Hệ thống pháp luật và Bản Kiến Nghị 117
8/01/2022
https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/23719-h-th-ng-phap-lu-t-va-b-n-ki-n-ngh-117
Tản mạn về một bài
viết về hệ thống pháp luật và Bản Kiến Nghị 117
Nhân đọc một bài được trích từ cuốn Chính Trị
Bình Dân.
Đại chúng hóa những kiến thức về triết lí
chính trị, luật pháp đòi hỏi một cố gắng lớn, khó khăn là điều rất đáng được ca
ngợi.
Nhưng đơn giản hóa những khái niệm về triết lí
chính trị, luật pháp tinh vi, phức tạp chắc chắn không tránh được những sai lầm
cần được mọi người tiếp tay, trong khả năng và điều kiện của mình, nhằm sửa chữa,
hoàn chỉnh nó. Đó là tinh thần của bài góp ý này.
Hình : https://live.staticflickr.com/65535/51808295549_f9688273e3.jpg
Từ thời Phục Hưng, nhờ khám phá ra khái niệm
quốc gia, cá nhân rồi tìm tòi những phương cách tổ chức xã hội, vai trò, chỗ đứng
trong tương quan quốc gia/cá nhân không ngừng nghỉ (vẫn tiếp tục), Châu Âu, sau
đó là Tây phương, đã vươn lên nhanh chóng và mạnh mẽ vượt xa phần còn lại của
thế giới. Luật pháp, với nhãn quan chính trị, là thành quả của những triết lí
chính trị đã được tranh cãi, nhào nặn, gọt dũa, chỉnh đốn một cách tinh vi lẫn
phức tạp để đạt tới mức độ gần như hoàn hảo ở Tây phương. Do đó nó cũng là
khuôn mẫu cho phần lớn các quốc gia trên thế giới mà ngay cả các nước độc tài
cũng không dám phủ nhận mà còn dựa vào nó để làm nền móng cho hệ thống pháp luật
của mình, nhưng lồng vào những đặc tính như lịch sử, văn hóa... để giải thích
luật một cách tùy tiện.
Xin mở một ngoặc đơn, chẳng hạn khi nói về luật
pháp Việt Nam người ta không thể lí luận như nó là một hệ thống pháp luật Tây
phương, nghĩa là luật pháp được đặt nền móng trên nhân sinh quan chủ nghĩa cá
nhân (individualism), chủ nghĩa tự do (liberalism) và Nhà nước pháp trị trong
khi Việt Nam, ngược lại, nằm trong hệ thống luật pháp đặt nền móng trên tập thể,
đại diện là Nhà nước, cá nhân có nghĩa vụ phải phục vụ nó.
Ở Tây phương, luật pháp là yếu tố chính trong
tổ chức xã hội, do đó nó có một uy thế rất lớn không như các luật pháp khác, chẳng
hạn như các nước theo chủ nghĩa marxiste-léniniste không coi luật như một nền
móng xã hội.
Trở lại bài viết, tác giả giải thích :
"Thế giới có hai hệ thống luật pháp cơ bản
:
1. Thông luật (Common law) còn được gọi là luật
thường, và
2. "Dân luật (Civil law) hay còn gọi là
luật dân sự, luật lục địa".
Theo tôi những giải thích này đều không chính
xác xin được góp ý từng phần :
1. "Có hai hệ thống luật pháp cơ bản trên thế
giới" (sic) : Hệ thống
Common law và hệ thống luật La Mã là hai hệ thống luật pháp của các nước Tây
Phương.
Tây Phương không phải thế giới. Sự đa dạng của
luật pháp tương tự như sự đa dạng của ngôn ngữ, văn hóa hay xã hội. Trong thế
giới đương đại các xã hội đặt nền móng trên chủ quyền quốc gia do đó có bao
nhiêu quốc gia là bấy nhiêu hệ thống luật pháp.
Như chúng ta đều biết luật pháp phản ánh những
khái niệm tương đối cho một trật tự xã hội mà chúng ta có thể chia ra làm bốn
nhóm :
- Các xã hội cộng đồng
(communautaire-community) với luật cộng đồng.
- Các xã hội thống trị bởi tôn giáo với
luật tôn giáo.
- Các xã hội theo chủ nghĩa tập thể
(marxisme-léninisme) luật pháp được giao phó cho Nhà nước ; cá nhân nhường chỗ
cho tập thể. Vai trò của luật pháp trong xã hội không quan trọng vì xã hội bình
đẳng, không có bất công nên không có những tranh chấp quyền lợi giữa các thành
viên và giữa thành viên và Nhà nước, đại diện cho tập thể, quyền lợi của cá nhân
phải phù hợp với quyền lợi của tập thể.
- Các xã hội cá nhân có vai trò trung tâm
với luật theo chủ nghĩa cá nhân (Tây phương). Trong nhóm luật Tây phương này có
hai hệ phái : 1, hệ phái La Mã và 2, hệ phái Common law. Thậm chí còn có hệ
phái thứ 3 là các nước Bắc Âu pha trộn cả La Mã và Common law.
2. "Common law là thông luật còn được gọi là
luật thường" :
a. Common law là NHỮNG luật thường nhưng
tất cả luật thường không phải là Common law vì nó có thể có nguồn gốc từ bên
ngoài (ngoại quốc, thỏa ước quốc tế…) được thu nhập hoặc chính là luật của Quốc
hội không có nguồn gốc Common law như luật hiến pháp được xếp hạng là luật thường.
b. Rất lầm lẫn khi dịch thành ngữ Common law -
nhắc lại là thành ngữ chứ không đơn giản là một cụm từ - là thông luật vì thông
luật không phải là một hệ thống pháp luật. Khái niệm Common law rất mềm dẻo.
Theo định nghĩa nghiêm ngặt nó là một trong 3 thành tố chính của hệ thống luật
pháp Anh bên cạnh Equity và Statute law. Không có Equity và Statute law hệ thống
pháp luật Anh không thể vận hành được.
3. "Dân luật (civil law) hay còn gọi là luật
dân sự, luật lục địa".
Người Anh dùng Civil law để chỉ hệ thống luật
La Mã nhưng rất rối rắm. Bằng chứng là cách giải thích trên tác giả có vẻ lẫn lộn
"nền móng hệ thống" và "nhánh" dân luật (đều có cả trong
hai hệ thống).
Người Anh gọi luật "lục địa" là hệ
thống luật La Mã thì không hiểu. Các nước áp dụng hệ thống Common law của Anh
như Canada, Mỹ, Nam Phi, thậm chí Úc, không phải là những nước lục địa sao ?
Mạn phép định nghĩa một cách ngắn gọn nhất có
thể (không đi vào chi tiết) về sự khác biệt nền tảng mà luật được chế tạo và thực
hành của hai hệ phái pháp luật Tây phương : La Mã và Common law.
- Luật La Mã được áp dụng chủ yếu ở Châu
Âu và các nước Châu Mỹ la tinh, bị ảnh hưởng rất lớn từ các trường đại học luật
La Mã, luật tự nhiên và sau này là sự điển chế (codifier, codify). Đặc trưng của
luật La Mã là sự sử dụng các khái niệm trừu tượng, soạn thảo các qui định
chung và sự tách biệt các qui định nền và qui trình.
- Common law (Anh, Mỹ, Gia Nã Đại, Úc, Tân Tây
Lan và Ái Nhĩ Lan) đặt nền móng chủ yếu trên những tinh lọc của các án tụng Anh
từ nhiều thế kỉ, rất ít bị ảnh hưởng luật La Mã, luật tự nhiên và sự điển chế
luật, ít sử dụng các khái niệm trừu tượng, chủ yếu sử dụng phương pháp giải
nghi (casuistique, casuistry), chồng chéo những qui định nền và qui trình.
- Cũng không nên quá đặt nặng vào sự khác biệt
hai hệ thống luật pháp Common law và La Mã vì theo thời gian, với những liên hệ
quốc tế mỗi ngày mỗi khắn khít, cả hai hệ thống đều đã sáp nhập những nguyên tắc
đặc thù của nhóm kia vào hệ thống của mình : hệ thống La Mã sử dụng án lệ (thực
nghiệm, a posteriori) và khái niệm trust, một nét đặc
thù của luật dân sự Anh. Ngược lại nhóm Common law cũng đã ồ ạt sử dụng nguyên
tắc ra luật của phái La Mã (codification, trừu tượng, a priori).
Nhược điểm lớn của Common law là nó không có khả năng thích ứng với một thế giới
mở trừ khi một quốc gia nào đó có khả năng áp đặt thông luật của mình cho những
kiện tụng quốc tế. Một điều hoàn toàn không tưởng.
Hình : https://live.staticflickr.com/65535/51808295549_f9688273e3.jpg
Kiến nghị 117
Vì không biết mỗi quốc gia có hệ thống pháp luật
của riêng mình và tưởng rằng thế giới chỉ có hệ thống Common law và La Mã đặt nền
tảng trên chủ nghĩa cá nhân -Nhà nước chỉ là công cụ để bảo đảm các quyền, lợi
ích cho mọi và mỗi cá nhân- trong khi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam, như tên gọi của nó, theo hệ thống pháp luật đặt nền tảng trên chủ
nghĩa tập thể (chủ nghĩa xã hội) - Những điều tốt cho tập thể là tốt cho mọi,
mỗi cá nhân do đó cá nhân có nghĩa vụ đóng góp, bảo vệ lợi ích của tập thể. Hệ
thống pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoàn toàn
phù hợp và lô gíc với triết lí nhà nước, cách quản trị xã hội của nó.
Một khi hệ thống pháp luật của Việt Nam không
bị phản đối bởi một đám đông có qui củ, có tiếng nói chung, có một trọng lượng
đáng kể đồng nghĩa với sự chấp nhận hệ thống pháp luật đó bởi nhân dân.
Các chống đối cá nhân yếu đuối, đơn lẻ, vài tổ
chức rời rạc và èo uột không đủ để được nhìn nhận như một lực lượng đối kháng
có tính đại diện chính đáng cho một tập thể thì tính chính đáng, chính thống của
chính quyền với hệ thống pháp luật của nó vẫn còn nguyên vẹn.
Đó là một sự kiện.
Người ta không thể nuôi mèo rồi đòi nó phải biết
giữ nhà và sủa như chó ; muốn có con vật giữ nhà và sủa thì phải bỏ mèo nuôi
chó.
Hệ thống pháp luật của Việt Nam bắt đầu từ Bản
hiến pháp của nó đã được xây dựng một cách kiên kết (coherent), chu đáo để bảo
vệ lợi ích của tập thể được gọi là nhân dân, đại diện của nhân dân là Nhà nước
và Đảng cộng sản Việt Nam, được khẳng định trong bản hiến pháp, là lực lượng
duy nhất lãnh đạo Nhà nước vô hạn định. Có điều gì khó hiểu ?
Đã là một hệ thống kiên kết thì chỉ có hai
thái độ :
1, chấp nhận cả hệ thống đó (kiến nghị sửa đổi
một vài điều luật trong hệ thống là một hình thức công khai chấp nhận, thuần phục
hệ thống đang có) hay
2, từ khước cả hệ thống chứ không thể chỉ van
xin sửa đổi một vài điều luật trong hệ thống. Có nghĩa là đòi hỏi phải thay đổi
chế độ chính trị.
Đòi hỏi, thỉnh nguyện hay van xin hệ thống
pháp luật xã hội chủ nghĩa nên vận hành theo vài nguyên tắc của hệ thống pháp
luật mà cá nhân là tâm điểm để Nhà nước phục vụ là một sự ngây thơ, thiển cận
thậm chí trơ trẽn. Nhất là mọi cuộc van xin từ trước đến nay đều bị chính quyền
khinh bỉ ra mặt không thèm đếm xỉa gì tới ngoài vài bài viết mắng mỏ, đe dọa của
họ.
Lì lợm, cố chấp trong sự ngây thơ được lập đi
lập lại không còn là ngây thơ nữa. Nó chẳng những trơ trẽn, thiển cận mà còn là
kì đà cản mũi cho một phong trào dân chủ hình thành. Một cách nào đó cũng là
cách đóng góp cho cái hệ thống pháp luật man rợ này được trường tồn, sẵn sàng
rình rập chờ đợi để xé xác những con mồi như những Phạm Đoan Trang tương lai :
Nó còn là sự vô trách nhiệm và một tội ác.
Hình : https://live.staticflickr.com/65535/51808295524_abaae20537.jpg
Đến bao giờ trí thức Việt Nam mới rũ bỏ được
phản xạ quì mọp trước bạo quyền khóc lóc van xin nó giơ cao đánh khẽ ? Bỏ bớt một
vài tội danh để bị đánh đòn ít hơn ? Và nhất là bao giờ mới biết hai chữ tự trọng
?
Lê Mạnh Tường
(08/01/2022
No comments:
Post a Comment