The
Economist
Đỗ Đặng Nhật Huy,
biên dịch
12/01/2022
http://nghiencuuquocte.org/2022/01/12/the-gioi-hom-nay-12-01-2022/
Mỹ và Nga đồng ý
đàm phán thêm về vấn đề Ukraine, sau khi cuộc họp hôm thứ Hai giữa
các nhà ngoại giao hai nước không đạt được nhiều kết quả. Người Nga muốn
NATO, mà họ sẽ gặp vào thứ Tư, cam kết không kết nạp Ukraine và Georgia. Mỹ
khẳng định Nga phải giảm leo thang bằng cách rút quân khỏi biên giới với
Ukraine – trong khi Nga khẳng định không có kế hoạch vượt qua biên giới này.
Joe Biden khi phát biểu tại
bang Georgia đã bày tỏ tán thành một điều chỉnh có giới hạn đối với luật
filibuster
của Thượng viện, nhằm từ đó thông qua luật về quyền bầu cử. Filibuster –
một thủ pháp cho phép đảng thiểu số chặn luật nếu bên đa số không đủ 60 phiếu
bầu – đã cản trở chương trình lập pháp của đảng Dân chủ. Ông Biden muốn một
“thay đổi ngắn hạn” để ban hành cải cách bầu cử. Song mục tiêu này khá xa
vời: một số thượng nghị sĩ Dân chủ đã bày tỏ phản đối.
Áp lực công luận đang đổ dồn lên thủ tướng
Anh Boris Johnson xoay quanh câu chuyện phụ tá của ông mời khoảng 100
nhân viên đến một bữa tiệc ở Phố Downing giữa đợt phong tỏa lần đầu vào
năm 2020. Các nhân chứng cho biết trong số khoảng 30 người tham dự còn có
ông Johnson và vợ ông. Tại thời điểm đó chính phủ đang có lệnh cấm tụ tập.
Citadel Securities bán
1,15 tỷ đô la cổ phần cho hãng đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital và công ty đầu
tư tiền điện tử Paradigm. Đây là khoản đầu tư từ cổ đông bên ngoài đầu
tiên của công ty, theo đó họ được định giá 22 tỷ đô la. Citadel, được sở hữu
phần lớn bởi tỷ phú quỹ phòng hộ Ken Griffin, sẽ sử dụng số tiền này để mở rộng
ra khắp thế giới.
Đài Loan tuyên bố hỗ trợ thêm cho
Lithuania, dưới hình thức quỹ tín dụng trị giá 1 tỷ USD nhằm thúc đẩy
thương mại giữa hai nước. Động thái này đến sau khoản đầu tư 200 triệu USD được
công bố vào tuần trước cũng như việc Đài Loan mua hàng xuất khẩu của
Lithuania. Hồi tháng 12, Trung Quốc đã chỉ trích Lithuania vì cho phép Đài
Loan mở sứ quán trên thực tế ở nước này.
Chủ tịch Nghị viện Châu Âu David Sassoli
qua đời ở tuổi 65. Chính trị gia kiêm cựu nhà báo người Ý này được bầu
vào năm 2019 sau mười năm làm nghị sĩ của Liên minh Tiến bộ Dân chủ và
Xã hội trung tả. Vào cuối tháng sẽ có cuộc bỏ phiếu tìm người lên thay
ông.
Nắm ngoái sân bay Heathrow của London
chỉ đón 19,4 triệu hành khách, chưa bằng một phần tư số lượng trước đại dịch.
Trong đó có ít nhất 600.000 hành khách đã hủy chuyến trong tháng 12 vì biến
thể omicron. Ở một diễn biến khác, Airbus tiếp tục giữ ngôi vị nhà sản
xuất máy bay lớn nhất thế giới trong năm thứ ba liên tiếp. Công ty này giao
được 611 máy bay vào năm 2021, tăng 8% so với 2020.
TIÊU
ĐIỂM
Hồng Kông ghi
nhận một loạt ổ dịch mới
Ngày trước nếu Hội đồng Lập pháp Hồng Kông
(Legco) có ghế trống, người ta hiểu ngay các chính trị gia đối lập đang tẩy
chay hội đồng hoặc đã bị đuổi khỏi phòng họp. Nhưng kể từ nhiệm kỳ 2016,
Trung Quốc đã đảm bảo chỉ những người ủng hộ họ mới giành được ghế. Cuộc bầu cử
tháng 12 nghiễm nhiên bầu ra 90 “người yêu nước.” Tuy nhiên hàng chục người
trong số họ có thể vắng mặt vào thứ Tư ngay từ kì họp đầu tiên của năm.
