Bài bình luận của Huỳnh Mai
2022.01.05
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/who-do-we-rely-on-when-we-re-old-01052022113245.html
Hình minh hoạ: Một
người lớn tuổi ngồi trước cái bơm xe đợi khách trên đường phố Hà Nội năm
2008. AFP
Khoảng chục năm nay chúng tôi bắt đầu nghĩ về
cuộc sống khi về già. Ở cùng con là lựa chọn truyền thống và phổ biến nhất từ
trước tới nay ở Việt Nam. Nhưng ở thế hệ chúng tôi, lựa chọn này đã
không còn dễ dàng như với các thế hệ trước.
Chúng tôi đi học xa nhà từ 18 tuổi rồi tự lập
luôn ở thành phố lớn, hầu như không có bà con họ hàng, quê hương… bên cạnh. Rồi
con cái cũng vậy, chúng hầu hết đều đi học ở nước ngoài và không muốn về Việt
Nam. Thế hệ chúng tôi lại ít con, mỗi nhà hai đứa là nhiều nhất, và cũng không
ít người không lập gia đình hay không có con. Cho nên khi bọn nhỏ muốn định cư ở
nước ngoài thì cha mẹ hầu như đều được khuyên rằng về già thì theo con sang đó
sống.
Định cư theo con rồi
ngồi trong bốn bức tường
Nhưng, thế hệ chúng tôi hiểu rõ sự quý báu của
cuộc sống có tự do cá nhân. Cha mẹ chúng tôi thường sống với những người con
khác ở quê hương-những đứa con không đi xa và có nhiều thời gian hơn để chăm
sóc cha mẹ. Khoảng cách thế hệ vốn đã lớn thì còn lớn hơn với những đứa con trưởng
thành và sống xa cha mẹ, do không sống chung nên cũng khó hiểu nhau và thiếu thốn
những ký ức chung.
Thế thì con cái chúng tôi-những đứa trẻ trưởng
thành ở Anh, Mỹ, Úc… thực chất hầu như đều đã trở thành những quả chuối (da
vàng nhưng bên trong thì “trắng”) làm sao chúng có thể chăm sóc cha mẹ già Việt
Nam trăm phần trăm? Mà lại là Việt Nam đã bị bứng ra khỏi hoàn cảnh và môi trường
sống quen thuộc từ tấm bé, với bạn bè, họ hàng, đồng nghiệp cũ…, để sang sống ở
một môi trường hoàn toàn lạ lẫm, thậm chí ngôn ngữ cũng không thông thạo? Nhiều
đứa sẽ lấy vợ, lấy chồng Tây, khoảng cách thế hệ, văn hóa và dân tộc tính ngày
càng lớn nhưng thời gian dành cho gia đình ngày càng ít, liệu cha mẹ già có thể
sống vui với chúng những ngày cuối đời? Những người chúng tôi quen biết thân
quý thì chúng không biết, và ngược lại. Những gì đã tạo nên ký ức của chúng tôi
không có giá trị tương tự với chúng, và ngược lại
Có thể nói, khi sang nước ngoài sống cùng với
con thì chúng tôi là cái cây bị bứt hết gốc rễ. chỉ còn phụ thuộc vào mỗi một
mình con cái. Nếu chúng “trở mặt”, không dành đủ thời gian hay không chăm sóc
được như ý, cha mẹ sẽ tủi thân vô cùng vì không có ai khác để chia sẻ. Cô đơn
trong bốn bức tường thôi.
Rất nhiều đứa bé được cho đi học xa nhà từ tuổi
thiếu niên hầu như đều cảm thấy Việt Nam không còn là nhà của nó nữa. Mọi thứ đều
xa lạ, trừ cha mẹ. Bạn bè, thầy cô, khí hậu, thời tiết, thức ăn, văn hóa, lối sống…
những gì nó quen thuộc và thích nhất đều ở bên kia đại dương cả rồi.
Cha mẹ nài nỉ: Con đi đâu thì cứ đi nhưng mai
mốt ba mẹ già rồi thì về Việt Nam ở với ba mẹ. Ba mẹ có một mình con!
Nó trả lời: Con xin lỗi nhưng
con cũng không lựa chọn làm con một của cha mẹ (tức là việc cha mẹ
do chỉ có một đứa con nên suy luận rằng nó phải có nghĩa vụ tuân theo cha mẹ là
không hợp lý).
Sợ cha mẹ buồn, nó nói rõ: sẽ chăm lo cha mẹ khi về già, nhưng nó không ở Việt
Nam như ý cha mẹ muốn.
Không đi theo con thì về già sống ra sao? Rất
nhiều người trong chúng tôi tính sẽ vào nhà dưỡng lão.
Ngay cả những gia đình con cái đều ở Việt Nam
thì hầu hết cũng nghĩ sẽ vào nhà dưỡng lão khi già yếu, cũng với những lý do
đó.
Nhà dưỡng lão ở Việt
Nam
Mô hình nhà dưỡng lão đã được đặt ra từ hai,
ba mươi năm nay, nhất là khi dân số già ở Việt Nam ngày càng tăng. Nhưng vì nhiều
lý do nên nó vẫn chưa phổ biến.
Tôi cho rằng tài chính là lý do lớn nhất.
Phần đông người Việt Nam vẫn sống dưới mức
trung lưu. Người bình dân thường thường sẽ sống như tập quán là sống cùng con
cháu khi về già. Những người giàu có, chủ doanh nghiệp hay có nhiều tài sản
cũng vậy, con cháu họ sẽ chăm sóc.
Số đông là tầng lớp công chức và trí thức
trung lưu mong muốn cuộc sống độc lập, tự do không phụ thuộc con cháu thì lương
hưu quá thấp. Nếu chỉ dựa vào lương hưu thì không đủ trả chi phí cho nhà dưỡng
lão (lương hưu thấp nhất khoảng 4 triệu đồng, cao là khoảng 6-7 triệu đồng/tháng,
trong khi phí trả cho nhà dưỡng lão thấp nhất khoảng 7 triệu đồng/tháng (nhu cầu
cơ bản, thường phải cộng thêm các phí khác, tổng khoảng 10 triệu cho gói thấp
nhất), trung bình khoảng 12-15 triệu/tháng). Hoặc phải bán nhà cửa đi (thường tầng
lớp này cũng chỉ có một tài sản lớn nhất nhà cửa), nhưng thế thì con cháu sinh
sống chỗ nào? Văn hóa làm cha mẹ của người Việt là phải để lại tài sản cho con,
thế cho nên dù chật chội, thiếu thốn thì nhiều người già vẫn không bán tài sản
để hưởng thụ cá nhân mà chọn cách ở với con cháu cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.
Thứ hai, chưa có niềm tin vào nhà dưỡng lão.
Tôi có người bạn đã gửi ba của nó vào một nhà
dưỡng lão tư nhân ở Củ Chi, ven Sài Gòn. Chi phí thấp nhất (phòng năm giường)
là 10 triệu đồng/tháng. Cao nhất (phòng riêng) là 18 triệu đồng/tháng, chưa kể
phụ phí đồng phục, chăm sóc khi bị bệnh và trong các ngày lễ tết.
Bạn tôi là con gái một. Mẹ bị tâm thần đã vài
chục năm, không hung dữ phá phách nhưng suốt ngày đi lang thang rồi ghé tiệm của
con xin tiền.
Khi bạn tôi có bầu đồng thời ba nó bị đột quỵ,
không còn cách nào khác, nó phải gởi ba vào nhà dưỡng lão.
Hình minh hoạ. AFP
Hai ngày đi cùng nó lên thăm cha, tôi đã đủ ngậm
ngùi.
Nhà dưỡng lão chia làm bốn loại khách hàng: Thứ
nhất là các cụ ông/cụ bà còn tương đối khỏe mạnh và minh mẫn. Thứ hai là các cụ
yếu hơn nhưng vẫn đi đứng được, có người lúc tỉnh lúc lẫn. Thứ ba, các cụ phải
chăm sóc gần như toàn bộ, ăn phải có người đút, hầu hết không tự di chuyển được
hoặc khá yếu nên phải ngồi xe lăn. Thứ tư là các cụ gần như chỉ còn sống thực vật,
cho ăn qua ống.
Các ông bà cụ trong nhà dưỡng lão này không được
mặc áo quần riêng, cũng không được dùng đồ cá nhân. Vào đây, họ đều được phát mấy
bộ đồ đồng phục bằng thun dày màu cam, cổ tròn, cả ống tay áo và ống quần đều
được may ngắn hơn bình thường để đỡ vướng. Tóc thì húi cua sạch cả cụ ông lẫn cụ
bà, nên nhìn vào gần như chẳng phân biệt được bà hay ông. Bát chén riêng không
được dùng mà ăn bằng cái tô inox của Nhà dưỡng lão.
Mỗi tuần, con cháu được lên thăm các cụ vào thứ
bảy và chủ nhật. Đó là những ngày rộn ràng, vui tươi nhất của các cụ. Khi người
thân đến nơi, bảo vệ sẽ báo vào bên trong (người thân không được vào khu lưu
trú). Bảo mẫu sẽ săn sóc, chải tóc, thay quần áo cho các cụ nếu cần, rồi đẩy xe
lăn ra sảnh tiếp đón. Khu này rộng, có mái che, nhiều bàn ghế, lại gần một hồ
sen, có cây cảnh, tượng Phật nên thoáng mát và có thiên nhiên để ngắm nhìn. Thường
các gia đình mang rất nhiều thức ăn đủ loại lên để “thăm nuôi” ông bà cha mẹ.
Vô số thức ăn bày trên bàn, người này mở, người kia giục, người nọ xúc… ông bà
vừa ăn chưa hết miếng này thì con cháu đã mở hộp thức ăn khác, xúc miếng khác..
Đến xế chiều, con cháu lần lượt ra về. Các cụ
trở vào khu lưu trú. Khi hai cánh cửa mắt cáo ngăn cách hai khu khép lại cũng
là lúc các cụ thầm đếm xem còn bao nhiêu buổi sáng, buổi chiều và buổi tối thì
đến ngày được gặp con cháu lần nữa.
Tôi may mắn được chứng kiến bữa cơm của họ.
Bữa cơm gồm hai món: canh rau và một món mặn. Tất
cả đều được nhân viên nấu nóng trong bếp, nhưng tất cả đều mang một cái màu:
màu … cháo lòng, và một cái mùi: mùi thức ăn ít gia vị, nhạt nhẽo và được nấu
lâu trên bếp.
Cơm trong nhà dưỡng lão đều từ nhão đến rất
nhão, để các cụ già dễ nuốt. Canh cũng quanh đi quẩn lại bí đỏ, bí xanh,
bắp cải… tất cả đều lõng bõng và chín nhừ. Thức ăn mặn thường là cá, trứng
chiên hoặc ít thịt nạc kho nhạt. Các cụ khỏe còn tự xúc ăn được. Các cụ còn lại
thì nhân viên sẽ đổ hết tất cả thức ăn, cả canh lẫn thịt vào một cái tô và xúc
cho họ. Nhiều ông bà cụ nhai móm mém chưa xong miếng trước đã phải há miệng ra
để nhận tiếp miếng sau.
Nhà dưỡng lão cho biết do lo ngại bụng dạ các
cụ yếu nên thức ăn nấu rất nhạt và hầu như không có gia vị. Thành ra nhìn các cụ
sau khi vào trại thì đều hồng hào, tăng cân (có lẽ một phần do ít vận động
chăng), nhưng không cụ nào tỏ vẻ thích bữa ăn của trại. Họ đều mong chờ những
ngày con cháu đến thăm, mang thức ăn hợp khẩu vị. Có cụ có tiền thì có thể mua
thêm ít thức ăn vặt, nhưng rất hãn hữu.
Vài cụ ông còn khỏe mạnh thì nghe radio (tự
mang vào), hoặc đọc báo. Nhưng báo cũng có rất ít loại. Sách không thấy cuốn
nào. Không có thư viện mặc dù số người còn đọc được cũng khá đông.
Nhà dưỡng lão có các hoạt động văn nghệ nhưng
tôi không gặp.
Phòng ngủ thường có 4 giường sắt cỡ 80 cm, đệm bọc simili thường gặp ở bệnh viện.
Toilet chung nằm ở bên ngoài. Tuần hai hoặc ba lần, các cụ được tắm. Nhà tắm là
một phòng chung rất đơn giản chia làm hai phần, bên trong là khu vực tắm với mấy
vòi nước, thông thống không có gì che chắn. Nhân viên sẽ đẩy ba cụ vào một lần,
xối nước tắm rồi đẩy ra ngoài, lau khô, mặc áo quần. Không còn gì là riêng tư nữa.
Tôi cho rằng điều đó gây tổn thương nhân phẩm của các cụ và nó làm tôi đau
lòng.
Với 18 triệu đồng, các cụ sẽ được một phòng
riêng, rất nhỏ nhưng có máy lạnh và toilet trong phòng.
