Myanmar,
Daw Aung Suu Kyi và cuộc cách mạng : Những năm cầm quyền và cuộc đảo chính (Phần
cuối)
Marco
Wenzel - NachDenkSeiten
Vũ Ngọc Chi,
chuyển ngữ
05/01/2022
Tiếp theo phần 1: Những năm đầu tiên và phần 2: Quản thúc tại gia
Các cuộc bầu cử Quốc hội được tổ chức vào
tháng 11 năm 2015, trong đó Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cũng tham gia.
NLD ghi nhận có một chiến thắng long trời lở đất và từ tháng 2 năm 2016 đã đưa
Htin Kyaw, lên làm Tổng thống, một chức vụ mà theo hiến pháp, bà Suu Kyi không
thể nắm giữ. Bà Suu Kyi trở thành ngoại trưởng kiêm ủy viên hội đồng nhà nước
và là người đứng đầu chính phủ trên thực tế trong một chính phủ mà theo hiến
pháp, quân đội nắm 25% số ghế trong quốc hội và ba bộ nội vụ, quốc phòng và
biên giới.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/01/1-26.jpg
Tổng thống mới Htin Kyaw bên cạnh “nữ bộ trưởng đặc
biệt” Aung San Suu Kyi. Nguồn: DPA
Nhiều người tin rằng Myanmar cuối cùng cũng đi
trên con đường dân chủ. Nhưng vấn đề thì phức tạp và khó khăn hơn nhiều khi đi
vào chi tiết, trong trường hợp này chính xác hơn là: trong hiến pháp, mà quân đội
đã điều chỉnh trước để quân đội giữ quyền kiểm soát đất nước cho dù các cuộc bầu
cử trong tương lai diễn ra như thế nào.
Một nền dân chủ thực sự sẽ là dấu chấm hết cho
Tatmadaw và các đặc quyền của họ, nhưng trên hết là các công ty thuộc sở hữu
quân sự của họ, thậm chí không phải tiết lộ bảng cân đối kế toán và nộp thuế.
Ngoài ra, phần lớn thu nhập của quân đội dựa trên cơ sở kinh doanh không rõ
ràng và kinh doanh bất hợp pháp như buôn bán ma túy, khai thác và kinh doanh gỗ
và đá quý bất hợp pháp hoặc, khá đơn giản, từ tham nhũng thông qua việc nhượng
bộ cho các công ty nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, hoặc cho các thành viên
gia đình bạn bè của họ.
Chính phủ không có tiếng nói trong ngân sách
quân sự và tham nhũng thông qua việc mua vũ khí được định giá quá cao xảy ra
hàng ngày. Từ năm 1988 đến 2015, ngân sách quân đội đã tăng hơn 10 lần. Nếu
tính thêm cảnh sát, cơ quan có quan hệ mật thiết với quân đội, khoảng 40% thu
nhập của nhà nước Myanmar được sử dụng cho quân đội.
Xung đột Rohingya
Xung đột giữa người Rohingya theo đạo Hồi và
người Arakan theo đạo Phật ở bang miền tây Rakhine (trước đây là Arakan) dai dẳng
kể từ khi Miến Điện giành được độc lập (năm 1947). Người Rohingya không được
công nhận là công dân Myanmar, mặc dù họ đã sống ở đó qua nhiều thế hệ. Nhiều hạn
chế được đặt ra đối với họ và họ sống trong một hệ thống phân biệt chủng tộc ở
Myanmar.
Kể từ năm 2012, mâu thuẫn ngày càng gia tăng
do cả hai bên đều nóng máu lên. Các nhà sư Phật giáo theo chủ nghĩa dân tộc đã
kêu gọi trục xuất người Rohingyas, và 160 người đã chết trong các cuộc đụng độ
giữa hai nhóm sắc tộc này vào năm 2012. Các Phật tử đốt nhà ở Rohingyas, sau đó
phe kia trả đũa, đốt cháy các ngôi chùa Phật giáo. Năm 2015 đã xảy ra một cuộc
khủng hoảng người tị nạn, hàng chục ngàn người chạy sang Bangladesh hoặc vượt
biển sang Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/01/1-27.jpg
Bạo lực leo thang,
đặc biệt ở Sittwe, thủ phủ của Rakhines. Các Phật tử và người Hồi giáo đốt nhà
của nhau. Nguồn: © Staff/Reuters
Năm 2016, Quân đội Cứu rỗi Arakan Rohingya
(ARSA) được thành lập, tổ chức đấu tranh vũ trang với quân đội chính phủ và
Quân đội Arakan (AA) và chiến đấu để thành lập một nhà nước Hồi giáo độc lập
theo luật Sharia. Thủ lĩnh của họ là một người sinh ra ở Pakistan từng “du học”
ở Mecca. Có thể giả định rằng ARSA cũng được hỗ trợ bởi Ả Rập Xê-út và cơ quan
mật vụ Pakistan ISI.
Trong mọi trường hợp, các cuộc tấn công của
ARSA vào các đồn cảnh sát ở Bang Rakhine đã gây ra phản ứng dữ dội từ Tatmadaw.
Hơn một ngàn người đã chết trong các cuộc đàn áp những người nổi dậy, nhiều người
trong số họ là thường dân vô tội. Như thường lệ, Tatmadaw hành động tàn nhẫn với
người dân và không phân biệt phe nổi dậy và dân làng bình thường không vũ
trang, những người không liên quan gì đến vấn đề này và chỉ muốn sống trong hòa
bình.
Liên Hợp Quốc phân loại các hành động của
Tatmadaw chống lại người Rohingya là tội diệt chủng. Cả ARSA và Tatmadaw chắc
chắn đã vi phạm nhân quyền trong cuộc xung đột. Các nạn nhân chính là người
dân, đa số là những người yêu chuộng hòa bình.
Suu Kyi nhanh chóng bị đổ lỗi cho những hành động
tàn bạo của Tatmadaw vì bà không thể kiểm soát các tướng lĩnh, và một số người
muốn tước giải Nobel Hòa bình của bà. Điều này cho thấy sự thiếu hiểu biết hoàn
toàn về cơ cấu quyền lực ở Myanmar vào thời điểm đó. Bởi vì theo hiến pháp, chính
phủ không có tiếng nói trong các vấn đề quân sự và biên giới, bà Suu Kyi đơn giản
là bất lực.
Tuy nhiên, sự im lặng và không hành động của
bà ấy về vấn đề này, cũng như việc bà ấy xuất hiện trước Tòa án Công lý Quốc tế
ở The Hague vào tháng 12 năm 2019 để bảo vệ Myanmar trước các cáo buộc diệt chủng,
đã làm tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng quốc tế của bà ấy. Cộng đồng quốc tế
nhiệt tình trước đây lại bắt đầu rời xa Myanmar, điều này khiến Myanmar lại có
quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc, quốc gia này, không hoàn toàn bất vụ lợi,
luôn trung thành với Myanmar và một lần nữa phủ quyết các biện pháp chống lại
Myanmar tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/01/1-28.jpg
Aung San Suu Kyi trước Tòa án Công lý Quốc tế. Ảnh:
AP
Cải cách dưới thời
Suu Kyi
Một trong những lời hứa tranh cử quan trọng của
NLD là sửa đổi hiến pháp một cách có chủ ý. Năm 2019, quốc hội do NLD kiểm soát
đã bắt đầu quá trình sửa đổi hiến pháp năm 2008 của Myanmar với việc thành lập
một ủy ban quốc hội để sửa đổi hiến pháp. Vào tháng 7 năm 2019, ủy ban đã đệ
trình các đề xuất sửa đổi lên Nghị viện. Các đề xuất bao gồm, trong số những thứ
khác, giảm dần số lượng ghế quốc hội dành cho quân đội từ 25% xuống 5% vào năm
2030. Điều này sẽ mang lại một sửa đổi hiến pháp và do đó ngày càng tăng hạn chế quyền
kiểm soát của các tướng lĩnh đối với bộ máy nhà nước trong tương lai gần.
Nhưng cho đến nay, các dự thảo luật sửa đổi hiến
pháp đòi hỏi phải có đa số 75% số phiếu trong quốc hội và có thể cũng phải
trưng cầu dân ý. Nhưng trên thực tế Tatmadaw đã chỉ định 25% số nghị sĩ, sự từ
chối sửa đổi hiến pháp đó được cho là sẽ xảy ra ngay từ đầu. Ngoài ra, không có
đề xuất sửa đổi nào về chủ đề liên bang hoặc phân quyền, một vấn đề quan trọng
đối với các nhóm dân tộc thiểu số, có thể đạt được đa số vì quyền phủ quyết của
Tatmadaw.
Mặc dù ngay từ đầu người ta biết rằng các
thành viên của USDP, đảng quân đội, cùng với các nghị sĩ do Tatmadaw chỉ định,
sẽ từ chối các đề xuất, nhưng tiến trình này vẫn là một chiến thắng chính trị
cho NLD. Nó xác nhận những gì mọi người đã biết, đó là quân đội đang kiên quyết
ngăn chặn mọi tiến bộ dân chủ. Và nó cho thấy rằng, NLD ít nhất đã cố gắng giữ
lời hứa bầu cử, nhưng đã thất bại vì sự ngoan cố của các tướng lĩnh.
Tuy nhiên, một thành công quan trọng trong định
hướng dân chủ hóa đã đạt được: Việc tách GAD khỏi Bộ Nội vụ, cơ quan do quân đội
kiểm soát. Việc chuyển giao Tổng cục Hành chính (GAD: General Administration
Department) từ Bộ Nội vụ sang chính quyền dân sự vào cuối năm 2018 là một bước
quan trọng đối với việc phi quân sự hóa việc quản lý nhằm mở ra một tương lai
liên bang cho Myanmar.
GAD là một mạng lưới quan liêu với gần 36.000
nhân viên, trải dài khắp Myanmar đến mọi quận hoặc làng, đây chính thực là cơ
quan quản lý cấp quận / huyện và cho phép kiểm soát mọi nơi trên đất nước. Các
quan chức của họ có nhiều nhiệm vụ khác nhau, ngoài hành chính, cung cấp các dịch
vụ và thu thuế. Trong GAD, 30% tổng số công chức có liên hệ trực tiếp với quân
đội. Khi GAD là một bộ phận của Bộ Nội vụ, các nhân viên của GAD hoàn toàn chịu
trách nhiệm trước Tatmadaw chứ không phải cơ quan hành chính dân sự, một trở ngại
lớn trong việc thực hiện chương trình cải cách của NLD.
Sau khi được tách ra khỏi Bộ Nội vụ, cơ quan
này cần tiến hành hiện đại hóa, cải cách quy định và định hướng lại theo hướng
cung cấp dịch vụ dựa vào cộng đồng nhiều hơn với tính minh bạch và trách nhiệm
giải trình cao hơn. Bằng cách củng cố chính quyền địa phương ở các bang và khu
vực, cải cách GAD có thể đã thúc đẩy “chủ nghĩa liên bang từ bên dưới” và đặt nền
tảng cho một dịch vụ công độc lập và chuyên nghiệp. Sau khi cải cách, 16.000 quản
lý của các huyện và làng đã được bầu ra và không còn được bổ nhiệm bởi nhà nước.
Đây là bước đầu tiên đối với chính quyền địa phương.
Sau cuộc đảo chính, một trong những bước đầu
tiên mà Tatmadaw thực hiện là trao trả GAD cho Bộ Nội vụ, cách chức các quản trị
viên được bầu và bổ nhiệm lại người dân địa phương của họ. Tuy nhiên, những người
này được xem là cộng tác viên của chính quyền đảo chính, hiện đứng đầu trong
danh sách cần tiêu diệt của Lực lượng Phòng vệ Nhân dân. Nhiều người trong số họ
đã trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công và nhiều người hơn nữa đã từ chức,
sau khi nhận được cảnh báo chính thức từ chính quyền ngầm NUG, vì lo sợ sự trả
thù của người dân.
Cuộc đảo chính vào
tháng 2 năm 2021
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/01/1-29.jpg
Ngày 22.2.2021: Ở Yangon, hàng trăm ngàn người xuống
đường biểu tình phản đối cuộc đảo chính. Nguồn: © picture alliance /
ZUMAPRESS.com | Santosh Krl
Quốc hội được bầu lại vào tháng 11 năm 2020. Một
lần nữa NLD lại giành chiến thắng áp đảo và giành được hơn 80% số ghế được
trao. Đảng Quân đội (USDP), vốn hoạt động riêng lẻ, lại hứng chịu một thất bại
nặng nề khác. Các cuộc bầu cử là một cuộc trưng cầu dân ý rõ ràng chống lại
quân đội và đứng về phía bà Suu Kyi, người đã tái tranh cử ở tuổi 75. Kết quả của
NLD lần này vượt xa hơn năm 2015. Điều này rõ ràng người dân đã trao cho NLD
nhiệm vụ thúc đẩy hơn nữa các cải cách chính trị đã được bắt đầu và tiến trình
dân chủ ở Myanmar.
Tatmadaw không sợ gì hơn là dân chủ. Nền dân
chủ không tương thích với nhà nước bên trong nhà nước mà họ đã xây dựng. Chính
phủ trước đã tìm cách cải cách dân chủ, nhưng không thành công vì quyền phủ quyết
của Tatmadaw và hiến pháp. Chiến thắng áp đảo mới trong cuộc bầu cử của các đối
thủ chỉ có thể có nghĩa là NLD biết rằng, đa số hơn 90% dân số sẽ ủng hộ các cải
cách hơn nữa.
Chậm nhất là vào đầu tháng 1 năm 2021 (quốc hội
mới sẽ họp vào ngày 1 tháng 2 và thành lập chính phủ mới), Tatmadaw bắt đầu lên
tiếng công khai về gian lận bầu cử và yêu cầu kiểm phiếu mới. Giọng điệu ngày
càng trở nên hung hăng hơn và một vài ngày trước cuộc đảo chính, không ai loại
trừ một cuộc tấn công quân sự.
Như lo sợ, quân đội đã tổ chức một cuộc đảo
chính vào sáng ngày 1 tháng 2, ngay trước khi quốc hội mới họp, bắt giữ bà Suu
Kyi, Tổng thống U Myint (Người dịch: Tổng thống Win Myint) và các nhà lãnh đạo
NLD khác, giải tán buổi họp và ngay sau đó bổ nhiệm một hội đồng quân nhân để
điều hành chính quyền.
Các nghị sĩ được bầu đã hoạt động bí mật và bầu
ra một chính phủ đối lập. Tatmadaw kể từ đó đã giết 1.300 người biểu tình, bỏ
tù các đối thủ chính trị của họ, cài đặt chế độ khủng bố và hủy bỏ các cuộc bầu
cử họ đã thua thảm hại.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/01/1-30.jpg
Người biểu tình ẩn nấp trước súng đạn của cảnh sát ở
Yangon. Ảnh: Reuters
Kế hoạch phá hủy
NLD và xét xử Aung Suu Kyi
Ngay sau cuộc đảo chính, mượn lý do gian lận bầu
cử, lãnh đạo cuộc đảo chính Hlaing đã công bố các cuộc bầu cử mới sẽ xảy ra
trong một năm. Ngày này đã phải hoãn lại một lần nữa, đất nước này vẫn không thể
cai trị được do phong trào kháng chiến mạnh mẽ 11 tháng sau cuộc đảo chính.
Ngoài ra, chính quyền quân đội trước tiên phải bảo đảm rằng họ giành chiến thắng
trong các cuộc bầu cử mới. Nếu các cuộc bầu cử mới được tổ chức trong hoàn cảnh
hiện tại, quân đội lại thua. Người Tatmadaw bị dân chúng căm ghét hơn bao giờ hết,
ngoại trừ một vài người bạn của các tướng lĩnh thì không ai bỏ phiếu cho họ. Họ
thậm chí không thể chắc chắn về số phiếu của quân đội của họ, như một phân tích
về các cuộc bầu cử năm 2010 và 2015 cho thấy.
Để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp
theo, luật bầu cử phải được thay đổi và quan trọng hơn, đảng đối lập lớn nhất
và người lãnh đạo và biểu tượng của họ, bà Aung Suu Kyi, phải bị loại bỏ. Vào
cuối tháng 10, Win Htein, người thân tín 79 tuổi của bà Suu Kyi, đã bị kết án
20 năm tù vì tội phản quốc. Thủ hiến của vùng Mandalay bị phế truất, Dr. Zaw
Myint Maung, bị tòa án quân sự kết án bốn năm tù, phó chủ tịch NLD bị kết án
hai năm tù vì tội dấy loạn và thêm hai năm tù vì cáo buộc vi phạm quy định
COVID-19. Chính trị gia này, người mắc bệnh ung thư máu, cũng bị buộc tội tham
nhũng trong 5 vụ và gian lận bầu cử trong 2 vụ. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thủy
lợi của Vùng Mandalay, Dr. Soe Than, Bộ trưởng Bộ Điện lực, U Tsar Ni Aung, và
U Tin Ko Ko, Bí thư Chi nhánh NLD của Vùng Mandalay, đã bị kết án hai năm tù vì
vi phạm Đạo luật Thảm họa Thiên nhiên, Dr. Ye Lwin, Thị trưởng Mandalay và Bộ
trưởng hội đồng khu vực, cũng bị kết tội dấy loạn. Daw Nan Khin Htwe Myint, nữ
thủ hiến của Bang Karen, bị tước quyền lực, đã bị kết án 77 năm tù vào đầu
tháng 11 vì tội tham nhũng và kích động.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/01/1-31.jpg
Một người biểu tình
cầm tấm áp phích có hình nhà lãnh đạo bị giam giữ Aung San Suu Kyi trong một buổi
cầu nguyện dưới ánh nến. Ảnh chụp ngày 13/3/2021. Nguồn: AFP
Một lệnh cấm không cho đảng NLD hoạt động đang
được chuẩn bị, nhiều lãnh đạo của tổ chức này đã bị bắt, một số người đã bị giết
và những người còn lại đang chạy trốn để tránh bị bắt hoặc tổ chức chống đối ngầm.
Kể từ khi bị bắt, Suu Kyi lại bị quản thúc tại gia, ở một địa điểm bí mật và bị
cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài. Bà bị buộc tội về mười điểm khác nhau:
nhập khẩu bất hợp pháp máy bộ đàm, bạo loạn, tham nhũng và kích động bất ổn
công cộng.
Bà cũng bị buộc tội vi phạm các hạn chế của
Covid-19 và vào giữa tháng 11, chính quyền quân sự đã thêm tội gian lận bầu cử.
Một tội danh còn ngớ ngẩn hơn các tội còn lại, tất cả đều nhằm mục đích khiến
bà ấy ngồi sau song sắt trong suốt quãng đời còn lại của bà. Nếu bà không phải
là con gái của Aung San, anh hùng dân tộc, người chiến đấu cho nền độc lập của
Miến Điện và là người sáng lập quân đội, bà Suu Kyi có thể, giống như nhiều đồng
đội của bà, đã bị giết chết. Bà ấy ít nhất là được đưa ra tòa án bỏ túi để bị
giam giữ suốt đời.
Phiên tòa đầu tiên chống lại bà Suu Kyi (76 tuổi)
và cựu Tổng thống Win Myint (70 tuổi) đã kết thúc vào ngày 6 tháng 12, mỗi người
bị tuyên án án 4 năm tù giam vì tội kích động và vi phạm các quy định Covid-19.
Myo Aung, cựu thị trưởng thủ đô Naypyidaw, bị kết án hai năm tù. Việc kết án
kích động thật là vô lý vì bà Aung Suu Kyi bị quản thúc tại gia, bị cắt đứt với
thế giới bên ngoài kể từ cuộc đảo chính. Vì vậy làm sao bà ấy có thể kích động
ai? Giới truyền thông không được phép tham gia phiên tòa kín tại một tòa án đặc
biệt ở Naypyidaw. Chế độ đã cấm các luật sư của bà Suu Kyi phát biểu trước công
chúng về trường hợp của bà với lý do nó có thể “làm xáo trộn sự bình tĩnh của
công chúng”.
Ngay sau khi bản án được tuyên bố, chủ tịch
chính quyền đảo chính Hlaing đã giảm án xuống còn hai năm quản thúc, không có lời
biện minh nào cho sự ân xá này. Có lẽ quân đội muốn chứng tỏ họ có nhiều quyền
lực đối với hệ thống tư pháp trong khi giả vờ là cao cả và sẵn sàng thỏa hiệp.
Và trong trường hợp của Suu Kyi, bạn có thể làm như vậy mà không do dự, vì dự
kiến sẽ sớm có các phán quyết
tiếp theo với các vụ kiện đang chờ xét xử. Bản án đối với bà ấy vì tội sở hữu bộ
đàm dự kiến được đưa ra vào tuần lễ cuối cùng của năm [2021]. Nếu bà ấy bị kết tội
trong tất cả các trường hợp, dường như đã được thỏa thuận, bà ấy sẽ phải đối mặt
với 100 năm tù nữa. Thậm chí giảm đi một nửa, điều đó dễ dàng đủ để khiến bà phải
im lặng trong suốt phần đời còn lại. Mục tiêu chính của chính quyền là đuổi bà
ra khỏi chính trường vĩnh viễn.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/01/1-32.jpg
Tướng Min Aung
Hlaing tự xưng là thủ tướng Myanmar hồi tháng 8 sau cuộc đảo chính quân sự. Ảnh:
Getty Images
Phán quyết, bị Liên Hợp Quốc lên án, càng lộ
rõ tai tiếng của Myanmar,
như một quốc gia bị bài xích. “Việc kết tội Ủy viên Quốc vụ sau một phiên
tòa giả mạo trong một phương thức bí mật trước một tòa án do quân đội kiểm soát
không có gì khác ngoài động cơ chính trị. Nó không chỉ là về việc tùy tiện từ
chối quyền tự do của bà – nó đóng lại một cánh cửa khác cho đối thoại chính trị ”,
Cao ủy Nhân quyền LHQ, Michelle Bachelet cho biết. Phán quyết cũng đã bị lên án
bởi một số tổ chức quốc tế, gồm Liên Hiệp quốc, Liên minh châu Âu và chính phủ
Vương quốc Anh, tất cả đều cho là phiên tòa có động cơ chính trị.
Việc lên án bà Suu Kyi và các lãnh đạo cấp cao
khác của NLD sẽ đổ thêm dầu vào lửa. Nó sẽ không ngăn cản người dân tiếp tục biểu
tình, cũng không ngăn cản Lực lượng Phòng vệ nhân dân và các dân tộc thiểu số
tiếp tục đấu tranh vũ trang. Ngày cách mạng thắng lợi sẽ là ngày những người tù
chính trị được trả tự do, nếu cách mạng không thắng lợi thì số phận của họ bị
khép kín sau những bức tường nhà tù. Hiện vẫn chưa rõ liệu Suu Kyi có bị tống
vào tù hay không, hay liệu bà có được phép quản thúc tại gia hay không. Tất cả
phụ thuộc vào tâm trạng của các vị tướng. Vào ngày 17 tháng 12, bà ấy bị đưa ra
trước tòa lần đầu tiên trong trang phục bị kết án, một sự miệt thị hơn nữa so với
Aung Suu Kyi, người luôn xuất hiện trong trang phục sang trọng với hoa tai và một
bông hoa trên tóc, trước công chúng và trước tòa, dấu hiệu cho thấy sự thay đổi
cách họ sẽ đối xử với bà và các quan chức cấp cao khác trong tương lai gần.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/01/1-33.jpg
Daw Aung San Suu
Kyi và vị tổng thống bị lật đổ, Win Myint, trong lần hầu tòa đầu tiên của họ ở
Naypyidaw hồi tháng 5/2021. Nguồn: Getty Images.
Nhận xét sau cùng
Cuộc đảo chính khiến quân đội trở thành thể chế
bị ghét nhất trong nước. Nếu Myanmar đã từng đi trên con đường dân chủ, giấc mơ
chắc chắn đã tan vỡ vào ngày 1 tháng 2. Như một nhà hoạt động diễn tả: “Myanmar
giống như một con chim học bay, bây giờ quân đội đã bẻ gãy cánh của nó”.
Các vị tướng chắc chắn đã vượt qua lằn ranh đỏ, không còn chỗ cho các thỏa hiệp,
họ đúng là có quá nhiều xác chết dưới tầng hầm như nghĩa đen của nó (tiếng Đức
có nghĩa là có lầm lỗi trong quá khứ mà chưa bị khám phá).
Nếu Tatmadaw thua cuộc, điều mà tác giả của những
dòng này hy vọng, thì may mắn lắm họ sẽ chỉ phải ngồi tù hoặc trong trường hợp
xấu nhất, họ sẽ bị treo lơ lửng trên cột đèn gần nhất. Người dân sẽ không để họ
thoát khỏi một lần nữa. Sẽ có một loại vụ án Nuremberg.
Tatmadaw biết quá rõ điều này, vì vậy họ không
quan tâm đến các thỏa hiệp. Quân đội đã tính toán sai và, với cuộc đảo chính
vào ngày 1 tháng 2, đã đi vào ngõ cụt mà từ đó không có đường quay trở lại. Tiếp
tục nắm quyền hay vào tù, đó là những viễn cảnh còn tồn tại đối với họ đến bây
giờ, và nó cũng giải thích phần nào sự tàn bạo trong cách tiếp cận của họ.
Trong thời kỳ mở cửa tương đối của Myanmar,
khi quân đội thử “con đường dẫn tới dân chủ” của họ, xã hội ở Myanmar đã thay đổi.
Thế hệ mới đã học cách sử dụng Internet và quan tâm đến các chủ đề như dân chủ
và dân quyền cũng như trao đổi ý kiến với nhau, không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Đây là cách “Thế hệ Z” ra
đời và quân đội đã không tính đến điều đó khi họ tiến hành cuộc đảo chính vào
ngày 1 tháng 2.
Sau khi các quan chức lớn tuổi của NLD bị quân
đội xua đuổi, thế hệ mới này đã xuất hiện. Họ dẫn đầu các cuộc biểu tình, nhiều
người trong số họ hiện đang tham gia vào cuộc kháng chiến vũ trang và họ đang sử
dụng mạng xã hội để truyền tải thông điệp của họ. Tatmadaw không có cơ hội chiến
thắng trái tim và khối óc của những người trẻ tuổi này. Họ là những người dũng
cảm, những người phụ nữ thường tỏ ra dũng cảm hơn cả những người đàn ông và đảm
nhận những vai trò lãnh đạo trong việc tổ chức cuộc kháng chiến.
Suu Kyi là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử
hiện đại của Myanmar đã đóng một vai trò quan trọng trong nền chính trị của đất
nước, bà sẽ không phải là người cuối cùng trong số những chiến binh dũng cảm hiện
đại này. Những người trẻ muốn có một tương lai khác cho bản thân và đất nước của
họ, một tương lai không sợ hãi và không có chế độ độc tài quân sự. Và họ sẽ
chinh phục tương lai này cho chính mình. Chính quyền quân sự không có quyền tồn
tại lâu dài, nó thuộc về đống rác rưởi của lịch sử và nó sẽ sớm kết thúc ở đó.
Còn bà Suu Kyi? Không rõ bà Suu Kyi cảm thấy
thế nào về các biện pháp đối phó của NUG. Bà ấy bị cắt đứt với thế giới bên
ngoài, thậm chí không chắc rằng bà ấy thậm chí biết những gì đang xảy ra trong
nước. Khi sự phản đối cuộc đảo chính càng ngày càng lan rộng, cộng đồng chính
trị ở Myanmar đã thường xuyên đặt câu hỏi liệu bà Suu Kyi bị cầm tù có ủng hộ
phong trào cách mạng hiện tại hay không. Với triết lý trước đây của họ và cam kết
bất bạo động lâu dài, đây là một câu hỏi cần đặt ra.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/01/1-34.jpg
Khóa học quân sự
cho những người chống lại chính quyền đảo chính tại một trại của người Karen Ảnh:
Reuters
NUG đã chính thức tuyên chiến với Tatmadaw và
hiện đang đấu tranh vũ trang chống lại chúng. Lực lượng phòng thủ nhân dân đã
được thành lập ở mọi thành phố trong cả nước để thực hiện các cuộc tấn công chống
lại Tatmadaw. Các nhóm dân tộc thiểu số tham gia vào các trận chiến hàng ngày
chống lại quân đội. Vì cho đến nay, bà Suu Kyi luôn nói về các cuộc đàm phán và
hòa giải, nên có thể bà sẽ không tán thành các chính sách hiện tại của chính phủ
hoạt động bí mật, vốn bao gồm đa số thành viên của NLD. Trước công chúng, Suu
Kyi vẫn được hưởng vị thế như một vị thần. Bị cắt đứt với thế giới bên ngoài,
bà không thể gây ảnh hưởng đến cuộc đấu tranh chính trị đang diễn ra chống lại
sự cai trị của quân đội.
Chính sách trước đây, ngay cả dưới thời San
Suu Kyi, cho đến nay chỉ nói rằng họ chống lại cái gì, chứ không nói tranh đấu
cho cái gì. Cuộc chiến chống lại cuộc đảo chính và chính quyền quân đội, nhưng
câu hỏi ngày càng nhiều hơn là điều gì xảy ra sau đó. Một tầm nhìn chính trị lớn
vẫn còn thiếu. Các cơ quan đã được thành lập để làm ra các đề xuất của họ, một
trong những chủ đề quan trọng nhất là sự hợp nhất của hơn 130 dân tộc thiểu số
trong một nhà nước liên bang và xây dựng một quân đội mới.
Tin vui: NUG dường như đã nhận thức được vấn đề
và đang giải quyết vấn đề đó, họ đang đặt ra những câu hỏi phù hợp. Chính trị
đã bước sang một kỷ nguyên mới ở Myanmar, phong trào dân chủ giờ đã tự phát triển
và không còn cần đến sự phù hộ của bà Aung Suu Kyi nữa. Nhưng sẽ thật tốt nếu
Suu Kyi ủng hộ NUG bằng thế lực chính trị của mình ngay khi bà được tự do trở lại.
_____
Thư mục:
Burma in Revolt, Bertil Lintner, Silkworm
Books, ISBN 978-974-7100-78-5
Aung San Suu Kyi, Bertil Lintner, Silkworm
Books, ISBN 978-616-215-015-9
Merchants of Madness, Bertil Lintner, Silkworm
Books, ISBN 978-974-9511-59-6
The Rise and Fall oft the Communist Party of
Burma, Bertil Lintner, Cornell Southeast Asia Program, ISBN 0-87727-132-2
Die CIA und das Heroin, Alfred Mc Coy,
Westend-Verlag, ISBN 978-3-86489-134-2
Myanmar now, online newspaper: https://www.myanmar-now.org/en
The Irrawaddy, online newspaper: https://www.irrawaddy.com/category/news
Frontier Myanmar, online newspaper: https://www.frontiermyanmar.net/en/
Burma news International, online newspaper: https://www.bnionline.net/en/news
The diplomat, online newspaper: https://thediplomat.com/regions/east-asia/
Bangkok Post online: https://www.bangkokpost.com/
South China Morning Post online: https://www.scmp.com/
--------------------------------------------------
January 3, 2022
January 2, 2022
No comments:
Post a Comment