Chiến lược “zero-covid” của Hồng Kông hoạt động
hiệu quả trong năm 2021. Nhưng họ bước vào năm nay với một loạt các cụm
dịch. Thật không may cho 200 nhân vật thượng lưu của Hồng Kông (bao gồm 20
nghị sĩ Legco) đã tham dự một bữa tiệc sinh nhật ngày 3 tháng 1, khi hai vị
khách sau đó được xét nghiệm dương tính. Tin này khiến tất cả bọn họ
phải cách ly ba tuần trong trại cách ly hoặc tại nhà. Ngoài ra vài người
trong số họ cũng không dùng ứng dụng truy dấu tiếp xúc của chính phủ. Ở
Hồng Kông và Trung Quốc, vi phạm quy tắc giãn cách xã hội hoàn toàn có
thể bị coi là không yêu nước.
Châu Âu ra bộ
tiêu chí đầu tư bền vững
Các nước EU có thời hạn đến thứ Tư để bình luận
về tài liệu “phân loại” do Ủy ban Châu Âu đề xuất, một tài liệu 550 trang để
xác địch những gì được coi là đầu tư bền vững. Bản dự thảo đã được công bố
vào ngày 31 tháng 12.
Một số bên đã có quan điểm rõ ràng: ủy
ban thêm các dự án hạt nhân và khí đốt tự nhiên vào danh sách, khiến Áo, Đức
và vài nước khác phật lòng. Song nó vẫn có thể nhận đủ ủng hộ để được
thông qua vào cuối năm nay.
Nó có thể trở thành tiêu chuẩn chung cho toàn
cầu, với một bộ tiêu chí mà giới đầu tư và ngân hàng có thể sử dụng để sàng lọc
các khoản đầu tư và thúc đẩy họ công bố thêm dữ liệu carbon trong danh mục đầu
tư của mình. Nó cũng có thể hợp thức hóa chứng nhận cho các tổ chức phát
hành trái phiếu xanh và các loại chứng khoán khác.
Chính phủ Anh
chìm trong chỉ trích
Tính cách hào sảng của thủ tướng Anh là một
nét hấp dẫn của ông với cử tri, nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi. Hôm thứ
Hai xuất hiện thông tin cho thấy Phố Downing lại vi phạm quy tắc covid-19
của chính phủ. Vào ngày 20 tháng 5 năm 2020, một trợ lý cấp cao đã mời khoảng
100 nhân viên đến dự tiệc trong khu vườn ở dinh thự Phố Downing, vi phạm quy
định cấm tụ tập vào thời điểm đó. Tệ hơn là chính thủ tướng cũng đến tham
dự, theo lời kể nhân chứng.
Bữa tiệc sẽ được điều tra bởi một công chức cấp
cao, Sue Grey. Bà hiện có nhiệm vụ xem xét các vi phạm quy tắc covid
khác của ông Johnson. Giọng điệu trêu đùa của email mời dự tiệc đã khiến
nhiều người tức giận. Trong một cuộc thăm dò nhanh của hãng nghiên cứu thị
trường Savanta ComRes, 2/3 số người được khảo sát cho rằng ông Johnson nên từ
chức. Đáng ngại hơn là nhiều nghị sĩ Đảng Bảo thủ cũng vô cùng tức giận.
Lạm phát theo
năm ở Mỹ tiếp tục tăng cao, lên 7,1%
Lại một tháng qua đi, lại một cột mốc
đáng quên. Các số liệu công bố hôm thứ Tư sẽ cho thấy giá tiêu dùng ở Mỹ
tăng 7,1% trong tháng 12 so với một năm trước đó. Đây là con số lạm phát
cao nhất bốn thập niên qua, lần thứ ba liên tiếp tính theo tháng. Đáng
lo ngại hơn, áp lực giá gần đây bắt đầu lan từ hàng tiêu dùng như ô tô và
ti vi sang tiền lương và tiền thuê nhà. Điều đó tiếp tục củng cố dự đoán của
thị trường rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ hành động dứt khoát để kiềm chế lạm
phát.
Hiện tại, Fed vẫn đang bơm tiền vào hệ thống
tài chính thông qua mua trái phiếu, với tốc độ giảm kể từ tháng 11. Giới đầu
tư và kinh tế đều cho rằng họ sẽ nhanh chóng quay đầu, tăng lãi suất ngay sau
tháng 3. Việc thay đổi từ nới lỏng sang thắt chặt ngay lập tức như vậy mang lại
rủi ro, như đã thấy qua các đợt bán tháo trên thị trường trong tuần qua.
Nhưng đó là cái giá phải trả để dập tắt lạm phát.
No comments:
Post a Comment