Ở một nhà dưỡng lão khác quảng cáo là do Nhật
đầu tư, tình hình vui vẻ hơn rất nhiều. Các cụ được mặc dùng tư trang cá nhân
như áo quần riêng, bát chén, chăn gối…, tất cả. Chất lượng bữa ăn phong phú và
ngon hơn, được đổi bữa thường xuyên, lượng trái cây và sữa cũng nhiều hơn. Các
cụ ở trong phòng riêng một hoặc hai người, đầy đủ tiện nghi. Giờ ăn, họ ngồi
quanh một bàn ăn ấm cúng giống như ở nhà. Nhân viên vẫn tắm cho các cụ nhưng tắm
riêng từng người một, trong phòng tắm kín. Sự riêng tư được tôn trọng. Chất lượng
cuộc sống và phục vụ ở đây tốt hơn hẳn so với nhà dưỡng lão Việt Nam, nhưng tất
nhiên giá tiền cũng cao hơn. Và do họ không có cơ sở rộng nên nhà dưỡng lão chỉ
nhận rất ít người.
Tất cả là nhà dưỡng lão tư nhân. Ở TP HCM có một
nhà dưỡng lão Nhà nước, gọi là Nhà dưỡng lão Thị Nghè. Vào đây, ngoài tiền còn
phải đáp ứng một số yêu cầu như là cán bộ có quá trình cống hiến cho nhà nước.
Người già dựa ai?
Có những nhóm bạn thấy rõ thực tế của cuộc sống
xa con sau này, đồng thời cũng sợ hãi sự cô độc và thiếu thốn ở nhà dưỡng lão
nên bàn nhau xây dựng các nhóm dưỡng lão gia đình. Chung tiền thuê một ngôi nhà
có vườn gần biển hoặc gần núi tùy thích, sống chung với nhau và thuê người chăm
sóc. Chi phí tất nhiên là cao, nhưng lúc ấy bán hết tài sản đi để lấy tiền sống
những ngày cuối đời thì chẳng cần phải băn khoăn.
Đó có lẽ là mô hình tốt nhất.
Hoặc cũng có thể thuê người giúp việc sống với
mình, nhưng như vậy sẽ rất buồn bã và cô đơn vì không có bạn bè; các nhu cầu tối
quan trọng như dinh dưỡng, y tế cũng không đảm bảo.
Ở Việt Nam không có chế độ phúc lợi thuê người
giúp việc chăm sóc người già yếu neo đơn, cho nên chỗ dựa cho người già hầu như
chỉ có một cái gậy duy nhất: tiền.
Bà lão bán hàng ở Hà Nội. AFP
Nếu con cháu có hiếu và có đủ điều kiện (thời
gian, tiền bạc, tâm trí) để người già sống quây quần cùng con cháu đến cuối đời
thì đó là cuộc sống hạnh phúc nhất. Tứ đại đồng đường, cha mẹ con cháu đều được
nương tựa vào nhau cả về tinh thần và vật chất.
Có lần trong bệnh viện tôi gặp một đôi vợ chồng
già không có con. Ông bệnh, bà vào chăm sóc nhưng chủ yếu động viên tinh thần.
Hai cụ già đều trên 80 tuổi không thể chạy đi mua thức ăn hay các việc lặt vặt
khác được. Có một anh con trai là cháu của ông bà hàng ngày mua thức ăn vào,
nhưng anh cũng không sốt sắng gì lắm, chỉ làm theo trách nhiệm rồi về.
Bà cười nhạt nói với tôi: “Già dựa ai? Dựa tiền.
Ai nuôi? Tiền nuôi. Mình có tiền còn sai nó làm được, chớ không thì nó cũng bỏ
thôi con à”.
Chúng ta rồi ai cũng già đi, không chừa một
ai, rồi ai cũng sẽ đến ngày mắt mờ, tai điếc, chân run và tè dầm ra tã. Bạn đời,
bạn bè, đồng nghiệp, người hâm mộ đều đã mất đi hoặc đều run rẩy như ta cả.
Nhưng có ai nghĩ đến điều đó? Khi chúng ta còn
trẻ như lũ con cháu bây giờ, chúng ta cũng y như chúng, không có lấy một giây
nghĩ rằng sẽ có ngày bản thân già đi.
_________________
Tham khảo:
https://duonglaodienhong.vn/service/bang-gia-va-thu-tuc/
https://duonglaobinhmy.com/bang-gia-va-thu-tuc-vao-vien-duong-lao/
https://drbacsi.com/chi-phi-song-o-vien-duong-lao/
https://luatvietnam.vn/tin-phap-luat/chinh-sach-cho-nguoi-cao-tuoi-230-30967-article.html
-------------------------
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự
Do.
No comments:
Post a Comment