “Khmer Times” ngày 11/01/2022 đã “phản pháo” phê phán của Singapore đối với chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng Hun Sen là lố bịch, mất lý trí và không công bằng. Singapore luôn luôn hành động như thể họ là chủng tộc thông minh nhất Đông Nam Á. Vẫn theo tờ báo chính thống của chính phủ CPC, Singapore đang xúc tiến chương trình công khai loại CPC, Lào và Myanmar ra khỏi các nhóm nước giàu hơn. CPC thậm chí còn “vạch… lưng ăn vạ” khi cho rằng, sự chia rẽ trong ASEAN đã kéo dài từ lâu. Các quan chức Singapore chỉ muốn ASEAN chỉ có 7 thành viên thôi. Họ quên rằng, chính Indonesia và Malaysia cũng đã từng muốn đuổi Singapre ra khỏi khối.

 

Cách tiếp cận của CPC về Myanmar từ đầu đã bị lên án, vì nó khác hẳn với cách mà ASEAN đã thực hiện trong năm 2021 dưới sự chủ trì của Brunei khi áp dụng bước đi chưa từng có. Đó là đã cấm cửa các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính ở Myanmar tham gia các cuộc họp của khối. Việc cấm cản này diễn ra công khai, dù có sự vận động của Bắc Kinh trước Thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc. Cùng với việc tẩy chay Hội nghị Siem Reap trong hai ngày 18 và 19/01, đây không chỉ là thất bại của chính sách “cái gậy và củ cà rốt” từ TQ, mà còn là biểu hiện về sự trưởng thành của ASEAN, dám bám trụ và dám giữ vững các nguyên tắc đã thỏa thuận, không để TQ gây chia rẽ nội bộ khối.

 

Có lẽ CPC đã đúng khi khẳng định, ASEAN bị chia rẽ về nhiều vấn đề, chứ không chỉ vì thái độ đối với tập đoàn quân phiệt Myanmar. Trong một diễn biến liên quan đến hành tung của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12/01/2022 đã công bố báo cáo mới, bác bỏ các yêu sách của TQ trên Biển Đông, bao gồm cả đòi hỏi về vùng nước lịch sử mà Bắc Kinh vẫn áp dụng đối với “đường đứt khúc chín đoạn” chiếm đến gần 90% diện tích Biển Đông. Báo cáo có tên “Limits of the Seas” (Các giới hạn trên Biển) dài 47 trang. Cũng chính vì TQ “múa gậy gậy vườn hoang” như thế trên Biển Đông cho nên Indonesia đã lên kế hoạch mời năm quốc gia thành viên ASEAN gồm Brunei, Philippines, Malaysia, Singapore và Việt Nam tham dự một cuộc họp vào tháng 2 tới để thảo luận về một phản ứng chung trước sự lộng hành ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.

 

Dường như “ngọn cờ Băng đung”* lại một lẫn nữa vẫy gọi. Indonesia tuy không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc nhưng đang nỗ lực hình thành một tập hợp lực lượng mới. Đây thực sự là một thách thức khó vượt qua đối với nền ngoại giao của VN và của một số nước thành viên khác. Liên quan đến vấn đề Myanmar lẫn hồ sơ về Biển Đông, lập trường của VN đáng ra “phải tỏ mặt anh hào” trong khối. Nhưng VN rõ ràng đang không chỉ để mất vai trò dẫn dắt, mà còn rơi vào tình huống “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”. VN không dám lên án cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, không chỉ vì nể mặt kẻ đứng đằng sau chính biến – mà ai cũng biết, đó là TQ. Nhưng cũng không chỉ vì TQ, mà VN còn vì hàng tỷ đô-la chính quyền Hà Nội đã đầu tư cho Myanmar thông qua tập đoàn Viettel.

 

Trong vấn đề Myanmar, rõ ràng do bị vướng “làm ăn” với tập đoàn quân phiệt khá sâu, cho nên VN không thể “tiên phong” như Indonesia. Còn trong vấn đề Biển Đông, do bị “bóng Trung Quốc đè” quá nặng, nên cũng “ấp úng” trong việc hoan nghênh sự thay đổi trong lập trường của Mỹ về Biển Đông. Liên quan đến Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Hoa Kỳ sắp tới, các nước trong khối, đặc biệt là VN lại một lần nữa lại đứng trước thử thách cam go. Việc VN chấp nhận ASEAN9 như một sự đã rồi, tức là kiên quyết loại Myanmar ra khỏi khối, hay theo chân CPC để làm hài lòng TQ? Đây thực sự sẽ là phép thử lớn đối với bản lĩnh ngoại giao VN.

 

Cái khó của VN không chỉ ở tình thế “đi cũng dở ở không xong” trong ASEAN. Cái khó còn ở chỗ VN phải đối mặt cả với lập trường không thống nhất của các cường quốc, chưa hẳn đã thực sự muốn ASEAN trục xuất Myanmar ra khỏi khối. Ngày 19/1/2022, trang mạng “Bloomberg.com” đã đăng tải phân tích của cựu Tổng thư ký ASEAN Keng Yong: “Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản sẽ nhìn thấy mặt bất lợi trong một tình huống lộn xộn như hiện nay. Các ông lớn muốn ASEAN phải tự giải quyết lấy cuộc khủng hoảng Myanmar”. Nhưng giải quyết như thế nào thì vẫn chưa có giải pháp rõ ràng. Năm ngoái, ASEAN đã phá vỡ các quy tắc lâu nay về việc tránh can thiệp vào các vấn đề trong nước, khi sự phẫn nộ của quốc tế gia tăng về số người chết sau cuộc đảo chính tháng 2/2021. Khoảng 1.500 người biểu tình đã thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính, bà Suu Kyi đang phải đối mặt với 6 năm tù giam và các nhóm sắc tộc vũ trang đã vận động chống lại chế độ, làm tăng nguy cơ xung đột dân sự toàn diện.

 

* “Ngọn cờ Băng-đung” trải qua chặng đường 61 năm (1961 – 2022), còn có tên là Phong trào Không liên kết, là một trong những phong trào lớn nhất thế giới đấu tranh cho quyền tự quyết dân tộc, quyền bình đẳng trong quan hệ quốc tế cũng như cho hòa bình, an ninh và phát triển. Đến nay, trước cục diện thế giới có những thay đổi mang tính bước ngoặt, Phong trào KLK tuy vẫn giữ nguyên “tinh thần Băng-đung” và vai trò là diễn đàn đa phương đi đầu trong xây dựng, bảo vệ các nguyên tắc thượng tôn pháp luật trong quan hệ quốc tế, song cũng đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức không dễ vượt qua.

 

-------------

 

Liên quan

Bất đồng về Myanmar khiến ASEAN phải hoãn họp ngoại trưởng

Thủ tướng Campuchia: Nếu có tiến bộ, chính quyền quân sự Myanmar được hoan nghênh tại ASEAN

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats