Friday, 25 September 2020

THẾ GIỚI HÔM NAY : 25/09/2020 (The Economist)

 


THẾ GIỚI HÔM NAY : 25/09/2020

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch

25/09/2020

http://nghiencuuquocte.org/2020/09/25/the-gioi-hom-nay-25-09-2020/

 

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak công bố các biện pháp mới để hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch. Chính phủ sẽ bù phần tiền lương của những người bị buộc phải rút ngắn thời gian làm việc nhằm giúp họ giữ được việc làm. Thỏa thuận này, tương tự như Kurzarbeit của Đức, sẽ thay thế kế hoạch tài trợ tiền lương của Anh, vốn trả 80% tiền lương của những người lao động phải nghỉ việc.

 

Một số thành viên chủ chốt của đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ tuyên bố cam kết chuyển giao quyền lực trong hòa bình vào tháng 1 nếu Joe Biden chiến thắng, sau khi Donald Trump từ chối hứa chuyển giao. Mitch McConnell, lãnh đạo đa số tại Thượng viện, đã tweet: “Chuyển giao có trật tự như mỗi bốn năm một lần suốt kể từ 1792.” Các đảng viên Cộng hòa khác, bao gồm Thượng nghị sĩ Marco Rubio của Florida, cũng đưa ra tuyên bố tương tự.

 

Tesla tham gia cùng các nhà sản xuất ô tô lớn khác kiện chính quyền Trump vì cho rằng một số mức thuế nhất định áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là “tùy tiện” và “thất thường”. Ford, Mercedes-Benz và Volvo nói đánh thuế vào phụ tùng và các bộ phận khác là bất hợp pháp. Đơn kiện của họ, được đệ trình lên Tòa án Thương mại Quốc tế ở New York, nêu tên đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer là bị đơn.

 

Nhiều người biểu tình đã bị bắt ở Louisville, Kentucky, sau khi một đại bồi thẩm đoàn tuyên bố sẽ không buộc tội bất kỳ sĩ quan cảnh sát nào về vụ bắn chết Breonna Taylor, một phụ nữ da đen. Một trong ba sĩ quan da trắng giết chết Taylor sau khi đột nhập vào căn hộ của cô mà “không gõ cửa” đã bị truy tố, nhưng lại vì tội gây nguy hiểm cho hàng xóm. Các cuộc biểu tình lan sang một số thành phố khác. Tại Seattle, 13 người đã bị bắt.

Các binh sĩ Triều Tiên đã bắn và thiêu sống một quan chức Hàn Quốc mất tích khỏi tàu tuần tra gần biên giới. Khi tìm thấy anh ta trên biển, quân đội miền Bắc đã giết, đổ dầu lên người và thiêu anh ta, theo Bộ Quốc phòng miền Nam. Họ cho rằng việc đốt xác có thể là nhằm ngăn ngừa coronavirus.

 

Sumitomo Mitsui Trust, một ngân hàng Nhật Bản, thừa nhận đã đếm sai phiếu bầu tại các cuộc họp cổ đông của gần 1.000 công ty niêm yết. Một trong số đó là Toshiba, gã khổng lồ lĩnh vực điện tử, bên cho rằng có hơn 1.000 phiếu qua bưu điện đã không được kiểm đếm trong cuộc họp đại hội đồng vào tháng 7. Nhà đầu tư lớn nhất của Toshiba đã yêu cầu điều tra.

 

Ngân hàng lớn thứ hai nước Úc dàn xếp với các cơ quan quản lý và đồng ý trả khoản tiền phạt doanh nghiệp lớn nhất từ ​​trước đến nay tại nước này. Westpac thương lượng khoản thanh toán 1,3 tỷ đô la Úc (916 triệu đô la Mỹ) cho hành vi vi phạm luật rửa tiền lớn nhất trong lịch sử ở Úc. Các quan chức cho biết một số khoản thanh toán của ngân hàng có thể liên quan đến nạn bóc lột trẻ em.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Biểu tình lên cao ở Mỹ sau phán quyết về vụ Breonna Taylor

Hôm thứ Tư, một bồi thẩm đoàn ở Louisville, Kentucky đã truy tố một sĩ quan cảnh sát vì tội vô cớ gây nguy hiểm liên quan đến vai trò của anh ta trong một cuộc đột kích “không gõ cửa” dẫn đến cái chết của Breonna Taylor, một kỹ thuật viên cấp cứu y tế da đen. Nhưng không có cáo buộc nào chống lại hai sĩ quan đã bắn cô. Người biểu tình đã đổ ra đường, như mọi lần trong những tháng gần đây.

 

Hơn 100 người đã bị bắt. Hai sĩ quan bị bắn. Những sự việc này giờ trở nên quá quen thuộc. Các bồi thẩm đoàn đã từng quyết định không truy tố những sĩ quan giết Eric Garner hồi tháng 7 năm 2014 hay Michael Brown một tháng sau đó. Cả hai quyết định đều dẫn đến biểu tình quy mô lớn và kêu gọi cải cách chính sách của Mỹ. Song vẫn chưa có nhiều thay đổi và cảnh sát hầu như không hề hấn gì khi giết dân thường. Nếu không có gì mới, những chuyện như vậy sẽ còn lặp lại ở Mỹ.

 

Trump chuẩn bị công bố đề cử thẩm phán tối cao

Ngày mai, chỉ một tuần sau khi Ruth Bader Ginsburg qua đời — và vài ngày trước khi chôn cất vị thẩm phán  kì cựu theo tư tưởng tự do — Donald Trump sẽ công bố lựa chọn thay thế bà trong Tòa án Tối cao. Năm người phụ nữ đang được xem xét bao gồm bốn thẩm phán tòa phúc thẩm (tất cả đều do ông Trump bổ nhiệm) và một phó cố vấn Nhà Trắng. Tất cả đều có mối quan hệ với Federalist Society, một tổ chức pháp lý bảo thủ chuyên đào tạo các luật sư trẻ.

 

Với độ tuổi từ 38 đến 52, bất kỳ ai trong số 5 người này đều có thể phục vụ nhiều thập niên tại tòa án tối cao và đảo ngược nhiều tiến bộ trong bình đẳng giới và chủng tộc mà bà Ginsburg luôn ủng hộ với tư cách một nhà vận động và một thẩm phán. Người nổi bật nhất, Amy Coney Barrett,  ủng hộ mạnh mẽ quyền sử dụng súng và phản đối phá thai kịch liệt. Có vẻ như mọi chuyện đã an bài. Sau một vài ngày bất định, có vẻ như đa số thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã sẵn sàng để xác nhận người được ông Trump chọn.

 

Thụy Sĩ trưng cầu dân ý về hiệp ước tự do đi lại với EU

Không giống như Anh, Thụy Sĩ thường tổ chức nhiều cuộc trưng cầu dân ý về cùng một vấn đề để mọi người có thể thay đổi ý kiến. Vào Chủ nhật, họ sẽ bỏ phiếu một lần nữa về câu hỏi mà họ đã từng cân nhắc hồi năm 2014: liệu có nên tái đàm phán quyền tự do đi lại với EU hay không. Vào thời điểm đó, 50,3% bỏ phiếu đồng ý, nhưng EU từ chối đàm phán và Thụy Sĩ phải nhượng bộ. Đề xuất mới cứng rắn hơn từ Đảng Nhân dân Thụy Sĩ (SVP) cánh hữu sẽ buộc chính phủ hủy bỏ hiệp ước tự do đi lại nếu không thể đạt được thỏa thuận mới trong vòng một năm.

 

Tuy nhiên, hiệp ước có sự ràng buộc với sáu hiệp ước khác, bao gồm thương mại và hàng không. Một hiệp ước sụp đổ sẽ kéo theo tất cả. Điều đó có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Thụy Sĩ. Lần này, các cuộc thăm dò cho thấy khoảng 60% người dân phản đối sáng kiến này. Hiện tại ít người lo lắng về vấn đề nhập cư hơn, và trong cuộc bầu cử năm ngoái, SVP cũng đã thua trước đảng Xanh. Các vấn đề khác trong lá phiếu bao gồm mua máy bay chiến đấu và việc cho phép săn chó sói dễ hơn.

 

Đảng lớn thứ ba của Anh tổ chức hội nghị

Hội nghị thường niên của Đảng Dân chủ Tự do bắt đầu hôm nay. Tháng trước, đảng đã bầu Sir Ed Davey làm lãnh đạo, lần thứ tư trong 5 năm. Ông nói các đảng viên “hãy ngửi mùi cà phê” và thức tỉnh trước thực tế rằng các cử tri nhận thấy họ quá xa rời thực tiễn sau ba cuộc tổng tuyển cử với kết quả tồi tệ. Hội nghị — được tổ chức trực tuyến — có thể khiến một số người thất vọng.

 

Sẽ có một cuộc bỏ phiếu về việc bỏ cam kết cứng rắn của đảng đối với việc tái gia nhập EU sau Brexit, điều sẽ khiến nhiều thành viên ủng hộ  ở lại EU tức giận. Đảng cũng phải đối mặt mối đe dọa từ Sir Keir Starmer, nhà lãnh đạo mới của Công đảng. Các cuộc thăm dò cho thấy một bộ phận lớn cử tri của đảng Dân chủ Tự do vào năm 2019 rất ủng hộ Sir Keir, một cựu luật sư nhân quyền ủng hộ chính sách ở lại EU. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu hai bên hợp tác thay vì cạnh tranh nhau. Hầu hết các ghế mục tiêu của Đảng Dân chủ Tự do đều do đảng Bảo thủ nắm giữ, và nằm ở các vùng giàu có không có khả năng bỏ phiếu cho Công đảng.

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats