Sunday 16 January 2022

HỌC THUÊ, THI HỘ (Phụ Nữ Online, Thanh Niên Online)

 



Trường đại học chống gian lận thế nào khi sinh viên tìm người học thuê, thi hộ cuối học kỳ? 

Phụ Nữ Online

15/01/2022 - 18:13

https://www.phunuonline.com.vn/truong-dai-hoc-chong-gian-lan-the-nao-khi-sinh-vien-tim-nguoi-hoc-thue-thi-ho-cuoi-hoc-ky-a1455389.html

 

PNO - Do dịch COVID-19, sinh viên nhiều trường đại học chưa đi học trực tiếp nên các kỳ thi kết thúc học kỳ I diễn ra online.

 

·         Hà Giang: Khởi tố vụ án có dấu hiệu gian lận thi cử từ năm 2017

·         Kiểm tra online: Làm thế nào để không gian lận?

 

Trước tình hình đó nhiều sinh viên đã tìm đến dịch vụ làm bài tập thuê, thi hộ với mong muốn được điểm cao mà lại không phải mất công học hành.

 

Một thực trạng là khi việc kiểm tra và thi trực tuyến trở nên phổ biến, trên mạng xã  Facebook đã xuất hiện hàng loạt hội nhóm mang tên hỗ trợ học tập như “Hỗ trợ sinh viên học tập - Làm bài”, “Hỗ trợ - Giúp đỡ học tập”, “Hỗ trợ học tập”... thu hút hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn thành viên tham gia.

 

https://image.phunuonline.com.vn/fckeditor/upload/2022/20220115/images/truong-dai-hoc-chong-gian-_411642241229.png

Nhiều sinh viên công khai dùng nick ảo tìm người thi hộ

 

N.N.L. - một sinh viên tại Hà Nội cho biết mình cần thi môn Mác (Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin 1) với giá 200 nghìn đồng/buổi trong kỳ thi trước tết Nguyên đán. L. còn cho biết thêm nếu người nhận thi hộ mà thi trót lọt còn được sẽ thưởng thêm 200 nghìn đồng.

 

L. cũng cho biết hiện nay việc thuê học hộ thi hộ là bình thường. Rất nhiều sinh viên lo đi làm thêm kiếm tiền dịp tết nên thuê người học hoặc cũng nhiều bạn học yếu, sợ không qua môn nên thuê người.

 

Thực tế, việc tìm người học thuê, thi thuê lâu nay nhan nhản trên các trang mạng xã hội các mức giá thi hộ, làm tiểu luận dao động trong khoảng vài trăm nghìn đồng.

 

Để tránh bị lộ thông tin cá nhân, đa số thành viên tham gia các trang mạng xã hội và tìm người thi hộ đều không công khai danh tính mà dùng nick ảo để đảm bảo uy tín, tránh bị phát hiện.

 

Lường trước những mánh khóe gian lận trên, nhiều trường đại học cũng đã chủ động triển khai biện pháp ứng phó.

 

Tiến sĩ Trần Mạnh Hà - Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng cho biết, hiện trường áp dụng bốn hình thức thi để hạn chế tối đa những gian lận. Khi nộp tiểu luận, sinh viên gửi bài theo hình thức trực tuyến, còn với thi vấn đáp, hai giảng viên sẽ tham gia hỏi, đề được bốc ngẫu nhiên, toàn bộ quá trình thi được ghi âm, ghi hình nên gian lận là không có.

 

Hình thức thứ ba được Học viện Ngân hàng áp dụng là thi viết tự luận, tức thí sinh làm bài ra giấy trước sự giám sát trực tuyến từ cán bộ coi thi. Ở những môn theo hình thức này, giảng viên sẽ chuẩn bị ngân hàng câu hỏi đủ lớn để bộ phận khảo thí bốc ngẫu nhiên. Trong quá trình thi, 30 sinh viên một phòng được giám sát bởi hai cán bộ, các em phải bật camera và micro. Khi nộp bài, sinh viên scan bản viết tay. Trường sẽ hậu kiểm ngẫu nhiên, đối chiếu chữ viết tay với các bài thi trước đó và với tờ khai sinh viên khi vào trường. Nếu có dấu hiệu bất thường, trường có chế tài xử lý, ví dụ đình chỉ học tập một năm.

 

Hình thức cuối cùng là thi online trên phần mềm trực tuyến iTest. Ông Hà cho biết đây là phần mềm có thể thi cả trắc nghiệm và tự luận và có tính năng chống gian lận như cảnh báo khi người thi mở trình duyệt khác, tự động chụp màn hình của thí sinh vào nhiều thời điểm ngẫu nhiên và lưu hệ thống. Như vậy, sinh viên thoát ra hoặc truy cập tài liệu trong quá trình thi nhiều khả năng sẽ bị phát hiện.

 

Theo ông Hà, trải qua hai đợt thi online vào năm ngoài và đang ở đợt thi thứ ba, nhà trường chưa phát hiện sinh viên thi hộ nhờ các biện pháp trên. Tuy nhiên, những sự cố trong quá trình thi như rớt mạng, đột ngột camera hỏng hay scan bài gửi lên hệ thống không đủ thời gian quy định... vẫn xảy ra.

 

Còn thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết, việc thi hộ khi thi trực tuyến có xảy ra thì các trường sẽ có cách để giám sát. Như tại trường, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM giám khảo giám sát 24/24, sinh viên buộc phải có mặt suốt giờ thi thì mới chứng nhận bài làm.

 

Tương tự như thi trực tiếp, sau khi thi xong thì giám khảo 1 sẽ thu bài thi và giám khảo 2 sẽ giám sát sinh viên, nếu bất cứ sinh viên nào gian lận thì sẽ bị đình chỉ. Sau khi thi xong giảng viên sẽ chấm và nếu bài nào có dấu hiệu bất thường thì chấm hội đồng để thẩm định lại bài thi ấy.

 

Đối với các hình thức làm tiểu luận, luận văn, ông Sơn cho hay, trường sẽ ra đề mở để sinh viên có quyền dùng tài liệu, nhưng sẽ có phần mềm để kiểm tra xem sinh viên có lấy bài của người khác không.

 

Ở một số trường khác thì xét kết quả học kỳ I bằng cả quá trình học như Trường Đại học RMIT Việt Nam sẽ đánh giá sinh viên thông qua các bài tập cá nhân, bài tập nhóm trong suốt học kỳ thay vì tổ chức kỳ thi kết thúc học kỳ thông thường.

 

Đại Minh

 

------------------------------------------------------------

.

Nở rộ hội nhóm... thi hộ: Chuyên nghiệp hóa các dịch vụ gian lận 

Thanh Niên Online

08:27 - 11/01/2022 

https://thanhnien.vn/no-ro-hoi-nhom-thi-ho-chuyen-nghiep-hoa-cac-dich-vu-gian-lan-post1419989.html

 

Không chỉ hoạt động tự phát, nhiều đối tượng đang dần chuyên nghiệp hóa các dịch vụ gian lận, giúp gầy dựng nhóm khách hàng trung thành và tạo điều kiện để người học dễ tìm kiếm theo nhu cầu.

 

Xây dựng “thương hiệu” thi hộ

 

Khởi điểm từ hoạt động trong các nhóm thi hộ trực tuyến, khi đã có lượng khách hàng đông đảo và cố định, nhiều thành viên còn đi đến xây dựng “thương hiệu” cá nhân chuyên thi hộ bằng tài khoản chính chủ trên mạng xã hội. Họ miêu tả cụ thể những dịch vụ nhận “hỗ trợ” và liên tục chia sẻ các phản hồi tích cực của khách hàng trên trang cá nhân của mình. Nhiều người trong số đó cũng thường xuyên cập nhật lịch làm việc để khách hàng tiện theo dõi, trong đó có L.H.T (21 tuổi, ngụ tại Đà Nẵng).

 

https://image.thanhnien.vn/w2048/Uploaded/2022/wpxlcqjwq/2022_01_11/thi-ho-89.jpg

Các tài khoản chuyên học hộ, thi hộ đều đặn đăng tải phản hồi tích cực của khách hàng để tăng uy tín

 

Tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, L.H.T đang có gần 2.400 lượt theo dõi ở tài khoản Facebook M.T. Trên trang cá nhân, người này cho biết nhận thi hộ trực tuyến các môn chuyên về toán như toán cao cấp, giải tích, đại số... và cả các kỳ thi tiếng Anh như TOEIC, kèm theo đó là số điện thoại để khách hàng tiện liên lạc. Theo dõi lịch làm việc của L.H.T, phần lớn tháng 1 đã kín và cao điểm một ngày người này nhận thi hộ 4 ca khác nhau. Đáng chú ý, đây cũng là thời điểm các trường tổ chức thi hết môn trước khi nghỉ tết.

 

https://image.thanhnien.vn/w2048/Uploaded/2022/wpxlcqjwq/2022_01_11/thi-ho1-1367.jpg

Các đối tượng đang hình thành đội ngũ gian lận chuyên nghiệp trên môi trường mạng. CHỤP MÀN HÌNH

 

Khác với L.H.T, có không ít đối tượng dùng tài khoản ảo nhằm tránh các rủi ro pháp luật, như trường hợp của K.M, một tài khoản chuyên thi hộ các môn đại cương và chuyên ngành quản trị kinh doanh, đồng thời kiêm cả ngôn ngữ Anh và Trung. Để chứng thực cho độ uy tín và năng lực, người này đều đặn đăng tải trên trang cá nhân các phản hồi tích cực của khách hàng cùng với số điểm mà họ đạt được sau khi sử dụng dịch vụ, đa số đều trên 8.

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng còn mua các tài khoản có nhiều người theo dõi rồi tự nhận là tài khoản chính chủ để tăng độ uy tín, giúp dễ dàng giao dịch.

 

Trong vai một người đi tìm người làm tiểu luận thuê, tôi đã tìm đến tài khoản T.D, khi người này tự quảng cáo có dịch vụ tương ứng với giá phải chăng. Dù tự nhận trong nhóm thi hộ là chính chủ, nhưng trong quá trình trao đổi, T.D lại sơ ý để lộ việc tài khoản này đang được sử dụng bởi nhiều người, và sự thật đứng sau T.D là một nhóm làm thuê chuyên nghiệp.

 

Hình thành nhóm làm thuê

 

Không dừng lại ở hoạt động cá nhân, không ít đối tượng đã cùng nhau hình thành nên đội ngũ với quy trình làm việc và ăn chia bài bản, lập website riêng, thậm chí chạy quảng cáo trên mạng xã hội để lôi kéo thêm khách hàng. Có nơi còn chia sẻ trên trang chủ rằng: “Để đáp ứng nhu cầu hiện nay của các bạn, chúng tôi còn cho ra thêm một số dịch vụ khác như thi hộ online, kiểm tra và sửa lỗi đạo văn”, cho thấy đây là nhu cầu đang nhận được lượng lớn sự quan tâm.

 

https://images.dable.io/thumbnail/image.thanhnien.vn/200X125/994/b7f955e3a9f9ad4d6b022defefcb4369837df.jpeg

Nở rộ hội nhóm thi hộ

 

Khi tôi mong muốn gia nhập vào nhóm chuyên làm thuê của T.D, tài khoản này tỏ ra khá hứng thú với lý lịch “sinh viên năm 2, nhận cả 4 kỳ học bổng ở trường nhân văn” mà tôi nêu ra. “Gọi Zalo nha”, T.D lập tức đề nghị.

 

Sau khi trao đổi, tôi được biết T.N (20 tuổi, ngụ Hà Nội) là người đứng đầu của nhóm. Cả T.N và các thành viên khác đều đang là sinh viên. Không cần chứng minh năng lực học tập của bản thân, T.N cho biết nếu tôi đồng ý với đề nghị thì sẽ gửi yêu cầu của khách hàng sang. Khi được hỏi về thu nhập trung bình mỗi tháng, người này chia sẻ rằng không có lương cứng mà tùy vào số bài nhận viết. “Với tiểu luận môn đại cương, giá sẽ tính tùy theo số trang, nhưng nếu đề khó hoặc môn chuyên ngành thì phí sẽ cao hơn”, T.N nói thêm.

 

Người này tiếp tục nói: “Thời gian đầu, để đảm bảo chất lượng, tớ sẽ kiểm tra bài cậu làm trước khi gửi đến khách hàng. Khi nào tớ thấy cậu làm ổn rồi thì sẽ cho cậu tự giao dịch trực tiếp với họ”. Tất cả hoạt động trao đổi với khách hàng đều được thực hiện thông qua tài khoản mang tên T.D như đã đề cập ở trên.

 

Có thể thấy, các hoạt động trên đang diễn ra công khai, thách thức, trong bối cảnh pháp luật đã có quy định chế tài cụ thể. Theo Nghị định 04/2021 ban hành ngày 22.1.2021 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, sẽ phạt tiền từ 2 triệu - 6 triệu đồng đối với hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài; Phạt tiền từ 14 triệu - 16 triệu đồng đối với hành vi thi thay hoặc thi kèm người khác hoặc nhờ người khác làm bài hộ hoặc thi thay, thi kèm. Quy định trên dường như chưa đủ sức răn đe, và các hội nhóm thi hộ trực tuyến vẫn tiếp tục phát triển từng ngày.

 

Dịch vụ kiểm tra đạo văn

 

Vi Anh (21 tuổi), sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing, cùng 2 sinh viên khác hiện đang mở một trang dịch vụ chuyên kiểm tra đạo văn bằng phần mềm Turnitin, nhận về gần 500 lượt theo dõi. “Turnitin được nhiều trường ĐH áp dụng, trở thành quy chuẩn kiểm tra mức độ đạo văn của bài làm nên chúng tôi hy vọng được giúp các bạn trong quá trình học tập”, cô nói. Theo nữ sinh, Turnitin không bán cho cá nhân mà chỉ cung cấp cho các trường ĐH, CĐ với chi phí tối thiểu là 2.400 USD/100 học sinh (gần 55 triệu đồng), và không nhiều cơ sở giáo dục cung cấp tài khoản phần mềm này để sinh viên tự kiểm tra. Việc áp dụng nhưng không tạo điều kiện tiếp cận là một rào cản lớn, khiến người học phải tìm đến những dịch vụ như của Vi Anh.

 

Hỗ trợ “làm đẹp”

 

Ngày càng có nhiều dịch vụ hỗ trợ người học hoàn thiện bài thuyết trình bằng cách thiết kế PowerPoint theo yêu cầu, giúp rút ngắn thời gian học tập cũng như nâng cao chất lượng bài làm. Chỉ cần gõ từ khóa tương ứng trên Facebook, sẽ xuất hiện hàng chục fanpage và cá nhân khác nhau đăng tin nhận làm.

 

Đáng chú ý, điểm trình bày PowerPoint thường chiếm tỷ lệ nhất định trong tổng điểm thuyết trình của bài làm. Mở dịch vụ từ tháng 8.2021, một người quản lý trang chuyên nhận làm PowerPoint theo yêu cầu, và cũng đang là sinh viên đại học, chia sẻ: “Học sinh, sinh viên tìm đến dịch vụ hầu hết đều do thời gian gấp rút. Họ cho biết phải cùng lúc làm nhiều việc khác nên không thể hoàn thiện bài thuyết trình”.

 

Theo người này, hầu hết khách hàng đều đã chuẩn bị sẵn nội dung nên bản chất dịch vụ không ảnh hưởng đến chất lượng kiến thức của người học. Công việc chủ yếu là cắt cúp nội dung cho phù hợp với số trang trình bày mà khách hàng yêu cầu, đồng thời trang trí và “làm đẹp” bài bằng các hình ảnh, hiệu ứng. Chi phí phụ thuộc vào độ dài nội dung và yêu cầu của người đặt hàng.

 

-------------------

TIN LIÊN QUAN

§  Nở rộ hội nhóm... thi hộ trực tuyến

§  Hiệu trưởng bị kỷ luật cảnh cáo vì nhờ làm bài kiểm tra hộ

§  Thi tốt nghiệp THPT: Lo gian lận thi cử nếu cho đeo khẩu trang vào phòng thi





No comments:

Post a Comment

View My Stats