Sunday 9 January 2022

NGOÀI % HOA HỒNG, LẠI QUẢ CÒN NHIỀU HÌNH THỨC THAM NHŨNG HỐI LỘ KHÁC (Tùng Dương - GDVN)

 


Ngoài % hoa hồng, lại quả còn nhiều hình thức tham nhũng hối lộ khác 

Tùng Dương  -  GDVN

08/01/2022 06:49

https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/ngoai-hoa-hong-lai-qua-con-nhieu-hinh-thuc-tham-nhung-hoi-lo-khac-post223513.gd

 

GDVN- Để có tiền lại quả, hợp đồng có thể bị nâng giá lên cao gấp nhiều lần, nhiều công ty để có thể đưa được sản phẩm vào một cơ sở y tế, sẽ phải chấp nhận nâng giá.

 

TIN LIÊN QUAN

·         Bộ Khoa học và Công nghệ xem kít Việt Á là sự kiện/thành tựu nổi bật của ngành?

·         Dưới ánh mặt trời, không có chỗ cho bọn mất nhân tính

·         Bộ Giáo dục cần làm rõ trách nhiệm về việc cung cấp phôi bằng cho ĐH Đông Đô

 

“Một kit test giá 470 ngàn đồng, Công ty Việt Á chi lót tay ngoài hợp đồng 94 ngàn đồng, tổng số tiền Giám đốc CDC Hải Dương nhận gần 30 tỷ đồng. Lại quả ngoài hợp đồng 20%, đó là con số quá hấp dẫn, lại thêm những điều kiện cực kỳ “an toàn” như thực hiện ngoài hợp đồng giá kit test đã niêm yết, hợp đồng mua bán đều từ đấu thầu công khai, đúng luật.

Tôi không ngạc nhiên với con số 30 tỷ đồng Công ty Việt Á đã lại quả cho Giám đốc CDC Hải Dương. Một số tiền quá lớn. Đó là điểm mấu chốt để tham nhũng.

 

Theo tôi, lại quả trong các hợp đồng kinh tế không chỉ xảy ra ở ngành y, bản chất đó là một hình thức tham nhũng rất tinh vi.

 

Với tỷ lệ 20% như vậy, theo tôi, sẽ còn những cơ sở khác lấy đó làm động lực để bắt tay “dưới ngăn bàn” với Công ty Việt Á”, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội đã nêu nhận định khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

 

https://photo-cms-giaoduc.zadn.vn/w700/Uploaded/2022/wpefyrofzyr/2022_01_04/gdvn-2-4757.jpg

Bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội. Ảnh: TD.

 

"Chưa có gì" thì không vào việc đã thành cái lệ?

 

Theo bác sĩ Phúc: “Có 5 lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng: Mua sắm thuốc; Mua sắm thiết bị y tế; Vật tư tiêu hao và sinh phẩm y tế; Xây dựng và sửa chữa hạ tầng cơ sở; Quản lý tài chính.

 

Thông thường, một giám đốc mới lên sẽ tổ chức đấu thầu lại thuốc, mua sắm hàng loạt máy móc thiết bị, nhiều máy mua về không sử dụng.

 

Xây dựng cũng là lĩnh vực kiếm chác dễ dàng và an toàn, vì thế mà có những cơ sở y tế chẳng khác gì công trường, sửa chữa quanh năm suốt tháng, phòng ốc liên tục bị đập đi sửa lại để thay đổi công năng.

 

Trước đây, cách thức tham nhũng phổ biến là đưa nhận phong bì. Sau này có thêm mua sắm các mặt hàng đắt tiền, như đồng hồ, xe ô tô, thậm chí mua tặng cả căn hộ.

 

Tài trợ đi du lịch nước ngoài, đi công tác và hội thảo quốc tế trá hình, tìm kiếm học bổng cho con em đi du học; đó là những phương thức hối lộ được che đậy tinh vi hơn rất nhiều.

 

Lại quả theo % các hợp đồng vẫn là hình thức tham nhũng phổ biến nhất. Để có tiền lại quả, các hợp đồng có thể bị nâng giá gấp 2-3 lần, thậm chí 5-6 lần, các công ty để có thể đưa được sản phẩm vào một cơ sở y tế, sẽ phải chấp nhận nâng giá”.

 

Bác sĩ Phúc nói: “Mục đích của các doanh nghiệp, các công ty và các nhà phân phối là bán được hàng, nên họ tức là bên A phải chạy theo % bằng cách thổi giá để lại quả cho bên B. Nhu cầu thổi giá là bên B, tức là bên mua, đây là một hình thức tham nhũng phổ biến.

 

Ví dụ một đề án mua sắm trang thiết bị, giám đốc là người phê duyệt và chịu trách nhiệm, tổ chức đấu thầu công khai.

 

Nhưng để phê duyệt được chủ trương hay thông qua đề án, thì sẽ có nhiều bộ phận cần phải lo lót, đó là các thành viên trong ban lãnh đạo, ban giám đốc, công đoàn, các hội đồng thẩm định,...

 

Đề án phải gửi lên cấp trên để giám sát, nhưng nếu “chưa có gì” thì cấp trên cứ yêu cầu sửa đề án, cho dù đề án chẳng có lỗi thì vẫn cứ phải sửa.

 

Như vậy, không chỉ người đứng đầu cơ sở y tế nhận được khoản tiền hối lộ, mà còn những cá nhân cấp trên hoặc cấp dưới nhưng có quyền hạn và chức năng trong việc giám sát và phê duyệt cũng sẽ được nhận tiền.

 

Số tiền đó phải lấy từ khoản lại quả theo tỉ lệ %, tức là phải thổi giá, bên B có nhu cầu thổi bao nhiêu % thì bên A sẽ chấp thuận theo để bán được hàng”.

 

https://photo-cms-giaoduc.zadn.vn/w700/Uploaded/2022/wpefyrofzyr/2022_01_04/gdvn-8006.jpg

Theo bác sĩ Phúc: “Có 5 lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng: Mua sắm thuốc; Mua sắm thiết bị y tế; Vật tư tiêu hao & sinh phẩm y tế; Xây dựng & sửa chữa hạ tầng cơ sở; Quản lý tài chính. Ảnh minh họa: T.D.

 

Y tế phải đi theo quy luật riêng

 

Bác sĩ Phúc nhận định: “Công khai minh bạch, nhưng bên trong cái “hộp đen” vẫn có cách để thông thầu, từ việc bí mật báo trước giá, báo trước cấu hình, cho cho những phương thức như quân xanh quân đỏ.

 

Biện pháp chống tham nhũng y tế là gì?

 

Đó là những biện pháp tích hợp quyết liệt đảm bảo cả hệ thống “không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng”.

 

Thứ nhất: Phải sớm thiết lập hàng rào pháp luật, tạo ra một hệ thống “không dám tham nhũng”. Thực tế các vụ án tham nhũng nói chung và tham nhũng trong y tế nói riêng, cái giá phải trả của tội ác quá thấp, hình phạt quá nhẹ.

 

Cú đánh pháp luật không đủ mạnh. Cần phải quyết liệt điều tra các vụ án tham nhũng, lôi bằng được ra ánh sáng những vụ án, bất kể đó là vụ án lớn hay nhỏ.

 

Để chấm dứt một cách căn bản tình trạng giá thuốc quá cao, thiết bị máy móc bị thổi giá vô tội vạ, tình trạng hối lộ ngày càng gia tăng nghiêm trọng giữa các công ty và bệnh viện, cần áp dụng những mức án nghiêm khắc nhất với mỗi cá nhân, những khung hình phạt tù có thời hạn sau khi chấp hành án sẽ cấm hành nghề vĩnh viễn. Đặc biệt, với những công ty, doanh nghiệp và nhà phân phối, khi vi phạm sẽ bị xoá sổ hoàn toàn.

 

Ví dụ, thuốc và thiết bị máy móc của một số quốc gia mà tôi biết như Mỹ, Đức, Anh… thuộc khối G7, sẽ cấm tuyệt đối chi tỉ lệ % cho bất cứ cá nhân hay tập thể nào, ngay cả bữa ăn trưa cũng không được phép.

 

Chỉ châm chước tặng sổ và bút viết cho bác sĩ. Khoản chi phí duy nhất được thực hiện là tài trợ các hội nghị khoa học. Có lẽ đó là lí do mà các sản phẩm thuốc, thiết bị y tế vào Việt Nam thường ưu tiên hơn với những quốc gia như Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Áo.

 

Thứ hai: Phải xây dựng cơ chế giám sát bên trong và bên ngoài, đa tầng, đảm bảo giám sát thực sự hiệu quả. Chúng ta xây dựng cơ chế phê duyệt đa tầng, giám sát đa tầng, nhưng các tầng lại không phải chịu trách nhiệm pháp lý, đây là một kẽ hở cho tham nhũng hoành hành thông qua sự nhũng nhiễu gây khó khăn.

 

Một khi vụ án tham nhũng xảy ra, những cá nhân có vai trò phê duyệt và giám sát cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý liên đới, không thể vô can như hiện nay. Phê duyệt và giám sát không thể làm hời hợt, làm cho xong miễn có phong bì, bởi cách làm như thế không chỉ thúc đẩy tham nhũng phát triển, mà còn là rào cản kéo nền y tế đi những bước thụt lùi.

 

Thứ ba: Sau pháp luật và giám sát, thì hệ thống bệnh viện cần được chấn chỉnh, cải cách y tế phải được thực hiện triệt để. Cải cách y tế, theo tôi đó là vấn đề then chốt, phải được tiến hành từ nhân viên y tế, từ tuyến y tế cơ sở, ngăn chặn những vấn đề nghiêm trọng ngay từ những hành vi nhỏ nhất.

 

Y tế nếu ở hai thái cực, hoặc là nhà thương làm phúc, hoặc chạy theo kinh tế thị trường; cả hai đều sẽ gây thảm hoạ. Y tế phải đi theo quy luật riêng của nó.

 

Hiện nay các bệnh viện đang trả lương theo sản phẩm, các y bác sĩ được trả lương theo ca khám bệnh, theo ca mổ, thủ thuật, xét nghiệm… cách làm này chỉ tạo ra động lực để nhân viên y tế biến người bệnh thành khách hàng.

 

Mọi người, mọi nơi, mọi lúc đều tìm mọi cách kiếm được càng nhiều tiền từ bệnh nhân càng tốt. Theo năm tháng, trong các bệnh viện chỉ có những con người chăm chăm vào mục tiêu cá nhân là kiếm tiền, bỏ mặc sự nghiệp phát triển chung.

 

Trách nhiệm của bệnh viện là cứu người chết và chữa lành vết thương. Nhiệm vụ của hệ thống y tế là hướng mục tiêu cá nhân vào mục tiêu tổ chức.

 

Có rất nhiều việc phải làm, ví dụ như việc cải cách tiền lương đảm bảo nhân viên y tế yên tâm công tác, kiểm soát chặt chẽ mức thu nhập, loại bỏ những khoản thu nhập cao một cách phi lý, không hợp lệ.

 

Ngay cả các vị trí quản lý, cao nhất như giám đốc bệnh viện, đó chỉ là một công việc chuyên biệt, người giữ chức vụ giám đốc sẽ được trả mức lương xứng đáng để hoàn thành mục tiêu quản lý bệnh viện đề ra trong từng nhiệm kỳ.

 

Chừng nào còn “chạy” lên giám đốc để có nhiều quyền lợi, thì chừng đó tham nhũng chưa thể hết, mà nó là cái vòng luẩn quẩn để tham nhũng ngày càng tinh vi hơn. Bắt một ông giám đốc đi tù, hay trừng phạt giám đốc một doanh nghiệp, theo quan điểm của tôi, đó chỉ là cách chống tham nhũng từ ngọn”.

 

Đạo đức vượt lên tất cả

 

Bác sĩ Phúc chia sẻ: “Tôi cho rằng, nguyên nhân sâu xa của tham nhũng không chỉ là con người hay cơ chế, mà là sự mất mát về đạo đức. Thấy vàng trên đường ít người tung tăng bỏ đi.

 

Vì vậy, điều quan trọng là phải định hình lại nền tảng đạo đức, đặc biệt là đạo đức trong quản trị hệ thống y tế. Chỉ có củng cố xây dựng nền tảng đạo đức thì mới có thể rút được lửa từ đáy chảo.

 

Đạo đức là nền tảng của kiến trúc thượng tầng. Một khi nền tảng đạo đức bị phân tán, mọi thứ trên nó sẽ đổ vỡ.

 

Rõ ràng đại dịch Covid-19 là một thảm hoạ, hơn bao giờ hết đòi hỏi những người chung tay chung sức chống dịch phải lấy phẩm chất trung thực trong công việc là quan trọng, lấy sức khoẻ và mạng con người là cao quý trong trái tim. Mọi hành động và việc làm phải chính trực, đáng tin cậy, sạch sẽ và có trách nhiệm.

 

Vụ việc Công ty Việt Á tuyên bố đã nghiên cứu và sản xuất thành công kit test phát hiện Covid-19, không một ai nghi ngờ, tất cả đều tự hào đó là sản phẩm được “WHO chấp thuận” và “nhiều nước trên thế giới đặt mua”.

 

Người dân trong đó có tôi đã đặt niềm tin vào Công ty Việt Á và các nhà khoa học. Niềm tin ấy có giá trị quá lớn, lớn đến nỗi không tiền bạc nào có thể mua được, nên khi nó bị đổ vỡ sẽ trở thành thảm hoạ.

 

Việc thổi giá cao hơn các sản phẩm khác, nếu có và chỉ nhằm mục đích trục lợi và có khoản tiền 20% để đút lót, thì đó là việc làm không có đạo đức, nó càng trở nên vô đạo khi đó là cú đánh trực diện vào niềm tin của nhân dân.

 

Tham nhũng trong y tế cũng không phải mới xảy ra. Nhưng chuyện ăn lấy chia chác tại các bệnh viện từ nhiều năm rồi, sao các bộ phận liên quan lại không có ý kiến hay thực hiện những động tác ngăn chặn?

 

Do không biết? Chắc chắn là không thể không biết, mà bởi vì mọi người đã trở nên lãnh cảm, thờ ơ, không có trách nhiệm. Chống tham nhũng cần phải triệt để, tận gốc”.

 

Tùng Dương

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats