Yến Phương - VNTB
https://vietnamthoibao.org/vntb-dot-nhu-tuyen-giao/
(VNTB) –
Chắc chỉ có một mình Tuyên giáo Trung ương là trên thông thiên văn, dưới tường
địa lý, thông kim bác cổ đến mức có thể phán xét được cả tiền nhân!
“Từ Triệu
Đinh Lý Trần bao đời xây nền độc lập – Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên hùng
cứ một phương” (Nguyễn Trãi – Bình Ngô Đại Cáo).
Từ những
lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, thầy cô thường giảng rằng: Việt Nam là đất nước
có bề dày lịch sử hơn 4000 năm văn hiến; cha ông ta đã có những trận chiến oai
hùng chống giặc phương Bắc để bảo vệ Tổ quốc. “Từ Triệu Đinh Lý Trần bao đời xây
nền độc lập – Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương” (Nguyễn
Trãi – Bình Ngô Đại Cáo).
Lịch sử, với
tôi, là một bức tranh nhiều hình ảnh và màu sắc. Ở đó, tôi không chỉ được một lần
“sống lại” với những trận chiến oai hùng của cha ông, mà còn có dịp tìm hiểu rõ
hơn những ẩn khuất, những điều mà trường học chưa chắc được phép dạy.
Có người
nói lịch sử thuộc về phe chiến thắng, điều đó không sai, nhưng cũng có thể chưa
đúng hoàn toàn. Bởi, dù có che đậy như thế nào, guồng máy của cuộc sống với sự
tiến bộ của “thế giới phẳng”, của 4.0, rồi lịch sử cũng sẽ dần trở về đúng với
vai trò của nó.
Đó là một
Nguyễn Trãi với Lệ Chi Viên. Đó là việc nhìn nhận lại ít nhiều vai trò của Hồ
Quý Ly. Đó là việc suy xét xem Nguyễn Ánh – Gia Long có thật sự là “tội thần” với
đất nước? Đó là việc minh oan cho Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt. Và đó
còn là việc nhìn lại công – tội thật sự của Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký.
Một bài
báo được đăng tải trên một trang báo điện tử đáng tin cậy viết năm 2008: “Đã
141 năm, kể từ ngày 4-8-1867, cụ Phan Thanh Giản kết thúc đời mình bằng 17 ngày
nhịn ăn và chén thuốc độc tự vẫn vì buồn đau, thương dân thương nước. Bi kịch đời
cụ là bi kịch lịch sử cần được làm sáng tỏ. Và chuyện ấy đã thành sự thật.
Khi thăm mộ
và đền thờ Phan Thanh Giản ở huyện Ba Tri tháng 8 vừa qua, chúng tôi thấy rất
nhiều vòng hoa đang còn tươi của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh
Bến Tre, Huyện ủy, UBND, HĐND huyện Ba Tri, rồi các ban ngành, sở, xã Bảo Thạnh
(Ba Tri) đến viếng nhân ngày giỗ của cụ ngày 4 tháng 8”.
Cũng theo
bài viết này: “Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cũng đã tổ chức
lễ rước và an vị tượng Phan Thanh Giản tại Khu Di tích Văn Thánh Miếu Vĩnh Long
– nơi Kinh lược sứ đại thần Phan Thanh Giản tuẫn tiết.
Pho tượng
do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt phụng hiến. Tượng đúc bằng đồng, cao 85cm, nặng
250kg, được tỉnh Vĩnh Long đặt trang trọng tại nơi thờ trong Văn Thánh Miếu.
Thật vui
khi được biết, ngày 24-1-2008, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Đặng Văn Bài vừa
có công văn gửi UBND tỉnh Bến Tre, cho biết Cục Di sản văn hóa đã làm việc với
Viện Sử học và cơ quan này có công văn nêu rõ, các nhà sử học đánh giá cao công
lao của cụ Phan Thanh Giản trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa…
… Trong
Văn tế lục tỉnh sĩ dân trận vong, cụ Đồ Chiểu viết về Phan Thanh Giản: “Phan học
sĩ hết lòng mưu quốc”.
10 năm sau
khi Phan Thanh Giản tự vẫn, năm 1886, vua Đồng Khánh đã xét lại công tội của cụ
và đã ra chiếu chỉ “khai phục nguyên hàm” và khắc lại tên trong bia tiến sĩ ở
Văn Miếu Huế cho cụ Phan Thanh Giản. Dưới chân núi Ba Thê, Thoại Sơn, An Giang
có đền thờ Phan Thanh Giản từ trăm năm trước.
Ở xã Tương
Bình Hiệp (Bình Dương), từ khi cụ mất, nhân dân đã thờ cụ ở trong Đình làng. Và
ngày 25-8-1924, vua Khải Định đã sắc cho đình Tương Bình Hiệp thờ cụ làm thần.
Bản sắc dịch
ra như sau: “Nay sắc cho xã Tương Bình Hiệp, tổng Bình Phú, tỉnh Thủ Dầu Một phải
phụng thờ Tam giáp Tiến sĩ, Hiệp tá đại học sĩ, Sung cơ mật viện đại thần Phan
Thanh Giản tướng công làm thần giữ nước giúp dân. Vì ông thường linh ứng nên
nhân tiết tứ tuần đại khánh trẫm ban bửu chiếu phong cho ông vào bậc ĐOAN TÚC DỰC
BẢO TRUNG HƯNG TÔN THẦN, chuẩn cho phụng thờ ông làm thần để giúp đỡ và che chở
dân đen của ta…”.
Như vậy
các vua Nguyễn sau Tự Đức đã hiểu đúng công lao của Phan Thanh Giản!”
Cũng xin
được nói thêm, ông Võ Văn Kiệt, nhiều người đã biết, từng làm Thủ tướng Chính
phủ thứ tư (trước kia là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) của nước Cộng hòa Xã hội
Chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 8 tháng 8 năm 1991 đến ngày 25 tháng 9 năm 1997. Ông
được nhiều báo chí đánh giá là người đã đẩy mạnh công cuộc Đổi Mới và cải cách
chính sách ở Việt Nam kể từ năm 1986, là “tổng công trình sư” nhiều dự án táo bạo
của thời kỳ Đổi Mới.
(Từng làm
thủ tướng của đất nước Việt Nam, từng có một thư ký (theo lý lịch viện dẫn) là
phó thủ tướng đương nhiệm Vũ Đức Đam với bảng lý lịch học vấn đầy chất thuyết
phục, chẳng lẽ, ông lại làm sai? Chẳng lẽ học vấn của ông Đam có vấn đề? Tôi
tin, chắc là không).
Có người
cho rằng, lịch sử bao la, sự học là bát ngát, làm sao có thể biết rõ Phan Thanh
Giản, Trương Vĩnh Ký thật sự có công mà không có tội? Có chắc triều đình nhà
Nguyễn thật sự muốn cầu hoà? Điều đó là không sai, “những điều ta biết chỉ là hạt
cát ở đại dương” mà. Tuy nhiên, cũng vì lẽ đó, càng chứng minh một điều rằng, văn bản của Tuyên giáo Trung ương là sai.
Dựa vào đâu mà Tuyên giáo Trung ương được quyền kết tội một hay hai tiền nhân để
rồi buộc các tỉnh, thành không được đặt tên đường, phố, công trình công cộng?
Xin được đặt
một câu hỏi để thay lời kết. Với tất cả những việc làm, những học thức của cụ Đồ
Chiểu; của vua Tự Đức; của ông cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt; của một phó thủ tướng
đương nhiệm Vũ Đức Đam chuyên trách văn xã; của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng
nhân dân tỉnh Bến Tre, Huyện ủy, UBND, HĐND huyện Ba Tri, rồi các ban ngành, sở,
xã Bảo Thạnh (Ba Tri); của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, Cục
trưởng Cục Di sản văn hóa Đặng Văn Bài; của Tương Bình Hiệp, Thủ Dầu Một; của
nhiều người dân Nam bộ… chẳng lẽ tất cả đều dốt, đều sai hết hay sao? Chỉ có một
mình Tuyên giáo Trung ương là trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, thông
kim bác cổ đến cái mức có thể phán xét cả tiền nhân?
Người dân
không thờ sai bao giờ…
***
Phan
Thanh Giản – nỗi oan 150 năm
Đã 141
năm, kể từ ngày 4-8-1867, cụ Phan Thanh Giản kết thúc đời mình bằng 17 ngày nhịn
ăn và chén thuốc độc tự vẫn vì buồn đau, thương dân thương nước. Bi kịch đời cụ
là bi kịch lịch sử cần được làm sáng tỏ. Và chuyện ấy đã thành sự thật.
Khi thăm mộ
và đền thờ Phan Thanh Giản ở huyện Ba Tri tháng 8 vừa qua, chúng tôi thấy rất
nhiều vòng hoa đang còn tươi của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh
Bến Tre, Huyện ủy, UBND, HĐND huyện Ba Tri, rồi các ban ngành, sở, xã Bảo Thạnh
(Ba Tri) đến viếng nhân ngày giỗ của cụ ngày 4 tháng 8.
Nghĩa là
đám giỗ cụ đã được tỉnh long trọng tổ chức, chỉ một tuần trước khi chúng tôi đến
Bến Tre. Dịp này, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cũng đã tổ chức
lễ rước và an vị tượng Phan Thanh Giản tại Khu Di tích Văn Thánh Miếu Vĩnh Long
– nơi Kinh lược sứ đại thần Phan Thanh Giản tuẫn tiết.
Pho tượng
do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt phụng hiến. Tượng đúc bằng đồng, cao 85cm, nặng
250kg, được tỉnh Vĩnh Long đặt trang trọng tại nơi thờ trong Văn Thánh Miếu.
Thật vui
khi được biết, ngày 24-1-2008, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Đặng Văn Bài vừa
có công văn gửi UBND tỉnh Bến Tre, cho biết Cục Di sản văn hóa đã làm việc với
Viện Sử học và cơ quan này có công văn nêu rõ, các nhà sử học đánh giá cao công
lao của cụ Phan Thanh Giản trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa.
Cụ nổi tiếng
thanh liêm, đạo đức, có nhiều đóng góp lớn đối với lịch sử dân tộc trên các
lĩnh vực văn học, sử học… Viện Sử học kết luận: “Với nhận thức mới trên quan điểm
lịch sử cụ thể, nhân vật Phan Thanh Giản xứng đáng được tôn vinh bằng nhiều
hình thức khác nhau”. Đó là sự phán quyết công bằng. Như vậy Phan Thanh Giản đã
được giải oan sau gần 150 năm mang tiếng “bán nước”.
Cụ Phan
Thanh Giản sinh năm 1796, đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa thi Đình năm Bính Tuất
(1826) ở Huế. Cụ là người đỗ Đại khoa tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ.
Năm 1834,
cụ được phong Sung Cơ mật viện. Tháng 9-1835, cụ được phong Hiệp biện Đại học
sĩ, đó là chức quan hàm tùng nhất phẩm, trên thượng thư một bậc. 1848 đổi sang
Thượng Thư Bộ lại; 1851 làm Kinh lược phó sứ Nam Kỳ; 1853 Thượng thư Bộ Hình,
Sung Cơ mật viện; 1856: Chánh tổng tài Quốc sử quán…
Những năm
1836, 1840 bị giáng chức vì can ngăn vua, có năm phải đi khai mỏ vàng ở Thái
Nguyên (1838) sau đó lại được phục hồi chức phẩm. Cụ
là Tổng tài phụ trách việc biên soạn bộ Khâm
định Việt sử thông giám cương mục trong ba năm 1856-1859, là bộ Quốc sử đồ
sộ, lớn nhất thời Nguyễn gồm 53 quyển.
Về văn thơ
cụ có Lương Khê thi thảo gồm 454 bài thơ và Lương Khê văn tập (1876) do các con
tập hợp in sau khi cụ mất. Cụ còn có các tập thơ, nhật ký như Sứ Thanh thi tập,
Tây phủ Nhật ký, ghi chép trong chuyến đi Pháp…
Cụ cùng
Nguyễn Thông đã có công xây Văn Thánh Miếu và lập Văn Xương Các ở Vĩnh Long…Chỉ
ngần ấy thôi cụ cũng đã là nhà văn, nhà văn hóa, nhà sử học lớn của dân tộc.
Nhưng nói
về Phan Thanh Giản từ 150 năm nay có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược
nhau. Không ít người cho rằng ông là người có tội trong việc để mất 6 tỉnh Nam
Kỳ vào tay quân Pháp khi ông làm Chánh sứ toàn quyền đại thần ký hòa ước Nhâm
Tuất 1862, từ đó có câu ca dân gian lên án Phan Thanh Giản “bán nước” “Phan,
Lâm mãi quốc; triều đình khí dân”.
Vua Tự Đức,
ông vua “chủ hòa” đã cho rằng cụ đã làm mất Lục tỉnh Nam Kỳ, nên phán: ”xét phải
tội chết, chưa đủ che được tội” và nghi án “truy đoạt lại chức hàm và đẽo bỏ
tên ở bia tiến sĩ, để mãi cái án trảm giam hậu”.
Các nhà sử
học cũng không đồng nhất quan điểm. Nhiều nhà sử học quê hương Nam Bộ hiểu nhân
cách và khí tiết Phan Thanh Giản đã không đồng thuận với phán xét của vua Tự Đức
và quan điểm của chính sử đương thời.
Năm 1963, ở
miền Bắc, kết luận tổng kết cuộc tranh luận về Phan Thanh Giản trên Tạp chí Lịch
sử, một nhà sử học đã lại lên án Phan Thanh Giảm phạm tội “bán nước”, “dâng
thành hiến đất cho giặc”. Dù vậy, cũng không giải tỏa được băn khoăn của nhân
dân và giới sử học.
Nhưng quan
niệm của đồng bào Nam Bộ lại khác. Ngay sau khi cụ tuẫn tiết, nhân dân Vĩnh
Long đã đưa linh vị của cụ vào thờ ở Văn Thánh Miếu. Nguyễn Đình Chiểu, nhà
thơ, nhà yêu nước cùng thời, cùng sống ở Ba Tri với Phan Thanh Giản lại có thơ
điếu ca ngợi cụ: “Minh tinh chín chữ lòng son tạc…”.
Trong Văn
tế lục tỉnh sĩ dân trận vong, cụ Đồ Chiểu viết về Phan Thanh Giản: “Phan học sĩ
hết lòng mưu quốc”. 10 năm sau khi Phan Thanh Giản tự vẫn, năm 1886, vua Đồng
Khánh đã xét lại công tội của cụ và đã ra chiếu chỉ “khai phục nguyên hàm” và
khắc lại tên trong bia tiến sĩ ở Văn Miếu Huế cho cụ Phan Thanh Giản. Dưới chân
núi Ba Thê, Thoại Sơn, An Giang có đền thờ Phan Thanh Giản từ trăm năm trước.
Ở xã Tương
Bình Hiệp (Bình Dương), từ khi cụ mất, nhân dân đã thờ cụ ở trong Đình làng. Và
ngày 25-8-1924, vua Khải Định đã sắc cho đình Tương Bình Hiệp thờ cụ làm thần.
Bản sắc dịch
ra như sau: “Nay sắc cho xã Tương Bình Hiệp, tổng Bình Phú, tỉnh Thủ Dầu Một phải
phụng thờ Tam giáp Tiến sĩ, Hiệp tá đại học sĩ, Sung cơ mật viện đại thần Phan
Thanh Giản tướng công làm thần giữ nước giúp dân. Vì ông thường linh ứng nên
nhân tiết tứ tuần đại khánh trẫm ban bửu chiếu phong cho ông vào bậc ĐOAN TÚC DỰC
BẢO TRUNG HƯNG TÔN THẦN, chuẩn cho phụng thờ ông làm thần để giúp đỡ và che chở
dân đen của ta…”.
Như vậy
các vua Nguyễn sau Tự Đức đã hiểu đúng công lao của Phan Thanh Giản!
Trước năm
1867, trong thư gửi cho Tổng đốc An Giang và Tổng đốc Hà Tiên, Chánh sứ Phan
Thanh Giản viết: “Lá cờ ba sắc (chỉ cờ Pháp) không thể phấp phới bay trên
một thành lũy ở đó Phan Thanh Giản còn sống…”.
Theo sử
sách thì cụ Phan có ba người con trai là Phan Hương, Pham Liêm và Phan Tôn sau
khi cha mất đã cầm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở Ba Tri, Bến Tre cuối năm
1867.
Khi cuộc
khởi nghĩa bị quân Pháp đàn áp, ba anh em dùng thuyền chạy thoát ra Bình Thuận.
Phan Hương ở lại Phan Thiết, ẩn mình sống bằng nghề nông. Còn Phan Tôn và Phan
Liêm đi bộ ra Huế, sau đó theo Nguyễn Tri Phương ra Bắc chống Pháp, tử thủ bảo
vệ thành Hà Nội. Sau khi bị bắt, hai anh em được đưa sang Pháp.
Năm 1888,
chính phủ Pháp cho về lại Việt Nam, Phan Liêm được bổ làm Phủ doãn Thừa Thiên
và là người làm thầy dạy dỗ Bửu Lâm 10 tuổi, tức vua Thành Thái mới lên ngôi.
Thầy Phan
Liêm đã truyền cho vị vua trẻ ý chí chống Pháp, nên vua đã liên hệ với nhóm Trần
Cao Vân kháng chiến, bị bọn Pháp phế truất, đày sang đảo La Réunion…
Cuối năm
1994, tại Vĩnh Long, hai tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long phối hợp với Hội khoa học lịch
sử đã tổ chức cuộc Hội thảo khoa học lớn về Phan Thanh Giản với ý muốn làm rõ
hơn công tội của cụ.
Cuộc Hội
thảo này có nhiều bài tham luận công phu, sâu sắc, là một bước tiến mới, công bằng
hơn trong đánh giá Phan Thanh Giản. Sau cuộc hội thảo này giáo sư Phan Huy Lê,
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (lúc đó) đã có một bản kết luận sâu sắc
và công tâm.
Có thể đây
là một cơ sở để giúp cho Cục Di sản và Viện Sử học đi đến quyết định “phục hồi
danh dự” cho cụ Phan Thanh Giản năm 2008.
…Người dân
Miền Tây hiểu rất rõ công tội của cụ Phan Thanh Giản, rằng thời kỳ đó, triều
đình Huế là mới là nguyên nhân chính để mất lục tỉnh Nam Kỳ, vì đã quyết “chủ
hòa”.
Cụ Phan
Thanh Giản không thể tự mình làm trái ý vua. Nên không thể quy cho cụ tôi “bán
nước” hay “phản bội Tổ quốc”. Mặc dù cụ vẫn ý thức được hoàn cảnh và trách nhiệm
của mình.
Trong lá sớ
gửi vua Tự Đức trước khi tự vẫn, cụ viết: “Nghĩ tôi đáng chết, không dám sống
cẩu thả để cái nhục lại cho quân phụ”!
Đứng trước
mộ cụ Phan Thanh Giản tôi cứ nghĩ miên man về nỗi niềm lịch sử. Hết lòng vì dân
vì nước nhưng lại không được người đời hiểu mình.
Hơn ba chục
năm qua, tất cả những đường phố, trường học mang tên Phan Thanh Giản đều bị gỡ
bỏ. Tượng cụ ở Châu Thành, ở trường Trung học Cần Thơ cũng bị gỡ. Hẳn nhiên bức
tượng nằm trong lòng dân mới là vĩnh cửu.
Một tin
vui nữa là tại kỳ họp lần thứ 13 HĐND tỉnh Bến Tre khóa VII (ngày 10 và
11-4-2008) đã thông qua việc đổi tên trường THPT Ba Tri thành trường THPT Phan
Thanh Giản từ năm học 2008-2009. Sắp tới tỉnh sẽ dựng lại tượng cụ Phan Thanh
Giản.
Rời Ba
Tri, tôi cứ ước ao không chỉ ở Bến Tre, Vĩnh Long mà tên của Đại thần Phan
Thanh Giản tài hoa, khí tiết sẽ được đặt cho nhiều trường học và đường phố miền
Nam như trước đây.
(Có tham
khảo sách: – Những vấn đề lịch sử về triều
đại cuối cùng ở Việt Nam; TTBTDT Cố đô Huế; Tạp chí Xưa & Nay xuất bản, năm
2002)
-----------------------------------
Tin
Bài Liên Quan:
VNTB
– Ban Tuyên giáo trung ương phải chịu trách nhiệm trong vụ ca sỹ Duy Mạnh!
VNTB – Người
cộng sản đã giết Phan Thanh Giản thêm lần nữa
VNTB – Thiên hạ luận: Đừng đổ lỗi cho
địa phương
VNTB – Bộ Y tế nói một đàng, làm một nẻo?
.
===========================================
.
.
Người cộng sản
đã giết Phan Thanh Giản thêm lần nữa
Phú Nhuận - VNTB
https://vietnamthoibao.org/vntb-nguoi-cong-san-da-giet-phan-thanh-gian-them-lan-nua/
(VNTB) – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo
Trung ương Phan Xuân Thủy đã yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy không phê duyệt đặt
tên đường liên quan đến hai nhân vật lịch sử là Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký.
Kể từ ngày
4-8-1867, cụ Phan Thanh Giản kết thúc đời mình bằng 17 ngày nhịn ăn và chén thuốc
độc tự vẫn vì buồn đau, thương dân thương nước, thì đến ngày 05-01-2022, tức
155 năm sau đó, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lại buộc cụ
Phan Thanh Giản thêm chén thuốc độc nữa khi tiếp tục cho rằng cụ là người có tội
trong việc để mất 6 tỉnh Nam Kỳ vào tay quân Pháp khi cụ làm Chánh sứ toàn quyền
đại thần ký hòa ước Nhâm Tuất 1862, từ đó có câu ca dân gian lên án Phan Thanh
Giản “bán nước”: “Phan, Lâm mãi quốc; triều đình khí dân” (Phan Thanh Giản và
Lâm Duy Hiệp bán nước, triều đình coi thường dân).
Cảo
thơm lần giở trước đèn
Ngày
04-08-2008, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND), Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Bến
Tre, Huyện ủy, UBND, HĐND huyện Ba Tri, các ban ngành, sở, xã Bảo Thạnh (Ba
Tri) đến viếng mộ và đền thờ Phan Thanh Giản ở huyện Ba Tri nhân ngày giỗ của cụ.
Dịp này, Sở
Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cũng đã tổ chức lễ rước và an vị
tượng Phan Thanh Giản tại Khu Di tích Văn Thánh Miếu Vĩnh Long – nơi Kinh lược
sứ đại thần Phan Thanh Giản tuẫn tiết. Pho tượng do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt phụng
hiến. Tượng đúc bằng đồng, cao 85cm, nặng 250 kg, được tỉnh Vĩnh Long đặt trang
trọng tại nơi thờ trong Văn Thánh Miếu.
Cụ Phan
Thanh Giản sinh năm 1796, đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa thi Đình năm Bính Tuất
(1826) ở Huế. Cụ là người đỗ Đại khoa tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ. Năm
1834, cụ được phong Sung Cơ mật viện. Tháng 9-1835, cụ được phong Hiệp biện Đại
học sĩ, đó là chức quan hàm tùng nhất phẩm, trên thượng thư một bậc. 1848 đổi
sang Thượng Thư Bộ lại; 1851 làm Kinh lược phó sứ Nam Kỳ; 1853 Thượng thư Bộ
Hình, Sung Cơ mật viện; 1856: Chánh tổng tài Quốc sử quán…
Những năm
1836, 1840 bị giáng chức vì can ngăn vua, có năm phải đi khai mỏ vàng ở Thái
Nguyên (1838) sau đó lại được phục hồi chức phẩm. Cụ là Tổng tài phụ trách việc
biên soạn bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục trong ba năm 1856-1859, là
bộ Quốc sử đồ sộ, lớn nhất thời Nguyễn gồm 53 quyển.
Về văn thơ
cụ có Lương Khê thi thảo gồm 454 bài thơ và Lương Khê văn tập (1876) do các con
tập hợp in sau khi cụ mất. Cụ còn có các tập thơ, nhật ký như Sứ Thanh thi tập,
Tây phủ Nhật ký, ghi chép trong chuyến đi Pháp…
Cụ cùng
Nguyễn Thông đã có công xây Văn Thánh Miếu và lập Văn Xương Các ở Vĩnh Long… Chỉ
ngần ấy thôi cụ cũng đã là nhà văn, nhà văn hóa, nhà sử học lớn của dân tộc.
Người dân
miền Tây hiểu rất rõ công – tội của cụ, rằng thời kỳ đó, triều đình Huế mới là
nguyên nhân chính để mất Lục tỉnh Nam Kỳ, vì đã quyết “chủ hòa”. Cụ Phan Thanh
Giản không thể tự mình làm trái ý vua. Nên không thể quy cho cụ tội “bán nước”
hay “phản bội Tổ quốc”.
Từ đầu năm
1951, tại thành phố Hà Nội lại có đại lộ Phan Thanh Giản và đến năm 1954 thành
phố Hải Phòng cũng có đại lộ Phan Thanh Giản. Tuy nhiên, sau năm 1955 ở Hải
Phòng con đường này đã đổi tên thành đường Cù Chính Lan cho đến nay; và tại Hà
Nội đến năm 1964 thì đường Phan Thanh Giản cũng đổi tên thành đường Nguyễn Hữu
Huân cho đến ngày nay.
Tại Đô
thành Sài Gòn trước tháng 4-1975, từ ngày 22-3-1955 đường Phan Thanh Giản chính
thức được đặt tên cho một trong những tuyến đường lớn và dài nhất. Ngày
14-8-1975, đường này bị thay đổi tên thành đường Điện Biên Phủ (đoạn từ vòng
xoay cầu Điện Biên Phủ đến vòng xoay ngã 7) theo Quyết định của Ủy ban Quân quản
thành phố Sài Gòn – Gia Định.
Tại quận
Gò Vấp thuộc tỉnh Gia Định cũ, từ sau năm 1955 đã có một con đường quan trọng
mang tên là đường Phan Thanh Giản đi ngang qua khu vực trung tâm quận lỵ Gò Vấp.
Mãi cho đến ngày 4-4-1985, đường Phan Thanh Giản này mới bị thay đổi tên là đường
Nguyễn Thái Sơn cho đến ngày nay theo Quyết định của UBND TP.HCM.
Còn ở
thành phố Cần Thơ trước năm 1975 có ngôi trường trung học Phan Thanh Giản (dành
cho nam sinh) tọa lạc ngay trên đường Phan Thanh Giản. Sau năm 1975, trường này
bị đổi tên thành trường cấp 3 An Cư, và đến năm 1985 lại đổi tên thành trường
Trung học phổ thông Châu Văn Liêm; còn tên đường Phan Thanh Giản bị đổi tên
thành đường Phan Đăng Lưu và không lâu sau lại đổi thành tên đường Xô Viết Nghệ
Tĩnh, giữ nguyên cho đến ngày nay.
Tên đường
Phan Thanh Giản vốn có từ trước năm 1975 ở nhiều thị xã, đô thị tỉnh lỵ và quận
lỵ (hiện nay gọi là thị trấn, thị xã và thành phố) trên toàn miền Nam, tính từ
Quảng Trị cho tới Cà Mau hầu hết đều đã bị thay đổi bằng tên đường khác sau năm
1975, cụ thể như sau: Bạc Liêu: nay là đường Phan Ngọc Hiển; Sóc Trăng: nay là
đường Lê Hồng Phong; Vị Thanh: nay là đường Hải Thượng Lãn Ông; Rạch Giá: nay
là đường Trần Quang Diệu;
Sa Đéc:
nay là đường Nguyễn Huệ; Vĩnh Long: nay là đường 3 tháng 2; Bến Tre: nay là đường
Đồng Khởi; Trà Vinh: nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa; Gò Công: nay là đường Lê
Thị Hồng Gấm; Tân An: nay là đường Phan Văn Đạt; Tây Ninh: nay là đường Cách mạng
tháng 8; Bà Rịa: nay là đường Nguyễn Đình Chiểu; Vũng Tàu: nay là đường Lý Tự
Trọng; Đà Lạt: nay là đường Lê Thị Hồng Gấm; Phan Thiết: nay là một đoạn của đường
Chu Văn An; Nha Trang: nay là đường Pasteur;
Pleiku:
nay là đường Lê Hồng Phong; Kontum: nay là đường Trần Phú; Đà Nẵng: nay là đường
Hoàng Văn Thụ; Huế: nay là đường Lê Quý Đôn.
Tuy nhiên,
tại một số đô thị ở miền Nam tên đường Phan Thanh Giản vẫn được giữ lại và
không bị xóa tên từ trước năm 1975 cho đến ngày nay, cụ thể như tại Mỹ Tho, Lái
Thiêu, Trà Ôn, Tân Châu, Giá Rai.
Đảng
cố tình ‘giết’ Phan Thanh Giản
Trở lại với
văn bản của Ban Tuyên giáo Trung ương nêu ở phần đầu bài viết này, cho thấy dường
như Đảng đang quay trở lại việc ‘định hướng’ cụ Phan Thanh Giản là ‘mãi quốc’.
Dẫn chứng
luôn, cuối 2019 đầu 2020, sau gần 1 tháng, cuốn sách “Phan Thanh Giản – Nhà ái
quốc và người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại: Những năm cuối đời
(1862-1867)” của hai tác giả Phan Thị Minh Lễ và Pierre Ph. Chanfreau đã phải tạm
dừng phát hành.
Cuốn sách
về Phan Thanh Giản từng được nhà xuất bản L’Harmattan (Paris, Pháp) ấn hành vào
năm 2002 có tựa đề “Phan Thanh Gian: patriote et précurseur du Vietnam moderne.
Ses dernières années 1862-1867”, và được xuất bản tại Việt Nam cuối năm 2019 do
dịch giả Phan Tín Dụng chuyển ngữ với tên gọi: “Phan Thanh Giản – Nhà ái quốc
và người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại: Những năm cuối đời (1862-1867)” của
hai tác giả Phan Thị Minh Lễ và Pierre Ph. Chanfreau, liên kết xuất bản giữa
Omega và nhà xuất bản Hà Nội.
Nguồn tài
liệu được các tác giả dẫn chứng khá phong phú: Văn khố Paris, Văn khố Bộ Hải
quân, tập san, tạp chí, báo chí, sách tiếng Pháp và tiếng Việt… Trong đó, các
tác giả đặc biệt nhấn mạnh ba nguồn tài liệu quan trọng: 4 tập bản thảo thư từ
đặc biệt của Phó đô đốc De La Grandière từ năm 1863 đến năm 1868, cùng một tập
tài liệu chưa được mở từ sau cái chết của De La Grandière, trong đó có một lá
thư viết tay của Phan Thanh Giản gửi cho bà De La Grandière. Phần tài liệu này
có được từ cuộc gặp tình cờ của các tác giả với hậu duệ vị Phó đô đốc.
Kế đến là
quỹ vi phim của Bộ Ngoại giao Pháp. Mặc dù được công khai từ lâu, các vi phim
này giúp các tác giả cập nhật một số tài liệu, theo quan điểm của họ là chưa được
khai thác cho đến thời điểm họ tiếp cận. Rồi đến nguồn châu bản triều Tự Đức
(1848 – 1883) – những văn bản này thể hiện nổi bật trách nhiệm của Tự Đức và một
số quần thần trong triều đình.
Được biết,
mục đích của các tác giả khi xuất bản cuốn sách này là công bố các tài liệu
liên quan đến nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản chưa từng được công bố mà họ tiếp
cận được, đối chứng sử liệu và trình bày những góc nhìn, quan điểm mà các tài
liệu mới gợi ý cho họ. Qua thao tác khảo chứng tài liệu, các tác giả đã chứng
minh Phan Thanh Giản là một người yêu nước.
Tuy nhiên,
theo nội dung công văn số 09/CV/XBHN của nhà xuất bản Hà Nội: “Trong quá trình
rà soát lại, NXB Hà Nội nhận thấy một vài nội dung cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng
để có thể chỉnh sửa cho phù hợp hơn”, đồng thời đề nghị tạm dừng phát hành quyển
sách công phu về nhân vật “gây tranh cãi” Phan Thanh Giản để hai bên cùng thống
nhất và tổ chức chỉnh sửa.
Quyết định
không đề cập đến thời gian phát hành trở lại của “Phan Thanh Giản – Nhà ái quốc
và người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại: Những năm cuối đời (1862 –
1867)”.
Người giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo
Trung ương ở thời điểm phát hành công văn số 09/CV/XBHN của nhà xuất bản Hà Nội,
là ông Võ Văn Thưởng, một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng nguyên quán ở
An Phước, Mang Thít, Vĩnh Long.
Trưởng Ban
Tuyên giáo Trung ương hiện nay là ông Nguyễn Trọng Nghĩa, tướng lãnh quân đội,
người xứ Gò Công, Tiền Giang.
.
=============================================
.
.
Trương
Vĩnh Ký có xứng đáng là danh nhân văn hóa?
Hà Nguyên - VNTB
https://vietnamthoibao.org/vntb-truong-vinh-ky-co-xung-dang-la-danh-nhan-van-hoa/
(VNTB) – “Người ta chỉ cần nhìn vào việc ông có cộng tác với người Pháp, còn ông
có làm cho văn hóa dân tộc bao nhiêu thì người ta cứ để đấy đã”.
Ban Tuyên giáo
Trung ương đã yêu cầu không đặt tên đường liên quan đến nhân vật lịch sử có tên
Trương Vĩnh Ký.
“Gần đây,
lịch sử chúng ta cũng minh định lại công tội nhiều bậc tiền nhân bị rơi vào
vòng xoáy khắc nghiệt của thời cuộc, của những góc nhìn lịch sử khác nhau.
Chúng ta nên trả lại tên tuổi cho các vị ấy để con cháu hiểu đúng tổ tiên mình,
bởi không có xưa làm sao có nay.
Tôi rất
mong có ngày đường phố đặt lại những tên như danh tướng trung liệt Võ Tánh, học
giả có công truyền bá quốc ngữ Trương Vĩnh Ký, công thần Phan Thanh Giản,… Họ đều
là bậc tiền hiền có công với nước, có nghĩa với dân” – nhà sử học Nguyễn Đình
Tư, ý kiến.
Một
câu chuyện cũ.
Cuốn sách “Petrus Ký, nỗi
oan thế kỷ” do Nhã Nam và Nhà xuất
bản Tri thức phát hành, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu chủ biên, là một công
trình công phu tập họp các bài viết của nhiều tác giả xưa và nay, đã được Cục
Xuất bản chấp nhận và đã qua thời hạn lưu chiểu theo luật định, tức được phép
lưu hành, được các đơn vị xuất bản tổ chức ra mắt tại Đường Sách Sài Gòn vào
sáng Chủ nhật 8-1-2017.
Giấy mời
tham dự buổi ra mắt đã được gửi đi, nhưng bất ngờ ngày 4-1-2017, một “lệnh miệng”
được ban xuống yêu cầu hủy bỏ buổi ra mắt sách. Nhiều thông tin từ nội bộ giới
hữu quan cho biết lệnh này xuất phát từ ý kiến của một cựu quan chức lãnh đạo
TP.HCM đã nghỉ hưu gửi tới “cấp trên” có thẩm quyền.
Và nay,
ngày 5-1-2022, Ban Tuyên giáo Trung ương phát hành văn bản cho rằng Trương Vĩnh
Ký là nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau, nên các tỉnh ủy, thành
ủy không dùng tên nhân vật lịch sử này để đặt tên đường.
Trong bài
viết giới thiệu tác phẩm biên khảo “Petrus Ký Nỗi oan thế kỷ”, nhà xuất bản Nhã Nam có đoạn nhận định:
“Năm
32 tuổi làm chủ bút người Việt đầu tiên của tờ Gia Định báo (tờ công báo bằng
chữ quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam). Năm 39 tuổi được làm hội viên Hội Á châu
(Société Asiatique). Cũng năm này Trương Vĩnh Ký là người Việt Nam duy nhất được
cử vào làm thành viên Hội đồng thị xã Sài Gòn (Conseil de la commune de
Saigon). Trương Vĩnh Ký đã dịch, soạn, viết ra hàng trăm tác phẩm thuộc nhiều
lĩnh vực khác nhau trong suốt cuộc đời.
Chính
bởi một Trương Vĩnh Ký, một người con Nam Bộ chính gốc, nhiều tài năng nhưng
cũng lắm bấp bênh trong cuộc đời, mà học giả Nguyễn Đình Đầu – một nhà nghiên cứu
nổi tiếng trong lĩnh vực địa lý học lịch sử Việt Nam hiện nay – đã dày công
nghiên cứu về Petrus Ký, thu thập được nhiều tư liệu về Trương Vĩnh Ký trong
Thư viện Hội Nghiên cứu Đông Dương (Société des Études indochinoises), Trung
tâm lưu trữ Hội Thừa sai Paris (Société des Missions étrangères de Paris), đồng
thời cũng đã dịch, chú thích, xuất bản một số tác phẩm của Trương Vĩnh Ký
như Cổ Gia Định phong cảnh vịnh, Gia Định thất thủ, Kim Gia Định phong cảnh
vịnh, Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ, Ký ức lịch sử về Sài Gòn và vùng phụ cận.
Trên cơ sở chuẩn bị nhiều năm, học giả Nguyễn Đình Đầu xuất bản một công trình
như một hồ sơ Trương Vĩnh Ký mang tên Petrus
Ký – Nỗi oan thế kỷ” (dừng
trích).
Biên khảo
về Trương Vĩnh Ký của học giả Nguyễn
Đình Đầu cho thấy bản thân Petrus Ký là một trí thức luôn bị nghi ngờ, bị
coi là tay sai của phe này, kẻ thù của phe kia, đứng giữa hai làn đạn trong
binh biến thời cuộc.
Ông có
quan điểm rất rõ ràng như trong bức thư viết cho nhà địa chất học người Pháp
tên Stanislas Meunier: “Tôi chỉ muốn làm sao cho hai dân tộc này hiểu nhau và
yêu thương lẫn nhau… Chính vì thế mà tôi tiếp tục dịch tiếng An Nam sang tiếng
Pháp và từ tiếng Pháp sang tiếng An Nam, với niềm tin rằng đằng sau ngôn ngữ, đằng
sau câu từ, sẽ là các tư tưởng và rồi sớm có một ngày chúng tôi thông hiểu và
hướng về nền văn minh của các bạn”…
“Cụ không
hô hào người dân ra bưng biền kháng chiến mà kêu gọi dân giữ văn hóa Việt Nam
trong lúc giao thời. Cụ ra đời lớn lên vào buổi giao thời nhưng là người tiên
phong phát triển văn hóa hiện đại Việt Nam trên nền văn hóa cổ truyền, với hơn
100 tác phẩm đã in và 40 tập di cảo”, nhà báo Phúc Tiến, một cử nhân lịch sử,
đưa ra nhận xét như vậy ở tham luận trong tọa đàm ngày 11-9-2020 do Bảo tàng
Báo chí Việt Nam tổ chức.
Ở tọa đàm
này, cũng câu chuyện Trương Vĩnh Ký yêu nước hay không yêu nước, nhà sử học Dương Trung Quốc nói: “Yêu nước thì ai
cũng yêu nước, đừng ai đòi độc quyền yêu nước. Chỉ là chủ nghĩa yêu nước của mỗi
người thể hiện khác nhau, thậm chí xung đột nhau về lợi ích”.
Còn nhà
nghiên cứu Lại Nguyên Ân khẳng định,
với những gì mà Trương Vĩnh Ký để lại thì ông là tác giả quốc ngữ lớn và phong
phú nhất từ khi chúng ta dùng chữ quốc ngữ. Và nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã
than trời rằng: “Người ta chỉ cần nhìn vào việc ông có cộng tác với người Pháp,
còn ông có làm cho văn hóa dân tộc bao nhiêu thì người ta cứ để đấy đã”.
Còn với
ông nghị – nhà sử học Dương Trung Quốc
thì hoàn toàn không ngạc nhiên khi hiện nay vẫn còn những đánh giá chưa đúng về
một nhân vật đa diện như Trương Vĩnh Ký. “Đến nhân vật như Phan Chu Trinh mà lịch
sử còn từng đánh giá là một nhà cách mạng cải lương theo nghĩa tiêu cực nữa là
một nhân vật phức tạp như Trương Vĩnh Ký”, ông Quốc nói.
Chủ trì tọa
đàm, GS-TS. Đỗ Quang Hưng, Đại học Quốc gia Hà Nội, kết luận, Trương Vĩnh Ký là
khối đa diện có nhiều chiều kích, động đến nhiều vấn đề lớn của lịch sử dân tộc
và lịch sử văn hóa cần nhiều ngành nghiên cứu để làm sáng tỏ về con người này.
Tiếc là
Ban Tuyên giáo Trung ương với đứng đầu hiện tại là tướng quân đội Nguyễn Trọng
Nghĩa – một người chính hiệu Nam bộ, lại tiếp tục có cái nhìn qua lăng kính định
hướng chính trị nhiệm kỳ.
---------------------
Tin Bài Liên Quan:
VNTB – Bị kỷ luật
Đảng là đồng nghĩa vi phạm pháp luật?
VNTB – Vì sao niềm tin tư pháp
gãy vụn?
VNTB – Có
thể buộc bà Nguyễn Võ Quỳnh Trang tội giết người?
VNTB
– Liệu có ‘xử’ ông luật sư Trịnh Văn Quyết hành vi thao túng thị trường?
No comments:
Post a Comment