Sunday, 6 September 2020

PHIÊN TÒA ĐỒNG TÂM : "DỌN ĐƯỜNG ĐƯA DÂN LÊN ĐOẠN ĐẦU ĐÀI"? (RFA)

 


Phiên tòa Đồng Tâm: “Dọn đường đưa dân lên đoạn đầu đài”?   

RFA

04/09/2020

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-judgment-will-be-decided-for-29-civilians-in-dongtam-at-trial-on-sep0720-09042020124421.html

 

Tuyên bố “Vụ án Đồng Tâm: Chính quyền từ sai lầm đến tội ác”

 

Tiến sĩ Mạc Văn Trang, vào tối ngày 4/9 lên tiếng với RFA liên quan tuyên bố mới nhất của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng về vụ án Đồng Tâm:

 

“Quan điểm của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng là những người đã trải qua hai cuộc kháng chiến cùng những thăng trầm của lịch sử và đã thấu hiểu được nỗi khổ của nhân dân, cũng như những oan ức trong vụ án Đồng Tâm. Và, hiện nay sắp xét xử về vụ án Đồng Tâm. Đem 29 người dân Đồng Tâm ra xử tội, với 25 người bị xử tội ‘giết người’ và 4 người tội ‘chống người thi hành công vụ’. Nghe được tin đó thì anh, chị, em trong Câu lạc Bộ Lê Hiếu Đằng rất bàng hoàng và kinh khủng quá. Thế thì, chúng tôi đã thảo luận nội dung được trình bày trong bài viết về quan điểm của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng về vụ án Đồng Tâm.”

 

Bản tuyên bố “Quan điểm của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng về vụ án Đồng Tâm: Chính quyền từ sai lầm đến tội ác”, được công bố vào ngày 3/9, trong bối cảnh Việt Nam kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

 

Nội dung của bản tuyên bố này trình bày 10 sai lầm và tội ác của chính quyền trong vụ án Đồng Tâm, bao gồm sai lầm về chính sách ruộng đất và quản lý đất đai; sai lầm về việc cố tình chiếm 59 héc-ta đất đồng Sênh của dân Đồng Tâm; tội ác lừa ông Lê Đình Kình ra cánh đồng, đánh gãy chân và bắt đi; sai lầm: ông Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký cam kết rồi lật lọng; sai lầm về công tác dân vận và thực thi pháp luật; tội ác rạng sáng ngày 9/1/2020; sai lầm bịa đặt các kịch bản; tội ác ép cung nhận tội trên tivi; tội ác ngăn cản sự cứu giúp nạn nhân và trợ giúp pháp lý; tội ác truy tố các nghi can một cách áp đặt.

 

Truyền thông Nhà nước dẫn dắt dư luận vụ án Đồng Tâm?

 

Đài RFA ghi nhận truyền thông Nhà nước Việt Nam đồng loạt đưa tin thông báo của tòa án về phiên tòa sơ thẩm đối với vụ án Đồng Tâm. Nội dung các bản tin tập trung chủ yếu vào những thông tin cáo buộc 29 người dân Đồng Tâm là tội phạm lên kế hoạch giết người kỹ càng, bài bản và có chủ đích. Chẳng hạn, trong tản tin của VTC News, đăng tải hôm 3/9 ghi rõ “với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, những kẻ ở Đồng Tâm dùng dao phóng lợn tấn công khiến 3 chiến sĩ ngã xuống hố sâu, sau đó chúng nhẫn tâm đổ xăng xuống và châm lửa đốt”.

 

Nhà báo tự do Sương Quỳnh đưa ra nhận định với RFA rằng cách thức truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin về vụ án Đồng Tâm và phiên tòa sắp diễn ra trong vài ngày tới là một sự dẫn dắt dư luận một cách trắng trợn. Tuy nhiên dân chúng tại Việt Nam, những ai quan tâm vụ án Đồng Tâm không tin vào sự định hướng dư luận đó.

 

“Bây giờ họ đang dẫn dắt dư luận rằng đây là một vụ giết người, giết chết 3 công an và đây là một nhóm khủng bố. Nhưng người dân không tin. Bởi vì rằng một bằng chứng rõ ràng là khi lực lượng chức năng tập kích vào làng lúc người dân đang ngủ giữa đêm thì đã sai luật rồi. Thêm nữa, lại giết chết một cụ già hơn 80 tuổi, bị què một chân và bắn chết, phanh thây như thế thì người dân đã phẫn nộ vô cùng. Chính quyền không thể biện minh rằng đã làm theo pháp luật được. Nhưng đương nhiên, họ dẫn dắt như thế thì sẽ bất lợi cho 29 người dân Đồng Tâm đã bị bắt khi ra tòa xét xử. Tại vì luật trong tay họ và họ ngồi xổm lên pháp luật. Họ đã quyết xử những người dân Đồng Tâm có tội thì với chế độ này, chắc chắn những người dân Đồng Tâm sẽ có tội, sẽ bị đi tù và thậm chí bị tử hình.”

 

Nhà báo Sương Quỳnh nhấn mạnh rằng dù cho các bản án nặng nề nhất mà tòa án Việt Nam cố tình áp đặt tuyên cho 29 người dân Đồng Tâm thì Chính quyền Việt Nam cũng sẽ bị bất lợi trước công luận thế giới.

 

“Chắc chắn là bất lợi, tức là quốc tế thì người ta có tòa án độc lập và họ sẽ nhìn nhận đâu là vấn đề về pháp lý đúng hay sai. Nhưng về luật quốc tế là đã sai rồi. Về luật của Việt Nam thì chính quyền cũng sai. Thế thì phiên tòa này chỉ làm cho người dân càng căm phẫn hơn vì nhìn thấy rõ hơn bộ mặt sự thật của nhà cầm quyền này. Và, chắc chắn thế giới không thể nào ủng hộ phiên tòa này. Bởi đó là hành vi giết người, chứ không còn đàn áp nữa rồi.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-judgment-will-be-decided-for-29-civilians-in-dongtam-at-trial-on-sep0720-09042020124421.html/1b882f08-410c-463c-bce1-f271a0f144d5.jpeg/@@images/6573f6ea-3b3c-44ed-a0d7-7b8f9639b2fa.jpeg

Đường vào Đồng Tâm bị chặn sau vụ bắt giữ cán bộ và công an ở xã Đồng Tâm hôm 20/4/2017. Reuters

 

Bản án nào dành cho người dân Đồng Tâm?

 

Tuyên bố mới nhất của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng ngoài 10 kết luận về sai lầm và tội ác của chính quyền trong vụ án Đồng Tâm, còn có thêm 4 kiến nghị. Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng kêu gọi chính quyền cần phải nhìn căn nguyên sâu xa và diễn biến của vụ án Đồng Tâm để thấy chính quyền đã mắc hết sai lầm này đến sai lầm khác, và lấy tội ác để khoả lấp đi những sai lầm mà tội ác sau càng khủng khiếp hơn để trùm lấp, xoá đi đi tội ác trước. Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng kiến nghị “các nhà lãnh đạo lắng nghe, suy ngẫm, xử lý vụ án này sao cho hợp đạo lý dân tộc, hợp lòng người”.

 

Một thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng và cũng là người góp phần soạn thảo bản Tuyên bố “Quan điểm của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng về vụ án Đồng Tâm: Chính quyền từ sai lầm đến tội ác”, tiến sĩ Mạc Văn Trang chia sẻ với RFA rằng bản thân ông mong muốn chính quyền sẽ sáng suốt, hiểu lòng dân và đứng về phía nhân dân để trừng trị các nhóm lợi ích, là những kẻ đã gây ra tội ác để lấy lại niềm tin của nhân dân đối với chính quyền trong vấn đề đất đai ở Việt Nam, mà điển hình là qua vụ án Đồng Tâm.

 

Với cái nhìn nhân bản của một nhà giáo dục, tiến sĩ Mạc Văn Trang bày tỏ niềm hy vọng đối với phiên tòa xét xử 29 người dân Đồng Tâm trong vài ngày nữa sẽ được công tâm và đúng pháp luật. Thế nhưng, với kết quả phiên tòa giám đốc thẩm trong vụ án tử tù Hồ Duy Hải, giáo sư Mạc Văn Trang cũng có phần quan ngại tương tự quan điểm của nhà báo Sương Quỳnh. Và, theo ông, trong trường hợp Chính quyền và Tòa án Việt Nam vẫn cương quyết trừng trị vụ án Đồng Tâm theo chủ ý của họ, thì:

 

“Nếu như họ cứ tiếp tục thắng dân bằng mọi giá và áp đặt tội ác của họ lên dân thì từ sai lầm này đến sai lầm khác, từ tội ác này đến tội ác khác ngày càng chồng chất lên thì lòng hận thù của nhân dân đối với chính quyền sẽ càng nung nấu và tội ác tày trời đó sẽ đi vào lịch sử mãi mãi.”

 

Ông Menras André, nhà làm phim tài liệu “Việt Nam: Tiếng gào thét từ bên trong” đón nhận thông tin về phiên tòa xét xử vụ án Đồng Tâm trùng với những thông báo bộ phim có ghi lại hình ảnh cụ Lê Đình Kình cùng người dân Đồng Tâm được tiếp tục chọn trình chiếu ở mốt số liên hoan phim quốc tế.

 

Trong tâm trạng niềm vui phim tư liệu sắp công chiếu xen lẫn nỗi niềm thương cảm 29 nạn nhân Đồng Tâm, ông Menras André vào ngày 4/9 chia sẻ với RFA rằng “đừng mơ tưởng đến một phiên tòa công tâm” cho họ.

 

"Tôi đã theo dõi từ đầu vụ Đồng Tâm và tôi đã thấy thái độ trái pháp, lừa đào, bất nhân, đầy bạo lực từ phía Công an Hà Nội và nhà cầm quyền Việt Nam. Đến cấp cao nhất của chính phủ và Đảng, họ nhất quyết chém đầu của các gia đình dám chống lại cái chính sách cướp đất mà nó là tai họa của đất nước. Như cụ Lê Đình Kình đã nói trong cuộc phỏng vấn của tôi: «… mưu đồ ( của họ) là giết người cướp đất. » Rất tiếc mà thực tế đã xác nhận các lời nói đầy tỉnh táo của cụ. Hơn nữa , trong vụ này công an vừa là lực lượng tấn công, cũng là kẻ giết cụ, cũng là tổ chức điều tra, cũng là kẻ làm chứng trước tòa. Cho nên, ván đã đóng thuyền rồi! Xin đừng mơ phiên tòa xét xử sắp tới không thể công tâm một chút nào cả. Nó sẽ hợp pháp hóa những tội ác đã có từ phía công an cùng những kẻ chủ mưu trong bóng tối và nó sẽ bôi nhọ thêm các nạn nhân vô tội mà thôi. Một phiên tòa như một kịch hề bi hài.”

 

Trong cùng ngày 4/9, mười một tổ chức chính trị, xã hội dân sự trong và ngoài nước công bố một thư chung gửi Liên Hiệp Quốc về việc xét xử các dân làng Đồng Tâm, dự kiến diễn ra vào ngày 7 tháng 9 tới đây.

 

Bức thư chung kêu gọi bà Đại sứ Elisabeth Tichy- Fisslberger, Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cùng Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc yêu cầu Chính quyền Việt Nam thực hiện ba điểm. Thứ nhất, phải xét xử công minh, phiên tòa cần công khai cho thân nhân cũng như các tổ chức phi chính phủ và truyền thông quốc tế tham dự. Thứ hai, phải cho phép các bị cáo được gặp luật sư; chấm dứt hăm dọa các bị cáo để họ có quyền kêu oan theo đúng pháp luật; cũng như không hăm dọa luật sư. Và, thứ ba là đại diện Liên Hiệp Quốc phải được tham dự và tường trình về phiên tòa để giảm thiểu bất công và lạm dụng luật pháp có thể xảy ra.

 

Blogger Phạm Minh Vũ cũng kêu gọi dân chúng ở Việt Nam hãy hướng về phiên tòa ngày 7/9, xét xử 29 người dân vô tội ở Đồng Tâm vì “hôm nay Đồng Tâm thì ngày mai chắc chắn sẽ là chúng ta, vì khi người dân vẫn chưa có quyền tư hữu thì ai cũng sẽ là nạn nhân của những điều luật bất công ấy”.

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats