Thursday 3 September 2020

SAO LẠI YÊU CẦU KHÔNG ĐÀO SÂU NGUỒN GỐC TIỀN MUA PASSPORT SÍP của ĐBQH PHẠM PHÚ QUỐC? (RFA)

 


Sao lại yêu cầu không đào sâu nguồn gốc tiền mua passport Sip của Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc?

RFA

02/09/2020

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/request-not-to-dig-deep-into-the-origin-of-money-to-buy-a-cyprus-passport-of-pham-phu-quoc-09022020153904.html

 

Phát biểu tại buổi họp báo tổ chức chiều 1/9 về vụ việc đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng “không nên đặt vấn đề đại biểu có 2,5 triệu USD từ đâu ra bởi cần phải tôn trọng lời của đại biểu là được gia đình bảo lãnh”.

 

Trao đổi với RFA tối 2/9, Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng đưa ra nhận định:

“Tôi cho rằng đó là lời phát biểu rất vô trách nhiệm. Đầu tiên ông Phạm Phú Quốc đã vi phạm luật pháp Việt Nam, tức quy định đại biểu quốc hội không được có hộ chiếu nước ngoài, lý do tại sao ông ta lại có hộ chiếu nước ngoài ta hoàn toàn có thể điều tra. Trong khi ông Khuê lại nói rằng đó là việc riêng tư, không nên đào sâu thì tôi cho rằng đấy là lời phát biểu thách thức dư luận, không có trách nhiệm.”

 

Theo Blogger Nguyễn Ngọc Già, từng giữ chức Phó trưởng ban Kế hoạch – Dự án và Phó trưởng ban Tư Liệu của Đài truyền hình HTV, ông Phạm Phú Quốc đã vi phạm pháp luật rõ ràng tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội là một đại biểu quốc hội không được phép có hai quốc tịch, chỉ được có một quốc tịch Việt Nam mà thôi.

 

Do đó, blogger Nguyễn Ngọc Già cho rằng phát biểu của ông Phan Nguyễn Như Khuê thể hiện sự bao che cho đồng chí vi phạm pháp luật và không hiểu biết pháp luật. Ông nói:

“Thứ nhất ông Phan Nguyễn Như Khuê không ý thức được tư cách của một đảng viên trong khi ông ấy lại là Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, tức có nhiệm vụ, vai trò rất quan trọng về mặt tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, ông ta đang làm việc sai trái, vi phạm pháp luật, cụ thể là Điều 32 của Luật Tổ chức Quốc hội là quyền chất vấn. Lẽ ra ông Phan Nguyễn Như Khuê phải chất vấn ông Phạm Phú Quốc với góc độ chịu trách nhiệm trước cử tri. Đằng này ông lại không làm điều đáng phải làm, mà lại vi phạm Điều 8 trong 19 điều đảng viên không được làm là bao che cho kẻ vi phạm pháp luật là ông Phạm Phú Quốc.”

 

Vì vậy, theo blogger Nguyễn Ngọc Già, rõ ràng trong sự việc lần này, không chỉ riêng ông Phạm Phú Quốc, mà cả ông Phan Nguyễn Như Khuê đều vi phạm pháp luật.

 

Từng giữ chức nguyên Phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội trong nhiều năm, Luật sư Trần Quốc Thuận nhận định rằng ông Phan Nguyễn Như Khuê với chức vụ Đại biểu Quốc hội, Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban khoa giáo, người phát ngôn chính thức của Thành ủy đã sai khi ngăn cản sự công khai minh bạch về tài sản cán bộ vì trách nhiệm của cán bộ là phải trả lời những câu hỏi này.

 

Bên cạnh đó, phát biểu của ông Khuê theo lời Luật sư Thuận còn vi phạm chính sách của chính phủ Hà Nội:

“Phát ngôn với tư cách cá nhân xét về chủ trương chính sách hoàn toàn sai vì trong kỳ Đại hội đảng 13 lần này giới thiệu những người ra ứng cử để tham gia cương vị lãnh đạo thì Bộ Chính trị, Tổng Bí thư cũng nói những người có tài sản bất minh, nhiều nhà, nhiều đất, tài sản không rõ ràng thì không giới thiệu. Ông này ở nhiều cương vị mà riêng chuyện nước ngoài người ta đưa tin rồi trong nước mới nói theo, thêm kiểu ngăn chặn đầu này, đầu kia rõ ràng vừa không được lòng dân mà không đúng chủ trương ở trên.”

 

Vẫn trong cuộc họp báo ngày 1/9, trả lời câu hỏi về việc ông Phạm Phú Quốc lấy tiền đâu để mua quốc tịch và vì sao ông Quốc từng bị kỷ luật nhưng vẫn được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc IPC, ông Phan Nguyễn Như Khuê đã đề nghị báo chí không nên đào sâu vào vấn đề này.

 

Theo đó, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh khẳng định “bây giờ cứ xoay quanh việc truy tìm làm sao cho bằng được tiền của đại biểu ở đâu ra, có tài sản hay tiền gửi euro để mua quốc tịch là không nên. Chỉ riêng việc không báo cáo kịp thời cho tổ chức đã không đúng quy định rồi.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-congressman-found-in-the-list-of-political-persons-bought-cyprus-passports-08252020165728.html/cyprus.jpg/@@images/865c4435-56f2-4f85-a093-95f8a0bf1d2e.jpeg

Hai người Việt Nam trong Hồ sơ Cyprus, công bố ngày 24/8/2020 gồm Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc và doanh nhân Phạm Nhật Vũ. RFA Edited

 

Với kinh nghiệm cầm bút lâu năm, Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng giải thích vì sao ông Phan Nguyễn Như Khuê lại có phát biểu như trên:

“Theo tôi nghĩ chuyện dư luận xưa nay đã xì xào về chuyện cán bộ cao cấp có hộ chiếu, có tài sản nước ngoài. Nhưng cũng chỉ là sự đồn đoán, dư luận, chưa có gì chính thức. Tôi cho rằng ông Như Khuê nói báo chí không đào sâu thì tôi nghĩ vấn đề của Phạm Phú Quốc là quá công khai, ông ta cũng thừa nhận chuyện đó. Nếu xử lý Phạm Phú Quốc sẽ gây một tiền lệ, chắc chắn nhiều người nữa cũng sẽ như ông Quốc phải minh bạch trước Quốc hội, gây ra cú shock trong xã hội.”

 

Còn theo Luật sư Trần Quốc Thuận, với cượng vị người quản lý cán bộ nhưng phát biểu nêu trên rõ ràng quá sơ hở. Luật sư Thuận cho rằng ông Phan Nguyễn Như Khuê nên xem lại chức năng quản lý cán bộ cho đảm bảo cương vị Thường vụ Thành ủy:

“Điều quan trọng là công tác quản lý cán bộ quá sơ hở, làm sao chống tham nhũng được? Chống tham nhũng thì phải truy tới nơi tới chốn như chống COVID-19. COVID-19 ở Việt Nam chống tốt là vì truy tìm tận gốc F1, F2 rồi truy liên quan. Những người có tài sản bất minh ra ứng cử đại biểu quốc hội, làm lãnh đạo… thì truy gốc tài sản ở đâu, làm ăn thế nào mà có tiền bạc mua chức, mua quyền, mua quốc tịch… Làm không tốt thì làm sao đất nước có người lãnh đạo tốt, dân ủng hộ bộ máy này? Không thì ai ủng hộ những người làm ăn mập mờ, bao che nhau thì ai tin bộ máy này?

 

Trước yêu cầu của Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh với báo giới trong nước, blogger Nguyễn Ngọc Già cho rằng ông Khuê đang bịt miệng báo chí để bao che cho ông Quốc.

 

Với blogger Nguyễn Ngọc Già, đây là hành động không thể tha thứ, ông đưa ra đề nghị:

“Tôi yêu cầu Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Công an phải khởi tố vụ án đối với cả ông Phạm Phú Quốc và ông Phan Nguyễn Như Khuê. Đối với ông Phạm Phú Quốc, phải làm rõ số tiền 2,5 triệu đola từ đâu ông ta có. Đó là bổn phận, trách nhiệm của một đảng viên trước cử tri, trước dân tộc Việt Nam.”

 

Vào ngày 23/8 hãng tin Al Jazeera có loạt bài viết về chương trình hộ chiếu của Cộng hòa Síp (Cyprus) và ông Phạm Phú Quốc được nêu tên trong danh sách những người nước ngoài đã sở hữu hộ chiếu Cộng hòa Síp.

 

Sau thông tin trên, ngày 25/8 ông Phạm Phú Quốc thừa nhận ông có quốc tịch Cyprus từ giữa năm 2018 nhưng "do gia đình bảo lãnh chứ không phải ông “mua” quốc tịch như thông tin từ hãng tin Al Jazeera.

 

Được biết, mỗi tấm hộ chiếu như vậy được bán với giá 2,5 triệu đô la và theo chương trình đầu tư nước ngoài vào Cyprus.

 

Blogger Nguyễn Ngọc Già nhận định trường hợp mua quốc tịch nước ngoài của ông Phạm Phú Quốc không phải lần đầu xảy ra ở Việt Nam. Ông tiếp lời:

“Trước đó có bà Nguyệt Hường, bà Đặng Hoàng Yến cũng là đại biểu quốc hội. Nếu vụ ông Phạm Phú Quốc mà Bộ Chính trị và Chính phủ không xử lý triệt để thì sẽ tạo ra một tiền lệ rất xấu cho các quan chức cộng sản. Họ tiếp tục hành vi vi phạm pháp luật, phản bội tổ quốc, và coi như việc đó chẳng có gì phải lo lắng và bị trừng trị.”

 

Tại buổi họp ngày 1/9, Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân Hà Phước Thắng cho biết đoàn Đại biểu Quốc hội trong tháng 9 này sẽ kiến nghị lên Quốc hội xem xét bãi nhiệm tư cách Đại biểu Quốc hội của ông Phạm Phú Quốc.

 

Ngoài ra, chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Tân Thuận của ông Phạm Phú Quốc cũng bị thành phố đình chỉ.

 

                                                    ***

Tin, bài liên quan

 

Đại hội 13: Điều gì sau ‘hiện tượng hai quốc tịch’ của Đại biểu Quốc hội?

 

Đại biểu quốc hội Phạm Phú Quốc phải giải trình về về việc có quốc tịch Síp

 

Tiền đâu Đại biểu Quốc hội Việt Nam 'chạy' hộ chiếu nước ngoài?

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats