Kazakhstan
: Cách mạng hay đảo chánh?
Thụy
My -
RFI / ĐIỂM BÁO
Đăng ngày: 06/01/2022 - 18:15
Tại Trung Á, từ Chủ nhật 02/01, đất nước độc tài
Kazakhstan rung chuyển với những vụ nổi dậy càng lúc càng mạnh mẽ. Đám đông ban
đầu phản đối giá năng lượng tăng, nay đòi phải thay đổi chế độ. Libération đặt
câu hỏi, đó là một cuộc cách mạng hay đảo chánh ?
https://s.rfi.fr/media/display/719b738e-6f0c-11ec-a7ac-005056a90284/w:1024/p:16x9/01-2491.webp
Cảnh sát chống bạo
động sẵn sàng đối phó biểu tình tại Almaty, Kazakhstan ngày 05/01/2021. AP -
Vladimir Tretyakov
Tổng thống thừa cơ
soán ngôi « cha già dân tộc » Kazakhstan ?
Libération cho biết tối hôm
qua 05/01, tổng thống Kazakhstan, ông Kassym Jomart-Tokaiev xuất hiện trên truyền
hình, khẳng định sẽ cứng rắn với người biểu tình nhưng cũng hứa sẽ cải cách. Đồng
thời khẳng định từ nay sẽ giữ luôn vai trò chủ tịch Hội đồng An ninh. Câu nói
này đã gây sửng sốt cho tất cả những ai biết về chính trường Kazakhstan.
Chiếc ghế chủ tịch Hội đồng An ninh đã có chủ,
và đó chính là Noursoultan Nazarbaiev, « Elbasy » (cha già dân tộc) 81
tuổi, đã trị vì từ năm 1984 đến nay. Tượng của ông được dựng tại tất cả những
thành phố lớn của Kazakhstan, và thủ đô đất nước được vinh dự mang tên ông,
Noursoultan ! Năm 2019, Noursoultan Nazarbaiev đã nhường chức tổng thống
cho một nhân vật ít tên tuổi là Tokaiev, để làm chủ tịch Hội đồng An ninh, một
chức vụ « đo ni đóng giày » cho ông. Vào thời đó, sự kiện này gây chấn
động tại các nước thuộc Liên Xô cũ. Lên làm thái thượng hoàng rồi giựt dây sau
hậu trường, « kịch bản Kazakhstan » sẽ là hình mẫu cho các chế độ độc
tài trong khu vực ?
Thế mà giờ đây người kế nhiệm chỉ bằng một câu
nói đã giành lấy chiếc ghế ngỡ là suốt đời của « cha già dân tộc ».
Các nhà ngoại giao Nga hé lộ, Nazarbaiev đã sang Matxcơva để « chữa bệnh ».
Theo tin đồn, thì gia đình ông cũng chuẩn bị ra đi kể cả con gái là Dariga vốn
có ảnh hưởng chính trị lớn. Nhân vật số hai của cơ quan tình báo, là cháu của
Nazarbaiev, cũng đã bị cách chức. Tokaiev nay một mình một chợ, một tình trạng
khó thể tưởng tượng cách đây vài ngày.
« Kịch bản
Kazakhstan » phá sản
Mọi việc bắt đầu từ thành phố nhỏ bé Janaozen
hôm Chủ nhật, người dân xuống đường phản đối giá khí đốt tăng gấp đôi. Phong
trào phản kháng lan ra nhiều thành phố khác : tại đất nước giàu tài nguyên
này, dân chúng vẫn nghèo khó, cơ sở hạ tầng xuống cấp, vật giá không ngừng gia
tăng. Bên cạnh vấn đề kinh tế, nảy sinh thêm yêu sách chính trị, người biểu
tình đòi chính phủ và các thống đốc phải từ chức.
Chính quyền trung ương bèn loan báo đóng băng
giá khí đốt trong sáu tháng. Nhưng đã quá trễ : người nổi dậy chiếm tòa thị
chính Almaty – thủ đô kinh tế, Dinh tổng thống, phá trụ sở đảng cầm quyền
Nour-Otan và nhiều tòa soạn thân chính phủ. Ở miền tây, cảnh sát bỏ hàng ngũ
sang phía người biểu tình. Tối qua, tình trạng khẩn cấp được ban bố trên toàn
quốc. Tổng thống Kazakhstan cầu viện người bạn lớn Nga, nhưng phát ngôn viên
Kremlin nói rằng điều quan trọng là không có ai can thiệp từ bên ngoài, nên
Kazakhstan có thể tự giải quyết chuyện nội bộ. Như vậy đã rõ : một khi
Matxcơva không thấy có bàn tay phương Tây thì không muốn xen vào.
Tình hình Kazakhstan khác với Belarus, từ khi
độc lập đến nay Kazakhstan luôn giữ thăng bằng giữa Nga và Trung Quốc, đồng thời
có quan hệ tốt với châu Âu về thương mại và Hoa Kỳ về đầu tư. Tại đất nước lớn
nhất trong số năm nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á, Nga có ít lợi ích địa
chính trị hơn so với Belarus. Hệ quả thực sự từ sự kiện Kazakhstan nằm ở chỗ
khác : nếu có ai trong giới tinh hoa Nga nghĩ đến một sự chuyển đổi hậu
Putin theo « kịch bản Kazakhstan » của Nazarbaiev, thì họ đã phải thất
vọng não nề.
Phương Tây vẫn
ngây thơ trước Nga
Cũng liên quan đến Matxcơva, trong bài « Nga :
Sự bất cẩn kỳ lạ của Mỹ » đăng trên Le Monde, tác giả Sylvie
Kauffmann nhận định, phương Tây vẫn luôn ngây thơ.
Ngày 10/02/2007, khi Vladimir Putin bước lên
diễn đàn hội nghị an ninh Munich, các nước phương Tây vẫn hớn hở, nhất là chủ
nhà Đức. Châu Âu và Hoa Kỳ đã hòa giải sau cuộc chiến Irak, còn tổng thống Nga
đang trong nhiệm kỳ thứ hai, mà ai cũng ngỡ là cuối cùng. Ngồi trên hàng đầu là
bà Angela Merkel, làm thủ tướng được hai năm, tươi cười bên cạnh thượng nghị sĩ
Mỹ John McCain.
Nhưng khi Putin phát biểu, mọi người như bị dội
một gáo nước lạnh. Trong suốt 30 phút, ông ta tố cáo « mô hình đơn cực
Mỹ », cáo buộc NATO mở rộng đến biên giới Nga, đòi hỏi một « cấu
trúc toàn cầu mới về an ninh ». Cử tọa ngán ngẩm, có người ôm đầu, một
đại biểu Pháp hồi tưởng : « Chúng tôi ra về bàng hoàng, nhận ra rằng
thời kỳ hậu chiến tranh lạnh đã đóng lại ». Hội nghị lần đó được coi
như một bước ngoặt, thế tại sao tối hậu thư mà Putin đưa ra mới đây cho Hoa Kỳ
và NATO, lại gây ngạc nhiên ?
Trước hết, từ nhiều năm qua, Washington đã
nhìn sang phía khác. Trung Quốc trở thành ưu tiên chính trong đối ngoại, từ thời
Obama sang đến Trump và bây giờ là Biden. Bảy năm sau bài diễn văn ở Munich, lẽ
ra việc Nga sáp nhập Crimée năm 2014 và đưa quân sang Donbass phải làm giật
mình, thế nhưng việc xoay trục sang châu Á đã được định đoạt.
Lo đối đầu Trung
Quốc, Mỹ muốn khoán trắng hồ sơ Ukraina cho Đức, Pháp
Từ chối mọi dạng can thiệp vào Ukraina, có lẽ
Mỹ muốn để cho Pháp, Đức cố gắng giải quyết với Kiev và Matxcơva trong khuôn khổ
« công thức Normandie » dù từ một năm qua vẫn dậm chân tại chỗ. Chính
quyền Biden còn tặng một món quà đáng giá cho Đức bằng cách dỡ bỏ trừng phạt
Nord Stream 2, như một cách giao phó cho Berlin xoay sở với Matxcơva, để rảnh
tay so găng với Bắc Kinh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Nhưng Putin huy động cả trăm ngàn quân ở biên
giới Ukraina và đưa ra những yêu sách quá đáng, Washington phải dọa sẽ trừng phạt
« chưa từng thấy », tuy nhiên không sử dụng ngôn ngữ cứng rắn
như trong trường hợp Đài Loan, được coi là « lợi ích cốt lõi »
của Mỹ. Phần Lan nhắc nhở là có thể xin gia nhập NATO bất kỳ lúc nào, các nước
Baltic lo ngại thái độ lừng chừng của Washington có thể khiến Putin thử ra tay
với châu Âu.
Một nhà ngoại giao nhận định « Hoa Kỳ
biết cách xử sự với các nước lớn, nhưng Putin, đứng đầu một cường quốc trung
bình đang xuống dốc, có khả năng phá hoại dữ dội, phức tạp hơn nhiều ». Bài
viết nhắc lại một câu nói của Henry Kissinger : « Khi mục đích
hàng đầu của một nhóm cường quốc là tránh né chiến tranh, thì hệ thống quốc tế
sẽ khốn đốn trước kẻ tồi tệ nhất ».
Vac-xin chống
Covid : Tổng thống Pháp lại « vạ miệng »
Phát biểu về những người chống vac-xin của tổng
thống Pháp khiến cánh tả lẫn cánh hữu chỉ trích là một những chủ đề được báo
chí Pháp quan tâm nhất hôm nay. Chân dung tổng thống Emmanuel Macron chiếm
trang nhất Le Figaro với dòng tít « Chiến lược đối đầu »,
Libération cũng đăng ảnh ông Macron với vẻ khiêu khích hơn, tố cáo ông là
« dân túy ». Le Monde đăng cảnh hỗn loạn ở Quốc Hội, chạy tựa
« Tiêm chủng : Macron chọn lựa sự chia rẽ ».
Bài xã luận Libération nhận định, tuy
như thủ tướng Pháp và các dân biểu đảng cầm quyền nói ngay sau đó, rằng Macron « chỉ
nói to những điều người Pháp xầm xì », nhưng việc này có tính toán.
Chiến thuật có thể thành công trong giai đoạn đầu, nhưng liệu ở vòng hai cuộc bầu
cử tổng thống có đối phó được với các ứng cử viên cực hữu. Theo nhật báo thiên
tả, tổng thống đã chọn lựa một thử thách nguy hiểm cho xã hội. Tờ báo cánh hữu Le
Figaro thì cho rằng Emmanuel Macron đã trút gánh nặng nỗi sợ, sự mệt mỏi…sau
hai năm đại dịch lên 10% dân không chịu chích ngừa Covid, và xóa nhòa đi những
thiếu sót của chính phủ.
Trên trang Ý kiến của Le Figaro, nhà
chính trị học Arnaud Benedetti so sánh một điểm chung giữa ông Macron với cựu tổng
thống Mỹ Donald Trump : huy động lực lượng ủng hộ bằng cách xúc phạm những
người chống đối. Ngược lại, nhà báo Brice Couturier cho rằng « Những
người Pháp từ chối tiêm chủng xứng đáng có một tổng thống nói năng như thế ».
Tác giả nhấn mạnh, báo chí và dư luận đã tách
hẳn câu nói của ông Macron ra khỏi ngữ cảnh một bài dài đến sáu trang, tóm tắt
cuộc đối thoại với độc giả báo Le Parisien. Thật ra trước hết ông Macron
chỉ nói không muốn làm khó dễ người dân Pháp, nhưng riêng những người từ chối
vac-xin thì ông muốn làm cho họ phải « lên bờ xuống ruộng » - từ ngữ
ông dùng có thể tạm dịch như thế. Nếu đọc đầy đủ bài viết, có thể hiểu những
người Emmanuel Macron muốn cản trở đi ăn nhà hàng, vào quán cà phê…là thiểu số
10% chống vac-xin, làm cho bệnh viện bị quá tải, nhân viên y tế kiệt lực trong
khi cả nước Pháp có 20.000 người đang nằm viện vì Covid, mỗi ngày khoảng 300 nạn
nhân qua đời vì con virus ác nghiệt.
Brice Couturier trích dẫn lời ông
Macron : « Khi tự do của tôi đe dọa tự do của người khác, tôi trở
thành một người vô trách nhiệm. Và một người vô trách nhiệm không phải là công
dân ». Thế mà mạng xã hội rộ lên tin Emmanuel Macron muốn « truất
quyền công dân » những người không chịu chích ngừa Covid, đăng ngôi sao
David, trại tập trung người Do Thái…thậm chí còn có lời đe dọa « lấy đầu »
dân biểu nào bỏ phiếu thông qua dự luật hộ chiếu vac-xin.
Donald Trump
« phục kích » chờ ngày tái xuất
Nhìn sang nước Mỹ, La Croix dành ảnh
bìa trang nhất cho cựu tổng thống Trump trong tư thế xung trận, với hàng tựa
« Donald Trump đang phục kích ». Nhật báo kinh tế Les Echos có
hẳn một bài điều tra dài « Ông Trump chuẩn bị quay lại vào năm 2024
như thế nào ? ». Trong lúc vai trò trong vụ xâm nhập điện
Capitol vẫn chưa rõ ràng, ông Trump trông cậy vào cuộc bầu cử giữa kỳ để đóng
vai trò hàng đầu trên chính trường nước Mỹ. Ông tả xung hữu đột để giúp những
người trung thành với mình giành chiến thắng, và trước hết hất cẳng 10 dân biểu
đã bỏ phiếu ủng hộ truất phế ông. Donald Trump đang vận động cho khoảng 50 ứng
cử viên, tổ chức những cuộc mít-tinh với đông đảo người tham dự. La Croix
dẫn thăm dò mới nhất cho thấy gần 70% cử tri cánh hữu muốn Donald Trump tái
tranh cử năm 2024.
Les Echos ghi nhận, nếu sau vụ tấn
công điện Capitol nhiều nhân vật Cộng Hòa tỏ ra xa cách với ông Trump, thì tình
hình đột ngột thay đổi vào mùa hè với cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan.
Donald Trump nhanh chóng tố cáo một « thảm kịch lẽ ra không bao giờ được
phép », coi vụ triệt thoái là « nỗi nhục lớn nhất lịch sử Hoa
Kỳ ». Khó khăn bắt đầu chồng chất với Joe Biden : lạm phát, thiếu
hàng hóa, kế hoạch tôn tạo cơ sở hạ tầng bị bác, phe Dân Chủ bắt đầu chỉ trích.
Trong khi đó các cuộc thăm dò kể cả của các tổ chức độc lập đều cho thấy nếu bầu
cử tổng thống diễn ra lúc này, Donald Trump sẽ thắng Joe Biden.
Đã bị Facebook và Twitter khóa miệng, Trump xuất
hiện trên các kênh truyền hình thân cận, lập ê-kíp vận động cho phong trào
« Save America » của ông. Phong trào này rất hiệu quả trong việc gây
quỹ, và SPAC (công ty lập ra để đưa lên sàn chứng khoán) của mạng xã hội tương
lai Truth Social đã được định giá đến 10 tỉ đô la. Donald Trump muốn loan báo
ra tranh cử ngay vào cuối mùa hè này, nhưng các cố vấn của ông ngăn cản :
trước hết nên để người ta nuối tiếc thời kỳ kinh tế huy hoàng trước Covid, và
tránh bị kiểm soát tài chính cũng như số lần lên tivi. Ai có thể ngăn cản được
Trump « tái xuất giang hồ »? Theo Les Echos, chỉ có thể
là chính ông, một người rất ghét « loser » (thất bại). Các khuôn mặt
tiềm năng của đảng Cộng Hòa, trẻ tuổi hơn phía Dân Chủ, vẫn có thể chờ thêm bốn
năm nữa.
Trung Quốc thủ lợi
với RCEP và dòm ngó CPTPP
Về kinh tế châu Á, Le Figaro nhận xét
Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại Thái Bình Dương với khu vực tự do mậu dịch
RCEP, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Bắc Kinh. Hiệp định tự do mậu dịch rộng lớn
nhất thế giới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, với sự tham gia của 15 quốc
gia Đông Á và Thái Bình Dương, từ nước giàu (Nhật Bản, Úc, Trung Quốc) cho tới
những nước nghèo nhất (Lào, Cam Bốt). Việc đàm phán diễn ra suốt tám năm, đã kết
thúc cuối 2020 dưới áp lực của Trung Quốc, nhưng không có Ấn Độ. RCEP giúp Bắc
Kinh có thể xâm nhập các thị trường quan trọng như Nhật Bản mà không bị hàng
rào thuế quan cản trở, đồng thời bảo đảm nguồn cung cho mạng lưới sản xuất của
mình.
Tuy nhiên đây là một hiệp định « kiểu
cũ », không áp đặt những tiêu chuẩn về lao động và môi trường. Nhà kinh tế
Elvire Fabry của Viện Delors nhấn mạnh đến tác động địa chính trị. Đối với Liên
Hiệp Châu Âu, do Trung Quốc đóng cửa tương đối và nhu cầu đa dạng hóa nguồn
cung, sẽ có lợi nếu ký các hiệp định tự do mậu dịch song phương với các nước
châu Á. EU đã ký với Việt Nam, Singapore, và hiện đang thương lượng với
Indonesia. Bên cạnh đó cũng không quên CPTPP, một hiệp định TPP không có Hoa Kỳ,
mà Trung Quốc lăm le gia nhập. Nhưng khó thể hình dung Úc chấp nhận việc này,
trừ phi Bắc Kinh gây áp lực thật mạnh lên các đối tác châu Á.
No comments:
Post a Comment